Sắc màu Cuộc Sống

Lớp học đặc biệt suốt 25 năm không lấy một đồng học phí dành cho trẻ khuyết tật của bà giáo 78 tuổi

Định Nguyễn
Chia sẻ

Suốt 25 năm qua đều đặn mỗi ngày bà Nguyễn Thị Côi đều đứng lớp dạy chữ cho những đứa trẻ thiểu năng trí tuệ, khuyết tật, lang thang cơ nhỡ và không lấy dù chỉ là một đồng học phí.

Lớp học 0 đồng dành cho trẻ khuyết tật, thiểu năng trí tuệ của bà giáo già

Suốt phần tư thế kỷ qua, cứ đều đặn mỗi sáng bà Nguyễn Thị Côi (78 tuổi) tất bật lo công việc ở nhà rồi lại đến lớp học linh hoạt tại ngõ 521 Trương Định, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Bà Côi đến đây để dạy chữ cho những đứa trẻ thiểu năng trí tuệ, khuyết tật hay trẻ lang thang cơ nhỡ. Được cầm phấn đứng trên bục giảng giúp bà Côi quên đi cái tuổi già, cái mệt nhọc của tuổi xế chiều.

Bước vào phòng, một vài em học sinh đến sớm đang ngồi sẵn ở bàn ghế với đủ kiểu hiếu động khác nhau. Thấy người vào có em cười hềnh hệch tỏ vẻ thích chí kèm theo những cái chỉ trỏ, có em thì ngồi nép vào tận góc tường với vẻ e ngại, nhưng cũng có em thì vô tư trêu đùa bạn cùng lớp. Lớp học linh hoạt đặc biệt ấy có 25 học sinh khuyết tật, em ít tuổi nhất mới lên 7 còn người nhiều tuổi nhất năm nay cũng đã ngoài 30.

Suốt 25 năm qua bà Côi miệt mài đứng lớp dạy những đứa trẻ bị khuyết tật, thiểu năng trí tuệ.

Kể về cơ duyên dạy trẻ miễn phí, bà Côi cho biết vào năm 1994 khi đang làm hiệu trưởng trường tiểu học Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai, Hà Nội), quận có chủ trương về việc giúp đỡ các trẻ em lang thang cơ nhỡ, khuyết tật để đảm bảo quyền được học hành và tránh xa các tệ nạn xã hội.

“Cách đây 25 năm tôi được biết UBND quận Hai Bà Trưng tìm giáo viên để mở lớp dành cho trẻ lang thang, cơ nhỡ và trẻ em nghèo. Chủ trương của quận mong muốn các em có quyền học tập không đi lang thang để rồi dính vào tệ nạn xã hội. Vì tình thương yêu các em cũng như khi đó không có ai tham gia nên tôi đã xung phong đứng ra nhận lớp”, bà Côi kể.

Được đứng lớp dạy các em bà côi rất vui.

Sau đó bà giáo Côi đến từng nhà, từng phòng trọ vận động phụ huynh cho con em đi học. Đối với những em sống một mình trên thành phố, cô phải thông qua các nhà chủ trọ thuyết phục, nhờ cậy chỉ mong giúp các em có quyền được học tập vào buổi tối sau thời gian ban ngày đi làm. Những em lang thang cơ nhỡ, mỗi buổi tối sẽ bắt đầu học vào giờ muộn sau khi chúng đi làm về, tắm giặt và ăn uống.

Phòng học lúc bấy giờ diễn ra tại chính căn trọ của những đứa trẻ rong ruổi đường phố. Ở đó không có bàn, không có ghế, chỉ lấy cái hộp đánh giày kê làm bàn. Trời mùa hè nóng nực với một căn phòng ngột ngạt nhưng không có lấy một chiếc quạt, nên mỗi khi lên lớp là cả cô và trò đều mướt mát mồ hôi vì nóng nực. Tuy nhiên, vì lòng yêu thương học sinh nên cô giáo Côi vẫn kiên trì bám trụ, dạy các em từng con chữ.

Lớp học có thành phần học sinh đa số là các em thiểu năng trí tuệ. Chính vì vậy việc dạy học cho các em vô cùng vất vả, phức tạp và đòi hỏi người dạy phải có lòng kiên trì, nhẫn nại. Bà vui khi nhìn thấy sự phát triển của những đứa trẻ mang trên mình những khiếm khuyết riêng. Coi các em như con em ruột thịt nhà mình mới dạy được, chứ không thể dạy như ở lớp học bình thường.

Bà Côi đến tận bàn chỉ bảo từng học trò.

“Tôi luôn tâm niệm rằng cứ kiên trì và mỗi ngày luôn cố gắng một chút để chỉ dạy cho các em. Phương pháp dạy đi dạy lại kiểu gì cũng giúp các em nhớ mặt chữ. Các em đa phần mắc khiếm khuyết về não nên tôi phải kiên nhẫn, mỗi em là một giáo án riêng. Các em tiếp thu được đến đâu thì dạy đến đấy. Có những em học tới 4, 5 tháng nhưng vẫn chưa thuộc được một chữ cái nên tôi phải rèn, dạy các em học hàng ngày, khi nào thuộc mới sang chữ khác”, bà Côi tâm sự.

Trong quá trình học, những năm qua bà giáo già này gặp không ít tình huống khó xử. Nhưng với kinh nghiệm nghề nghiệp, cô đều biết cách xử lý. Ví dụ như có những hôm thời tiết nóng bức đến 40 độ C, các em bị căng thẳng đầu óc, có em thì lên cơn tăng động rồi nói linh tinh thì cô cũng phải thông cảm. Có em còn bị ngất, cô giáo phải bình tĩnh giải quyết bằng cách bấm huyệt cho tỉnh lại. Rồi những lần có em lên cơn động kinh, chính bà giáo Côi sẽ là người sơ cứu để giúp em đó tỉnh lại; hay thậm chí còn gặp những trường hợp phải mang qua viện, bà phải nhờ đến người dân sống xung quanh.

Đặc biệt, cô Côi không bao giờ mắng mỏ, nhiếc móc các em mà phải nịnh bằng việc ra mua quà bánh, kẹo ngọt, nước giải khát cho các em ăn uống để giải tỏa tâm lý. Sau 9 năm theo dự án của quận Hai Bà Trưng, bà Côi giờ cũng đã nghỉ hưu. Khi kết thúc chương trình, tưởng rằng bà sẽ thấy vui vì những gì mình đã làm. Nhưng không, bà lại thấy day dứt.

Bà cho rằng cần phải dạy được nhiều đứa trẻ hơn. Vì thế, sau chủ trương của quận, bà đã tự mở lớp dạy miễn phí cho các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ lang thang cơ nhỡ, trẻ tự kỷ, trẻ khuyết tật bẩm sinh và trẻ thiểu năng trí tuệ.

“Tôi nguyện dành nốt phần đời còn lại để dạy dỗ các em”

Thời gian lên lớp của cả cô và trò đều linh hoạt đúng như tên gọi của lớp học đặc biệt này. Buổi sáng từ 8 giờ rưỡi đến 9 giờ cô giáo sẽ lên lớp, học trò có thể lác đác đến trước hoặc đúng giờ đó. Tới khoảng 10 giờ rưỡi đến 11 giờ thì cô giáo sẽ cho lớp nghỉ. Theo bà Côi, đến lớp thì các em phải được vừa học vừa chơi chứ không thể ép các em phải học suốt. Các em bị thiểu năng về trí tuệ nên vừa dạy vừa phải dỗ, cô giáo hiểu học sinh của mình thì học trò mới chịu nghe lời.

Với bà Côi mỗi trẻ nhỏ là một giáo án riêng, không em nào giống em nào.

Trong suốt 25 năm qua, cô giáo già vẫn miệt mài gắn bó dạy con chữ cho lớp học bán báo, đánh giày rồi đến lớp học linh hoạt này mà không thu một đồng phí nào. Không chỉ vậy, cô Côi còn giúp đỡ các em học sinh về vật chất như xin quần áo cho các em, mua đồ dùng học tập và bánh kẹo cho các em. Nhiều em học sinh ốm, cô đến thăm và mua hoa quả động viên.

“Ngày đi dạy học sinh bán báo và đánh giày, có những hôm nắng mưa hay trời rét quá, các em không đi bán báo, sách vở hay đánh giày được nên không có tiền ăn, tôi thường mua thức ăn và lo cho các cháu ăn uống tối hôm đó. Nếu em nào đi làm mà không được, tôi lại mua sách vở để ủng hộ các em chi tiêu. Ngoài ra, tôi cũng đi xin quần áo để các em được ăn mặc ấm khi mùa đông đến”, cô Côi chia sẻ.

Về phía gia đình, chồng và các con của cô Côi đều rất ủng hộ việc làm thiện nguyện và ý nghĩa của bà. Mỗi ngày lên lớp với học trò cùng bao cung bậc cảm xúc, yêu thương, cảm thông với từng em khiến cho cô Côi thêm phần vui vẻ, cuộc sống thêm nhiều ý nghĩa hơn so với việc chỉ ngồi ở nhà một chỗ vui hưởng tuổi già.

Niềm vui lớn nhất của cô Côi đó là nhìn thấy những đứa trẻ mình dạy dỗ nên người.

Chia sẻ về kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, cô Côi cười và nói, món quà vật chất gần như không có nhưng 25 năm qua, cô nhận được rất nhiều món quà tinh thần, những lời chúc và tình cảm của nhiều thế hệ học sinh dành tặng.

Vui nhất với bà đó là nhiều lớp học sinh trưởng thành, có các em đã lớn khôn và có công việc ổn định vẫn về thăm. Thấy các em trưởng thành, có cuộc sống khá giả nhưng vẫn không quên cô giáo ngày xưa đã dạy bảo mình, cô Côi như được trẻ lại và ấm lòng thêm. Có hai em học sinh mà nữ giáo viên này dạy dỗ suốt ba cấp học, sau khi hoàn thành cấp ba, cô đã liên hệ với trung tâm GDTX để cho các em đi học vì các em đã xuất sắc đỗ đại học.

Còn những em khác không đủ điều kiện để học tiếp đã chọn học hết phổ thông rồi về nhà mở cửa hiệu sơn sửa hoặc buôn bán nhỏ cũng kiếm được thu nhập từ chính sức lao động.

Mặc dù đã sang tuổi 78, dạy các lớp học xã hội miễn phí gần 25 năm nhưng bà Côi vẫn muốn cống hiến và không ngừng suy nghĩ về những đứa trẻ. Đến hiện tại, gia đình không cho cô đi xe đến trường vì sợ cô có tuổi, đi lại không may xảy ra chuyện nên cô đã chọn đi xe ôm theo tháng và vẫn đến lớp học đều đặn không một đồng công.

“Tôi nguyện dành nốt phần cuộc đời còn lại của mình để tiếp tục dạy dỗ các em học sinh tại lớp học linh hoạt này. Ở tuổi này, tôi vẫn thường xuyên tập luyện để rèn sức khỏe, dẻo dai. Tiếp xúc với học trò để giúp các em trở thành những con người có ích cho xã hội, không phải là gánh nặng của gia đình, xã hội. Đó cũng là tâm niệm cả cuộc đời tôi”, cô Côi tâm sự thêm.

Khi được hỏi về lớp học này, bà Đặng Thị Kim Hoa cùng trú tại ngõ 521 Trương Định chia sẻ, bà con khu phố vô cùng cảm phục tinh thần lạc quan và tình yêu thương học trò của cô giáo Côi.

“Bà gần 80 tuổi nhưng vẫn nặng lòng với học trò bị thiệt thòi, đem con chữ đến với các cháu. Ở lớp học linh hoạt, cô giáo Côi luôn quan tâm từng học trò và đặc biệt cô không lấy bất cứ một đồng tiền học phí nào. Chỉ mong cô có nhiều sức khỏe để dạy chữ cho các cháu ở đây. Chúng tôi rất nể phục bà ấy về sự kiên trì, tình yêu đối với những đứa trẻ khuyết tật”, bà Hoa bày tỏ.

Chia sẻ

Bài viết

Định Nguyễn

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất