Sắc màu Cuộc Sống

Hàng loạt trường Quốc tế bị phụ huynh kéo đến phản đối chính sách học phí trong mùa dịch

Yến Nguyễn
Chia sẻ

Bức xúc về chính sách thu học phí trong mùa dịch COVID-19, phụ huynh các Trường Quốc tế Việt Úc (VAS), Trường Quốc tế Úc (AIS Saigon), Trường quốc tế Mỹ... đã tập trung tại trường để yêu cầu đối thoại trực tiếp với nhà trường, đồng thời gửi đơn kiến nghị lên các đơn vị chức năng.

Trường Quốc tế dân lập Việt Úc

Ngày 14/5, hàng trăm phụ huynh Trường Quốc tế dân lập Việt Úc (VAS) tập trung tại trường để phản đối chính sách thu học phí trong mùa dịch Covid-19.

Theo đó, trường VAS thông báo giảm 70% học phí trong mùa dịch Covid-19. Tuy nhiên, từ bản thông báo này, thực tế phụ huynh phải đóng từ 140% đến 162% học phí.

Sau đó, trường học này đã gửi email đến các phụ huynh bảng kê tổng hợp và chi tiết học phí học phần 3, học phần 4, tuy nhiên, điều này càng khiến phụ huynh bức xúc hơn bởi những khoản thu quá cao.

Phụ huynh giơ cao băng- rôn yêu cầu được đối thoại với trường Việt Úc để làm sáng tỏ nhiều vấn đề

Phụ huynh phải đứng chờ nhiều giờ dưới cái nắng ở ngoài cổng trường.

Ngoài những lùm xùm liên quan đến vấn đề học phí, phụ huynh trường Quốc tế Việt Úc còn bày tỏ sự bức xúc liên quan đến chất lượng bữa ăn tại trường.

Theo đó, chị T. hiện có con đang theo học tại trụ sở 3/2 cho biết: “176.000 đồng/ngày ăn nhưng bữa ăn của các con thực sự rất lẻ tẻ, bữa sáng chỉ một tô phở mà phở này lại giống như gói phở bán tại siêu thị vài nghìn đồng”.

Các phụ huynh dã tục tập trung trước cổng trường để yêu cầu đối thoại với nhà trường. Điều quan trọng nhất của các phụ huynh lúc này là sự minh bạch và trực tiếp đối thoại với lãnh đạo nhà trường.

Theo ghi nhận, đến trưa ngày 14/5, phía trường Việt Úc vẫn đóng cửa cổng, không có bất kỳ lãnh đạo nào ra đón tiếp phụ huynh. Bất lực trước cách hành xử của nhà trường, các phụ huynh dần bỏ ra về, đồng thời, tính đến phương án cử ra 6 phụ huynh đại diện để tiếp tục đối thoại với nhà trường về các vấn đề còn khúc mắc.

Trường Quốc tế Mỹ

Ngày 11/5 vừa qua, giữa tiết trời nắng nóng, rất đông phụ huynh đã tập trung tại Trường Quốc tế Mỹ (TAS) ở Quận 2, TPHCM để phản đối chính sách về học phí trong thời gian nghỉ do dịch Covid-19.

Phụ huynh cầm tờ rơi phản đối chính sách học phí, yêu cầu nhà trường công bằng, tôn trọng, đối thoại phụ huynh… trên tay. Những tờ rơi này cũng được dán lên phía trước cổng nhà trường.

Có mặt tại trường để yêu cầu được đối thoại trực tiếp với nhà trường, một phụ huynh bày tỏ: “Tôi quá buồn và thất vọng khi không nhận được sự tôn trọng và hợp tác từ phía nhà trường. Mặc dù phụ huynh phải đứng chờ rất lâu dưới trời nắng nóng nhưng nhà trường từ chối mở cửa cho phụ huynh vào bên trong. Hai hiệu trưởng của trường ra gặp phụ huynh, nhưng thay vì mời phụ huynh vào thì họ đứng từ bên trong cổng nói vọng ra với phụ huynh rằng liên quan đến sự việc này, họ không có quyền quyết định”.

Theo phản ánh của phụ huynh, thời gian nghỉ do dịch Covid-19, học sinh bắt đầu học online tại nhà từ tháng 2/2020. Tuy nhiên, việc học từ xa qua Internet không được nhà trường triển khai kịp thời và đầy đủ. Hơn nữa, thời lượng học qua mạng các cấp học có khác nhau nhưng thông thường chỉ có 3 lần mỗi tuần, mỗi lần 30 phút.

Đến ngày 8/4/2020, phụ huynh nhận được thông báo của trường yêu cầu đóng học phí cho năm học 2020-2021, trường giữ nguyên mức học phí như năm học hiện tại với điều kiện phụ huynh đóng trước ngày 30/5. Ngoài ra, nhà trường yêu cầu phụ huynh phải đóng tiền giữ chỗ trước 24/4 (20 triệu đồng/học sinh).

Được biết, tiền học phí của Trường TAS mức thấp nhất là gần 290 triệu đồng và mức cao nhất là 632 triệu đồng/năm tùy bậc học, chưa tính tiền ăn uống, đưa đón, phí nhập học.

Như vậy, trong 3 tháng học online với chất lượng không đáp ứng được nhu cầu của học sinh, phụ huynh vẫn bị tính từ 100 đến trên 200 triệu đồng học phí như đi học bình thường.

Nhiều phụ huynh cho biết, họ quá buồn và thất vọng về cách ứng xử của nhà trường trước sự việc này.

Từ các sự việc trên, phụ huynh không chấp nhận việc học từ xa thay thế cho việc học tại trường. Do vậy, phụ huynh đề nghị trường hoàn trả phần học phí cho 3 tháng học online từ 3/2/2020 đến ngày 7/5/2020. Tuy nhiên, nhà trường vẫn chưa có thông tin cụ thể về việc hoàn, giảm học phí trong thời gian nghỉ học, học online.

Sau nhiều lần thấy nhà trường trì hoãn cuộc gặp, ngày 11/5, nhiều phụ huynh tập trung đến trường phản đối chính sách không hoàn phí trong thời gian nghỉ dịch, mong được đối thoại với nhà trường. Tuy nhiên, các phụ huynh vẫn không nhận được sự hợp tác của phía nhà trường.

“Trước tình thế hơn 40 phụ huynh đến trường, nhiều hơn rất nhiều so với con số 8 người mà chúng tôi mời tới, bộ phận bảo vệ của trường đã thực hiện đúng các chỉ thị về phòng chống dịch.

Chúng tôi không thể tiếp đón các phụ huynh này khi chưa có sự chuẩn bị chu đáo, để đảm bảo an toàn tuyệt đối về sức khỏe cho học sinh, giáo viên, nhân viên nhà trường và bản thân quý phụ huynh“, thông cáo gửi báo chí của trường cho hay.

Phụ huynh trường Quốc tế Mỹ đứng ngoài song sắt dưới trời nắng nhiều giờ đồng hồ

Được biết, hôm nay, 14/5, trường đã sắp xếp cuộc hẹn với phụ huynh, đối thoại trực tiếp cùng giải quyết vấn đề liên quan đến học phí, chất lượng học online trong thời gian nghỉ dịch.

Trường Quốc tế Việt Nam - Phần Lan (VFIS)

Cùng thời điểm này, các phụ huynh của Trường Quốc tế Việt Nam - Phần Lan (VFIS) đã gửi đơn kêu cứu khẩn cấp lên Bộ GDĐT, UBND TP.HCM, Sở GDĐT TP.HCM vì trường từ chối họp phụ huynh công khai để thỏa thuận học phí online, không tổ chức học bù thỏa đáng nhưng cũng không xem xét hoàn lại học phí cho phụ huynh trong thời gian học sinh nghỉ học vì dịch Covid-19.

Đơn cầu cứu của phụ huynh Trường Quốc tế Việt Nam - Phần Lan (VFIS)

Theo phản ánh của phụ huynh, từ ngày 17/2, trường bắt đầu tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh, tuy nhiên, không phải môn học nào cũng được giảng dạy, bên cạnh đó, thời gian mỗi tiết dạy online chỉ khoảng 20 phút. Trong khi đó, phụ huynh đã đóng học phí để con được hưởng giáo dục 40 giờ/tuần và nhiều tiện ích, cơ sở vật chất tại trường. Nhưng khi học online, trẻ chỉ được học khoảng 1,5 - 3 giờ/tuần.

Sau đó, nhà trường thông báo sẽ kéo dài năm học thêm 2 tuần so với lịch ban đầu để bù đắp kiến thức thiếu hụt trong quá trình học online. Tuy nhiên, phụ huynh cho rằng 2 tuần sẽ không thể nào đủ thời gian để cung cấp đủ kiến thức cho cả 3 tháng nghỉ dịch nên tiếp tục gửi kiến nghị đến trường. Nhóm phụ huynh đề nghị thời gian dạy bù ít nhất phải bằng 2/3 thời gian học sinh nghỉ.

Phía trường Trường Quốc tế Việt Nam tiếp tục ra thông báo sẽ miễn phí khóa hè 3 tuần dành cho các học sinh hiện tại của trường và không đề cập đến việc hoàn phí. Thông báo tiếp tục vấp phải phản ứng của phụ huynh.

Phụ huynh cho rằng, nếu trường không tổ chức dạy bù một cách thỏa đáng thì phải xác định mức học phí dạy online, trừ vào khoản học phí đã nộp từ đầu năm, còn lại phải hoàn trả cho phụ huynh. Tuy nhiên, trường chỉ đồng ý trả lại tiền ăn và xe đưa rước, không hoàn trả học phí.

Trường Quốc tế Úc (AIS Saigon)

Trước đó, vào sáng 6/5, nhóm phụ huynh trường Quốc tế Australia (TP.HCM) tiếp tục đến trường, yêu cầu đối thoại về kiến nghị trường dạy bù đúng, đủ hoặc hoàn học phí.

Theo thông báo từ trường, phụ huynh nhận lại mức hoàn học phí cho 10 tuần nghỉ dịch theo tỷ lệ tương ứng mầm non 20%, tiểu học 12%, trung học 5%. Như vậy, họ nhận được khoảng 10-20 triệu đồng, trong khi đó, học phí phụ huynh đóng theo năm dao động từ 110 - 665 triệu đồng/năm tùy theo cấp học. Tuy nhiên, họ phải đăng ký cho con học tiếp mới được nhận lại khoản tiền này.

Phụ huynh cho rằng phương pháp dạy và học trực tuyến mà AIS triển khai chỉ đơn giản là giao bài và nộp bài trực tuyến, không đáp ứng được chất lượng giảng dạy cho học sinh.

Phụ huynh kéo đến trường Quốc tế Australia (TP.HCM) yêu cầu nhà trường đối thoại về kiến nghị dạy bù đúng, đủ hoặc hoàn học phí. Ảnh: báo Thanh Niên

Như vậy, các phụ huynh yêu cầu, nếu trường không thể hoàn học phí phù hợp, phụ huynh đề nghị học sinh được học bù trên tinh thần đúng và đủ so với thời gian nghỉ học để đảm bảo quyền lợi cho học sinh.

Nếu trường không dạy bù theo nguyên tắc đúng và đủ, phụ huynh đề nghị tính học phí theo số ngày học trực tuyến với mức từ 50% (khối lớp Y5-Y13) đến 70% (khối lớp Y1-Y4). Ngoài ra, phụ huynh đề nghị trường hoàn trả 100% các khoản thu ngoài học phí như xe đưa đón, các lớp học ngoại khóa.

Liên quan đến vấn đề nói trên, ông Lê Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM cho biết, các khoản thu ở trường tư thục được quy định tại Luật Doanh nghiệp và Nghị định 86 về cơ chế thu, quản lý học phí.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Sở đã có văn bản chỉ đạo trường thỏa thuận với phụ huynh, thống nhất phương án chi trả để đảm bảo quyền lợi cho HS. Sở đã gặp gỡ nhà trường và làm việc với phụ huynh để nắm bắt tình hình. Từ đó, sở chỉ đạo trường làm việc với phụ huynh thống nhất chi trả.

“Học phí thu theo thỏa thuận. Các trường tư thục cung cấp dịch vụ giáo dục. Phụ huynh đồng ý thì bỏ tiền ra để sử dụng dịch vụ. Nếu không, họ có thể tìm trường khác. Sở không can thiệp được”, ông Nam cho hay.

Chia sẻ

Bài viết

Yến Nguyễn

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất