Hậu phương nhỏ 'sinh ra' giữa lòng tâm dịch Bắc Giang

'Tôi nhớ mãi cái đêm bị sốt cao, 1h đêm người ta qua hỏi thăm. Hàng ngày, người ta đến lau chùi, sát khuẩn viên gạch dưới sàn, góc bàn, chân ghế. Ai muốn bỏ cả gia đình yên ổn đi làm việc trong một môi trường toàn Covid-19 xung quanh với bộ đồ bảo hộ kín mít giữa mùa hè? Họ vẫn xung phong đi. Tôi không làm được nhiều, không làm được lớn nhưng sẽ làm hết mình để giúp đỡ họ', anh Mai Anh Đức, người hậu phương nhỏ của Bắc Giang nói.

Bài viết Long Quyền
Chia sẻ

“Bắc Giang những ngày này thì khổ!” anh Đức thốt lên khi nhớ lại quê hương Đà Nẵng những ngày còn là tâm dịch. Những ngày, anh nằm trên giường bệnh chống chọi với Covid-19.

Anh Đức nhớ mãi ngày Đà Nẵng bùng dịch đợt 2: “Tôi có ý định phải làm việc gì đó để giúp cộng đồng. Tôi nêu ý kiến với ông bạn gửi cho cái máy làm nước sát khuẩn, anh ấy đồng ý và gửi ra. Chuẩn bị nhận máy, gia đình tôi nhận tin “sét đánh”. Khi ấy khoảng tháng 8/2020, tôi mắc Covid-19. Cả nhà đi cách ly hết, chẳng còn ai, cái máy lại quay về Sài Gòn”.

Lo lắng, sợ hãi, là những gì anh Đức cảm nhận khi chuẩn bị vào khu cách ly, điều trị. “Có lẽ không chỉ mình tôi tưởng tượng như vậy nhưng khi vào thì khác xa”, anh nói.

Gần 1 năm sau cái ngày mắc Covid-19, anh Đức vẫn nhớ như in từng ngày trong khu điều trị. Hàng ngày, y tế đến vệ sinh phòng điều trị với chậu dung dịch. Họ chẳng nói gì, lau từng viên gạch dưới sàn. Lau sàn nhà xong, người ta lau bàn, lau ghế, góc cửa sổ bằng lọ dung dịch màu trắng.

Chốc lát lại có bác sĩ ghé qua phòng. Họ trùm kín, xa lạ, chẳng ai thấy mặt ai, có chăng chỉ phân biệt được là nam hay nữ ấy vậy mà quan tâm như trong nhà: “Đỡ hơn chưa? Nghỉ ngơi đi, cần gì cứ gọi chúng tôi nhé”. Anh Đức gật nhẹ, một mớ cảm xúc dâng trào nghẹn nơi cổ họng khiến anh thốt lên: “Tận tâm quá”.

Trong khu cách ly có đủ xà phòng, kem đánh răng, lương thực và nhu yếu phẩm. “Không thiếu thứ gì, chốc chốc người ta lại mang đến hỗ trợ, không thiếu một thứ gì cả”, anh Đức nói.

1h đêm nằm trong phòng điều trị, anh Đức sốt cao, chẳng có người thân bên cạnh. Nằm co quắp trên giường bệnh răng cắn chặt chịu đựng chờ trời sáng mặc cơn sốt hành hạ. “Muộn quá rồi, người ta chật vật cả ngày rồi”, anh tự nhủ, chẳng muốn làm phiền.

“Muộn quá rồi mà người ta vẫn đi kiểm tra, phát hiện mình ốm người ta vẫn chăm sóc, hỏi thăm mình, thức cùng mình. Tôi nhớ mãi, sao mà quên”, anh Đức tâm sự. Sau cái đêm “định mệnh” ấy, anh Đức càng quyết tâm trở thành một “hậu phương nhỏ” chiến đấu với dịch bệnh.

Anh tự nhủ: Chẳng ai muốn làm việc trong một môi trường đầy Covid-19 quanh mình với bộ quần áo bảo hộ kín mít, họ vẫn làm. Họ vẫn xung phong rời xa gia đình đang yên ổn, xa nhà để đi chống dịch. Họ vẫn chăm sóc mình tận tuỵ như vậy. Họ trách nhiệm, tận tuỵ, có lý gì mình không giúp họ?

Từng sống trong khu điều trị Covid-19, anh Đức thấy rằng nước sát khuẩn là thứ không thể thiếu. Nó là “vũ khí” hàng đầu góp phần chống dịch bệnh. Điều đó càng thôi thúc anh, khiến anh quyết tâm hơn để thực hiện việc hỗ trợ chống dịch ở Bắc Giang hiện tại.

Nhiều đêm trằn trọc trong khu điều trị, cách ly, anh Đức không thể chờ đợi thêm được nữa. Anh gọi điện thoại nhờ bạn trong Sài Gòn gửi lại chiếc máy chế tạo dung dịch sát khuẩn ra Đà Nẵng cho anh thêm một lần nữa: “Chiếc máy chế tạo dung dịch sát khuẩn ấy 110 triệu đồng, anh bạn ủng hộ để tôi làm giúp mọi người đó. Sao mà bỏ lỡ được”, anh Đức nói.

Cả nhà đi cách ly, do anh Đức nhiễm Covid-19, máy gửi ra đến nơi nhưng không có ai nhận hộ. Anh lại nhờ một người bạn ra nhận, anh bảo: “Nhờ anh cứ lấy về để ở nhà, trị bệnh xong tôi về tôi làm”.

Khỏi bệnh ra viện, anh Đức tiếp tục thực hiện cách ly ở nhà theo quy định. Lúc này, anh bắt đầu thực hiện dự án đã được nuôi dưỡng, ấp ủ bao đêm trên giường bệnh.

Đà Nẵng hết dịch bệnh, Bắc Giang giờ đây lại là tâm điểm của dịch bệnh. Anh Đức lại kêu gọi anh em, bạn bè cùng làm. Người góp tiền, người góp của, người góp sức, vật dụng làm dung dịch nước sát khuẩn và buồng phun khử khuẩn tặng Bắc Giang chống dịch.

“Đặt cái tên cho dự án để dễ gọi, rồi in logo lên những chiếc bình khử khuẩn nữa”, anh Đức suy nghĩ rồi đáp: “687 là con số định danh tôi trong các bệnh nhân mắc Covid-19. Một con số cả đời không quên, tôi lấy nó làm tên cho dự án của mình”.

Nghĩ đến đội ngũ tuyến đầu đang phải chóng mặt với guồng quay chống dịch, anh Đức và 4 thành viên trong nhóm không cho mình phút nghỉ ngơi. Thấy nhóm vất vả, vài người khác cũng hay đến giúp đỡ để làm buồng phun khử khuẩn và chế tạo nước sát khuẩn.

8 chiếc máy phun khử khuẩn đầu tiên đã đến Bắc Giang. Thấy còn quá ít, anh huy động thêm 20 chiếc máy thì được một quỹ từ thiện đầu tư hỗ trợ toàn bộ. “Tôi dự kiến tặng Bắc Giang và Bắc Ninh mỗi nơi 10 chiếc và tặng kèm mỗi nơi 1000 lít nước sát khuẩn. Đấy, thấy khó khăn là dân mình đoàn kết, thương yêu nhau lắm đấy”, anh Đức cười thích thú.

Để có đủ kinh phí hỗ trợ liên tục cho Bắc Giang, anh Đức đã huy động anh em, bạn bè, đồng nghiệp và trên mạng xã hội để chung tay giúp đỡ.

“Mỗi người một ít gió thành bão, của ít lòng nhiều. Tôi vẫn nghĩ, khi mà quê hương tôi còn là tâm dịch, các bác sĩ không riêng ở Đà Nẵng mà còn ở các tỉnh khắp cả nước đã bỏ lại quê hương, xa gia đình đang bình yên để vào tâm dịch giúp đỡ Đà Nẵng. Họ điều trị cho người dân Đà Nẵng, trong đó có tôi, chân quý lắm”, anh Đức tâm sự.

- Với tấm lòng nhỏ bé của người dân Đà Nẵng, mình muốn chia sẻ trong tình hình dịch bệnh vô cùng phức tạp ở Bắc Giang. Mình không làm được nhiều đâu, không làm được lớn lao, nhưng mình sẽ cố làm hết mình. Giúp được bao nhiều thì đỡ bấy nhiêu, hỗ trợ được gì thiết thực thì hỗ trợ.

Anh Đức tự nhủ rồi nói: “Ở Bắc Giang giờ này chắc mọi người cũng đã mệt lắm. Tôi từng là bệnh nhân phải điều trị, tôi nhìn thấy mà. Bắc Giang chắc cũng nóng lắm, mặc mấy bộ đồ bảo hộ sao mà chịu được. Khó khăn lắm, khổ lắm!”.

Hàng ngày, anh Đức và mọi người trong nhóm vẫn cấp tốc hoàn thiện những chiếc máy phun khử khuẩn do nhóm tự chế tạo dựa trên các nền tảng, kiến thức tự tìm hiểu từ trước và những người bạn có kinh nghiệm. Tự có công ty riêng nên anh Đức không bị gò bó thời gian.

Làm việc giúp đỡ cộng đồng chống dịch, anh Đức nhận lại được nhiều: Thật vậy, anh nhận được sự động viên lớn của gia đình, nhận được sự yêu thương, quan tâm hơn của người vợ.

Anh Đức có 3 người con, cháu lớn học lớp 8, cháu thứ 2 học lớp hai, cháu út học mẫu giáo. “Tôi có 3 đứa con. Tôi hạnh phúc khi nó biết những việc ba làm và tự hào về điều ấy!”, anh Đức cười nhẹ rồi lại cuốn vào công việc.

Anh tiếp tục chế tạo nước sát khuẩn, buồng khử khuẩn để gửi đến tâm dịch Bắc Giang cùng với những tình cảm chân thành nhất với đội ngũ chống dịch.

Bài viết

Long Quyền

Thiết kế

Tuấn Lê

Chia sẻ