Sắc màu Cuộc Sống

Lên cổng trời Ngọc Linh săn 'chuột quý tộc'

Theo Dân Trí
Chia sẻ

Khi những thửa ruộng bậc thang bắt đầu ngả sang màu vàng, mùi rượu cần chếnh choánh… ta biết Xuân đang về. Lúc này, trai trẻ Xơ Đăng lại khăn gói lên đỉnh núi Ngọc Linh để săn loại “chuột quý tộc” hay còn gọi là chuột ăn sâm nhằm dâng lên các vị thần linh trong lễ cúng và chiêu đãi các vị khách quý.

Những con chuột ăn sâm

Giữa cái rét se lạnh ở độ cao hơn 1.200m, bà con đồng bào Xơ Đăng trên vùng Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đang hối hả thu vụ lúa duy nhất trong năm để đón xuân về. Người cắt, người đập…đám trẻ con nô đùa trên những đống rơm giữa cánh đồng ruộng bậc thang. Xa xa, thác nước trên núi đổ xuống như dải lụa chảy về đồng ruộng tạo nên một bức tranh thủy mặc.

Hành trình người dân lên “cổng trời” Ngọc Linh săn “chuột quý tộc”

Nhìn từ xa, xã Măng Ri có địa hình như một chiếc chảo lớn, 4 bề được bao quanh bởi dãy núi Ngọc Linh cao trên 1.500 - 2.000m. Dân số hơn 500 hộ với 1.200 nhân khẩu, 100% bà con đều là người đồng bào Xơ Đăng.

Khác với các vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên, bà con Măng Ri đã biết làm ruộng bậc thang từ xa xưa. Chính vì tạo được nguồn lương thực tại chỗ nên mọi gia đình đều không phải lo cái đói mùa giáp hạt. Đây cũng được xem là vựa lúa lớn nhất ở huyện Tu Mơ Rông.

Người dân xã Măng Ri vượt núi lên đỉnh Ngọc Linh săn loại chuột quý tộc

Đặc biệt, trên vùng đất Măng Ri có một “báu vật quốc gia” là sâm Ngọc Linh. Ngoài ra, còn nhiều loại dược liệu quý hiếm như Hồng Đẳng Sâm, Đương Quy, Sa Nhân Tím… Địa hình cao, khí hậu lạnh nên thiên nhiên đã ban tặng những dược liệu quý giúp bà con đồng bào Xơ Đăng đổi đời.

Trên địa bàn xã Măng Ri có đến 90% người dân đều trồng các loại hồng sâm và 60% bà con trồng cây sâm Ngọc Linh. Trừ ngày mùa, thời gian còn lại bà con trong xã đều đi tuần tra trên rừng để bảo vệ những cây sâm Ngọc Linh mà Công ty sâm Ngọc Linh Kon Tum đã giao khoán. Đồng thời, bà con Xơ Đăng cũng tự làm ra những cái bẫy đặt xung quanh vườn sâm Ngọc Linh để bắt loại chuột ăn sâm. Loại “chuột quý tộc” này thường sống trong những gốc cây. Đến mùa hoa và củ sâm Ngọc Linh lớn, loại chuột rừng này “xơi” sâm trước.

Những chiếc bẫy chuột được bà con gài quanh khu vực vườn sâm Ngọc Linh

Già A Ngôm (36 tuổi, làng Đăk Dơn, xã Măng Ri) cho biết: “Khi canh vườn sâm chúng tôi sợ nhất là những chú chuột hay ăn sâm Ngọc Linh từ 3 năm tuổi trở lên. Mùa sâm Ngọc Linh chín chúng cũng trèo lên hái quả cắp về hang ăn dần. Để đề phòng chuột, chúng tôi đã làm những bẫy tre để bắt chúng. Vì loại chuột này thường ăn sâm quý nên chúng tôi thường gọi là “chuột quý tộc”.

Bắt chuột ăn sâm làm đặc sản dâng lễ cúng thần linh và đãi khách quý.

“Nếu tính về độ dinh dưỡng vì loại này được xem là loại ngon nhất vì chúng toàn ăn những cây sâm Ngọc Linh, dược liệu quý nhất nước. Chính vì vậy, loại chuột rừng này khi bắt về đều được bà con sơ chế và gác bếp để mỗi dịp xuân về thì đưa lên tiến dâng những vị thần linh và khách quý đến nhà chơi…”, già A Ngôm nói.

Hành trình săn “chuột quý tộc”

Những ngày cuối xuân, chúng tôi có cơ hội được theo chân những chàng trai trẻ Xơ Đăng đi săn “chuột quý tộc” trên đỉnh Ngọc Linh. Từ xã Măng Ri, chúng tôi mang những chiếc áo ấm và chuẩn bị lương thực cho chuyến đi dài.

A Chung (40 tuổi, làng Đăk Dơn) cho biết: “Trên đỉnh đó toàn sương mù, 3 tháng nắng 9 tháng mưa nên cần phải mang áo mưa và thức ăn, nước uống thì mới có thể ở lâu chờ con chuột dính bẫy”.

Những cây sâm Ngọc Linh nằm trên độ cao 2.000m

Vượt hàng giờ lên những con dốc dựng đứng, đoàn chúng tôi mới đến được những vườn sâm Ngọc Linh được bà con nhận giao khoán. Mỗi người trong đoàn chia nhau khoảng chục cái bẫy rồi đi quanh vườn sâm để gài và kiểm tra những chiếc bẫy cũ xem có con chuột nào dính không. Nhìn chiếc bẫy có vẻ đơn sơ nhưng có thể kẹp cổ những con chuột rừng nặng từ 8 lạng đến cả 1kg.

A Chung nói thêm: “Các vườn sâm Ngọc Linh đều được bà con cắm chông nên người lạ không ai vào được. Tất cả dân làng đây đều được phân công, luân phiên nhau bảo vệ hàng nghìn diện tích sâm ở đây. Trong lúc tuần tra, bà con đã bẫy chuột rừng để phòng ngừa chuột phá hại, ăn sâm quý. Đồng thời, loại chuột này đối với dân làng cũng là một sản vật quý phục vụ những ngày lễ tết, cưới hỏi…”.

Chuột quý tộc (chuột sâm) - món đặc sản vùng cao

“Nếu để ý thì có thể thấy, trên các vườn sâm đề có những dấu chân chuột chạy. Mình cứ dò theo đó, gài bẫy thành từ hàng quanh vườn sâm. Đặc biệt, có thể gài những chỗ chuột hay ở gốc cây, hốc đá, hố, hang, thân cây và những lối mòn trong rừng. Chuột thường quậy phá vào những tháng 3 - 4 là mùa sâm Ngọc Linh ra hoa”, A Chung vừa làm và hướng dẫn.

Hơn một ngày ròng rã trên đỉnh Ngọc Linh, trên tay mỗi người chúng tôi đã thu được 3 - 5 chú chuột sâm mang về gác bếp đón tết.

Rộn ràng đón xuân trên bản cao

Sau một chuyến săn chuột rừng, chúng tôi về với Trung tâm xã Măng Ri. Chúng tôi được mời về một ngôi nhà sàn của bà con Xơ Đăng. Từ xa, một người phụ nữ Xơ Đăng đang cần mẫn ngồi châm lửa cho nồi rượu tết. Phía trên là những hàng măng rừng đã phơi khô…

Núi rừng Ngọc Linh

Ghè rượu được ủ từ mì, nếp cẩm, lá rừng đã nồng hơi men ở góc nhà. Giữa bếp lửa, chị H’Lạng (làng Pu tá, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông) mang ra những chú chuột ăn sâm mới bắt về để nấu đãi khách quý. Chị H’Lạng được xem như “cánh chim đầu đàn” giúp bà con biết trồng lúa trên ruộng bậc thang, chỉ dân lên rừng đưa dược liệu về trồng nhằm phát triển kinh tế.

Chị H’Lạng bộc bạch: “Dân ở đây đều sống trong lòng chảo Măng Ri, ít khi ra ngoài huyện lắm. Cuộc sống dân phấn khởi lên là nhờ vào các loại sâm trên rừng. Những con chuột rừng được người dân bắt về thì thường gác bếp cho khô để ăn trong những dịp cúng nước giọt, cúng máng nước, mừng lúa mới và lễ cầu bình an…”.

Một bữa tiệc đãi khách quý của người Xơ Đăng.

“Thường chuột sâm sau khi phơi khô phải ngâm nước cả ngày mới dùng được. Sau khi thịt mềm thì đem nấu với chuối, măng rừng… Đối với thịt chuột tươi thì xào sả hoặc nướng ăn với lá Blu Kít trên đỉnh Ngọc Linh. Những dịp cưới hỏi, bày thịt chuột ra như một lời kính trọng, chào đón nhà thông gia và họ hàng, làng xóm. Chính vì vậy, những buổi đi tuần tra, canh giữ vườn sâm bà con đều săn chuột rừng để trữ trong gác bếp…”, chị H’Lạng chia sẻ thêm.

Những con chuột sau khi bắt về được gác bếp hàng năm trời mà không bị hư hỏng.

Dịp cuối năm, khi lúa ngoài đồng đã thu, ghè rượu đã thơm thì bà con đồng bào Xơ Đăng lại rộn ràng tổ chức những lễ hội quan trọng. Chị H’Lạng kể: “Tết nước giọt và Tết lửa là 2 tết chính trong dịp cuối năm của bà con Xơ Đăng. Khi mãn mùa lúa, người Xơ Đăng lại sửa sang lại máng nước rồi dân trong làng góp rượu, góp ghè, góp niềm vui để cùng dâng lên thần linh những sản vật là họ làm được trong một năm qua. Qua đó gửi những lời cầu xin cho mưa thuận, gió hòa”.

Tối đến những chú chuột sâm đã hưởng linh khí đất trời được bày ra. Bên đống lửa tại nhà rông, bà con vui vầy thưởng thức thịt bò, heo, gà và tô thịt chuột sâm hầm…

Chia sẻ

Bài viết

Theo Dân Trí

Tin mới nhất