Gia đình hơn 50 năm làm lồng đèn giấy kiếng khổng lồ ở Sài Gòn: Có chiếc lồng đèn dài hơn 3 mét, giá chục triệu đồng

Hàng năm, cứ mỗi dịp Trung Thu sắp đến, khắp những con hẻm nhỏ ở khu xóm đạo Phú Bình (Q.11) lại trở nên nhộn nhịp hẳn. Nhà nhà, người người tất bật với với nghề làm lồng đèn giấy kiếng độc nhất vùng Sài Gòn.

Bài viết Nguyễn Đạt
Chia sẻ

Xuất phát từ làng Báo Đáp, tỉnh Nam Định, nghề làm lồng đèn giấy kiếng đã theo chân những người dân đi làm ăn xa vào miền Nam hơn 50 năm qua. “Nghề làm lồng đèn giấy kiếng đã tồn tại tại cả trăm năm ở làng chúng tôi. Ban đầu cha tôi dạy cho tất cả những người con trong gia đình nhưng cuối cùng thì chỉ có 2 người là tiếp tục theo cái nghề truyền thống của gia đình này”, anh Nguyễn Trọng Bình (người có hơn 20 năm trong nghề) cho biết.

Để làm ra được mỗi chiếc lồng đèn, người nghệ nhân có tay nghề cao cần phải trải qua 4 công đoạn: làm khung, cắt giấy, vẽ, và cuối cùng là trang trí thêm những chi tiết phụ.

Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu sản xuất với số lượng lớn mỗi ngày, tất cả các công đoạn đều được phân công cho từng người khác nhau thực hiện. “Để chuẩn bị cho Trung thu vào tháng 8 hàng năm thì từ tháng 2, anh em chúng tôi đã phải chuẩn bị mua tre, giấy kiếng mới làm kịp hàng giao cho khách”, anh Bình cho biết thêm.

Theo anh Thành, công đoạn khó nhất khi làm lồng đèn là làm khung và vẽ. Vì vậy, để đảm bảo chất lượng, các công đoạn này do chính tay anh em ông Bình và ông Thành đảm nhận chứ không dám giao cho người khác.

Vẽ lồng đèn thoạt nhìn thì không quá phức tạp vì các mẫu vẽ cũng ít. Tuy nhiên, để truyền được cái “hồn” vào trong nét vẽ thì không phải ai cũng làm được. Mỗi người sẽ có 1 phong cách vẽ riêng, cùng 1 mẫu nhưng chắc chắn các nét vẽ của mỗi người sẽ rất khác nhau. Theo đó, khó nhất vẫn là vẽ đôi mắt cho thật có thần.

Bên cạnh chất liệu giấy kiếng, để đáp ứng nhu cầu đổi mới của khách hàng thì người nghệ nhân còn sáng tạo thêm trong việc dùng các chất liệu khác như giấy lụa, vải,.. tạo ra những mẫu lồng đèn hiện đại hơn.

Không những đổi mới về chất liệu mà hình dáng lồng đèn cũng được cập nhật qua từng năm. Nếu như trước đây, quẩn quanh chỉ có lồng đèn con bướm, con gà, ngôi sao,… thì giờ đây đã xuất hiện thêm những chiếc tàu, con lân, Doremon với với nhiều mẫu mã, kích thước đa dạng nhằm cạnh tranh với những chiếc lồng đèn điện tử hiện đại.

Bên cạnh đó, 2 anh em ông Bình và ông Thành còn tạo nên những chiếc lồng đèn khổng lồ. “Cái lồng đèn con thỏ dài hơn 3 mét này do 1 công ty dưới Bình Dương đặt chúng tôi làm. Mỗi lần lên khung là 2 anh em phải ra đường ngồi làm tại to quá, không thể vừa trong nhà”.

Hiện nay, giá lồng đèn dao động từ 10.000 đến cả chục triệu đồng mỗi chiếc tuỳ theo hình dáng, kích thước, chất liệu. Cứ mỗi khi trung thu sắp tới, cả xóm lồng đèn Phú Bình đều phải khẩn trương làm suốt ngày đêm để kịp giao hàng cho khách.

Không chỉ phân phối ở Sài Gòn, các tỉnh lân cận, hiện nay danh tiếng của xóm lồng đèn Phú Bình đã vang xa tới cả nước ngoài như Úc, Mỹ, Canada… Mặc dù còn khoảng 1 tháng nữa mới tới Trung thu nhưng hiện nay, các thương lái đã ra vào liên tục để mang hàng vận chuyển khắp nơi, tạo nên một khí nhộn nhịp ở cái xóm bình thường vốn trầm lặng này.

Những năm gần đây, lồng đèn truyền thống đã được ưa chuộng nhiều hơn. Ngoài các cửa tiệm, chiếc lồng đèn giấy kiếng đỏ đã xuất hiện nhiều hơn, thậm chí là lấn át cả lồng đèn điện tử. Đó là báo hiệu đáng mừng cho sự hồi sinh của làng lồng đèn truyền thống đã tồn tại hàng trăm năm qua.

Bài viết

Nguyễn Đạt

Chia sẻ