Sắc màu Cuộc Sống

Du ngoạn Tết cổ truyền cùng bạn bè Asian

Trâm Nguyễn
Chia sẻ

Tết Nguyên đán đến rồi, mọi người dân Việt Nam đều háo hức đón một năm mới đầy tươi vui. Thế còn bạn bè Asian, họ đón tết như thế nào nhỉ?

Năm mới đến, mỗi quốc gia đều có những phong tục Tết rất riêng những vô cùng thú vị, thể hiện nét văn hóa, truyền thống độc đáo và giàu bản sắc dân tộc. Tết mỗi quốc gia có thể gọi bằng những cái tết khác nhau, được tổ chức vào thời gian khác nhau, hình thức tổ chức khác nhau, tục lệ khác nhau nhưng quy chung lại đều hướng tới ước nguyện ấm no sum vầy và hạnh phúc.

Và bây giờ chúng ta hãy cùng nhau du xuân cùng bạn bè Asian để tìm hiểu về văn hóa Tết bạn nha.

1. Campuchia: Tết Chol Chnam Thmay (khoảng từ 13 - 15/4 Dương lịch)

Đây là dịp gửi gắm ước mơ hạnh phúc và lòng biết ơn đối với ông bà, cha mẹ và những người có công với dân tộc. Vào đêm giao thừa, người dân làm mâm cỗ để tiễn đưa vị thần Têvôđa cũ và đón thần Têvôđa mới trong đêm giao thừa như tết ông Táo ở Việt Nam.

Ngày đầu tiên (ngày Maha Songkran) là thời gian gia đình lễ chùa cúng bái và thăm hỏi ông bà. Ngày thứ hai (ngày Wanabat), người dân làm cơm dâng cho các vị sư, sãi trong chùa và tổ chức các trò chơi dân gian vui nhộn như kéo co, bịt mắt, hát đối đáp,… Và ngày thứ ba (Tngay Leang Saka ) người dân sẽ dâng cơm và làm lễ tắm Phật nhằm gột rửa mọi điều không may của năm cũ, đón năm mới an lành.

2. Indonesia

Là một quốc gia đa sắc tộc và tôn giáo nên có rất nhiều dịp lễ, tết. Đáng chú ý nhất là: Tết của người theo đạo Hồi giáo, Tết của người Indonesia gốc Ấn theo đạo Hindu và Tết của người Indonesia gốc Hoa.

Tết của người Hồi giáo - Idul Fitri: thường tổ chức vào thời điểm từ tháng 6-9 hằng năm và kéo dài 1 tuần. Vào đêm “giao thừa”, người dân tại Indo thường đến nhà thờ Hồi giáo nghe các giáo sĩ giảng đạo, đọc và lắng nghe kinh Koran, nghe những bài hát đạo Hồi. Mọi người sẽ xin lỗi lẫn nhau vì sai lầm cũ và viếng thăm ông bà, cha mẹ.

Tết của người gốc Ấn theo đạo Hindu (tết Nyepi) thường diễn ra vào tháng 3 hoặc tháng 4 hàng năm theo lịch của người Ấn. Đây là dịp tất cả dân làng cùng tập trung ở một khu vực, thường là đảo Bali để ăn mừng năm mới và cầu chúc bình an.

Tết của người Hoa (Tahun Baru Imlek) thường trùng với thời gian Tết Nguyên Đán cùng nhiều hoạt động thú vị như múa lân, biểu diễn thời trang, thi thể thao. Người ta chuộng trưng bày hoa, quất và đồ trang trí có màu đỏ ở những khu phố có người Hoa.

3. Lào: Tết Bun Pi May (13-15/4 dương lịch hằng năm)

Tết Bun Pi May có ý nghĩa đem lại sự phồn vinh, ấm no hạnh cho vạn vật. Tết diễn ra trong ba ngày. Ngày đầu tiên, người Lào trang trí nhà cửa sạch sẽ và đẹp đẽ, chuẩn bị làm lễ cúng phật, cầu nguyện, nghe các nhà sư giảng đạo và làm lễ tắm Phật. Ngày thứ hai không được tính đến vì đó là giao thời giữa năm cũ và năm mới. Hội bắt đầu vào ngày cuối với nhiều hoạt động tưng bừng khắp nơi, đặc biệt là phong tục té nước cầu may.

Ngoài ra, người Lào còn có phong tục buộc chỉ cổ tay cho khách đến xông nhà và ăn món Lạp với hy vọng năm mới sẽ mang đến nhiều may mắn và hạnh phúc.

4. Malaysia: lễ Hari Raya Puasa (Ngày đầu tiên của tháng 9 lịch Islam)

Trước Tết (khoảng 10 ngày), tất cả người theo đạo Hồi sẽ bắt đầu nhịn ăn (chỉ ăn nhẹ trước khi mặt trời lặn) để thể hiện lòng cảm thông với sự thống khổ của những người nghèo.

Món ăn truyền thống trong ngày Tết là Yee Sang, có nghĩa là dồi dào, dư dả. Thú vị hơn, mỗi một gia vị được dùng tạo nên món ăn này đều mang một ý nghĩa riêng như rau củ, dưa leo mang nghĩa làm ăn thuận lợi; cá và cà rốt mang đến sự may mắn, đồng thời tiêu và những nguyên liệu khác thể hiện rõ những ước vọng của người dân về tiền tài, của cải; nước sốt được rưới lên hàm ý lợi lộc sẽ ngày càng gia tăng trong cả năm.

5. Myanmar: Tết Thingyan (Tuần thứ 2 của tháng 4 Dương lịch hằng năm)

Còn gọi là lễ hội té nước và kéo dài ba hoặc bốn ngày. Trọn dịp này, người dân thường làm nhiều việc thiện, dùng nước thơm lau rửa tượng Phật và té lên người nhau để cầu may mắn trong dịp năm mới.

Bên cạnh đó, các nhà sư đến chùa và thiền viện để cầu phúc cho nhân dân. Thanh niên bày tỏ lòng kính trọng với các thế hệ trước bằng cách biếu nước uống, gội đầu và cắt móng tay cho người lớn tuổi.

6. Philippines (diễn ra từ 30/12 - 07/01dương lịch hằng năm)

Bàn tiệc “Media Noche” trước đêm giao thừa với trái cây, mì sa tế, gà rán, bánh gạo ngọt hoặc bánh pudding, cùng các món ăn truyền thống khác là thứ không thể thiếu trong dịp Tết của người Philippines.

Trên bàn tiệc phải có một chai rượu sâm banh hoặc rượu vang đỏ. Trước khi ăn, mọi người trong gia đình đọc lời cầu nguyện cảm ơn một năm đã qua và đón mừng năm mới.

7. Singapore (30/12 - 15/1 âm lịch)

Tết cổ truyền tại Singapore là dịp để gia đình quây quần bên nhau đón năm mới và bày tỏ lòng thành đối với tổ tiên. Thường có 3 sự kiện nổi bật diễn ra trong dịp này là: Lễ hội Hoa đăng mừng năm mới, Lễ hội Singapore River Hongbao và Lễ diễu hành Chingay với những màn múa lân, múa rồng được diễn ra trên khắp các con phố.

8. Thái Lan: Tết Songkran (13-15 tháng 4 dương lịch hàng năm)

Người Thái Lan dành 2 ngày để chuẩn bị cho tết Songkran là ngày Wan Sungkharn Long (don dẹp nhà cửa) và ngày Wan Nao (chuẩn bị đồ ăn trong những ngày lễ). Tết Songkran sẽ bắt đầu bằng ngày Wan Payawan, người dân Thái Lan lên chùa thực hiện nghi lễ tắm phật xin phước lành, thả cá, chim để phóng sinh cầu an. Người già sẽ té nước cầu chúc những điều tốt lành cho con cháu và người trẻ đáp lễ té nước cung chúc những điều may mắn cho bố mẹ, ông bà… Cuối cùng là ngày Wan Parg-bpee - ngày để cầu nguyện, tưởng nhớ người già và tổ tiên và rắc nước thiêng.

9. Brunei: Tết Hồi Lịch Hari Raya

Nhắc đến Brunei, ngoài những cung điện, thánh đường nguy nga lộng lẫy, bạn không thể bỏ qua Tết Hồi Lịch Hari Raya.

Đây là lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm, thường kéo dài 4 ngày và ngày thứ nhất mọi người sẽ đoàn tụ về nhà ông bà, cùng cả nhà hàn huyên, ăn uống và trò chuyện vui vẻ. Ngày thứ hai được gọi là ngày mở cửa, mọi người đến thăm viếng, chúc mừng nhau và cùng nhau thưởng thức những món ăn truyền thống ngon miệng.

Đặc biệt, đây là dịp duy nhất trong năm người dân được vào thăm Cung điện Hoàng gia Istana Nurul Iman, nam giới sẽ được gặp Nhà vua và các Thái tử; phụ nữ được gặp gỡ Hoàng hậu cùng các vương phi và công chúa. Quà tặng là một thỏi sôcôla có dấu ấn của Hoàng gia hoặc 5 BND nếu là trẻ em.

10. Việt Nam: Tết Nguyên Đán

Mồng 1 tết Cha

Mồng 2 tết Mẹ

Mồng 3 tết Thầy

Dù có đi đâu xa, cứ dịp Tết đến Xuân về, nhà nhà phải đoàn tụ bên nhau thì không khí tết mới thật sự trọn vẹn vui vầy. Nhắc đến Tết Nguyên Đán là không thể quên đi hình ảnh mai đào nở rộ trong gió xuân, không thể quên ngày tết ông Táo, hình ảnh cả nhà quây quần bên nhau nấu bánh chưng hay tục lì xì đầu năm mới,…

Tết là những ngày đoàn viên rộn rã tiếng nói giọng cười. Những hương vị ngày tết thấm vào máu thịt những dân Việt mà mỗi năm cứ vào độ én lượn khắp trời là lòng người lại háo hức nôn nao đến lạ kì.

Chia sẻ

Bài viết

Trâm Nguyễn

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất