Sắc màu Cuộc Sống

Kẻ đa tình bậc nhất Tây Bắc: Lấy 7 vợ, có 23 con và vô số cháu

Theo VTC News
Chia sẻ

Bản Hua Ty là nơi ông Thào Nhịa Dia, người đàn ông nổi tiếng đa tình bậc nhất Tây Bắc, bởi có 7 bà vợ, vô số con cháu sinh sống.

Ngay cạnh bản Cha Lại B, là bản Hua Ty, cũng thuộc xã Co Mạ, giữa rừng đặc dụng Copia, là “vương quốc” của ông Thào Nhịa Dia, người đàn ông nổi tiếng đa tình bậc nhất Tây Bắc.

Chúng tôi đã từng ghé thăm gia đình ông Dia từ 4 năm trước, khi hay tin người đàn ông dẻo mỏ này mới rước bà vợ thứ 7 về nhà của mình. Thế nhưng, lần trở lại này, mới ngỡ ngàng nghe tin ông mới qua đời vì đột quỵ.

Lão Dia đẹp giai, to cao, phong độ, với bộ râu quai nón nhìn “đàn ông chất ngất”, mồm miệng lại dẻo, khiến không chỉ bà góa, mà gái trẻ chưa chồng cũng si mê điêu đứng.

Nhưng giờ, lão Dia đã nằm dưới ngôi mộ xếp đá nơi sườn núi. Người vợ thứ 7 của lão, là chị Giàng Thị Và, mới ngoài 30 tuổi, bằng tuổi người con thứ của lão, đã có 4 con với lão Dia, vừa mới sinh hạ thêm một người con nữa cho lão, bỗng trở thành góa phụ.

Lão Dia hồi còn sống, người nổi tiếng đa tình bậc nhất Tây Bắc vì có tới 7 vợ và vô số con, cháu.

Nhớ lại chuyện mấy năm trước, khi tôi ngồi trò chuyện với chị Và một lúc, thì lão Dia thồ nước ăn từ dưới suối lên. Lão đội chiếc mũ rộng vành như cao bồi miền Tây nước Mỹ. Có khách phương xa đến, lão kêu mấy người vợ đi đuổi gà đen đãi khách. Nhìn cảnh các bà vợ nói chuyện ríu rít với nhau, thật khó tin nổi vẫn còn kiểu gia đình năm thê bảy thiếp ở thế kỷ này.

Lão Dia sinh ra trong gia đình đông anh em, bố mẹ là cán bộ huyện. Khác với những chàng trai Mông ngày đó, lão được bố mẹ cho đi học tại trường Nội trú khu tự trị Tây Bắc. Vốn là người thông minh, sáng dạ bố mẹ lão rất hy vọng sau này lão sẽ là một cán bộ tốt.

Thế nhưng, học đến lớp 7, khi tròn 15 tuổi, Dia đã muốn lấy vợ, vì quả tim cứ đập rộn ràng khi thấy gái đẹp. Đẹp giai, lãng tử, đàn môi điêu luyện, nên nhiều cô gái Mông cứ mê mẩn như bị bỏ bùa mê thuốc lú, quên cả lối về.

Rồi Dia nhất quyết đòi bố mẹ cho lấy Lý Thị Sua rất xinh, quê mãi huyện Sông Mã. Thật không thể tin nổi, đám cưới linh đình diễn ra giữa chàng Dia 15 và nàng Sua mới 13 tuổi. Hai năm sau thì Sua sinh gái đầu lòng, còn chàng tiếp tục dùi mài kinh sử tại trường Nội trú khu tự trị Tây Bắc. Khi đó bố mẹ lão vẫn hy vọng, lão sẽ tiếp tục theo con đường học hành để sau này làm cán bộ.

Cả ngày cày cuốc làm lụng vất vả để nuôi 7 bà vợ cùng đàn con đông đúc.

Thế nhưng, ở trường, lão lại cưa đổ cô bạn học Mùa Thị Mái. Bị lưới tình làm mờ mắt, Mái đã đồng ý làm vợ bé của lão Dia.

Lão dẫn vợ hai về, xin phép vợ cả cho Mái ở cùng một mái nhà. Lạ thay nàng Sua đồng ý cho Mái làm em của mình và làm vợ của lão.

Mới ngoài 20 tuổi mà lão Dia đã có 2 vợ. Cũng bởi vợ bìu con díu nên lão bỏ luôn cả nghiệp học hành làm cán bộ. Lão về bản tiếp tục sự nghiệp… “trồng người” của mình.

Bà Sua, vợ cả là người mắn đẻ, chung sống với nhau hơn chục năm bà đã cho “ra lò” 13 người con, trong đó có 7 con gái, 6 con trai. Bà hai cũng sinh cho lão 1 cậu con trai.

Những tưởng khó khăn vất vả đó sẽ khiến cái tính lãng mạn, đa tình của lão không còn đất sống, nào ngờ sau những chuyến chở đậu tương xuống huyện Thuận Châu bán, lão đã để ý tới một người phụ nữ đã có chồng là Và Thị Lánh (SN 1975).

Theo như lời lão Dia, cô Lánh rất đáng thương. Lánh đã có chồng, chưa có con, vợ chồng sống không hạnh phúc. Lánh thường xuyên bị chồng đánh, bữa cơm nào cũng chan đầy nước mắt, tủi cực. Đến năm 1990, Lánh bị chồng ruồng bỏ. Thương phận liễu yếu đào tơ, lão đã về nhà bàn với 2 bà vợ của mình xin đón nàng Lánh về ở cùng. Chỉ sau vài năm cô Lánh này cũng đã có 4 đứa con với lão.

Người vợ thứ 7 của lão Dia.

Người vợ thứ 4 đến với lão cũng hết sức tình cờ. Cô này tên là Quàng Thị Thanh (SN 1973) là người Thái, ở huyện Thuận Châu đã có chồng và 3 đứa con nheo nhóc. Chồng của Thanh buôn bán ma túy nên bị bắt, rũ tù. Hoàn cảnh của mẹ con cô Thanh lúc đó rất đáng thương. 4 mẹ con ở trong ngôi nhà dột tứ bề, đứt bữa thường xuyên.

Một ngày đầu xuân, cây cối tốt tươi đâm chồi nẩy lộc, lão Dia đã thưa chuyện này với bà vợ cả. Không ngờ bà Sua không trách chồng mà cùng lão xuống tận xã Chiềng Ly để đón bà vợ thứ 4 cũa lão về nhà.

Người vợ thứ 5 của lão là chị Nguyễn Thị Hải, người Kinh, quê gốc ở Vĩnh Phú. Chị Hải cũng có số phận long đong, chồng mất sớm, để lại cho chị một người con trai. Chị Hải bán hàng xén, ngày ngày rong ruổi với xe hàng lang thang khắp chốn. Chẳng hiểu “trời xui khiến” thế nào mà chị lại dừng chân bán hàng tại Co Mạ. Và, ở đây, chị đã gặp lão Dia. Biết lão đã có tới 4 người vợ, nhưng tơ hồng trời buông, chị vẫn mê tít.

Lão Dia cũng nhiệt tình dang tay đón thiếu phụ cơ nhỡ đó làm vợ thứ 5 của mình. Đứa con trai của chị Hải là Nguyễn Văn Long cũng được lão nhận là con của mình và được đặt thêm tên của người Mông là Thào Pó Của.

Như để chữa thẹn, khi câu chuyện “lấy nhiều vợ” đang vào hồi gay cấn thì lão Dia khoe, lão không phải là người nhiều vợ nhất ở đất Co Mạ này. Ông ngoại lão có tới 9 người vợ, trong đó có cả người vợ quê ở nước bạn Lào. Theo lão thì ông ngoại có tất cả 37 cô con gái và 6 người con trai.

Không biết có phải do “noi gương” ông ngoại mình hay không mà lão vẫn chưa chịu “dừng bước”. Bà vợ thứ 6 đến với lão như một điều tất yếu, như duyên tiền định không thể chối từ.

Bà vợ này có cái tên rất mĩ miều là Nguyễn Thị Phương Oanh (SN 1965) - người Kinh. Người vợ thứ 6 này của lão quê gốc ở Hưng Yên, từng lang bạt kì hồ khắp nơi buôn bán thuốc Tây và chưa lấy chồng.

Một ngày đẹp trời, bà Oanh về bán thuốc tại cửa rừng Co Mạ. Loanh quanh thế nào mà bà này lại ở nhờ nhà lão Dia. Chứng kiến cảnh lão vợ nọ con kia, bận bịu tối ngày, bà đã đem lòng thương xót. Từ thương rồi thành yêu lúc nào chẳng hay. Yêu quên luôn cả lối về, bà Oanh tự nguyện “nhập khẩu” vào đại gia đình của lão.

Lão Dia hồi còn sống, cùng đàn con lít nhít của người vợ thứ 7.

Lão Dia là người đi đầu trong phong trào trồng rừng ở xã Co Mạ. Không những thế hằng ngày lão còn đi khắp các bản, vận động bà con tham gia trồng, phủ xanh đất trống đồi trọc. Chính trong những ngày dài đánh vật với đất, với cây đó lão đã quen chị Giàng Thị Và (SN 1983) ở bản Hua Ty B, xã Chiềng Bôm.

Và lấy chồng đã 13 năm mà không có con. Họ đã đi chạy chữa khắp nơi để kiếm một mụn con mà không thành. Chán cảnh vợ chồng sống với nhau quạnh quẽ, chồng Và đã đi tìm người khác. Khi người tình của chồng có thai, anh chồng này cũng bỏ luôn người vợ sau bao năm má ấp vai kề.

Thấu hiều hoàn cảnh của Và, lão Dia đã động lòng trắc ẩn. Lão đã được “tập đoàn thê tử” đồng ý đón chị Và này về nhà “góp gạo thổi cơm chung”. Thế là sau gần 30 năm mải mê chinh chiến và yêu đương, lão Dia cũng đã kịp nâng số vợ của mình lên con số 7.

Với 7 bà vợ, lão Dia có cả thảy 23 đứa con. Những người con lớn đã lập gia đình, còn lại toàn lít nhít. Trụ cột là lão không còn nữa, những người đàn bà ở lại, đành phải đùm bọc yêu thương nhau, mà chăm sóc bọn trẻ lít nhít.

Những người con của lão Dia với các bà vợ, lấy vợ lấy chồng, sinh con đẻ cái đông đúc, lập nên cả một đại gia đình ở một góc bản Co Mạ.

Rời đất Co Mạ, tôi có cảm giác vừa ra khỏi một nơi kỳ lạ, cứ như thời tiền sử. Nhìn bốn bề núi non trọc lốc, mùa mưa mà nắng chói chang, khô cháy, quả thực không hiểu họ sống kiểu gì. Xưa kia, rừng rú hoang rậm, thú đầy rừng, cá đầy suối, nhưng giờ, đến con chuột chẳng còn, suối sông trơ đá, quả thực tương lai bọn trẻ ở vùng đất của những cặp vợ chồng siêu đẻ này rất bi kịch.

Chia sẻ

Theo

VTC News

Tin mới nhất