Sắc màu Cuộc Sống

Mỹ Linh bị 'ném đá' vì phát biểu về thực phẩm sạch: Nỗi oan Thị Kính!

Ngô Bá Lục
Chia sẻ

Chỉ vì một cái tít báo cắt cúp không đủ ý, Mỹ Linh vô tình bị cư dân mạng "ném đá" tơi bời. Trong khi nếu nghe hết cả đoạn phát biểu, người ta lại thán phục và tôn trọng bởi sự thẳng thắn và nhân văn của cô.

Mấy ngày qua, cư dân mạng lại ào ào chia làm hai phe tranh luận bởi phát biểu của Mỹ Linh về vấn đề thực phẩm sạch. Lý do bắt đầu từ một vài cát tít báo nói về phát biểu của Mỹ Linh trong một Diễn đàn kết nối giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Mỹ Linh gây tranh cãi với phát ngôn vạ miệng.

Mỹ Linh gây tranh cãi với phát ngôn về thực phẩm sạch

Nguyên văn đoạn phát biểu của cô: “Các vị muốn ăn sạch, thực phẩm là thứ bảo vệ sức khỏe các vị nhất mà các vị muốn rẻ, trong khi đó các vị lại có thể mua những thứ rất là đắt, các vị có thể đi nghỉ, đi ô tô, nhà lầu. Nhưng cái thiết thực nhất cho sức khỏe, các vị lại muốn rẻ. Tôi nghĩ rằng, làm như vậy là không bảo vệ người nông dân và nếu mà vẫn tư tưởng rẻ như thế thì đừng đòi hỏi thực phẩm sạch. Muốn rẻ thì không thể tin được. Bây giờ ở nhà tôi tự trồng, tôi thấy rất là đắt, tôi thấy không hề rẻ tí nào cả. Bởi vì nếu mà rẻ thì nhân công phải rất là mạt hạng, mà khi nông dân được trả những đồng lương mạt hạng thì họ không thể nào làm tốt được, vì có thực mới vực được đạo. Tôi đề nghị Nhà nước và nhân dân cùng làm. Làm sao như Uber, như Grab, nghĩa là chúng ta cũng phải có cơ chế người tiêu dùng, họ cũng đưa cái phản hồi của họ lên và ở đâu có nhiều người, nhiều views, nhiều comment tốt, tức là ở đấy sạch“.

Mỹ Linh gây tranh cãi khi nói về vấn nạn thực phẩm bẩn, thực phẩm sạch. Nguồn Tri thức trẻ

Khi xem clip thì thấy phần phát biểu của Mỹ Linh có vẻ như phản bác lại ý kiến của một vị khách mời trên sân khấu. Thậm chí, đoạn Mỹ Linh nói “nếu các vị vẫn còn tư tưởng rẻ thì đừng đòi hỏi thực phẩm sạch” được cả hội trường vỗ tay tán thưởng với thái độ rất đồng tình. Ấy thế cô lại bị cư dân mạng ném đá ầm ầm cũng chính vì câu nói đó, nào là Mỹ Linh không bảo vệ người nông dân, coi thường người nghèo, sống đời trọc phú,… đến mức Mỹ Linh phải lên tiếng thanh minh và cô tỏ ra rất buồn bã, mệt mỏi dù không giận hờn những người đã sỉ nhục cô.

Mỹ Linh lên tiếng về phát ngôn vạ miệng của mình.

Mỹ Linh lên tiếng về phát ngôn gây tranh cãi của mình.

Ý của Mỹ Linh ở đây, thực chất là muốn người tiêu dùng thay đổi thói quen được hình thành bấy lâu trong tâm lý người tiêu dùng, đó là “tham rẻ”. Tuy nhiên, chính các cụ ta ngày xưa cũng đã từng có câu thành ngữ “của rẻ là của ôi”, và ở cái ý này, thì Mỹ Linh nói “rẻ thì đừng đòi hỏi thực phẩm sạch” là hoàn toàn có lý. Hãy so sánh một mớ rau muống mua ngoài chợ (không xác định được nguồn gốc) và một mớ rau muống trong siêu thị (có kiểm định chất lượng, có nguồn gốc xuất sứ) thì chúng ta sẽ thấy giá cả chênh lệch lớn như thế nào. Cũng là mớ rau muống, nhưng nếu chỉ trồng một cách bình thường rồi dùng các loại phân bón, hoá chất để kích thích mọc nhanh, non, xanh… không coi trọng yếu tố “sạch” thì chi phí đầu tư không lớn. Nhưng nếu vẫn là loại rau muống ấy, người nông dân trồng theo hình thức canh tác mới, sử dụng khoa học kỹ thuật, kỹ lưỡng từ hạt giống, phân bón, nước tưới, thậm chí cả chất đất để trồng… tức là hiện đại hoá nông nghiệp bằng những thiết bị máy móc hiện đại, tuyệt đối đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm …(như một số tập đoàn hiện đang đầu tư cho nông dân ở miền Bắc), thì giá cả mớ rau muống ấy chắc chắn sẽ cao hơn mớ rau trồng bình thuờng kia rất nhiều.

Chúng ta đã từng chứng kiến trên các phương tiện truyền thông, người trồng rau muống đã tưới hàng thùng dầu thải với mục đích làm rau muống phát triển nhanh và xanh non. Rồi nhiều gia đình nuôi lợn sử dụng chất tạo nạc, thức ăn tổng hợp danh cho chăn nuôi quá định mức cho phép, hay tiêm chất kích phọt, giữ tươi thực phẩm bằng chất bảo quản không rõ nguồn gốc, không theo hạn mức quy định,… những người nuôi, trồng hay tiểu thương bán hàng làm trò này, một phần do họ tham tiền mà bất chấp liêm sỉ, nhưng phần khác, cũng từ tâm lý “tham rẻ” của rất người tiêu dùng. Cái tâm lý “rẻ” nhưng phải “ngon” đã góp phần tiếp tay cho những người nuôi trồng thực phẩm, rau quả không có tâm, khiến họ dễ bề làm liều, làm giả. Bởi với chi phí rẻ mạt mà lại cần sản phẩm “tươi ngon” (bằng mắt nhìn) thì buộc họ phải dùng các chất kích thích để đạt được mục đích “ngon” nhưng vẫn “rẻ”. Vậy nên chúng ta sẽ mãi mãi trong vòng luẩn quẩn: Người tiêu dùng muốn “ngon - rẻ”, người sản xuất giả dối để sản phẩm “rẻ” và vẫn đạt được yếu tố “ngon”. Cuối cùng, chính chúng ta đang đầu độc chúng ta một phần bởi tâm lý “ngon - rẻ” này.

Tất nhiên, ở các nước có ngành nông nghiệp tiên tiến thì mục tiêu “ngon - bổ - rẻ” chính là một trong những yêu cầu quan trọng của xã hội. Khi ấy, họ phải dùng những kỹ thuật hiện đại nhất của khoa học để áp dụng vào sản xuất. Tiết kiệm chi phí, tăng năng suất lao động, sản phẩm đạt chất lượng cao với giá thành rẻ dẫn đến giá bán rẻ, phục vụ được số đông người tiêu dùng. Lúc ấy, nhu cầu “rẻ” của người mua hàng sẽ được đáp ứng, mà tiêu chí “ngon” cũng được đảm bảo một cách trung thực và hợp pháp. Tuy vậy, ở nước ta, ngành nông nghiệp vẫn còn lạc hậu, thủ công nên chi phí nhân công tính ra rất cao, thành ra yếu tố “ngon - rẻ” thực sự rất khó đạt được.

Vì thế, Mỹ Linh có ý mong muốn ở giai đoạn này, nếu như chúng ta phá bỏ được thói quen “tham rẻ”, chúng ta sẽ không ăn thực phẩm trôi nổi trên thị trường, mà sẽ sử dụng các loại thực phẩm sạch, có nguồn gốc xuất sứ rõ ràng,… khi ấy, người nuôi trồng thực phẩm sạch sẽ tự tin để tiếp tục làm “sạch”, và những người nông dân khác cũng sẽ phải thay đổi cách nuôi trồng để phụ vụ nhu cầu “sạch” của người tiêu dùng. Ở khía cạnh này, Mỹ Linh thực sự có tầm nhìn xa, đứng về phía người tiêu dùng nhưng luôn bảo vệ những người nông dân một sương hai nắng. Đó là những suy nghĩ rất tích cực và nhân văn của Mỹ Linh.

Mỹ Linh bất ngờ vì phát ngôn vạ miệng.

Với Mỹ Linh, chắc chắn rằng không vì những hiểu lầm này mà cô “chùn bước” trước những vấn đề của xã hội.

Ấy thế mà, chỉ vì tít của vài bài báo mà nhiều người chưa tìm hiểu kỹ đã thi nhau ném đá Mỹ Linh. Đó là thói quen xấu của một bộ phận cư dân mạng, chỉ nhìn thấy bề nổi của vấn đề, chưa cần xem xét kỹ, lại được một số tờ báo giật tít “sốc”, đọc tít thấy “ngứa mắt” là nhao vào chửi rủa, sỉ nhục cô ấy bất biết thực hư thế nào.

Lâu nay, cư dân mạng cũng nhiều phen bị “hố” bởi một số bài báo giật tít không đúng với ý tứ phát biểu của nhân vật trong bài. Vì thế, hãy thật cẩn trọng khi đưa ra một lời bình luận nào đó khi mình chưa đọc kỹ bài, hoặc chưa tìm hiểu rõ bản chất của vấn đề. Còn với Mỹ Linh, chắc chắn rằng không vì những hiểu lầm này của nhiều cư dân mạng mà cô “chùn bước” trước những vấn đề của xã hội.

Xin được khép lại bài viết này bằng ý kiến trên trang cá nhân của nhà báo Nguyễn Quỳnh Hương. Hy vọng những người từng “ném đá” Mỹ Linh có cái nhìn công tâm, khách quan hơn về một người nghệ sỹ luôn đầy ắp cái Tâm với nghề cũng như luôn có quan điểm mạnh mẽ trước những điều xấu, nhưng lại rất nhân văn:

Chị Mỹ Linh là một nghệ sĩ có trách nhiệm xã hội. Chị thường bày tỏ rất thẳng thắn chính kiến như một công dân biết phẫn nộ và day dứt trước những trục lợi đi ngược với lợi ích cộng đồng. Dự án cải tạo Sông Hồng, dự án chặt 6.700 cây xanh Hà Nội, Fomosa…tuyệt đối chẳng liên quan gì đến âm nhạc, nhưng chị Linh không để mình vô can trong tư cách công dân. Tôi nghĩ chị nói về những bức xúc không phải vì cá nhân, mà chị hiểu với tư cách một người có ảnh hưởng đến công chúng - Thông điệp từ chị, phản biện từ chị sẽ mạnh mẽ hơn.

Nếu chị Linh KHÔN, chị chỉ cần nhận sô và đi hát cho ấm thân, nói những lời khéo léo lấy lòng công chúng. Thì chị chẳng bao giờ bị dư luận nổi giận và mang ra làm tiệc.

Nhưng chị Linh có “căn” không chịu được điều xấu và sự khốn nạn. Nên chị cứ phải lên tiếng. Một nghệ sĩ khiêm tốn và tự trọng khi nói về nghệ thuật của mình; nhưng không khoan nhượng trước những thứ xâm hại lợi ích cộng đồng - thì chị Linh đã chọn một cách DẠI khiến người ta phải trân trọng”.

Chia sẻ

Bài viết

Ngô Bá Lục

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất