Sắc màu Cuộc Sống

Niềm tin đang tụt dốc không phanh?

Lý Đợi
Chia sẻ

Ngày 12/5 vừa qua tại Paris, Pháp, phiên đấu giá Nghệ thuật ấn tượng, hiện đại và đương đại của nhà Auction.fr đưa hai tranh giả của danh họa Mai Trung Thứ (còn gọi Mai Thứ, 1906-1980) và danh họa Vũ Cao Đàm (1908-2000) ra bán, thế giới thêm một lần nữa mất niềm tin lớn vào tranh Việt.

Cũng chính vì khoảng 20 danh họa Việt Nam có tác phẩm làm giả, làm nhái nên đến nay chưa có tác phẩm nào vượt ngưỡng 1 triệu USD tại các phiên đấu giá, một sự thật quá đáng buồn.

Có niềm tin là có tất cả, nhưng làm sao để tạo dựng niềm tin và để giữ được niềm tin trong cuộc sống hiện nay thì thật không dễ dàng gì.

Một trường hợp giả làm sư đã bị điều tra

Một trường hợp giả làm sư đã bị điều tra

Bây giờ ra đường thấy một vụ cướp, do mất niềm tin và do các câu chuyện kiểu cảnh giác nhồi nhét vào đầu quá nhiều, chúng ta mất luôn khả năng phán đoán đâu là bên cướp, đâu là bên bị cướp để có phương án đối phó. Rất nhiều trường hợp cả hai bên đều là cướp, họ đang dàn tuồng để cướp những người đi đường mất cảnh giác khác.

Có những trường hợp rõ ràng bị đánh oan giữa thanh thiên bạch nhật, như hai mẹ con vừa bị mới đây ở quận 1, nhưng trên mạng cũng có vô số lời gièm pha, đặt điều cho rằng hai mẹ con này dựng hiện trường giả để tạo niềm thương cảm. Hoặc như cặp vợ chồng nọ giả làm Phật tử lên chùa lễ hương để trộm thùng phước sương ở huyện Bình Chánh, TP.HCM. Hoặc như trường hợp cướp cơm từ thiện ở các cổng bệnh viện; giả liệt giả đui đi xin ăn… Tất cả, nếu không làm mất niềm tin phía này, thì cũng gây hoang mang về việc có hoặc mất niềm tin ở phía khác.

Một vụ dàn cảnh để giật đồ

Một vụ dàn cảnh để giật đồ

Nhìn rộng hơn, nhiều người trong chúng ta đang mất niềm tin vào giáo dục phổ thông, nên tìm cách chuyển trường tốt hơn, hoặc tìm cách đi du học. Đang mất niềm tin vào y tế, chẳng hạn như việc tiêm chủng, thuốc giả thuốc thật. Và mất niềm tin với cả đồ ăn thức uống hàng ngày. Cá chết hàng loạt và đang lan rộng ngoài biển, dù lý do là gì, thì việc người ta mất niềm tin vào việc ăn cá vẫn rất rõ ràng, gây thiệt hại nghiêm trọng.

Nhìn lại lịch sử nhiều quốc gia, đất nước nào cũng có những giai đoạn khủng hoảng niềm tin và đánh mất niềm tin ở diện rộng. Ví dụ như nước Anh thời cách mạng công nghiệp (cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19), Nhật Bản trước thời Minh Trị canh tân (năm 1968), nước Mỹ thời nội chiến (1861-1865)… Thế nhưng, trong bối cảnh toàn cầu hóa cùng với sự nở rộ của mạng xã hội, nếu niềm tin nhanh chóng được nhân rộng, thì việc mất niềm tin cũng vậy. Thậm chí đã có nhiều nghiên cứu cho thấy thời kỳ này cái tốt luôn lan truyền chậm hơn cái xấu, cái nhảm nhí. Nếu chúng ta đang bị mất niềm tin nghiêm trọng, thì mạng Internet và mạng xã hội phải chịu một phần tất yếu về trách nhiệm.

Việt Nam có hơn 22 triệu học sinh đến trường

Việt Nam có hơn 22 triệu học sinh đến trường

Việt Nam là đất nước có dân số rất trẻ, một đại lại thế, nếu lớp trẻ đó có kĩ năng, việc làm và niềm tin đủ vững để dấn bước trong những việc mình đã chọn lựa. Nhưng chắc chắn, thách thức cũng hề ít. Ví dụ như năm học 2015-2016, Việt Nam có hơn 22 triệu học sinh đến trường, trong khi dân số của tất cả các nước Bắc Âu (năm 2015) chỉ hơn 26,6 triệu người. Liệu 22 triệu học sinh này có được trang bị đủ kiến thức và niềm tin để vào đời không? Đây là chưa nói mối quan hệ giữa người già và người trẻ đang có nhiều ngăn trở, đang thiếu nhiều niềm tin sâu sắc với nhau, nên sự giáo dục, cân bằng, chia sẻ cũng gặp nhiều khó khăn.

Tương lai nào cho những người trẻ thiếu kĩ năng?

Tương lai nào cho những người trẻ thiếu kĩ năng?

Theo báo cáo của Cục Cảnh sát hình sự, trong 4 năm qua từ 2008 đến 2011, cả nước phát hiện 67.200 người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Còn theo báo cáo về công tác phòng chống tội phạm của Chính phủ trình Quốc hội khóa 13, thì mỗi năm Việt Nam bắt giữ, truy tố hơn 115 nghìn người, trong đó có 16-18 nghìn trẻ vị thành niên…

Đã có những ý kiến khắt khe cho rằng không có gì rẻ rúng và đắt đỏ như niềm tin hiện nay. Điều này dẫn đến tình trạng: người có niềm tin chẳng biết san sẻ cho ai, còn người mất niềm tin thì chẳng biết phục hồi thế nào. Cứ tưởng mất niềm tin là mất tất cả, nhưng vô số người đã mất niềm tin (cương thi về tinh thần) vẫn còn đi lại trong đời sống, thật nguy hiểm xiết bao.

Cây bút Lý Đợi (tên đầy đủ: Hà Văn Bảy) là người Quảng Nam, nhưng hiện sống tại TP.HCM cùng gia đình riêng và làm việc tại báo Thể thao & Văn hóa. Bên cạnh viết báo, anh còn được biết đến như một người nghiên cứu văn hóa - xã hội. Lý Đợi đã xuất bản sách về con người Sài Gòn, về mỹ thuật và các vấn đề văn hóa khác.

undefined
Chia sẻ

Bài viết

Lý Đợi

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất