Sắc màu Cuộc Sống

Ghé thăm quán của cô bán xôi tốt bụng chở nam sinh về lấy giấy dự thi: 5h sáng mở hàng, 6h hơn đã hết veo!

Hồng Ngọc
Chia sẻ

Nhắc đến cô Như Ý (50 tuổi) bán xôi người ta không chỉ nhớ đến hình ảnh đẹp: Chở nam sinh xa lạ về nhà lấy giấy báo thi mà mấy mươi năm nay cô còn nổi danh với hàng xôi đắt như tôm tươi ở chợ Thị Nghè.

Nhắc lại câu chuyện của cô Ý và cậu học sinh may mắn đó, chắc ai cũng thấy ấm lòng. Hôm ấy là ngày thi đầu tiên của kì thi THPT Quốc Gia, cũng như bao ông bố bà mẹ khác, cô Ý hối hả chở cậu con trai đến điểm thi tại THPT Gia Định (quận Bình Thạnh). Khi con đã bước vào cổng, tình cờ cô phát hiện một cậu nam sinh hoảng loạn vì để quên giấy báo thi, trong khi nhà cách điểm thi hơn 10km. Nhìn dáng vẻ bối rối tay chân run rẩy lục tìm chìa khóa để tự chạy xe về nhà, cô Ý liền giục: “Thôi lên xe đi, tôi chở về nhà cho”. Nhờ tay lái điệu nghệ của cô Ý mà 7h18′, cậu học sinh đã kịp vào phòng thi trước khi bắt đầu tính giờ làm bài.

Hành động đẹp của cô Ý trong mùa thi đầu tiên.

Câu chuyện được rất nhiều người biết đến, đâu đâu cũng thấy nhắc về cô. Cũng vì câu chuyện gây sốt này mà mấy hôm nay đi đâu ai cũng bảo cô Ý là bà bán xôi “người tốt việc tốt”. “Đến người chồng ở nhà còn trêu: “Tại bà xấu quá nên phải làm việc tốt giúp ích cho đời'. Tui nghỉ 2 hôm không bán để đưa con đi thi mà nhiều khách nhớ lắm. Mà muốn ăn xôi của tôi là cực lắm nha, 30kg nhưng đi sau 7h sáng là không còn đâu” - cô cho hay.

Hàng xôi của cô Ý bắt đầu bán từ 4h30 sáng.

Muốn ăn xôi của cô Ý là cực lắm nha! Hơn 6h mới đến mua là không còn.

Xôi là món ăn phổ biến và Sài Gòn chẳng thiếu những hàng xôi ngon. Sáng sáng, gói xôi nghi ngút khói theo chân những cô cậu học sinh đến lớp. Đến khi thành phố lên đèn, muốn tìm món ăn cho chắc bụng người ta lại tìm đến gói xôi đầy ụ thịt ở chợ Bà Chiểu hay hàng xôi bắt mắt nhiều màu ở chợ Bến Thành. Thậm chí, sự pha trộn của ẩm thực nhiều miền, nhiều quốc gia đã đem đến cho Sài Gòn những biến tấu mới: xôi xiêm, xôi mít, xôi xoài, kem xôi dừa… Vậy mà 20 năm nay, xôi cô Ý ở chợ Thị Nghè (quận Bình Thạnh, TP.HCM) vẫn giữ một vị trí quan trọng trong lòng khách.

Để hàng xôi đắt khách, cô Ý có bí quyết riêng.

Bán tín bán nghi về lời “đồn” sau 7h không còn xôi, chúng tôi cố tình tìm đến và hết sức ngỡ ngàng với cảnh tượng: Từ 5h sáng khách đã quây quanh, chật kín hàng xôi của cô Ý.

Tôi ăn xôi của chị Ý tính đến nay cũng hơn chục năm. Dạo trước ở gần đây, sáng sáng đi tập thể dục ưa mua về cho gia đình. Sau này dời sang chỗ khác rồi cũng ăn xôi nhiều nơi mà cũng chẳng nơi nào nấu được cái hạt nếp nguyên vẹn, vị béo ngậy như ở đây” - cô Năm, “khách ruột” của cô Ý cho hay.

Từ tờ mờ sáng, khi đường phố vẫn còn vắng bóng người qua, nhưng quầy xôi cô Ý lại đông lạ thường. “Cô ấy đắt hàng từ xưa tới giờ chứ có phải mới đây đâu. Từ 5h đã bắt đầu có người mua lai rai, khoảng 6h là giờ cao điểm, lúc này mà chậm tay là không còn xôi mà ăn đâu. Chắc bán lâu thành quen, tay chân nhanh nhẹn như cái máy, lớp nào hỏi khách, lớp nào múc xôi, ai ăn gì cũng nhớ hết” - chị Hải, một vị khách đang đứng xếp hàng chờ xôi cô Ý khen ngợi người bán hàng.

6h là giờ “cao điểm” của hàng xôi cô Ý.

Lúc đường phố còn thưa người thì quầy xôi đã tấp nập.

6h30 - hàng xôi đã hết veo.

Đến khoảng 6h30 sáng, 4 thau xôi cả thảy 30kg đã hết veo, nhiều người đến sau còn tặc lưỡi tiếc nuối. Bình thường mỗi ngày cứ 7h sáng cô đã bán hết hàng, chậm nhất cũng chỉ là 7h30. Nhiều khi, cô bán xôi xong, dọn hàng đi về rồi những quầy khác mới dọn hàng ra bán.

 “Cô học hành chẳng tới đâu, nên phải ráng lo cho 2 thằng con ăn học đàng hoàng”

Nhắc đến xôi cô Ý chợ Thị Nghè thì không ai ở khu vực này không biết. Tính đến nay, quầy xôi của cô cũng ngót nghét 20 năm tuổi. Từ hai bàn tay trắng mà nhờ vào nghề gia truyền, gia đình cô đã có của ăn của để, con cái được chăm lo học hành đến nơi đến chốn.

“Tôi buôn bán ban đầu cũng có suôn sẻ dễ dàng gì đâu. Lúc sinh thằng con trai đầu, còn “trong tháng”, tôi làm sao nấu xôi bán được. Mà lúc đó hoàn cảnh khó khăn lại phải chi tiêu nhiều thứ cho con nên chồng tôi xuống bếp một mình tự nấu xôi. Ổng vốn là phụ hồ, rành gì bếp núc, nên nấu lần nào là hư lần đó. Phần thì khét, phần thì nhão, rồi canh gia vị không đều tay. Cũng tiếc tiền của lắm chớ, mà giờ bán đồ không ngon thì mang tiếng chết. Thà mình chịu thiệt một chút rồi lấy cái tiếng về sau. Giờ toàn một tay chồng nấu không đó, tôi chỉ chuẩn bị với bán thôi” - cô cho hay.

Buôn bán hết, hai vợ chồng cô dọn hàng trở về.

Đều đặn 12h khuya mỗi ngày, chồng cô Ý phải thức dậy nấu xôi để kịp 4h30ph sáng mang ra chợ bán. Đến hơn 7h dọn hàng về nhà, tất cả thành viên trong gia đình lại bắt tay chuẩn bị cho sáng hôm sau.

30kg xôi là do 4 thành viên trong gia đình tự tay làm chứ không mướn người ngoài. Hai con trai đảm đương việc quét nhà, lau nhà, cho đường vào bịch nhỏ và chuẩn bị nguyên liệu. Riêng cô lo chụm bếp, nấu đậu, nấu bắp. Còn việc vắt dừa với nấu xôi là một tay chồng cô thực hiện. “Nhà tôi có máy vắt dừa đấy chứ nhưng mà vắt máy không ngon nên chồng tôi quyết định vắt tay. Mà mỗi ngày vắt đến 10kg dừa chứ ít đâu” - cô Ý khoe.

Vừa bán xong ở chợ, cô lại lật đật trở về chuẩn bị mẻ xôi mới.

Xôi của cô Ý được nấu bằng bếp than.

“Tôi học chỉ đến lớp 4 vì hoàn cảnh khó khăn, nên khi cuộc sống ổn định hơn thì thấy ai khốn khó, mình giúp được gì thì giúp, sẵn để làm gương cho 2 đứa con. Mà nhìn tôi bặm trợn, ăn to nói lớn vậy thôi chứ không có gì đâu, mình dân buôn bán nói nhỏ ai mà nghe” - cô Ý tâm sự.

Chia sẻ về “gia sản” lớn nhất của mình, cô cười tươi bảo: “Tôi với chồng là người lao động, học không đến đâu nên ráng lo cho hai thằng con học hành tới nơi tới chốn. Thằng lớn giờ học đại học rồi, thằng nhỏ vừa thi THPT Quốc Gia xong nè. Nó thích học gì tôi cũng ráng lo, để nó không còn cực như ba mẹ nó nữa”.

“Người ta thấy tôi ăn nói lớn tiếng cứ tưởng tôi dữ tợn lắm” - cô cười, nụ cười hiền khô!

Kiếm tiền cực như thế nhưng từ trước đến nay cô Ý không hề chi li tính toán, dù là với người dưng. Thỉnh thoảng trong xóm có những hoàn cảnh bệnh tật hay bị tai nạn lao động nhưng không có điều kiện chữa trị, cô là một trong những người tiên phong đóng góp, giúp đỡ. Đến các anh công nhân cầu đường nạo vét cống nhìn thương quá cô cũng chẳng tiếc tiền mời chầu nước, dù cô chẳng biết họ tên gì.

Càng trò chuyện nhiều với cô, chúng tôi càng hiểu hơn về lí do tại sao chẳng cần nhờ vào danh xưng “người tốt việc tốt mùa thi” mà cô Ý vẫn nổi danh ở khu chợ Thị Nghè từ nhiều năm nay. Xôi ngon là một lẽ, nhưng điều quan trọng hơn thảy, chính là tính hào sảng, sự nhân ái và lòng bao dung mà chẳng phải ai ở trong hoàn cảnh đó cũng làm được như cô.

Chia sẻ

Bài viết

Hồng Ngọc

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất