Sắc màu Cuộc Sống

Khi con trẻ thừa ‘kiến thức’ thiếu ‘tâm hồn’

Ngô Bá Lục
Chia sẻ

“Kiến thức” ở đây chính là số lượng môn học, số lượng sách sở, số lượng tiết học của các em học sinh luôn ở mức độ quá tải, trong khi những thứ thuộc về “tâm hồn” cũng như các kỹ năng sống thì thực sự quá thiếu.

Cách đây vài hôm, có 2 clip học sinh đánh nhau được tung lên mạng, lại khiến mọi người phẫn nộ. Đầu tiên là clip nhóm các em học sinh tiểu học, làm nhục hội đồng một cậu bạn. Ngoài đánh, chửi, chế giễu, chúng còn bóp vào chỗ kín của cậu bé tội nghiệp, khiến em chỉ biết cúi mặt khóc nức nở chịu đòn. Clip thứ 2 là cảnh hai cô bé 14 tuổi đánh nhau giữa đường chỉ vì ghen tuông, nghe nói là cùng “yêu” một chàng trai nên sẵn sàng “xử” nhau để tranh giành “mối tình bọ xít”.

2

Nam sinh bị một nhóm các em khác liên tục đánh đấm, tát vào mặt (Ảnh cắt từ clip).

3

Nhóm nữ sinh sinh năm 2002 đánh nhau giữa đường chỉ vì “tranh giành” tình yêu.

Chuyện trẻ con đánh nhau là điều không tránh khỏi, nhưng càng ngày, độ “dã man” càng tăng cao, không chỉ làm đau đớn về thể xác mà còn gây tổn thương nặng nề về tâm hồn. Nếu như trước đây, trẻ con xích mích với nhau thường được bạn bè can ngăn, cùng lắm mới lao vào nhau đấm - đá nhưng thường cũng được người ngoài nhảy vào ngăn chặn. Còn ngày nay, có khi chỉ một xích mích nhỏ, trong lúc “người trong cuộc” chưa muốn “chiến tranh” thì bạn bè lại hùa vào, kích động khiến những mẫu thuẫn từ vụn vặt biến thành căng thẳng và chúng sẵn sàng lao vào đánh nhau, thậm chí đoạt mạng nhau như báo chí đưa tin thời gian qua.

4

Các hình ảnh, video về đánh đập hội đồng đang phổ biến và lan tràn trên mạng xã hội.

Ngoài những vụ “giải quyết” tay đôi, thì hiện tượng “đánh hội đồng” rồi quay clip tung lên mạng giờ rất phổ biến, với bọn trẻ, chúng tỏ ra vô cùng thích thú, như là một “chiến công” - đó là một thực trạng đáng báo động, vô cùng nguy hiểm.

Tôi đã từng nhiều lần tự hỏi, tại sao bây giờ trẻ con lại “manh động” thế? Có phải là do nền giáo dục của chúng ta đang đi sai cách? Hay là tại các gia đình đã quá “thờ ơ” với con cái của mình, chỉ biết kiếm tiền đáp ứng những nhu cầu sinh hoạt của chúng, còn việc giáo dục nhân cách, bồi dưỡng tâm hồn gần như “bỏ qua”? Hay là cả hai: Nhà trường và Gia đình đều có lỗi?

Bản thân không phải là một nhà nghiên cứu giáo dục, nên không có câu trả lời chính xác. Nhưng, những gì mà con trai tôi, những đứa cháu tôi, bọn trẻ con hàng xóm và nhiều em học sinh tiểu học inbox trên facebook của tôi,… đang trải qua trong quá trình học tập ở trường, đã cho tôi thấy, các em đang quá thiếu những kiến thức xã hội, ấy là các kỹ năng mềm, các hoạt động ngoại khoá,… trong khi khối lượng “bài vở” lại quá nặng nề, áp lực đối với các em.

Bored Student in Classroom --- Image by © Michael Prince/Corbis

Vấn nạn đang diễn ra trong giới trẻ hiện nay đang khiến nhiều người phải lo ngại.

Con trai tôi năm nay 8 tuổi, đang học lớp 3. Mỗi sáng tôi đưa hai anh em chúng xuống phố ăn sáng, tôi toàn phải xách cặp hộ chúng. Cặp của bố đeo ngang hông, 2 cái cặp sách khoác hai vai, hai tay dắt hai đứa - là hình ảnh của tôi mỗi sáng. Không phải vì tôi chiều chuộng chúng, mà thực sự tôi rất thương, bởi trong những cái cặp kia là khối lượng sách “khổng lồ” nặng trịch. Đến như tôi còn cảm thấy trĩu vai thì chúng chịu sao nổi khi đứa nào cũng nhỏ thó, bé bỏng.

Nhiều khi tôi cứ thắc mắc là tại sao mới lớp 3 mà chúng học nhiều đến thế? Ngày nào cũng 5-6 môn. Trong thời khoá biểu của con trai tôi, thứ Năm là “thảm hoạ” nhất, vì có tới 17 quyển sách - vở trong cặp, thật…khủng khiếp. Một đứa trẻ 8 tuổi, nặng 25 cân, đeo một cái cặp nặng trịch với một đống sách vở, học trong một ngày, thì bộ não nào có thể thu nạp được mớ kiến thức bòng bong ấy?

Tôi còn nhớ khi tham dự một show truyền hình thực tế trên VTV với vai trò là một chuyên gia, sau 2 số phát sóng, facebook của tôi có rất nhiều cháu học sinh trung học cơ sở vào kết bạn, sau đó tâm sự và hỏi han rất nhiều. Gần như 100% câu hỏi của các cháu xoay quanh vấn đề ứng xử, kỹ năng giao tiếp, xử lý các tình huống va chạm trong các mối quan hệ hàng ngày, hoặc định hướng nghề nghiệp,…

8

Do thiếu kỹ năng sống, trẻ thường co cụm và thiếu bản lĩnh trong cuộc sống.

Các cháu nói rằng, những vấn đề này chúng dường như không biết hỏi ai, vì trên lớp thì học kiến thức, về nhà thì cha mẹ cũng hiếm có thời gian, hoặc nếu có được giải đáp thì cũng qua loa, chiếu lệ. Những vấn đề này tôi cũng gặp khi đi nói chuyện về định hướng nghề nghiệp cho học sinh một số trường trung học, điểm chung nhất là các em quá thiếu sự chỉ dạy về kỹ năng sống, không có những trải nghiệm thực tế, thiếu các hoạt động vui chơi để phát triển tự nhiên, đã thế, lại có quá nhiều cám dỗ xung quanh như môi trường Internet không kiểm soát được nội dung, các quán Games mọc lên nhan nhản gần khu vực các trường học, điện thoại, máy tính, ipad đều bạt ngàn trò chơi,… vì thế, nếu tranh thủ nghỉ ngơi các em lại lao vào chơi game thay vì phải có không gian chạy nhảy và tìm hiểu thiên nhiên, đời sống bên ngoài.

Trẻ con đang mất dần tuổi thơ bởi thời gian dành cho những thiết bị điện tử, TV, điện thoại do sự vô tâm của người lớn.

Trẻ con đang mất dần tuổi thơ bởi thời gian dành cho những thiết bị điện tử, TV, điện thoại do sự vô tâm của người lớn.

Với áp lực quá tải trong việc học kiến thức ở trường, trở về nhà thì bố mẹ cũng không có nhiều thời gian quan tâm đến suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng của con, và thế là, những đứa trẻ chỉ có nạp kiến thức lý thuyết vào đầu, không được nuôi dưỡng tâm hồn, thiếu kỹ năng ứng xử với mọi mặt đời sống,… từ đó dễ nảy sinh các vấn đề tiêu cực, coi đánh nhau như một trò tiêu khiển, vui sướng và hào hứng với trò đánh hội đồng một đứa bạn “yếu thế” rồi tung lên mạng khoe chiến tích, cái ÁC được nảy sinh từ sự vô thức và sẽ dần lớn lên theo năm tháng, đó chính là điều vô cùng nguy hiểm cho những mầm non tương lai.

Sinh thời, Bác Hồ đã dạy rằng, giáo dục tiểu học là bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách cho trẻ, lên trung học cơ sở là rèn rũa các kỹ năng mềm, mở rộng hiểu biết về đời sống - xã hội,… có như thế, các em mới đầy đủ cả kiến thức, tâm hồn, kỹ năng sống để hoàn thiện bản thân khi đủ tuổi bước vào đời.

Chia sẻ

Bài viết

Ngô Bá Lục

Tin mới nhất