Sắc màu Cuộc Sống

Lời thì thầm của nàng Na Hang

Khải Anh
Chia sẻ

Huyện Na Hang (tỉnh Tuyên Quang) được ví von như người con gái đẹp ngủ quên giữa núi rừng. Vùng đất thơ mộng này đã khiến người đến thăm phải ngẩn ngơ vì vẻ đẹp nguyên sơ, hùng vĩ. Và cũng từ đây, bao câu chuyện mang đậm đà bản sắc văn hóa, dân tộc đã được kể.

Miền hạnh phúc

Nếu trót yêu những cung đường miền Bắc, chắc hẳn bạn đã từng đặt chân đến Hà Giang với cao nguyên đá Đồng Văn đồ sộ, vịnh Hạ Long xanh biêng biếc màu nước, màu trời hay Mộc Châu với những mùa hoa đẹp rực rỡ. Nhưng Na Hang lại là một câu chuyện khác biệt. Nhịp sống êm đềm như một áng mây bay, đất trời mang vẻ đẹp nguyên sơ, hùng vĩ, Na Hang (tỉnh Tuyên Quang) xứng đáng là một cái tên mới nhưng đầy tiềm năng trong bản đồ du lịch miền Bắc. 

Vùng đất này là nơi sinh sống của đồng bào người Dao, Tày, Thái... Trong tiếng dân tộc Tày, Na Hang có nghĩa là "ruộng cuối". Khi chiếc xe khách bắt đầu men theo những cung đường quanh co, dốc lượn thì các thửa ruộng bậc thang cũng bắt đầu hiện ra, đẹp như một bức tranh! 

Na Hang cách thành phố Tuyên Quang khoảng 110km. Chính vì chưa được khai thác du lịch nhiều nên Na Hang vẫn còn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ, đầy lãng mạn của vùng cao. Nếu đến đây vào mùa xuân, bạn sẽ "ngẩn ngơ" trước  những nhành hoa lê trắng muốt rủ xuống mái nhà cổ kính của người Dao. Sáng sớm, khi cỏ cây còn đang yên ngủ, sương còn giăng kín lối đi các cô gái trong bộ trang phục truyền thống đã vác gùi xuống núi. Cuộc sống yên ả trôi như dòng sông Gâm chảy trong lòng Na Hang.

Mâm cơm của người Na Hang rất giản đơn nhưng đậm đà hương vị núi rừng. Vài bẹ măng đăng đắng, giòn sần sật bọc cùng thịt lợn băm, gà đồi được luộc thơm phưng phức cùng canh khoai nóng hổi... họ tận hưởng hạnh phúc bằng những điều giản đơn nhỏ bé.

Về Na Hang nghe kể chuyện 

Dòng chảy văn hóa, bản sắc của người Na Hang được gìn giữ qua những câu chuyện. Như ở giữa lòng hồ thủy điện Na Hang, nơi hội tụ giữa dòng sông Gâm và sông Năng, có cọc vài (tiếng Tày có nghĩa là cọc buộc trâu) sừng sững. Khối đá cao vút, sững sững giữa dòng nước biếc xanh này đã gắn với truyền thuyết về chàng Tài Ngao.

Hồ thủy điện nằm giữa huyện Na Hang và Lâm Bình có tổng diện tích 15.000ha, mặt hồ quanh năm phẳng lặng. Xuôi thuyền theo con nước, bạn sẽ được tận hưởng những cơn gió dìu dịu len vào trong kẽ tóc. Khi ấy, hãy hít một hơi căng tràn lòng ngực để tận hưởng không khí trong lành mà thiên nhiên ban tặng cho Na Hang. 

Theo dòng sông Gâm, bạn sẽ bắt gặp ngôi đền Pác Tạ nằm chon von trên quả đồi sừng sững. Ngôi đền gắn liền với câu chuyện của hôn thê của vị tướng quân Trần Nhật Duật: "Trong thời gian trấn thủ vùng đất Tuyên Quang xưa, Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật đã đem lòng ái mộ con gái một viên tù trưởng địa phương. 

Cô thiếu nữ miền sơn cước tài mạo, xinh đẹp, tính tình hiền thục lại xuất thân trong một gia đình hiếu học. Sau khi đánh đuổi quân xâm lược Nguyên - Mông, Triều đình đứng ra tổ chức hôn lễ cho Tướng quân Trần Nhật Duật với ái nữ xứ Tuyên. Trên đường đón vị hôn phu của Tướng quân họ Trần về Kinh đô, qua đây gặp cơn lốc xoáy dữ khiến thuyền bị lật.

Người vợ trẻ của Trần Nhật Duật và cả đoàn tùy tùng bị chìm dưới dòng sông. Đã mấy ngày trôi qua, mà thân xác bà vẫn chưa được tìm thấy. Cảm thương trước tình cảnh của bà, Triều đình đã ra lệnh cho toàn dân đôi bờ sông Gâm tổ chức tìm vớt thi thể bà và trọng thưởng cho ai tìm thấy. Khi đó có người trong dòng họ Ma đã vớt được thi thể bà. Để tưởng nhớ người vợ trẻ của Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật, những người dân địa phương đã lập đền thờ ngay tại nơi bà quy thác".

Na Hang mang vẻ đẹp đằm thắm của người thiếu nữ tuổi xuân thì. Trong lòng hồ, trên ngọn đồi hay giữa những thửa ruộng bậc thang đang độ chín vàng, bạn cũng sẽ cảm nhận được sự bình yên trôi qua. Hãy một lần đến Na Hang để bắt gặp những khoảnh khắc rất đỗi êm đềm của cuộc sống, lắng nghe tiếng gió lùa, tiếng suối chảy rầm rì như tiếng vọng từ ngàn xưa.

Chia sẻ

Bài viết

Khải Anh

Photo

Khải Anh

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất