Sắc màu Cuộc Sống

Hành trình tìm đến hạnh phúc của những cặp đôi khuyết tật trong lễ cưới tập thể ở Hà Nội

Định Nguyễn
Chia sẻ

Kém may mắn so với những người khác, thế nhưng 41 cặp đôi khuyết tật trong đám cưới tập thể tại Hà Nội khiến nhiều người không khỏi khâm phục bởi ý chí, nghị lực vươn lên. Họ bỏ qua mặc cảm bản thân trao nhau tình yêu, cùng nhau xây dựng mái ấm gia đình hạnh phúc.

Clip đám cưới tập thể của những cặp đôi khuyết tật

Vợ tật nguyền làm ánh sáng cho chồng mù loà

Chiều 23/6 đã diễn ra lễ cưới tập thể cho 41 cặp đôi đến từ Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Đây là những người có số phận kém may mắn trong cuộc sống. Thế nhưng, họ lại có một ý chí, tình yêu cùng nhau vượt qua khó khăn, gian khổ của cuộc đời.

Nắm tay chồng tiến vào lễ đường, xung quanh là những tiếng vỗ tay, reo hò chúc phúc của nhiều người bạn, người thân, chị Vũ Thu Hằng (33 tuổi, ở TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Trong câu chuyện kể với chúng tôi, chị Hằng cho biết, bản thân bị chứng bệnh bạch tạng từ khi mới sinh ra. Ban đầu chị rất nhút nhát khi tiếp xúc những người xung quanh.

Chị Hằng là ánh sáng cho cuộc đời anh Vinh, còn người đàn ông này là bờ vai vững chãi cho vợ.

Họ cùng nắm chặt tay nhau vượt qua những ngày gian khó.

Cuộc đời chị Hằng chính thức bước sang một trang mới khi quen biết anh Vàng Quang Vinh (34 tuổi, ở huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai). Anh Vinh cũng có số phận kém may mắn khi lên 3 tuổi thì bệnh sởi. Thế rồi căn bệnh ấy cũng nhanh chóng cướp đi của anh đôi con mắt của anh vĩnh viễn.

Cách đây hơn 10 năm trước, họ quen nhau qua một người bạn giới thiệu, sau nhiều lần gọi điện chuyện trò cả hai đồng cảm rồi yêu nhau từ lúc nào không hay. Bị mù cả hai mắt nên chị Hằng chính là ánh sáng của cuộc đời anh Vinh, còn người đàn ông này là bờ vai vững chắc cho vợ của mình.

Do mắc bệnh bạch tạng nên mắt chị Hằng cũng mờ và chỉ nhìn được khi cách xa khoảng 1m.

Những con người cùng số phận đồng cảm với nhau.

Gần 4 năm trước, cả hai quyết định cùng nhau đi đăng ký kết hôn. Vì không có điều kiện làm đám cưới nên hai người chỉ làm mâm cơm mời người trong gia đình tới chúc phúc, rồi cùng nhau xây dựng mái ấm, hạ sinh hạ cậu con trai năm nay gần 3 tuổi.

Hằng ngày cuộc sống của hai vợ chồng dựa vào những đồng tiền bán nước để cùng nhau nuôi dạy con nên người. “Chung sống với nhau tôi thực sự rất khâm phục chồng mình. Anh Vinh là một người luôn yêu thương vợ con, anh gánh vác trách nhiệm của mình và không bao giờ để vợ phải buồn lòng. Cuộc sống vợ chồng khó tránh khỏi những lúc hờn ghen, giận dỗi nhưng sau những lần ấy chúng tôi thêm yêu và hiểu nhau hơn”, chị Hằng chia sẻ.

Vợ chồng anh Thành vui vẻ trong ngày tổ chức đám cưới.

Cũng giống như vợ chồng anh Vinh, cuộc sống của vợ chồng anh Phạm Văn Thành (31 tuổi, quê ở huyện Triệu Sơn, Thanh Hoá) cùng vợ là chị Nguyễn Thị Thương (32 tuổi) gặp không ít khó khăn. Thế nhưng trên khuôn mặt họ luôn trao nhau ánh mắt tình tứ, yêu thương nhau hết lòng.

Chị Thương hiện đang làm biên tập viên cho một nhà xuất bản sách, còn anh Thành thì đang làm cho một công ty may. Anh chị đều là những người có số phận may mắn khi chị bị di chứng chất độc da cam từ bố nên chỉ cao khoảng 1m, còn anh Thành bị dị tật từ khi mới sinh ra nên hai chân yếu không thể tự đứng mà hằng ngày phải dùng gậy chống.

Anh Thành trao vợ nụ hôn.

Họ quen nhau đã hơn 10 năm và cùng tiến tới hôn nhân cách đây 4 năm. Điều kiện không cho phép nên cả hai không thể tổ chức một đám cưới đúng nghĩa. Thế nhưng hai người luôn đồng cảm trao nhau yêu thương, cùng nhau xây đắp hạnh phúc, chăm lo cho đứa con 2 tuổi.

“Được tổ chức đám cưới vợ chồng tôi vui lắm, mấy ngày vừa qua vợ chồng tôi mất ngủ, hồi hộp lo lắng vô cùng. Chúng tôi sẽ luôn trân trọng những giây phút thực sự ý nghĩa này”, chị Thương chia sẻ.

Bỏ đất thủ đô đi theo tiếng sét ái tình, chăm chồng tật nguyền

Câu chuyện chúng tôi kể tới đây cũng sẽ khiến nhiều người cảm phục. Vì tình yêu chị Trần Thị Thi (42 tuổi, trú tại phường Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội) đã vào huyện Hậu Lộc, Thanh Hoá xây dựng hạnh phúc cùng chồng là anh Đỗ Ngọc Tiến (43 tuổi). Anh Tiến bị khuyết tật chân sau khi bị tai nạn khi làm ở Campuchia từ thời thanh niên.

Vợ chồng ông Tiến cùng người thân ra Hà Nội tham dự đám cưới.

Khi cùng người mình yêu xây dựng hạnh phúc, chị Thi đã bị người nhà phản đối vì sợ chị lấy chồng xa sẽ khổ, trong khi chị không được khỏe mạnh. Hai người cũng không có điều kiện làm lễ cưới.

Anh Tiến nhớ, cách đây 6 năm, vợ đẩy anh đi xe lăn lên tận trung tâm huyện để chụp một tấm ảnh cưới lưu niệm. Sau đó, chị Thi lại đẩy anh về UBND xã để làm thủ tục đăng ký kết hôn. Quãng đường khoảng 10km đi bộ khiến anh nhớ mãi không quên và luôn thầm biết ơn mà những gì vợ đã hi sinh vì tình yêu dành cho mình.

Vì tình yêu, chị Thi bỏ Hà Nội về quê chồng ở Thanh Hoá.

“Hiện tại tôi hát rong bán tăm ở quê kiếm đồng ra đồng vào trang trải cho cuộc sống. Vợ ở nhà chăm sóc nuôi dưỡng con cái. Đơn giản thế thôi nhưng với tôi thế là đủ và hạnh phúc rồi. Lần này chúng tôi bắt xe ra Hà Nội tổ chức đám cưới, đây là kỷ niệm vô cùng đáng nhớ trong cuộc đời mình”, anh Tiến nói.

Vợ chồng anh Thức rạng ngời bên con trai 10 tuổi trong ngày cưới.

Luôn nở nụ cười tươi trong suốt buổi tổ chức hôn lễ, vợ chồng anh Phạm Hồng Thức (43 tuổi) và chị Hoàng Hồng Kiên (38 tuổi) ở phường Đại Mỗ, Hà Nội thu hút nhiều ánh nhìn của những người tới tham dự. Cả hai vợ chồng anh Thức hiện đều là vận động viên khuyết tật từng đi thi đấu và mang về nhiều giải thưởng lớn.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Thức kể, năm 2015 một vụ tai nạn giao thông đã cướp đi đôi chân của anh vĩnh viễn, còn chị Kiên thì đôi chân bị bại liệt. Cả hai bén duyên rồi về chung sống cùng nhau cách đây 14 năm và có một con trai năm nay 10 tuổi.

Thế nhưng vì không có điều kiện nên vợ chồng anh Thức chưa tổ chức đám cưới. Anh rất hạnh phúc khi cùng vợ tiến lên lễ đường, trao nhẫn, tặng hoa cho nhau. Trong suốt những tháng ngày chung sống cùng nhau gia đình anh luôn đầy ắp tiếng cười, tình yêu vô hạn dành cho đứa con của mình.

Chia sẻ

Bài viết

Định Nguyễn

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất