Sắc màu Cuộc Sống

Hành trình vỏn vẹn 100k - đi để kiểm chứng lòng tốt con người của chàng trai Phú Yên

Huỳnh Đoàn - Ánh Diệu
Chia sẻ

Chuyến phượt dài 133 ngày đêm chỉ vỏn vẹn có 100 nghìn đồng, đôi chân trần và một lòng tin sắt đá vào tình người. Vậy mà, Hồ Nhật Hà đã không chỉ thỏa mãn cơn “thèm” xê dịch và mà còn kiểm chứng được lòng tốt của người Việt.

Bạn có từng nghĩ rằng: Cầm trong tay 100 nghìn đồng và có thể đi phượt hơn 100 ngày đêm khắp Việt Nam? Câu chuyện về chàng trai huyện núi Sơn Thành - Phú Yên, Hồ Nhật Hà (33 tuổi) là một điều khó tin như thế. Ngày 18/10/2017, xuất phát từ Dinh Độc Lập TP. HCM, sau 113 ngày đêm Hà đã có mặt tại điểm cuối Lũng Cú (Hà Giang). Chuyến đi không chỉ là trải nghiệm xê dịch mà còn để “khám phá” lòng người.

Câu trả lời cuối cùng: Lòng tốt của con người Việt Nam sẽ còn mãi muôn đời.

113 ngày đêm không mệt mỏi

Là một người có tâm hồn nghệ sĩ, từ lâu Hà luôn trăn trở về ý nghĩa của cuộc đời mình và nuôi đam mê xê dịch. Anh chia sẻ: “Dạo gần đây, mình hay thấy trên mạng xã hội có những video hơi tiêu cực về người Việt chúng ta như là: vô tâm, hôi của, dàn cảnh, đánh ghen… Mình nghĩ nếu cứ như thế thì chắc một ngày người Việt sẽ dần đánh mất niềm tin vào nhau”.

Đó là lý do duy nhất để chàng trai 8X lên đường, với vỏn vẹn 3 bộ quần áo, vật dụng cá nhân, cây đàn guitar. Cuộc hành trình đi tìm câu trả lời: Liệu con người có còn tình thương với nhau? Liệu người trẻ có thể thực hiện được ước mơ của mình mà không bị rào cản bởi đồng tiền? Và liệu mình có đủ sức mạnh, tinh thần để vượt qua thử thách cũng như học thêm nhiều bài học bổ ích từ chuyến đi này?

Hồ Nhật Hà (33 tuổi, Phú Yên) đã thực hiện chuyến hành trình phượt bộ dài 113 ngày đêm, với vỏn vẹn 100 nghìn đồng.

Mỗi ngày bắt đầu từ 7h sáng và kết thúc vào khoảng 6h tối với quãng đường đi bộ trung bình là 30km. Ngoài ra, Hà còn thử thách mình ở mức tối đa khi quyết định chỉ đem 100k trong túi, một số tiền dự trữ là 1 triệu đồng trong ATM cho những trường hợp bất trắc xảy ra trên đường hoặc sẽ đón xe quay về Sài Gòn nếu không thể tiếp tục đi bộ.

Anh giải thích: Cách sinh tồn của mình là ưu tiên việc xin ở lại nhà dân. Mỗi lần được ở lại nhà dân, anh được mời bữa tối và sáng sớm hôm sau. Vậy là chỉ lo phần ăn trưa khi đi trên đường. Còn khi không ngủ nhờ được, anh đành tá túc ở ngoài trời: trại coi cá, trại thanh long, chùa, nhà thờ, cây xăng, nhà vườn và hai lần ngủ ở rừng dương, một lần ngủ ở chợ, hai lần ngủ ở nhà hoang.

Tài sản quý giá nhất ở cuối hành trình của anh lại là những bản tình ca muôn màu về cuộc sống.

“Mình sáng tác nhạc và chơi đàn được nên cũng kiếm thêm tiền bằng cách biểu diễn cho người dân xem. Hầu như số tiền 1 triệu đồng trong ATM là không dùng đến. Bên cạnh đó, một vài người biết về hành trình của mình cũng quyên góp tặng thêm ít tiền để mình trang trải”, chàng trai Phú Yên giải thích thêm lý do quyết tâm lên đường chỉ với vỏn vẹn 100k.

Cùng cây đàn guitar, Hà đã rong ruổi mọi tỉnh thành trên đất nước Việt Nam. Đi đến đâu anh sáng tác đến đó. Tài sản quý giá nhất ở cuối hành trình của anh lại là những bản tình ca muôn màu về cuộc sống.

Kết quả kiểm nghiệm: Người Việt đẹp vẫn mãi đẹp như bao đời

Tuy gặp không ít khó khăn trên chuyến đi như thời tiết khắc nghiệt, ngủ ngoài đường,… nhưng điều Hà buồn nhất vẫn là nhiều lần chứng kiến ánh mắt người Việt xem anh như một người ăn mày, tội phạm, lừa đảo, thậm chí là người điên hơn là một nghệ sĩ phượt. “Đôi khi rất tổn thương nhưng mình luôn giữ niềm tin vào cuộc sống. Gặp những phán xét như vậy, mình không thể cứ lại tranh cãi, với mình khi đã đi thì nguyên tắc phải là: Chấp nhận hoàn toàn - Mỉm cười - Vượt qua. Chính điều đó cho mình sức mạnh hoàn thành chuyến đi”.

Ở mỗi nơi, Hà đều nhận được tấm lòng hào sảng của người dân bản địa.

Người dân luôn giúp anh có chỗ ngủ qua đêm, đồ ăn, hay thậm chí quyên góp tiền cho cuộc hành trình của anh.

Song cũng không ít lần Hà nhận được sự ưu ái, quan tâm giúp đỡ từ người dân địa phương. Hà kể, hôm nương náu tại Hồng Thủy (Quảng Bình), đang cố đi nhanh đến cây xăng ngủ nhờ thì có một thanh niên chạy ra chặn lại và đòi mời anh về dùng tiệc cho bằng được. Tuy hơi hoảng hốt, song anh vẫn đồng ý. “Hôm đó, mình còn góp vui cho buổi tiệc bài “Giấc mơ Chapi” và được mời ở lại chơi 3 ngày vào đúng dịp Tết Dương lịch. Niềm tin về tình cảm tốt đẹp của người Việt bắt đầu như vậy”.

Hay lần khác, đặt chân đến mảnh đất Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế), anh vào xin ngủ lại ở một nhà thờ thì được giới thiệu qua một nhà dân kế bên. “Căn nhà đó ẩm thấp và hoang vắng lắm, bước vào mình chỉ thấy một chú nằm trên giường. Trò chuyện mới biết chú không đi lại được và phải nằm một chỗ hơn 30 năm. Niềm vui mỗi ngày là được nghe tiếng kinh giáo đường và xem tin tức qua chiếc TV nhỏ. Đặc biệt hơn nữa là mình vào đúng dịp sinh nhật chú. Không có ai ở cạnh chú cả, mình lại mình lôi cây đàn guitar ra và hát bài Happy Birthday tặng chú. Chú mời mình ăn bánh ngọt xem như bánh kem sinh nhật”, Hà nhớ lại.

Với Hà, mỗi mảnh đất đều có một thứ để nhớ: Khánh Hòa hào hiệp, Hà Tĩnh - Quảng Trị - Quảng Bình hiếu khách, hay Quảng Ngãi nhẹ nhàng, Phan Thiết lại khá chịu chơi, Phú Yên thì chân chất…

Nếu mình cứ mãi đứng yên một chỗ thì sẽ không biết cuộc sống màu gì, nơi ấy như thế nào và cuộc đời bao nhiêu tuổi? Việt Nam mình đẹp lắm, phải đi từ từ mới cảm nhận được”.

Cứ vậy, trên hành trình bằng đôi chân trần của mình, Hà đã cảm nhận được hơi ấm tình người ở khắp mọi nơi. Là Khánh Hòa hào hiệp, Hà Tĩnh - Quảng Trị - Quảng Bình hiếu khách, hay Quảng Ngãi nhẹ nhàng, Phan Thiết lại khá chịu chơi, Phú Yên thì chân chất… Và lời đáp: Liệu tình người trong cuộc sống có còn cuối cùng cũng được anh tìm ra. Hà bảo: “Có những nơi bị cảnh báo là nguy hiểm lại là nơi ấm áp tình người nhất. Nếu mình cứ mãi đứng yên một chỗ thì sẽ không biết cuộc sống màu gì, nơi ấy như thế nào và cuộc đời bao nhiêu tuổi? Việt Nam mình đẹp lắm, và phải đi từ từ mới cảm nhận được”.

Hành trình của chàng trai Nhật Hà đã vào hồi kết, nhưng câu chuyện đi để tìm niềm tin vào tình yêu con người của anh thì còn mãi: Đi - sống - và yêu.

“Ai yêu tự do yêu rừng xanh thì lên núi nghe đàn chapi

Tôi yêu chapi không còn cô đơn, không buồn, không vui…” (Trần Tiến).

Chia sẻ

Bài viết

Huỳnh Đoàn - Ánh Diệu

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất