Sắc màu Cuộc Sống

Lăng mộ của vị vua trị vì lâu nhất triều Nguyễn

Theo VnExpress
Chia sẻ

Nằm dưới chân đồi Vọng Cảnh (phường Thủy Xuân, TP Huế), Khiêm Lăng với kiến trúc cầu kỳ, phong cảnh sơn thủy hữu tình là nơi chôn cất vua Tự Đức.

Khiêm Lăng nhìn từ trên cao. Đây là nơi chôn cất vua Tự Đức (1829 - 1883), vị vua có thời gian trị vì triều Nguyễn lâu nhất với 36 năm trên ngai vàng. Lăng được xây dựng từ năm 1866 đến năm 1873 thì cơ bản hoàn thành.

Ngày nay khu vực lăng Tự Đức là một công viên rộng lớn, có suối chảy, thông reo, chim hót. Lăng tẩm vua Tự Đức nằm ở khu vực cao nhất trong khuôn viên Khiêm Lăng; xung quanh lăng được bao bọc bởi rừng thông cổ thụ, cây sứ.

Khiêm Lăng có kiến trúc cầu kỳ, phong cảnh sơn thủy hữu tình với gần 50 công trình ở cả hai khu vực tẩm điện và lăng. Bố cục khu lăng gồm hai phần chính trên hai trục song song, phía trước là núi Giáng Khiêm, sau là núi Dương Xuân và trong khuôn viên có hồ Lưu Khiêm.

Khiêm Cung Môn - khu vực dành cho vua nghỉ ngơi mỗi khi đến đây, được xây dựng hai tầng dạng vọng lâu với hồ Lưu Khiêm ở đằng trước.
Khi mới khởi công xây dựng Khiêm Lăng, vua Tự Đức lấy tên là Vạn Niên Cơ với mong muốn được trường tồn. Tuy nhiên, do công việc sưu dịch xây lăng quá cực khổ, lại bị quan lại đánh đập tàn nhẫn, dân phu xây lăng đã nổi loạn đấu tranh, sử sách gọi là cuộc loạn Chày Vôi. Tương truyền, dân chúng ca thán về việc xây dựng lăng qua hai câu: “Vạn Niên là Vạn Niên nào / Thành xây xương lính, hào đào máu dân”.

Nằm giữa quần thể Khiêm Lăng, điện Hòa Khiêm vốn là nơi vua Tự Đức làm việc, nay là vị trí thờ cúng bài vị của vua và hoàng hậu. Ở đây trưng bày nhiều cổ vật mà vua Tự Đức từng sử dụng như bộ đồ chơi trò xăm hường, cành vàng lá ngọc, đồ hồ.

Mộ phần vua Tự Đức được xây dựng bằng đá thanh được chạm khắc hoa văn tinh xảo, xung quanh được bao bọc bởi hệ thống bửu thành. Đây là kiến trúc đặc trưng của lăng vua chúa triều Nguyễn.

Trước mộ phần vua Tự Đức là nhà bia được xây dựng bằng gạch vồ, lợp ngói lưu ly. Nhà bia hai tầng được chạm khắc hoa văn tinh xảo là nơi vua Tự Đức đặt bia Khiêm Cung Ký.
Bi Đình với tấm bia bằng đá thanh nặng 20 tấn có khắc bài “Khiêm Cung Ký” do chính Tự Đức soạn vào năm 1871 khi Khiêm Lăng hoàn thành. Toàn bài văn dài 4.935 chữ, là một bản tự thuật của nhà vua về cuộc đời, vương nghiệp cũng như những rủi ro, bệnh tật, công và tội của nhà vua trước lịch sử. Vào năm 2015, bia Khiêm Cung Ký được công nhận là Bảo vật quốc gia.

Xung Khiêm Tạ và Dũ Khiêm Tạ nằm cạnh hồ Lưu Khiêm được làm bằng gỗ, lợp ngói lưu ly vàng là nơi xưa kia vua Tự Đức đến ngắm hoa, làm thơ, đọc sách. Ngày nay, Trung tâm Bảo tồn Di tích Huế thường tổ chức ca Huế ở Xung Khiêm Tạ để phục vụ du khách tham quan.

Giống với lăng mộ các vua triều Nguyễn khác, trước khu vực lăng mộ vua Tự Đức cũng có sân chầu. Hai bên sân chầu là tượng các vị quan cùng với chiến mã, voi được khắc tinh xảo bằng đá.

Chia sẻ

Bài viết

Theo VnExpress

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất