Du lịch kiểu bất chấp và những cái chết thảm của khách Tây ở Việt Nam

Huyền Trân
Chia sẻ

Du khách Tây đến Việt Nam để khám phá và chiêm ngưỡng vẻ đẹp nơi đây, nhưng sức khỏe, tính mạng của du khách ở mỗi điểm đến mới là điều quan trọng nhất.

Phong cảnh đẹp nhưng rủi ro tiềm ẩn

Đối với người nước ngoài, Việt Nam là một nơi có phong cảnh đẹp tuyệt vời mà ít nơi nào có được, lại có nhiều địa hình hiểm trở mang đúng nét hoang sơ của tự nhiên. Chính vì vậy Việt Nam luôn được những nhà thám hiểm, những người yêu du lịch và thích khám phá, ưa sự mạo hiểm lựa chọn làm điểm đến số một.

Tất nhiên, không thể phủ nhận được việc chúng ta đang càng ngày càng chào đón được nhiều du khách ở khắp mọi nơi trên thế giới đến với mảnh đất hình chữ S. Đó là một tín hiệu đáng mừng cho nền công nghiệp không khói của nước nhà.

Tuy nhiên, đáng buồn là số lượng những vụ người ngoại quốc mất tích hoặc tử nạn khi đang đi du lịch khám phá tại Việt Nam lại xuất hiện ngày càng nhiều, đặc biệt là lại xảy ra tại những khu du lịch rất nổi tiếng.

Vụ việc thanh niên người Anh mất tích khi leo núi một mình ở Fansipan vào cuối tuần qua cũng lại là một sự việc điển hình khiến cho dư luận trong nước cũng như quốc tế lại một lần nữa xôn xao về việc người ngoại quốc đến Việt Nam du lịch mất tích một cách “bí ẩn”. Sự “bí ẩn” ở đây có thể là việc họ đang bị lạc và chưa tìm được đường về, nhưng cũng có nhiều khả năng họ đã bỏ mạng lại vĩnh viễn ở đâu đó mà chưa được tìm thấy.

Thông tin Aiden Webb mất tích tại Fansipan được chia sẻ nhằm kêu gọi sự giúp đỡ tìm kiếm

Thông tin Aiden Webb mất tích tại Fansipan được chia sẻ nhằm kêu gọi sự giúp đỡ tìm kiếm vào ngày 4/6

Hiện nay, các đội tìm kiếm đang huy động tổng lực lượng để tìm kiếm chàng thanh niên - được xác nhận danh tính là Aiden Webb, cựu sinh viên Đại học Cambridge đến từ Norwich, đã leo núi Fansipan một mình vào ngày thứ sáu (3/6), sau đó bị ngã xuống một khe núi và lạc đường đến nay chưa về.

Theo lời kể của bạn gái Aiden Webb là Bluebell Baughan, anh là một nhà leo núi có khá nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên, khi chinh phục ngọn núi Fansipan - ngọn núi cao nhất Việt Nam và được mệnh danh là “Nóc nhà Đông Dương”, Aiden lại quyết định đi một mình.

Chưa hết, theo lời của ông Nguyễn Quang Vĩnh, Giám đốc Vườn Quốc gia Hoàng Liên, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, nói: “Ông Webb tự ý chinh phục Fansipan mà không xin phép và không may bị lạc”.

Được biết, trước khi hoàn toàn mất liên lạc, Webb đã liên lạc với bạn gái thông báo rằng mình bị ngã và phải chờ đến sáng mới có thể quay về được. Đến 6h sáng ngày hôm sau tức 4/6, anh ấy mới đồng ý để bạn gái đi kêu gọi mọi người giúp đỡ.

Cô Baughan nói thêm rằng trước khi điện thoại hết pin, Webb đã kịp gửi vị trí của mình trên bản đồ Google Maps. Đội tìm kiếm nói khu vực đó có thể có nhiều thác ghềnh, rất khó leo và nguy hiểm. 

du-khach-nuoc-ngoai2

“Tôi gửi lời xin lỗi trước đến tất cả các thành viên trong gia đình, những người nghĩ tôi là gàn dở và liều lĩnh. Tôi thực sự là một nhà leo núi rất an toàn và biết giới hạn của mình”.

Bạn gái Webb cho biết vì anh là một người leo núi mạo hiểm nên đã chọn cung đường này chứ không muốn đi theo đường dễ đi lên đỉnh.

Một điều đáng nói là trước khi mất tích, Webb còn viết trên mạng xã hội rằng: “Tôi gửi lời xin lỗi trước đến tất cả các thành viên trong gia đình, những người nghĩ tôi là gàn dở và liều lĩnh. Tôi thực sự là một nhà leo núi rất an toàn và biết giới hạn của mình”.

Thế nhưng, dù tự nhận rằng biết được giới hạn của mình và cũng là một nhà leo núi rất an toàn, rốt cục hiện tại Webb vẫn chưa thể trở về.

Du khách không biết sợ, chính quyền bó tay

Không chỉ riêng Webb, trước đó đã có rất nhiều người quốc tịch nước ngoài đã phải bỏ mạng vì du lịch khám phá theo kiểu mạo hiểm, bất chấp rủi ro đến tính mạng.

Đơn cử như vụ việc xảy ra vào cuối tháng 2 vừa qua, khi một lúc có 3 người nước ngoài mang quốc tịch Anh đã tử nạn tại khu du lịch Datanla vì chơi trò vượt thác.

Theo anh Đặng Văn Sỹ, hướng dẫn viên Công ty TNHH dịch vụ du lịch Đam Mê - cũng là người tận mắt chứng kiến cảnh 3 du khách bị nước cuốn trôi xuống gầm thác đã kể lại, khi xuống dưới khu vực suối đá, thấy một đoàn khách nước ngoài chuẩn bị trượt nước, ba du khách này đã yêu cầu anh cho họ được trượt nước.

Anh Sỹ nói: “Ba du khách trượt xuống, đùa giỡn và bơi. Tôi đi vòng xuống dưới và thấy người khách nam đang đi cạnh mỏm đá ở bờ bên kia, gần đến đoạn nước chảy xiết, hai du khách nữ đi theo sau cách khoảng 1m.

Thấy quá nguy hiểm, tôi yêu cầu khách đi vào bờ bên trái nhưng ba du khách vẫn đùa giỡn, rồi xuống suối thả mình trên áo phao. Sau đó, khách nam đứng lên đi ngược lại phía hai người khách nữ thì bị trượt té và bị nước cuốn trôi.

Tôi liền nhảy xuống và yêu cầu hai khách nữ đứng dậy, bám chân xuống lòng suối để không bị cuốn trôi. Tôi chạy ra một đoạn thì thấy cả hai khách nữ bị cuốn trôi xuống thác. Tôi không dám xuống vì nếu xuống cũng sẽ bị nước cuốn trôi vào vách đá thẳng đứng.

Tôi chạy vòng xuống dưới hầm thác tìm ba du khách. Tôi cùng ba người bạn bơi tìm và khoảng 10 phút sau thì phát hiện xác du khách nam nổi lên rồi trôi ra. Tôi cùng ba người bạn đưa du khách nam lên bờ, hô hấp nhân tạo nhưng người này đã tử vong. Khoảng 15 phút sau thì xác một người khách nữ nổi lên và trôi ra. Tôi cùng ba người bạn tiếp tục hô hấp nhân tạo nhưng người khách nữ này cũng đã tắt thở”.

Vị trí ba công dân Anh gặp nạn là chân thác hiểm trở cao khoảng 70m, gần như dựng đứng, nằm sâu dưới hạ nguồn khu du lịch thác Datanla, giáp chân đèo Prenn (P.3, TP Đà Lạt) nên chỉ cần một sơ suất nhỏ là có thể bỏ mạng.

5 tiếng đồng hồ sau khi xảy ra tai nạn đội cứu nạn mới vớt được thi thể cuối cùng bị mắc kẹt tại một gầm nước dưới chân thác.

Với độ dốc núi tới 70 độ, mất gần hai giờ mới đưa được thi thể của cả ba nạn nhân lên đầu đèo Prenn.

5 tiếng đồng hồ sau khi xảy ra tai nạn đội cứu nạn mới vớt được thi thể cuối cùng bị mắc kẹt tại một gầm nước dưới chân thác.

Chưa kể, sau đó Ban Quản lý khu du lịch Thác Datanla cũng khẳng định, ba người này lại không hề mua vé du lịch mạo hiểm liên hoàn mà lại đi “chui” theo đường mòn từ rừng xuống thác dưới sự hướng dẫn của một hướng dẫn viên Công ty du lịch Đam Mê Đà Lạt.

Tiếp đó, chỉ hai ngày sau khi xảy ra vụ việc thương tâm trên thì lại có một du khách nước ngoài, được xác định mang quốc tịch Belarus, bị nạn tại Khu du lịch thác Pongour và mất tích sau đó.

Quản lý Khu du lịch Thác Pongour ông Vi Văn Hạnh, nói: Quản lý Khu du lịch thác Pongour, chiều hôm trước, du khách này đi bộ vào thác, để balô trên bờ rồi xuống tắm. Lúc sau, thấy người đàn ông nước ngoài có dấu hiệu đuối nước, nhóm du khách Đồng Nai đi dã ngoại nhảy xuống cứu nhưng không kịp.

“Khu du lịch chỉ bán vé vào cửa và bố trí một số nhân viên hướng dẫn du khách tại khu vực nhất định của thác, không nhận hướng dẫn thuyết minh. Những khu vực nguy hiểm đều đã được cắm bảng cảnh báo”, anh Hạnh cho biết. Đến trưa ngày hôm sau, lực lượng cứu hộ tỉnh Lâm Đồng mới tìm thấy thi thể của du khách này.

Đến nay vụ việc vẫn là một nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với những người chứng kiến vụ việc, những người làm tại khu du lịch thác Datanla cũng như ngành du lịch ở Đà Lạt, Lâm Đồng nói chung. Chỉ vì một phút liều lĩnh, một phút sơ sẩy đã khiến cả 3 người mãi mãi bỏ mạng lại thác Datanla.

Có thể nói, việc ưa mạo hiểm, thích khám phá những thử thách mới lạ để thể hiện bản thân là một điều đáng khích lệ, nhưng việc thể hiện tới mức độ liều lĩnh, bất chấp nguy hiểm dẫn tới xảy ra tai nạn là điều thực sự không nên.

Những điểm chung của những vụ việc khách nước ngoài tử nạn khi đang khám phá, du lịch tại Việt Nam có thể dễ thấy là họ khá chủ quan, tự tin với sức chịu đựng thử thách của mình, cộng với việc họ thường không màng đến cảnh báo cũng như sự trợ giúp, hướng dẫn của người bản địa.

Việt Nam vẫn luôn luôn chào đón tất cả các du khách từ mọi miền thế giới đến để khám phá và chiêm ngưỡng vẻ đẹp nơi đây, nhưng mong họ du lịch một cách an toàn, vui vẻ và đọng lại nhiều kỷ niệm đáng nhớ chứ không muốn chỉ vì một phút sơ sẩy chủ quan, liều lĩnh mà không bao giờ có thể quay trở về được nữa.

Chia sẻ

Bài viết

Huyền Trân

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
tag-icon
Tin mới nhất