Huân, Sài Gòn và những yêu thương dạt dào dành cho người khuyết tật

'Sài Gòn được di dưỡng bởi nghĩa và tình. Đến sinh sống và lớn lên ở đây, mình coi Sài Gòn như một 'ân nhân'. Trải qua những ngày dịch bệnh, mình chỉ biết góp chút sức để san sẻ nỗi khó khăn của người khác', anh Chu Văn Huân (ngụ quận Gò Vấp) chia sẻ.

Bài viết Khải Anh
Chia sẻ

Những suất cơm 0 đồng của Huân

Lúc 5 tuổi, anh Chu Văn Huân được mẹ dắt tay lên Sài Gòn. Sài Gòn trong đôi mắt anh khi đó là những con phố lấp lánh ánh đèn, dãy nhà san sát, tòa Trung tâm thương mại chọc trời...

Mẹ Huân là người khiếm thị. Không có đôi mắt sáng nhưng mẹ có một trái tim dạt dào yêu thương. Ngày nhỏ, mẹ anh bán đồ ăn vặt trước cổng trường, cạnh bên là xe cá viên. "Mẹ đã hỏi mình rằng con có muốn ăn không, mình gật đầu. Rồi mẹ lấy trong túi ra những tờ tiền được gấp phẳng phiu, mua cho mình một đĩa. Đó là món cá viên chiên ngon nhất cuộc đời mình. Dù đĩa cá viên đắt tiền so với kinh tế của hai mẹ con lúc đó, nhưng mẹ vẫn muốn mình trải nghiệm những cái ngon nhất", anh nhớ lại. 

Sự yêu thương của mẹ đã gieo vào trong anh những hạt mầm sẻ chia. Đối với anh, mẹ là người hiền lành, sống tử tế, luôn biết nghĩ cho người khác. Chính vì vậy, khi trưởng thành, có điều kiện kinh tế hơn, anh luôn muốn giúp đỡ người khó khăn. 

Qua những mối liên hệ của mẹ, Huân tìm đến những người khiếm thị, khuyết tật đang lao đao vì dịch bệnh. Người không còn khả năng lao động, người cũng chẳng có công việc ổn định, họ quắt quay, xoay trở với miếng ăn, cái mặc hàng ngày. Từ đó, Huân quyết định "nấu cơm" để tặng mọi người. Từ 300, 400 suất, rồi 700 suất, đến nay, bếp ăn của Huân đã phục vụ được hơn 900 suất mỗi ngày. Sài Gòn có nhiều khu phong tỏa nhưng tình người chưa bao giờ cách ngăn. Mỗi ngày, anh vẫn chạy xe máy, len lỏi vào trong những con hẻm, ngôi nhà, nơi có 4, 5 cuộc đời đang đùm bọc nhau mà sống. 

4 giờ sáng, khi thành phố vẫn đang ngủ, gian bếp nhà Huân đã rục rịch tiếng dao thớt, tiếng nhóm bếp... "Đội ngũ" bếp ăn chỉ là người nhà, các cô chú, anh chị muốn cùng Huân tiếp thêm sức mạnh cho Sài Gòn.

Có người rưng rưng xúc động khi nhận được phần ăn đầy đủ cơm, canh, món mặn. Có người không ngớt lời cảm ơn, tay run run nhận quà. Những suất ăn của Huân đã lấp đầy những chiếc dạ dày cồn cào, khiến người ta cay cay khóe mắt vì xúc động. 

Cảm ơn Sài Gòn

"Sài Gòn là nơi mà dân tứ xứ đổ về, sinh sống, làm ăn. Lớn lên ở thành phố này, trong mình là biết bao kỉ niệm. Nơi nào cũng có cái tốt và cái xấu, quan trọng là mình biết gạn lọc những điều tiêu cực để dung nạp vào bản thân thêm nhiều yêu thương. Đối với mình, Sài Gòn như một "ân nhân" đã cưu mang, đùm bọc. Thời điểm dịch bệnh ai cũng gặp khó khăn, mình chỉ muốn góp chút sức mình để san sẻ cho họ mà thôi", anh kể. 

Bếp ăn 0 đồng của anh vẫn luôn đỏ lửa, những suất ăn, phần quà, tiền quyên góp dành cho bà con được anh trao gửi mỗi ngày. Sự cảm thông, sẻ chia như đang len lỏi vào từng ngóc ngách sâu thẳm trong lòng thành phố.

Không ít lần, anh thấy nghẹn ngào trước những hoàn cảnh đáng thương. Họ là những cuộc đời chênh vênh giữa cơn đại dịch.

Một ông chú đi bộ từ bệnh viện quận 11 về quận 5 để kiếm chỗ ngủ. Từ ngày giãn cách xã hội, chú vẫn luôn tìm đường về quê nhưng không đủ kinh phí. Chân chú bị tật 1 bên, bên còn lại bị tai nạn cách đây không lâu. 

Một người chị nuôi 2 con tật nguyền. Tối, chị ra đường xin đồ ăn về cho các con. Mỗi lần ra ngoài, chị hối hả, lòng như lửa đốt vì con nhỏ ở nhà. Chị nhận được lon sữa mà cảm thấy rưng rưng xúc động. 

Mỗi ngày, anh nhận hàng chục cuộc gọi từ khắp nơi đổ về. Những người khó khăn biết Huân, họ gọi cho anh. Anh xác nhận thông tin, địa chỉ, hình ảnh, số điện thoại và chuyển tiền. Bản thân anh và các mạnh thường quân luôn cảm thấy tim mình len lỏi sự ấm áp mỗi khi giúp được ai đó. Đó là cách anh "trả ơn, trả nghĩa" cho Sài Gòn. 

Bài viết

Khải Anh

Thiết kế

Tuấn Lê

Chia sẻ