Sắc màu Cuộc Sống

Kẻ dùng dao súng khống chế nữ y tá Viện tâm thần đã phạm tội gì?

Định Nguyễn
Chia sẻ

Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, đối tượng khống chế, bắt giữ nữ y tá Viện Pháp y tâm thần Trung ương 1 làm con tin đã phạm tội bắt giữ người trái pháp luật và sử dụng súng trái quy định.

Trần Đức Anh (23 tuổi, trú phố Đào Tấn, phường Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội) khống chế chị Lê Thị Hà, nhân viên y tá của Viện Pháp y tâm thần Trung ương 1 tại cửa hàng bán hoa gần số 105, khu Lương Thực, thị trấn Thường Tín, TP. Hà Nội. Sau gần 2 giờ vây ráp, Phòng CSHS (PC45 - Công an TP Hà Nội) cùng lực lượng công an đã bắt giữ được nghi can.

Hiện công an đang tạm giữ thanh niên này để điều tra làm rõ hành vi. Đại tá Dương Văn Giáp, Trưởng phòng PC45 cho biết, hành vi của Trần Đức Anh phạm tội Bắt giữ người trái pháp luật. Công an Hà Nội đang chỉ đạo Phòng cảnh sát hình sự và các lực lượng chức năng tiếp tục làm rõ.

Đối tượng Trần Đức Anh tại cơ quan công an. Ảnh ANTĐ

Liên quan đến vụ việc trên, trao đổi với chúng tôi, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn luật sư Nguyễn Anh) cho biết, hành vi của nghi can sử dụng vũ lực khống chế ép buộc nữ y tá Viện Pháp y tâm thần Trung ương có dấu hiệu phạm Tội bắt, giữ người trái pháp luật.

Hình ảnh nữ y tá bị đối tượng khống chế bắt làm con tin.

Rất đông người dân có mặt tại hiện trường.

“Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự. Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Động cơ, mục đích không phải là dấu hiệu bắt buộc. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra cũng cần phải làm rõ mục đích phạm tội để có căn cứ xử lý đúng bản chất vụ việc. Trong trường hợp đối tượng, nếu có căn cứ xác định nghi can khi thực hiện hành vi phạm tội do sử dụng chất ma bị ảo giác thì vẫn phải chịu trách nhiệm về hậu quả đã gây ra theo Điều 14.

Phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác “Người phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”. Bởi lẽ, pháp luật đã nghiêm cấm sử dụng sử dụng chất kích thích mạnh như ma túy. Nếu công dân cố tình sử dụng mà không làm chủ hành vi của mình gây hậu quả cho xã hội thì sẽ bị xử lý tương ứng theo quy định của pháp luật”, luật sư Thơm nêu rõ.

Về khẩu súng đối tượng sử dụng khi thực hiện hành vi phạm tội, luật sư Thơm cho rằng, Cơ quan chức năng cần xác định đó là khẩu súng thật hay giả. Trường hợp nếu là súng thật thì cần thiết phải trưng cầu Cơ quan chuyên môn xác định là loại vũ khí quân dụng hay tương tự vũ khí quân dụng.

Nếu là vũ khí quân dụng, đối tượng sẽ bị truy cứu TNHS về Tội tàng trữ, sử dụng vũ khí quân dụng theo Điều 230 BLHS 1999 và Điều 307 BLHS 2015. Nếu khẩu súng đó là tương tự vũ khí quân dụng thì sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 167/2013.

Điều 123. Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật

1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Đối với người thi hành công vụ;

d) Phạm tội nhiều lần;

đ) Đối với nhiều người.

3. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.

Chia sẻ

Bài viết

Định Nguyễn

Tin mới nhất