Báo cáo mới nhất của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, 7h sáng 14/9, bão số 10 (tên quốc tế là Doksuri) đang trên Biển Đông và cách điểm gần nhất ở đất liền là Đà Nẵng khoảng 500km, cách khu vực đổ bộ dự kiến là Hà Tĩnh khoảng 700km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão trên biển có thể đạt cấp 12-13, giật cấp 15. Dự báo khoảng 24 tiếng nữa bão sẽ tiệm cận Hà Tĩnh, Quảng Bình.
Từ 15/9, trên đất liền ven biển các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị bắt đầu có gió mạnh cấp 7 - 8. Đến trưa mai hoặc chiều mai, bão sẽ đổ bộ vào bờ. Các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão với sức gió có thể đến cấp 10 - 12, giật cấp 15. Hai tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Bình với sức gió mạnh cấp 12, giật cấp 15.
Cấp độ rủi ro thiên tai bão vùng biển ven bờ khu vực Nghệ An - Quảng Trị là cấp 4, cấp độ rủi ro thiên tai bão vùng biển ven bờ các khu vực khác là cấp 3. Vùng có gió mạnh mở rộng ra cả khu vực ven bển Bắc Bộ kéo vào đến Thừa Thiên Huế. Các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng cấp 7 - 8, vùng biển Nam Định, Thái Bình, cấp 8 - 9, Thanh Hoá có gió giật cấp 11.
Theo thông tin dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Trung Quốc bão sẽ mạnh lên cấp 15. Riêng dự báo của Mỹ, bão số 10 có thể mạnh cấp 15 - 17.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Trưởng ban chỉ đạo TW về phòng chống thiên tai đánh giá, tính chất cơn bão số 10 rất nguy hiểm. Rủi ro thiên tai cấp 4, chỉ sau cấp thảm họa.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đánh giá đây là cơn bão rất mạnh, di chuyển nhanh, phạm vi ảnh hưởng rộng. Yêu cầu các địa phương phải sơ tán người dân khỏi vùng nguy hiểm (vùng bão đi qua, vùng có lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, khu vực đê xung yếu.)
“Các địa phương, bộ ngành tập trung đảm bảo an toàn trên biển, kiểm đếm, di chuyển các tàu khỏi nơi nguy hiểm, đảm bảo an toàn hoạt động thăm dò dầu khí. Trong hôm nay, phải thực hiện đồng loạt cấm biển”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.