Khi người trẻ bỏ phồn hoa lên phố núi, tìm lại cuộc sống cho những người điếc

“Hôm nay là ngày ‘lười biếng’, Nhà cùng nhau về quê. Nếu bạn lỡ ghé Quán tham quan, ngồi chơi nha! Nếu bạn muốn mua gì cứ tự nhiên lấy nhé, giá tiền đều có hết rồi. Có một thùng gỗ trước căn bếp nhỏ (phòng số 3), bạn có thể để tiền vào đấy. Còn nếu bạn muốn uống trà, hãy ghé bên kế làng BoHo…"

Bài viết Huy Hậu
Chia sẻ

Không biết vị chủ nhà thú vị ấy, trong năm, vắng nhà bao lần? Hôm thì về quê, bận trồng hoa, hôm ship hàng, hoặc một ngày Đà Lạt mưa ủ dột chẳng tha thiết ra khỏi chăn ấm… thế là vắng.

Để lại đó, cuối con dốc là căn nhà gỗ chưa vội đóng cửa, vài tách trà, dĩa bánh ngọt, và chiếc radio đang chạy dở bản nhạc Lê Cát Trọng Lý dưới tán hồng chi chít quả xanh. Khách có thể ghé thăm mỗi ngày, bất kỳ lúc nào, ở lại bao lâu tuỳ thích.

“Quán của thời thanh xuân” không chủ, không người làm, không bao giờ đóng cửa…

Nơi niềm tin là chất keo gắn kết, tình yêu là điều giản đơn dành cho nhau và thanh xuân lộng lẫy sắp sửa trôi qua đương được chúng ta vẽ lại lần nữa.

Hẹn chủ nhà vào buổi chiều cuối tuần, chủ nhà nài nỉ PV lang thang một chuyến đi lựa đồ hand-made cho Quán. Thế là đồng ý, theo chân chủ nhà lòng vòng khắp ngõ ngách Đà Lạt đang ngày rét mướt.

Chuyến đi hôm ấy không lời. 10 con người, 4 người bình thường cố gắng giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu cùng 6 người câm-điếc. Họ sống như một gia đình.

Thoạt nhìn, Luân (SN 1987) chẳng có gì toát lên phong thái của vị chủ nhà thú vị mà tôi tưởng tượng. Anh chỉ gần 30, khuôn mặt còn nét trẻ, dáng người mỏng tang trong chiếc áo si-đa (lựa lúc sáng) mặc cộc để tiện pha trà, ship hàng, làm xà phòng…, công việc bận rộn suốt ngày.

Gặp khách đường xa, vị chủ trẻ mới có dịp ngồi nhắc nhớ về những ngày xưa cũ. Thả mình xuống chiếc ghế bọc đệm, anh chỉ tay về phía cánh cổng gỗ kỳ diệu. Ở đó, tấm bảng đề “Quán của thời thanh xuân” quệt bằng sơn xanh vàng đã mở ra cuộc đời thứ 2 cho anh.

“Em có biết không? Sau cánh cổng ấy là cả ước mơ, hoài bão thời thanh xuân của anh cho mảnh đất này đấy. Người ta có nhiều lựa chọn để mình sống thật đẹp, thật vui. Còn với anh, thanh xuân một là hãy sống như mình mong muốn, hai là công hiến. Trong lúc đi tìm câu trả lời đó, anh đã gặp gỡ và cơ duyên với Quán như thế”.

Giữa năm 2017, dự án “Quán của thời thanh xuân” được xây dựng tại TP Đà Lạt. Đó là hoạt động cộng đồng đầy tính nhân văn của nhiều bạn trẻ bỏ phồn hoa lên phố núi, cùng nhau làm xà phòng, chiết xuất dầu thơm, pha trà miễn phí… và giúp đỡ cho người không nghe-nói tìm lại cuộc sống.

Hỏi Luân: “Vì sao không phải là “Quán thanh xuân” hay “Nhà thanh xuân” mà cứ phải có chữ “của” vào cái tên gợi nhiều xúc cảm này?”

Anh cười hiền, rằng: “Của trong cái tên quán nghe có vẻ bị dài và trông có vẻ thừa nhưng sự tồn tại của nó là cần thiết: Bởi tuổi trẻ là của chúng mình, không thuộc về ai hết, nó thuộc về thời thanh xuân”.

Từ khi dựng vách, Quán luôn mở cửa chào đón khách phương xa hoàn toàn miễn phí. Giữa Đà Lạt tháng 8, người ta lại được dịp tìm về phố núi, ngồi cạnh nhau, thả mình theo tiếng nhạc trong veo.

Một chiếc hộp hạnh phúc đặt trước cửa phòng số 3, bạn có thể đặt tiền vào nếu muốn. Không cũng không sao, ai cũng sẽ được tiếp đãi nồng hậu như nhau.

Kể về công việc ý nghĩa này, Luân nói: “Anh đã từng trải qua hơn 60 nghề khác nhau, cùng cực chắt chiu từng đồng mà không dám có một bữa ăn uống ngon lành suốt quãng thời gian ở Sài Gòn. Nên anh muốn Quán sẽ là nơi mà mọi người đều có thể tới, tự dọ lựa chọn theo ý thích của mình mà không cần phải suy nghĩ về số tiền phải bỏ ra”.

Trước dự án “Quán của thanh xuân”, Luân cũng từng như bao người trẻ khác - loay hoay tìm kiếm cơ hội được sống đúng với đam mê, tạo ra giá trị nhân văn từ công việc ấy. Ý tưởng cafe người khiếm khuyết đã dấy lên trong anh từ thưở thiếu thời, song nhiều lần thất bại.

Đến năm 2016, Luân quyết định sang Philippines du học. Cũng chính năm đó, cơn bão Hải Yến đổ bộ giết chết hơn 1000 người dân. “Lúc đang cầm ổ bánh mỳ trên tay thì anh bị một đứa trẻ sắp chết đói cố gắng cướp miếng ăn. Anh mới nhận ra: Mình cố làm giàu cho bản thân để làm gì khi cách biệt giàu nghèo trong xã hội vẫn còn quá lớn?” - Luân khắc khoải về đứa trẻ ấy.

Anh bỏ ngang việc học, về quê nhà Lâm Đồng và bắt đầu những ý tưởng điên rồ đầu tiên. “Thực sự, thời điểm đó anh chẳng còn gì ngoài 2 bàn tay trắng và cây đàn của mẹ nuôi để lại. Anh đã chấp nhận đấu giá cây đàn hơn 140 triệu đồng để bắt đầu tất cả”.

Bằng số tiền cỏn con ấy, chàng trai trẻ lên kế hoạch dự án “Nhà của thời thanh xuân”. Nhưng lần nữa gặp thất bại. Luân đành thuê mảnh đất nhỏ, sửa chữa khu nhà hoang, và thu lượm tất cả đồ đạc tận dụng được để làm vật dụng trang trí. May mắn, sự điên rồ của Luân nhận sự ủng hộ của nhiều bạn trẻ giúp sức.

Và “Quán của thời thanh xuân” có cơ hội ra đời.

Nó là ước mơ ấm ủ từ lâu trong Luân. Nơi người trẻ tìm về phố núi để vẽ nên thanh xuân riêng mình, và cùng nhau dang tay giúp đỡ cho nhiều người yếu thế hơn tìm lại nghị lực cuộc sống. Luân luôn gọi họ là người điếc, thay vì khiếm thính hay khuyết tật, đó là sự tôn trọng.

Không ít người sau này hỏi Luân về sự đánh đổi lớn chỉ để xây dựng giấc mơ cho người khác? Anh cười, kể lại câu chuyện nhỏ thay câu trả lời.

“Là một buổi trưa nọ, thấy Dung (cô bé câm) ra ngồi trước quán, ê a.

Luân hỏi: Dung đang làm gì thế?

Con bé trả lời (bằng ký hiệu): Em đang tập hát.

Cuộc sống của người điếc đã đầy thiệt thòi, mặc cảm,… đôi khi khiến họ rúc mình lại trong vỏ bọc. Nhưng ngay cả một cô bé câm như Dung cũng có ước mơ giản đơn thành người bình thường thì sao không thương. Ở Quán, người điếc có quyền ước mơ như vậy.”

Họ tìm đến Quán trong vô vàn hoàn cảnh, trăm tiếng lòng khác nhau. Người hoảng loạn vì không được thấu hiểu, người mất khả năng giao tiếp với gia đình, người muốn có cuộc sống mới,… Quán của thời thanh xuân đã chờ và chấp nhận tất cả.

“Cái khó khăn lớn nhất của tụi anh là không hiểu các bạn (người điếc) nói gì và ngược lại, mình phải giải thích mọi thứ thế nào. Nhưng khi đã đi một chặng đường dài, bước vào thế giới của nhau, bây giờ thậm chí không cần ra dấu, chỉ nhìn nhau, tụi anh đã hiểu câu chuyện đó”.

Ở “Quán của thời thanh xuân”, 4 bạn trẻ sống cùng 6 người điếc. Họ dạy nhau cách pha trà, làm bánh ngọt, sản xuất xà phòng, chiết xuất tinh dầu… Cứ thế, sau 2 năm ở Quán, người điếc trưởng thành sẽ “tốt nghiệp”, trở về nhà và có thể sống tự lập.

Còn người trẻ, là những cô cậu đôi mươi chấp nhận bỏ phố lên núi, góp tiền dựng Quán vẫn tiếp tục những công việc không công ấy cả đời.

Chàng trai Quán Chiếu (1989) đã từng có một công ty riêng với mức sống khá giả tại Sài Gòn. Vậy mà, không tìm thấy niềm vui giữa guồng quay tiền bạc, anh từ bỏ. Về phố núi, Quán Chiếu thực sự hạnh phúc từ việc san sẻ cuộc sống cùng những con người mới.

Hay Như Quỳnh (1993), cô bạn từng hơn năm rưỡi làm việc tại Sài Gòn. Chỉ sau một lần lên Đà Lạt và 10 ngày tình nguyện ở “Quán”, Quỳnh đã quyết ở lại đây. Bắt đầu công việc không lương, học hỏi từ đầu, và vấp phải vô vàn khó khăn… Song với Quỳnh, mỗi ngày thức dậy đều là một niềm vui.

Ban ngày, họ cùng nhau chăm nom Quán trà, phục vụ khách. Đêm đến, lại là học trò, theo học lớp ngôn ngữ ký hiệu do thầy Quang (người câm) đứng lớp. Không chủ, không người làm, không rào cản giao tiếp,… Quán thời của thời thanh xuân là mái nhà chung.

Như tách trà sớm Quang pha, như chiếc bánh ngọt vàng giòn Tiến tỉ mẩn nướng, như bộ đồ si-da Mây thích mua cho cả bọn, như cách Quỳnh hay chăm lo từng miếng ăn, như Quán Chiếu luôn lặng lẽ đi sau để ngắm nhìn tất cả,… Và như Luân, dành cả thanh xuân để sống phần đời người khác.

“Em có biết sau khi thanh xuân này đi qua rồi, tụi anh làm gì nữa không?”

“???”

“Sẽ có một trang trại của thanh xuân cho mọi người làm việc. Cuối năm sau, là chuyến đi của thanh xuân khắp Việt Nam. Rồi 5 năm nữa, là vòng quanh thế giới. Và 10 năm sau cùng, một viện dưỡng lão của thời thanh xuân ra đời, tụi anh sẽ sống với nhau về già. Người trẻ-người điếc tất cả thành tri kỷ…”

Bài viết

Huy Hậu

Thiết kế

Công Hải

Chia sẻ
tag-icon