Sắc màu Cuộc Sống

Đối tượng cầm đá tấn công đại uý CSGT nhập viện khi vợ vi phạm giao thông sẽ bị xử lý thế nào?

Định Nguyễn
Chia sẻ

Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho biết, đối tượng Nguyễn Quang Hùng - người cầm đá tấn công đại uý CSGT nhập viện khi vợ vi phạm giao thông vì chở 3 không đội mũ bảo hiểm có dấu hiệu phạm tội Cố ý gây thương tích tội và tội Chống người thi hành công vụ.

Liên quan đến vụ CSGT bị người vi phạm cầm gạch choảng vỡ đầu, ngày 28/7, đại tá Vương Tiến Dũng, Trưởng Công an quận Hà Đông, Hà Nội cho biết, đại úy Mai Hùng Sơn, chiến sĩ CSGT sau khi bị hành hung đã tỉnh lại vào sáng cùng ngày.

Theo đại tá Hùng, sau khoảng 2 ngày hôn mê, đại úy Sơn đã tỉnh lại. Sức khoẻ của nạn nhân đã ổn định. Hiện công an chưa thể giám định thương tật vì đại úy Sơn vẫn đang trong quá trình điều trị.

Đại uý Sơn chấn thương nặng sau khi bị đối tượng Hùng cầm gạch tấn công.

Qua điều tra, đối tượng Nguyễn Quang Hùng (SN 1965, trú tại phường Văn Quán, quận Hà Đông) - người cầm đá tấn công đại uý Sơn chấn thương thuộc thành phần bất hảo, có nhiều tiền án, tiền sự.

Chiều 26/7, vợ Nguyễn Quang Hùng điều khiển xe máy chở con và đối tượng lưu thông trên địa bàn phường Văn Quán, cả 3 người đều không đội mũ bảo hiểm. Thấy vậy, tổ công tác của Đội CSGT số 7, phòng CSGT Công an TP.Hà Nội đã phát hiệu lệnh dừng xe, mời vào làm việc, sau đó thông báo lập biên bản vi phạm đối với vợ chồng Hùng.

Đối tượng Nguyễn Quang Hùng tại cơ quan công an.

“Lúc này Hùng đã chửi bới tổ công tác. Tiếp đó, Hùng nhặt viên gạch bên lề đường rồi lẻn ra phía sau đập mạnh vào đầu đại úy Mai Hùng Sơn. May mắn đại úy Sơn kịp thời giơ tay ra đỡ, làm giảm lực đập nhưng cú đánh vẫn rất mạnh khiến nạn nhân bị thương, chảy máu và bất tỉnh tại chỗ”, đại tá Dũng cho hay.

Sau khi bị khống chế đưa về trụ sở công an, Nguyễn Quang Hùng khai nhận trong lúc nóng giận vì bị lập biên bản vi phạm giao thông nên đã gây ra sự việc trên chứ không có một lý do, mâu thuẫn cụ thể gì với tổ công tác.

“Là đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự, Nguyễn Quang Hùng có bản chất máu lạnh, hung hăng, thiên hướng sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề”, đại tá Dũng nhận định.

Viên đá Hùng gây án.

Liên quan đến vụ việc này, dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Anh Thơm (VPLS Nguyễn Anh, Đoàn LSTP Hà Nội) cho biết, hành vi của đối tượng đã xâm phạm đến 2 khách thể Bộ luật hình sự điều chỉnh, đó là cản trở hoạt động bình thường, đúng đắn của các cơ quan quản lý Nhà nước và sức khỏe của công dân được pháp luật bảo vệ.

“Xét hành vi của đối tượng đã có dấu hiệu phạm tội Cố ý gây thương tích tội và tội Chống người thi hành công vụ. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 134, 330 Bộ luật hình sự. Đối với tội Cố ý gây thương tích, tỷ lệ giám định thương tích của đại úy Sơn sẽ là căn cứ xử lý tương ứng đối tượng theo quy định tại Điều 134 BLHS.

Đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho những người tham gia giao thông trong việc tuân thủ các quy định của luật giao thông đường bộ. Cần có ứng xử đúng mực khi tham gia giao thông và khi mình có vi phạm cần chấp hành việc xử lý theo quy định của pháp luật. Việc vi phạm Luật giao thông sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 46/2016”, luật sư Thơm nhấn mạnh.

Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;

đ) Có tổ chức;

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;

i) Có tính chất côn đồ;

k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60%;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều này;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 14 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61 % trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

5. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Làm chết 02 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

6. Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Điều 330. Tội chống người thi hành công vụ

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;

d) Gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

Chia sẻ

Bài viết

Định Nguyễn

Tin mới nhất