Sắc màu Cuộc Sống

Hết cô giáo 'giẻ lau' lại đến bảo mẫu 'người hay là thú': Bức tranh u ám liệu có công bằng với hàng triệu giáo viên?

Phương Hà
Chia sẻ

Nhiều ngày qua, dư luận phẫn nộ vụ cô giáo phạt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng, bảo mẫu hành hạ rồi hỏi trẻ mầm non “mày là người hay là thú?”. Chắc không cần nhắc lại, ai cũng biết gạch đá nhắm vào những giáo viên ấy như thế nào. Nhưng nghề giáo đâu chỉ có những cô ấy...

Liên tiếp những sự việc “xấu xí” trong nhà trường gần đây như việc cô giáo ở Hải Phòng bắt học sinh lớp 3 uống nước giẻ lau hay bảo mẫu ở TP. HCM đánh đập trẻ rồi hỏi bé “mày là người hay là thú” khiến tôi và nhiều người khủng hoảng niềm tin vào dạy và học.

Đáng nói là, những chuyện phản giáo dục và đáng lên án trên, tiếc thay không phải là lần đầu xảy ra ở nơi “ trồng người”, vụ sau dường như nghiêm trọng hơn vụ trước. Thậm chí, giờ đây những vụ bạo hành như thế bớt rúng động dư luận hơn xưa vì đã “thường xuyên” hơn. Nhưng rồi con chúng ta vẫn phải đến trường, còn nhiều năm thụ hưởng nền giáo dục này. Một nền giáo dục mà tôi tin không chỉ có cô giáo giẻ lau hay bảo mẫu “ác thú”.

Chúng ta không quay lưng hay ngó lơ với cái xấu và sẵn sàng đấu tranh, lên tiếng để xua tan những điều đó. Nhưng phê phán để mong một sự thay đổi, chứ không phải triệt tiêu những giá trị mà giáo dục tử tế mang lại.

Tôi và có lẽ rất nhiều anh chị khác luôn ủng hộ sự công bằng cùng xử lý thích đáng để môi trường giáo dục bớt đi những vấn đục, thầy ra thầy trò ra trò. Tuy nhiên vì những chuyện tương tự rồi thêm một bức tranh u ám liệu có công bằng cho hàng triệu giáo viên khác?

Chúng ta nên phê phán để mong một sự thay đổi, chứ không phải triệt tiêu những giá trị mà giáo dục tử tế mang lại - (Ảnh minh họa).

Mấy bữa trước tôi chia sẻ clip thầy giáo Đặng Văn Cương, Hiệu trưởng trường Tiểu học Dân tộc bán trú Sơn Ba, Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi nuôi dạy, chăm sóc Đinh Văn K'Rể, người dân tộc H're mắc chứng bệnh Seckel (người lùn, đầu chim) như một người cha. Nhìn anh hớt tóc, tắm rửa rồi lo từng miếng ăn giấc ngủ cho cậu bé tí hon, tôi hiểu anh làm những chuyện đó từ tấm lòng của một người thầy.

Câu chuyện hầy giáo Đặng Văn Cương, Hiệu trưởng trường Tiểu học Dân tộc bán trú Sơn Ba, Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi nuôi dạy, chăm sóc bé Đinh Văn K'Rể từng gây xúc động mạnh. (Ảnh: Vietnamnet)

Giữa tháng 3 vừa rồi, lên xây trường điểm ở Sơn La, tôi đi cùng với thầy Hùng bỏ phố lên rừng dạy học trên ấy gần 9 năm, trong đó 4 năm cuối được luân chuyển về lại thị xã nhưng thầy từ chối vì “ thương các con quá”. Ở nơi đó, tôi đã thử đi 13km hết gần 2 tiếng đồng hồ, thiếu thốn đủ bề, đến ngụm nước uống cũng phải đi vài cây số gánh về.

Chắc phải nặng lòng lắm mới ở nổi từng ấy năm trời để đem cái chữ đến cho các em. Đến nay, thầy đã xuống phố nhưng tuần nào cũng xuôi ngược chạy vạy xin xỏ khắp nơi để dựng lại, sửa sang trường lớp rồi mua trang thiết bị cho cả chục điểm trường không thể nát hơn.

Người giống như anh, 2 năm trước tôi cũng gặp một cô ở Trà Vinh, xe nhà hơn 70km vừa dạy vừa dỗ đám nhỏ đến trường vì “chúng đến trường là hạnh phúc rồi anh!”. Lan mới 26 tuổi, đi dạy được 4 năm mà năm nào “má em cũng lên trường năn nỉ hết nước mắt kêu về thành phố làm việc khác cho đỡ cực rồi còn lấy chồng sinh con” .

Cô cho biết Phòng Giáo dục huyện nhà có gần 20 thầy cô chọn vậy, có người năm về thăm ba thăm má được 1, 2 lần rồi đi biền biệt, thiếu đủ thứ nhưng xa các con học sinh vài ba bữa lại nhớ. Có khi lương mua đồ cho mình thì ít mà cho các bé phần nhiều.

Một vài nét vẽ u ám trong bức tranh giáo dục nước nhà vừa qua nhà liệu có công bằng cho hàng triệu giáo viên khác. (Ảnh minh họa)

Thầy của con tôi, đang tuổi thanh niên và quản một lớp học sinh cá biệt ngang ngửa những em ngoan. Con tôi và các bạn cũng có lúc sút kém hay ngang ngạnh nhưng chẳng mấy khi tôi nghe thầy nặng lời hay đòi trả em nào về cho trường hay gia đình mà “anh chị để em lo, em quen những ca như vậy rồi”.

Thầy làm cách nào đó mà gần cả chục bạn học rất bết bát sau mấy tháng đã đủ sức tốt nghiệp và khả năng vào ĐH trường tốt không nhỏ. Tôi biết thầy phải kiên trì, nhẫn nại và cả nhịn đám teen ấy rất nhiều dù có em ba mẹ gần như không quan tâm chứ đừng nói đến chuyện quà cáp gì.

Năm ngoái, Khánh Hòa bão khủng khiếp và câu chuyện tôi nhớ hoài là Cô Nguyễn Thị Minh Tuyến, giáo viên lớp 4B, trường tiểu học số 1 Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa) chia sẻ: “Sau cơn bão số 12, ngày đầu đến trường tôi hỏi các con: Bão vừa rồi nhà các con có bị sao không?”. Sau bão số 12, em Kha không còn quần áo để mặc đi học. Cô Tuyến cũng đi vận động xin quần áo cũ cho em.

Cô giáo Tuyến cùng học trò trong lớp 4B. (Ảnh: Đời sống và Pháp Lý)

Mới sáng nay thôi tôi cũng đọc được hai câu chuyện rất đáng để suy ngẫm và trân trọng. Thầy Huỳnh Hà Thắng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lịch Hội Thượng A, Sóc Trăng vừa viết đơn xin từ chức. Thầy nghỉ vì là trường “chuẩn quốc gia” nhưng rất nhiều học sinh lớp 2 không đọc nổi tên mình! Thầy Thắng đã chiến thắng được chính mình!

Tôi còn biết thêm chuyện cô giáo Nguyễn Tùng Linh, giáo viên thực tập tại trường THPT Trần Hưng Đạo (Ninh Bình). Hôm 9/4 vừa qua, cô bị “bắt quả tang” trong một quán cơm khi tặng một bà cụ ăn xin 200.000 đồng để mua cho bà 20 lần cơm và 300.000 đồng khác để bà trả tiền thuê nhà.

Cô giáo thực tập Nguyễn Tùng Linh từng nhận được nhiều lời khen ngợi của cộng đồng.

Còn rất nhiều thầy cô như thế và tôi muốn dài dòng chút để chúng ta đừng quên, vết đen trên tờ giấy trắng ai cũng để ý nhiều hơn mảng trắng rất to còn lại. Có thể những bài viết hay câu chuyện thế này chẳng nhiều người quan tâm bằng vụ học sinh uống nước giẻ lau bảng, bảo mẫu bạo hành trẻ nhưng tôi tin vào con người, vào những nhà giáo tốt còn rất nhiều.

Tôi cũng tin rằng những gì Lưu Quang Vũ viết hàng chục năm trước vẫn còn trên đời:

“…Con chim sẻ tóc xù 
Con chim sẻ của phố ta 
Đừng buồn nữa nhá 
Bác thợ mộc nói sai rồi 
Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa 
Tại sao cây táo lại nở hoa 
Sao rãnh nước trong veo đến thế?”.

Chia sẻ

Bài viết

Phương Hà

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất