Sắc màu Cuộc Sống

Phải làm gì khi gặp cướp dàn cảnh ở Sài Gòn?

Chia sẻ

Dàn cảnh cướp đường, không còn là chuyện xa lạ với người dân sống tại Sài Gòn lẫn Hà Nội. Bạn không chắc lúc nào nguy hiểm có thể đến với mình nên tốt nhất hãy luôn cảnh giác để bảo vệ bản thân.

Mới đây, câu chuyện thoát nguy trong gang tấc khi gặp cướp dàn cảnh trên đường Lý Thường Kiệt, quận 10, do nickname FB H.Đ chia sẻ đã nhận được nhiều sự quan tâm từ cư dân mạng. Đồng thời nhiều bạn trẻ lo lắng trước tình hình an ninh quá nguy hiểm như hiện nay.

Không may lọt vào “tầm ngắm” của cướp

Tầm 9h tối, H.Đ cùng một bạn nữ khác đang di chuyển trên đường Lý Thường Kiệt, quận 10 hướng về quận 5, Hùng Vương. Đây vốn là chốt giao thông khá đông đúc, giao cắt với nhiều tuyến đường chính trong thành phố. Tuy nhiên, hai cô gái lại không may khi lọt vào “tầm ngắm” của những kẻ cướp đường.

Cô kể: “Khi đang vi vu tới đèn đỏ, đoạn gần tới ngã tư Lữ Gia, mình và bạn mình vẫn đang “tám” chuyện. Khi nhìn ngang thì thấy một đôi nam nữ chạy tay ga, mặc áo phông quần lửng, đeo khẩu trang, áp sát xe mình. Đột nhiên, người đàn ông nhìn mình rồi chửi thề. Tính mình cũng khá nóng, bình thường sẽ lên tiếng chửi lại, nhưng mình có linh cảm gì đó không lành. Cô gái ngồi sau khồng hề quay mặt qua hướng mình, và cũng không phản ứng gì khi người đàn ông ấy gây sự vô cớ với mình. Lúc đó, bạn mình, người cầm lái, nghĩ rằng chính họ là người đang cãi nhau, chứ không phải đang muốn gây sự với mình. Mình ôm bạn và đề nghị đi nhanh, không nên dừng lại. 

Đến đèn đỏ Lữ Gia - Lý Thường Kiệt, hắn lại trờ tới nhìn hai đứa mình và tiếp tục chửi thề. Mình im lặng và con bạn nó cũng hiểu ra vấn đề. Đèn xanh nó vượt lên, mình ôm nó chặt hơn và nói: “Nếu nó ép xe, bà lái vững, nếu ko lách được, tui sẽ la to lên! Còn bà đạp nó té càng tốt! Tui sợ là nó không chỉ có hai người, không manh động được!”.

Xe của người đàn ông ấy lấn line và muốn cúp đầu xe mình! Ông ấy vừa chửi vừa chặn đầu: “Tao đập ** mày, tin không? @3$%@*?”

Những cô gái có tay lái yêu thường là đối tượng dễ bị cướp.

Những cô gái có tay lái yếu thường là đối tượng dễ bị cướp.

Lúc này mình cũng chuẩn bị tâm lý la hết công suất, con bạn nó phóng cái vèo, có lẽ đường còn đông và bạn mình lách xe ra được vì có khoảng trống (hên là không có chạy sát lề) nên nó không cúp đầu xe được. Nó dí theo đến 3/2, Lý Thường Kiệt, thì tụi mình lẩn vào đám đông dừng chờ đèn. Chúng nó không làm gì được nhưng mình nghĩ nó có đồng bọn. Lúc dừng đèn có ông kia đằng sau cố chen lên đậu đến kế bên và nhìn hai đứa mình suốt! Rất săm soi và rất gian!

Mình và con bạn chạy như bay về. Cảm ơn trời phật mình đã về đến nhà. Lúc đó hơi hoảng nên không đủ tỉnh táo để nhìn bản số xe hay nhớ rõ nhân dạng”.

Nhanh nhạy nhận diện kẻ gian

Đây là một trong rất nhiều tình huống gặp cướp dàn cảnh từng được chia sẻ trên Facebook, fanpage và nhiều trang báo khiến người đọc hoang mang. Dù dày dạn kinh nghiệm đi đường đến đâu nhưng chắc chắn chẳng ai dám khẳng định mình có 100% may mắn để thoát thân khi gặp chuyện như thế này.

Bọn cướp có chung một số mánh khóe dàn cảnh cướp phổ biến để đưa người bị nạn vào “tròng” đó là quát mắng, tỏ ra giận dữ thù hằn, vu khống bạn giữa đường… nhằm đánh vào tâm lý, cảm xúc, nỗi sợ hãi. Hoặc khéo léo hơn là đóng kịch, giả làm người quen nhận nhau giữa đường để lừa người nhẹ dạ, cả tin.

Hương mắt lồi, nữ cướp đường - người được xem là nỗi ám ảnh của người đi đường Sài Gòn một thời cũng áp dụng chiêu thức này. Kịch bản phổ biến nhất của Hương được nhiều nạn nhân chia sẻ trên mạng là vào vai bạn học cũ để gài “con mồi”. Theo đó khi nạn nhân đang lưu thông trên đường thì cô ta chạy xe sát đến gọi: “Ê, đi đâu đó”, tỏ vẻ rất thân thiết. Nghe tiếng gọi, nạn nhân quay lại nhìn thì Hương liếng thoắng: “Còn nhớ ai không”, hoặc: “Minh phải không, nhìn mặt quen lắm” và khôn khéo moi thông tin cần thiết của bạn cũ.

Nhận diện Hương mắt lồi.

Nhận diện Hương mắt lồi.

Tiếp đó dựa vào những thông tin trên, nữ quái nhắc cho “bạn học” nhớ mình là ai, từng quen nhau như thế nào, vì sao mất liên lạc và xin lại số điện thoại. Trong quá trình trao đổi số điện thoại, nếu “con mồi” móc điện thoại ra thì lập tức một đồng bọn của Hương giả vờ đi ngang và giật ngay trên tay. Nếu không giật được điện thoại “bạn học”, ngay lập tức biến thành nữ quái cùng đồng bọn đánh hội đồng nạn nhân cướp tài sản vì tội: “Chảnh chọe, dám quên người quen”.

Những mánh dàn cảnh cướp đường nổi tiếng ở Sài Gòn

Dàn cảnh ăn vạ ngay ngoài đường

Dàn cảnh cướp giật ngay trước cổng bệnh viện

Bị cướp ngay khi vừa quẹo sang đường

Bị bẻ cong chìa khóa, cướp tiền ngay trên đường

Dàn cảnh bắt cóc trẻ em cướp xe máy (cái này chúng nhắm nhiều vào phụ nữ)

Dàn cảnh hỏi đường để cướp

Dàn cảnh ve quẹt xe để cướp điện thoại, móc túi

…..

(Nguồn: Kỹ năng sinh tồn)

Ứng phó thông minh

Với tình trạng cướp giật biến tướng ngày một nguy hiểm, nhiều mánh khóe, người đi đường - đặc biệt là các bạn trẻ cần bỏ túi những mẹo nhỏ sau, tránh rơi vào “tròng” của chúng một cách dễ dàng.

Im lặng là vàng, hô hoán đúng lúc: Điều này rất quan trọng, nó quyết định đến 80% cơ hội thoát nguy của bạn khi gặp cướp. Không nên phản ứng khi có người kiếm chuyện với bạn ngoài đường, dù là tiêu cực hay tích cực. Tuy nhiên, khi cần, phải biết phản đòn, hô hoán những câu ngắn gọn và dễ hiểu để thu hút sự chú ý của đám đông, kêu gọi sự giải cứu.

Không mang theo nhiều đồ giá trị khi ra đường: Đây là cách chính chúng ta tự bảo vệ mình. Kẻ gian thường nhắm đến những “con mồi” trông có vẻ nhiều tài sản. Các thiếu nữ ra đường thường thích trưng diện đồ trang sức đắt tiền, túi xách hớ hênh… điều này vô tình khiến bạn tự “mời” cướp đến. Càng kín đáo, càng không nổi bật, bạn càng an toàn.

Chẳng may bị cướp, không nên cố đuổi theo, hãy liên hệ với cơ quan chức năng.

Chẳng may bị cướp, không nên cố đuổi trong nguy hiểm theo để tránh những tai nạn đáng tiếc.

Giữ vững tâm lý, tay lái: Cướp thường dùng đòn tâm lý, khiến “con mồi” lo sợ, lạc tay lái và dàn cảnh cướp. Trong câu chuyện của bạn H.Đ trên đây, rất may là cả hai bạn nữ đã giữ vững được tâm lý lẫn tay lái, thông minh cắt đuôi được cướp khi đèn đỏ, bằng cách lẻn vào giữa đám đông. Đây cũng là kinh nghiệm người đi đường nên áp dụng khi gặp đối tượng khả nghi.

Trốn thoát: Khi cảm thấy mình gặp nguy hiểm, bạn nên nhanh mắt tìm ngay một đồn công an hoặc các tòa nhà, công ty có bảo vệ để chạy vào tìm sự giúp đỡ. Nếu ở khu vực vắng người, bạn cũng có thể chạy ngay vào một căn nhà nào đó để nhờ giúp hoặc đơn giản là vừa chạy vào nhà vừa gọi to “Ba ơi, mẹ ơi…” để đánh lừa bọn cướp khi nghĩ bạn đã về đến nhà.

Quan sát kỹ dấu hiệu của cướp: Không phải ai cũng làm được điều này, tuy nhiên, nếu được, bạn nên quan sát những điểm nhận dạng đặc biệt của cướp, biển số xe, màu áo, giọng nói… để nếu không giữ được tài sản, bạn cũng có chứng cứ để cung cấp cho cơ quan chức năng xử lý vụ việc.

Sài Gòn đáng yêu nhưng cũng đôi lúc cũng có nguy hiểm rình rập. Trước khi chờ ai đó bảo vệ mình, bạn nên tự làm điều đó!

Chia sẻ
Tin mới nhất