Sắc màu Cuộc Sống

Hưng Yên: Người dân khóc ròng vì nhãn lồng mất trắng sau bão Mirinae

Cường Ngô
Chia sẻ

Những tưởng nhãn lồng Hưng Yên sẽ có một mùa bội thu, nhưng cơn bão số 1 đi qua đã tàn phá thành quả lao động của người dân suốt một năm trời. Nhìn cảnh vườn nhãn đổ ngổn ngang, bật gốc, quả rụng chi chít, mới thấu hiểu nỗi thất vọng, xót xa của các nhà vườn.

Cách thành phố Hà Nội khoảng 50 km, tỉnh Hưng Yên được nhiều người biết đến là vùng trồng nhãn lồng lớn và nổi tiếng với truyền thống lâu năm. Nhãn là nguồn thu nhập chính của hàng trăm hộ gia đình nơi đây, nhưng vừa qua, cơn bão số 1 đã cướp trắng “bát cơm” của họ.

Người dân nơi đây khốn đốn vì sắp đến mùa thu hoạch, nhưng nhãn non rụng kín sân, cây đổ ngổn ngang do bão Mirinae tàn phá nặng nề. Các vùng trồng nhãn trứ danh như Khoái Châu, Hồng Nam, Phương Chiểu, Thủ Sỹ, Tân Hưng… đều thất thu nặng. Người dân đứng ngồi không yên vì nhãn không tiêu thụ được. Những quả to bán cho thương lái thu mua làm long nhãn với giá rẻ mạt 3.000 đồng/kg.

Vùng nhãn Hưng Yên rụng như vãi thóc. Khoảng giữa tháng 8 mới vào vụ thu hoạch, nhưng đã bị cơn bão số 1 cướp trắng, nông dân chỉ chỉ biết xót xa.

Vùng nhãn Hưng Yên rụng như vãi thóc. Khoảng giữa tháng 8 mới vào vụ thu hoạch, nhưng đã bị cơn bão số 1 cướp trắng, nông dân chỉ chỉ biết xót xa.

Anh Nguyễn Văn Nam (45 tuổi, ở xã Hồng Nam, TP Hưng Yên) chia sẻ, gia đình anh trồng hơn 300 gốc nhãn lồng trên một mẫu đất. Năm nay nhãn được mùa, dự tính thu được 3 - 4 tạ/cây, khoảng gần 10 tấn/vườn, nhưng bây giờ rụng hết chưa còn phân nửa.

Năm nay thời tiết nắng đẹp, nhãn phát triển ổn định, không bị sâu cùi, những tưởng sẽ có một mùa bội thu, nhưng nào ngờ bão ập đến quét hết tất cả. Mỗi một cây này giờ không đến một 10kg/cây”, anh Nam than thở.

Nhiều cây đổ rạt, ngổn ngang.

Nhiều cây đổ rạt, ngổn ngang. Có những cây không thể nào khôi phục được, phải trồng mới. Tuy nhiên, trồng mới phải mất 5 - 7 năm mới cho quả.

Chị Nguyễn Thị Hương (31 tuổi, ở Khoái Châu, Hưng Yên) không nén được sự mệt mỏi và thất vọng: “Chúng tôi chẳng còn gì cả, nhãn non gặp mưa lớn, sau đó nắng lên, quả vào cùi không có nước thì khô, trái rụng hết. Chăm sóc bao nhiêu năm, cây mới trưởng thành cho quả, giờ bị bật gốc, đổ ngổn ngang, phải chặt bỏ, trồng lại”.

Tại vườn nhãn gần 1ha đất của gia đình anh Long (Tân Hưng, Hưng Yên) nhãn non rụng chi chít sân, nhiều cây không còn một quả. Anh Long dù có thâm niên trồng nhãn lâu năm, nhưng cũng đành bất lực trước sự đỏng đảnh của thời tiết. “Trông trời, trông đất, trông mây chứ biết làm sao được. Nông dân như chúng tôi, cả năm gò lưng chăm bẵm tiền vốn thì vay ngân hàng, chỉ chờ đến vụ bán mới có tiền nhưng xem ra năm nay lỗ nặng”, anh Long buồn bã nói.

Nhiều người phạt chặt cây do chính tay mình chăm sóc.

Nhiều người phải chặt cây do chính tay mình chăm sóc.

Trao đổi với PV Saostar, cô Bắc (Trưởng thôn Nễ Châu, Xã Hồng Nam, TP Hưng Yên) cho biết, hiện tại nhãn non gãy cành treo trên cây còn rất nhiều, quả khô và không vào cùi. Năm ngoái, giá nhãn lồng bán được khoảng 30. 000 - 35. 000 đồng/kg. Hiện tại, không ai đến mua nhãn non, những quả to bán được cũng chỉ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Thời điểm này đi đâu ai cũng kêu chán. Như năm nay chúng tôi chết đói. Bỏ ra mấy chục triệu tiền phân bón, nhưng không thu được đồng nào. Sau hôm bão ước tính thiệt hại khoảng 60%, nhưng bây giờ thiệt hại ngày càng nhiều, khoảng hơn 80% rồi“.

Khi được hỏi về biện pháp giải quyết, cô Bắc nói trong tuyệt vọng: “Giải quyết làm sao được, cây gãy cành thì phải chặt bỏ, nhãn non thì chưa ăn được, khổ lắm“.

Nhãn rụng đầy vườn vì mưa bão không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người dân mà giới thương lái cũng khóc ròng. Hàng năm, bắt đầu từ tháng 8 trở đi, nhiều thương lái ở các tỉnh lân cận như Hà Nội, Hải Dương, Vĩnh Phúc… tìm về Hưng Yên. Họ vào tận vườn các hộ gia đình để đặt trước 10% tiền cọc cho chủ nhà để mua. Sau đó, thương lái sẽ có xe tải đến tận nơi để chở về bán với giá cao. Nhưng năm nay, nhãn không có để bán, họ cũng trở nên khốn đốn.

Ngoài nhãn lồng, các loại cây ăn quả khác như chuối, ổi, đu đủ… cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của bão. Theo thống kế của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hưng Yên khoảng 1.000ha chuối đã bị gãy đổ. Những dòng chuối “đặc sản” như tiêu hồng đổ rạp khoảng 50%.

Sở NN-PTNT Hưng Yên ước tính sơ bộ khoảng 1.100ha nhãn của tỉnh đã bị thiệt hại nặng nề, nhất là khu vực TP Hưng Yên tỉ lệ rụng quả trên 50%, các vùng khác rụng từ 30 - 50%. Ngoài ra, trên 700ha rau màu bị ngập, nhiều loại cây cảnh, đu đủ cũng tan hoang.

Chia sẻ

Bài viết

Cường Ngô

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất