Công Nghệ

Họ gọi cô bé là gái bán dâm chuyên nghiệp, cái ác ‘mất kiểm soát’ lan truyền như đa cấp

Chia sẻ

Nếu trách những "kẻ chăn cừu" vô lương tâm một, thì có lẽ phải trách đám đông Facebook lú lẫn kia gấp mười. Họ gọi cô bé là gái bán dâm chuyên nghiệp, họ bình phẩm về thân thể của em, nhiều người còn kêu em: “Chết đi đồ hư hỏng!”.

Facebook vốn là một nơi để chia sẻ thông tin cá nhân và cập nhật tình hình của người thân bạn bè, song cũng chính sự tự do thể hiện cảm xúc, thể hiện suy nghĩ và thể hiện quan điểm cá nhân mà càng ngày nó càng bị lạm dụng như một công cụ để bất cứ ai cũng có thể trở thành một người đưa tin, một nhà bình luận và một quan tòa để lên án, kết tội người khác.

Từ một mạng xã hội kết nối liên lạc, kết nối thông tin nay bỗng biến tướng trở thành một diễn đàn thông tin tạp nham khổng lồ với khoảng hơn 20 triệu người Việt Nam có mặt mỗi ngày để thỏa sức chê bai, dè bỉu và phán xét bất kỳ ai, bất kỳ sự việc gì mà họ cảm thấy “chướng tai gai mắt”.

Cứ 1.000 tài khoản Facebook khác nhau là 1.000 con người khác nhau, 1.000 lối suy nghĩ và 1.000 quan tòa với những lời phán xét cũng khác nhau.

quan-toa

Nhưng đáng nói là trong số hàng ngàn những phán xét ấy, liệu bao nhiêu phán xét là tích cực, bao nhiêu phán xét là có cơ sở, là dựa đúng theo quy chuẩn đạo đức của xã hội và bao nhiêu phán xét là thực sự là có giá trị đóng góp vì cái tốt, cái đẹp?

Cái ác “mất kiểm soát” trước sự chi phối của Facebook

Đó là sự việc vào tháng 7 năm 2015, khi một nữ sinh 15 tuổi ở Đồng Nai bị bạn trai 22 tuổi tung video quan hệ của 2 người lên mạng xã hội, thực không thể tưởng tượng được tốc độ lan truyền kinh khủng của video này trên Facebook, khi chỉ hai ngày sau đó đã có đến hàng trăm nghìn lượt xem, lượt share và bình luận.

Nhiều người còn nhanh tay download và chia sẻ trên các diễn đàn, youtube, các trang blog cá nhân của mình với chú thích video đầy hào hứng, khoái trá. Những người không share thì cũng send link cho bạn bè, hoặc tag hàng loạt bạn bè của mình vào comment để xem.

Những ngày tháng ấy, đâu đâu cũng tràn ngập đoạn video “nóng” của cô bé sinh năm 2.000, và kèm theo đó là hàng loạt những lời lẽ hết sức cay nghiệt như “Đồ trẻ trâu”, “Đẹp mặt chưa bé gái!”, “Hàng ngon thế?”, “Bị tung clip là đáng, mới tí tuổi đã đua đòi…”.

Chỉ chửi không chưa chán, hàng trăm hàng nghìn người còn đổ xô lùng sục Facebook của hai nhân vật chính để… chửi tiếp, cùng nhau share link Facebook, share ảnh của nữ sinh kia để bêu riếu, miệt thị.

Họ gọi cô bé là gái bán dâm chuyên nghiệp, họ bình phẩm về thân thể của em, nhiều người còn kêu em: “Chết đi đồ hư hỏng!”. Không có bất kỳ một sự cảm thông nào và cũng không ai hiểu (hay cần hiểu) rằng, một lượt like, một lượt share và một lượt bình luận trên Facebook như vậy chẳng khác nào một nhát dao đâm thấu tim của một cô gái non nớt còn chưa đủ tuổi vị thành niên và là một cánh tay vô hình để đẩy em đến bước đường cùng là uống thuốc diệt cỏ quyên sinh.

Rồi trong nỗ lực hết sức để chạy chữa cho em được tiếp tục sống, và ngay cả khi em đã ngưng hơi thở thì vẫn có những người ác mồm tiếp tục xúc phạm em theo kiểu “Ăn chơi không biết giữ mình thì bây giờ trách ai?”, “Ai bắt nó phải chết đâu?”, “Mới có tí chuyện mà cũng chịu không nổi…”, đến nỗi người nhà của em trong sự mất mát tột cùng chỉ còn biết tuyệt vọng kêu lên: “Xin cộng đồng mạng hãy tha cho cháu!”.

Thật đau xót biết bao!

Con người sáng tạo ra và vận hành Facebook, song giờ đây có vẻ như đang từng ngày từng giờ dần trở thành nô lệ của mạng xã hội này khi đã bị nó điều khiển và chi phối quá nhiều cả về hành vi và suy nghĩ, khiến cho những cái tốt đẹp trở nên mờ nhạt hoặc tuyệt nhiên chẳng ai buồn quan tâm để trong khi đó, những cái xấu xa, trái với luân thường đạo lý lại được “tung hô”, lan truyền nhanh và rộng với tốc độ còn đáng sợ hơn cả kinh doanh đa cấp.

Phải nói lại một lần nữa, rằng dù những gì chúng ta đang nói trên Facebook - là một mạng xã hội ảo nhưng nó lại có tác động cực kỳ lớn tới những con người, sự vật, sự việc ở ngoài đời thực.

Điều này thể hiện mỗi khi có một thông tin giật gân nào đó xuất hiện trên Facebook, ngay lập tức sẽ nhận được những phản hồi nhiều chiều khác nhau, thậm chí trở thành những luồng sức ép hết sức khắc nghiệt lên đối tượng “chủ thể” được nhắc đến.

Cái ác khi ấy bắt đầu trỗi dậy như “cá gặp nước, như rồng gặp mây”, cái tôi cá nhân bỗng dưng lớn hơn bao giờ và cả những câu chữ được viết ra cũng sẽ được xuất phát từ trong những góc khuất tối tăm nhất, thú tính nhất ở phần “con” của mỗi người.

facebook5

Điều này không còn mới nên có lẽ không phải dẫn chứng quá nhiều, chỉ cần nhớ lại một trường hợp duy nhất sau đây, chúng ta sẽ thấy những cái ác nằm trong mỗi anh hùng bàn phím “tay nhanh hơn não” trên Facebook đáng sợ đến mức như thế nào!

Ảo tưởng sức mạnh về những nút like và những dòng bình luận

Sự phát triển không ngừng về số lượng người dùng của Facebook là tương đương với sự tăng trưởng về số lượng thông tin được đăng tải mỗi ngày, cũng như sức mạnh lan tỏa của những thông tin ấy.

Bản thân một trong những người sáng tạo ra Facebook là Mark Zuckerberg còn phải thốt lên rằng: “Facebook đang thực sự bùng nổ về thông tin, ở mức độ dường như đã không còn ai có thể kiểm soát được nó”.

Người dùng Facebook hiện nay có thể nói đang bị “bội thực” về thông tin trên Facebook, khi có tới hàng triệu thông tin chưa được xác thực trộn lẫn với những thông tin đã được kiểm chứng được đăng tải mỗi ngày.

Thật giả lẫn lộn, sự nhiễu loạn về thông tin đến từ hàng triệu con người khác nhau nhiều khi khiến cho chúng ta không biết nên tin vào đâu, lấy gì làm hệ quy chiếu để xác định được đó là đúng, là chuẩn mực.

Và theo như phân tích của các chuyên gia tâm lý học đám đông, trong một cộng đồng như Facebook, thì rõ ràng người ta sẽ lấy những thứ là “số đông” để làm chuẩn mà đi theo, và cụ thể “số đông” ở đây chính là những gì được like và được share nhiều.

Thậm chí sự đi theo này có khi chỉ là vô thức, nên từ đó mới có kiểu like mà nhiều khi ngay chính họ cũng chẳng hiểu (và chẳng cần hiểu) họ like vì cái gì (?!).

“Hãy Like để động viên và chia sẻ cho những trẻ em nghèo châu Phi”, “Hãy Like để ủng hộ đẩy lùi nạn đói ở Somalia” thậm chí là “1 triệu Like cho Wanbi Tuấn Anh hồi sinh”, vậy mà cũng có không dưới hàng nghìn người vào like thật.

Hay những bức ảnh tai nạn giao thông nạn tang thương đẫm máu, những bức ảnh man rợ như hành hạ động vật hay những bức hình lồng ghép, giả mạo để gây thương cảm… cùng với một dòng chú thích “Ai đi qua hãy để lại một like”, ấy thế mà cũng có thể lên tới hàng trăm nghìn lượt like chứ không ít.

Một trong những kiểu câu like vẫn xuất hiện nhan nhản trên Facebook mà không hiểu nhằm mục đích gì?Trong khi đó, theo tâm lý sống trong một cộng đồng lớn, chắc chắn sẽ có những người muốn được thể hiện bản thân, chứng minh cái tôi của mình để được chú ý, để được nổi bật, để được sở hữu quyền lực, dù chỉ là trên mạng “ảo”.

Điều này khiến cho ai cũng muốn được làm chủ thông tin, có được những thông tin độc quyền và đặc biệt là càng gây sốc càng tốt, để thu hút được nhiều sự chú ý hơn mà sự chú ý ở đây được thể hiện qua chính số lượt like, lượt share và lượt bình luận của những thông tin đó.

Chính vì vậy mà nhiều kẻ đã bất chấp dùng mọi thủ đoạn để tung những thông tin tạo hiệu ứng để được like, share và bình luận càng nhiều càng tốt, thậm chí đó có thể là những thông tin thất thiệt, giật gân, gây sốc, đi ngược lại với ý kiến số đông, trái với cả luân thường đạo lý hoặc làm cho xã hội hoang mang, lo sợ…

Rồi từ đó mới xuất hiện những vị chánh án, những quan tòa ra sức lên án, luận tội người khác bằng cách dùng tay gõ bàn phím ra những câu chữ đầy tính khích bác, bới móc, thậm chí là lăng mạ, sỉ nhục tới cả danh dự cá nhân và danh dự của cả gia đình người khác.

Nhưng mấy ai biết những vị chánh án, những quan tòa này ở ngoài đời lại là những kẻ nhìn thấy bất bình thì không dám lên tiếng, thấy cái xấu lại chẳng dám đấu tranh, thậm chí bị người khác bắt nạt cũng không dám cãi cự, phản kháng.

Chỉ khi lên Facebook thì cái gì họ cũng có thể nói, việc gì họ cũng có thể làm, do đó họ còn hay được “ưu ái” nhắc tới với biệt danh là những “anh hùng bàn phím”.

Vì vậy, nếu trách những “kẻ chăn cừu” vô lương tâm một thì có lẽ phải trách đám đông Facebook lú lẫn kia gấp mười, bởi họ không đủ bình tĩnh để suy xét, chắt lọc thông tin hay đã quá ảo tưởng sức mạnh về sự hấp dẫn từ những nút like vô hồn vô cảm và những lời bình luận hùng hồn để thể hiện cái tôi của mình.

Chia sẻ

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất