Làng Đại học Thủ Đức có lớp học 15.000 đồng của ông Tư

Theo Thanh Niên
Chia sẻ

Lớp học tình thương của ông Tư ở làng đại học chỉ thu học phí 15.000 đồng/tháng. Học sinh ở lớp học đều là con em của những người lao động nghèo vô Sài Gòn kiếm kế sinh nhai.

Lớp học tình thương của ông Tư. Ảnh: Đàm Đô.

Lớp học 15.000 đồng của vợ chồng ông Tư ở làng đại học (khu đô thị Đại học quốc gia TP.HCM) nằm gọn lỏn trên đoạn đường nội bộ, xung quanh là quán xá tạm bợ. 24 năm qua, ông Tư đã gắn bó cuộc đời của mình với công việc dạy học ở nơi đây.

Ông Tư cho biết, vợ ông làm nghề dạy học từ thuở con gái cho đến khi lấy chồng, nhưng vì cuộc sống ở quê khó khăn chồng chất nên bà sớm nghỉ dạy, cùng ông lên thành phố. Rồi hai vợ chồng làm giữ đất cho một công ty nước ngoài ở làng đại học.
Ở đây, chứng kiến những đứa trẻ lông bông quậy phá, cha mẹ thì quần quật làm việc cả ngày, thấy thương xót nên ông bà Tư quyết định mở lớp học để những đứa trẻ được biết chữ. Cứ vậy, những đứa trẻ kéo đến lớp học của vợ chồng ông ngày một đông hơn.

Ông Tư đã duy trì lớp học đặc biệt này trong 24 năm. Ảnh: Đàm Đô.

Lớp học đặc biệt

Hơn một năm qua, bà Tư bị tai nạn, phải về nhà ở Mỹ Tho để điều trị. Ông Tư thì vẫn trụ lại để duy trì lớp học cho đám học trò nghèo.

Lớp học tình thương của ông Tư có chừng 40 học trò. Mỗi học trò là một hoàn cảnh khác nhau, nhưng hầu hết đều nghèo khó, cha mẹ làm thuê, làm mướn nên chật vật lắm cũng không lo đủ tiền để cho con đi học ở trường chính quy. Một số khác các em vì không có đủ giấy tờ như giấy khai sinh, tạm trú,… nên không xin đi học được.
Gần tới giờ học, anh Lĩ, là một công nhân làm việc tại Bình Dương, có hai đứa con đang theo học lớp ông Tư mới chở con tới lớp. Anh chia sẻ, vợ chồng anh ở quê ở An Giang lên Bình Dương kiếm việc làm qua ngày, hai con tới tuổi đi học nhưng vợ chồng không có điều kiện nên gửi con ở lớp của ông Tư.
“Ông Tư dạy hay lắm, giờ tụi nhỏ biết đọc hết ráo. Nếu không được học lớp ông Tư chắc phải gửi hai đứa nhỏ về lại dưới quê, chứ ở đây không kham nổi”, anh Lĩ tâm sự.

Ngoài ông Tư, lớp học còn có các bạn sinh viên tình nguyện đến dạy học, mỗi ngày có từ 2 đến 3 bạn đứng lớp. Ảnh: Đàm Đô.

Những đứa trẻ ở lớp học không gọi ông Tư là “thầy” mà gọi ông với tên gọi thân thương là “ông Tư”. Giờ học nào cũng vậy, không cần điểm danh nhưng chỉ rảo mắt qua là ông Tư biết ngày đó vắng đứa nào.

Những đứa trẻ chăm chú trong giờ học. Ảnh: Đàm Đô.

Cùng ông Tư dạy học còn có các bạn sinh viên tình nguyện, mỗi người kèm cặp một bên: bên lớp Một, bên lớp Hai. Phòng bên cạnh thì lớp Ba, lớp Bốn. Mỗi phòng học đều phải chia đôi tấm bảng xanh.
“Mình đi dạy ở đây vì thương các em và thương cả ông Tư. Trước đây còn có bà Tư dạy nữa nhưng giờ còn mình ông trong khi có tới mấy chục em, ông Tư làm sao quản hết nổi”, bạn Phạm Phi Nhung, sinh viên năm hai trường Đại học Khoa học Tự nhiên chia sẻ.

Lớp học 15.000 đồng

Lúc mới mở lớp học, ông Tư và bà Tư không lấy tiền của phụ huynh. Tới khi, công ty mà ông bà làm việc bị giải thể, phụ huynh sợ ông bà Tư không có chi phí nên phụ 15.000 đồng mỗi tháng, tới bây giờ vẫn vậy.
Thời buổi vật giá leo thang, 15.000 đồng một tháng dạy học là một số tiền không tưởng. Khi được hỏi tại sao ông Tư không tăng thêm tiền thì ông Tư chợt khựng lại: “Tăng thêm tiền cho ông Tư đủ thì cũng được, nhưng mà lên rồi để mang tai tiếng thì thôi, dù một tháng cho ông Tư một hai trăm ông Tư cũng không lấy”.

Sang (11 tuổi) là một trong những học trò giỏi của ông Tư. Ảnh: Đàm Đô.

Nói đoạn, ông Tư nhìn đăm chiêu. Ông Tư trải lòng, dạy học đến nay đã 24 năm trời, bên cạnh những tình cảm biết ơn của xã hội, không ít lần ông Tư phải nghẹn lòng bởi những lời ra tiếng vào của những người xung quanh. “Họ không nói thẳng với ông Tư, nhưng sau lưng ông Tư, họ nói ông Tư mở lớp đặng đi gom tiền. Tui hỏi chứ mở lớp ở đây, 15.000 một tháng thì gom được bao nhiêu? 15.000 có nhiều không con?”.

Ông Tư tâm sự, cũng vì những lời ra tiếng vào đó nên đôi lúc ông nản lòng, nhưng ông chưa bao giờ nghĩ mình sẽ bỏ lớp học này bởi ngày nào được đứng lớp, nhìn tụi học trò cặm cụi từng nét chữ là ngày đó ông còn cảm thấy hạnh phúc.

Những đứa trẻ ở đây không có sự lựa chọn, nhưng khuôn mặt của chúng vẫn luôn hồn nhiên, vẫn tinh nghịch vô tư trong giờ ra chơi… Ảnh: Đàm Đô.

… sau đó lại chăm chỉ trong giờ học.

Chia sẻ

Bài viết

Theo Thanh Niên

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất