Sắc màu Cuộc Sống

Đừng vin vào chữ 'nghèo - khổ' mãi!

Nguyễn Hà
Chia sẻ

Đã từ rất lâu, ăn sâu vào tiềm thức của số đông, cứ nhắc đến chữ nghèo - khổ, chúng ta thường mủi lòng và quên đi tất cả những hệ quả vốn có sau đó.

Người xưa có dạy rằng: Thương người như thể thương thân, đó là một đức tính tuyệt vời của dân tộc ta, nhưng hãy “thương” cho thật đúng, thật hiệu quả. Tại sao lại nói thế, đơn giản bởi hiện nay những thứ liên quan đến hoàn cảnh nghèo khổ vẫn đang được mang ra như một công cụ mưu sinh và quên đi tất cả những hiểm nguy sau đó. Bạn đọc có thể không tin, vậy hãy thử đọc các ví dụ sau đây:

1, Những người già bán vé số.

Nỗi đau xế chiều của những cụ già giờ còng lưng vì nhữg "kí sinh trùng" khoẻ mạnh

Nỗi đau xế chiều của những cụ già giờ còng lưng vì nhữg “kí sinh trùng” khoẻ mạnh

Sài Gòn là một trong những thành phố có nhiều người già bán vé số nhiều nhất cả nước. Bạn có thể gặp các cụ già khắp nơi từ quán nhậu tới quán bar, từ cà phê cho tới những toà nhà sang trọng. Cứ chập choạng tối là các cụ sẽ lên đường bán vé số để mưu sinh. Không nói hết tất cả các cụ già đi bán vé số có “vấn đề”, nhưng chẳng phải báo chí cũng đã lên tiếng về việc các cụ già bị lợi dụng đi bán vé số đó sao. Còn cá nhân người viết cũng đã từng chứng kiến nhiều lần như vậy.

Trên con đường to đẹp Nguyễn Huệ, sẽ luôn có một cụ già còng lưng đi bán từng tấm vé số trên từng đoạn đường ngắn để rồi đến ngã tư tiếp theo lại là một người thanh niên khoẻ mạnh đợi sẵn ở đó để đón đi bán ở chỗ khác. Bạn sẽ cho rằng đó là xe ôm? Vậy hãy thử nghĩ xem có ai đi bán vé số bằng xe ôm không? Mỗi tấm vé số bán được, người bán sẽ có 2000đ/1 vé. Vậy hãy thử tính xem nếu 1 ngày đi vòng quanh thành phố để bán thì sẽ phải tốn bao nhiêu tiền xe ôm? Vậy nếu nói rằng cụ già đó bị mang ra thành “công cụ” hoặc “mồi nhử” lòng thương hại của cộng đồng hòng mưu sinh và kiếm lợi cho kẻ khác liệu có sai không? Chưa hẳn đã sai nhưng cũng không hoàn toàn đúng, chỉ có điều cụ già đó phải mưu sinh không chỉ cho một mình cụ bởi có rất nhiều “kí sinh trùng” đang bám trên đó.

2, Những đứa trẻ được mang ra nga tư để ăn xin

Những em bé được mang ra làm công cụ xin ăn như thế này không hiếm

Những em bé được mang ra làm công cụ xin ăn như thế này không hiếm

Nhìn những đứa bé nhem nhuốc, đang còn nằm ngửa được những bà mẹ bế đi để xin ăn từng người khách một, bạn sẽ nghĩ bé thật đáng thương và chẳng ngại gì để cho vài đồng. Đương nhiên, bạn có quyền vì đó là tiền của bạn nhưng có thể bạn sẽ cần đọc qua một vài thông tin do báo chí phát ra. Cụ thể, trong số báo ra ngày 11.07.2015, báo Tuổi Trẻ có bài nhận định: Nạn “chăn dắt” trẻ em ăn xin tái xuất hiện. Bài báo đề cập đến chuyện chủ trương của thành phố về chính sách chuyển những người ăn xin không nơi cứ trú vào các cơ sở - trung tâm xã hội nhưng vẫn không thể dẹp được nạn “chăn dắt” trẻ em đi ăn xin.

Trích nguyên văn phát biểu của cơ quan có chức năng trong bài viết: Ông Lê Chu Giang, trưởng phòng bảo trợ xã hội Sở LĐ-TB&XH TP, cho biết hiện tượng người xin ăn đã tái xuất hiện ở một số khu vực như: Ngã tư bốn xã, Nguyễn Oanh - Phan Văn Trị, Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý, Lê Trọng Tấn - quốc lộ 1A, Lê Văn Lương - Nguyễn Thị Thập…Hiện nay, Sở LĐ-TB&XH TP tiếp tục hướng dẫn và phối hợp với quận, huyện thực hiện tập trung người ăn xin thường xuyên theo kế hoạch hoặc đột xuất. Sở đề nghị các quận, huyện rà soát thường xuyên trên địa bàn, đặc biệt khu vực người xin ăn tái xuất hiện để tổ chức tập trung kịp thời. Riêng đối với các trường hợp có dấu hiệu “chăn dắt” như: trẻ em bị phơi nắng ăn xin ở các giao lộ và có người lớn gần đó trông chừng, một số người mù, người bán tăm bông có người chở đến nơi ăn xin…, phòng LĐ-TB&XH quận, huyện có trách nhiệm phối hợp với bộ phận liên quan theo dõi, kiểm tra để đề xuất công an xử lý. Đồng thời, Sở LĐ-TB&XH TP tiếp tục duy trì đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý thông tin, phản ảnh từ người dân về nạn ăn xin trên địa bàn thành phố.

Với những thông tin như vậy, bạn đọc hẳn nhiên sẽ hiểu mình sẽ phải làm gì nếu như gặp những tình trạng trẻ em bị những người lớn mang ra giữa nga tư bêu nắng cả ngày để nhận được sự thương xót của xã hội.

3, Xe ba gác cồng kềnh hay xe bán tải nhỏ gọn?

Câu chuyện về những chiếc xe xích lô - ba gác trở những tấm tôn gây án mạng cho hai người tại Hà Nội một lần nữa lại gây rúng động xã hội. Câu hỏi được đặt ra ở đây rằng: Phải chăng sự nghèo - khổ của những người đang mưu sinh bằng những phương tiện thô sơ đó đang được xã hội “bao dung” quá nhiều? Cũng đúng, vậy hãy hỏi thêm rằng: Chúng ta đang giúp đỡ họ hay giúp đỡ chính túi tiền của những người đang thuê họ và chúng ta đang giúp họ hay đang xuề xoà, thoả hiệp với nhau theo kiểu những cái tặc lưỡi cho qua?

Có ai dám chắc những tai nạn thương tâm sẽ không tái diễn với những phương tiện như thế này

Có ai dám chắc những tai nạn thương tâm sẽ không tái diễn với những phương tiện như thế này

Một chiếc xe bán tải nếu chở hàng sẽ phải tuân thủ giờ giấc được tham gia giao thông sẽ bất tiện hơn một chiếc xe xích lô - ba gác được hoạt động cả ngày. Một chiếc xe tải đúng nghĩa sẽ phải chịu chi phí lớn hơn rất nhiều so với một chiếc xe xích lô - ba gác chỉ 20.000đ/1 chuyến. Có hay không, đôi khi chúng ta cũng nghĩ rằng, “thôi thì gọi xích lô chở hàng đi cho tiện, nhanh mà rẻ nữa!”.

Cho đến bây giờ, người viết vẫn chưa thấy chủ nhân của những tấm tôn gây ra cái chết thương tâm của bé Hoàng tại Hà Nội lên tiếng về tai nạn đó. Có ai dám nói rằng vị chủ nhân của những tấm tôn đó vô can?

Chia sẻ

Bài viết

Nguyễn Hà

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất