Sắc màu Cuộc Sống

Đoạn đời đẫm nước mắt hậu đám cưới của những cô dâu 16 tuổi

Huyền Trân
Chia sẻ

Tôi thấy tiếc cho những cơ hội bay nhảy các em mặc nhiên từ bỏ, thấy buồn cho một thế hệ "xì teen" yêu đương vội vàng, cưới chớp nhoáng và thấy nực cười cho những ông bố bà mẹ đang vui mừng hoan hỉ vì con cái lập gia đình trong khi học chưa xong, công ăn việc làm chưa có.

Vào thời điểm cách đây đúng 17 năm, chị họ tôi lên xe hoa trong niềm vui hân hoan của cả gia đình chị và toàn thể người thân họ hàng.

Chính xác khi đó chị mới chỉ 16 tuổi, nhưng nhờ có “tuổi mụ” mà chị được làm tròn thành 17 tuổi, cái tuổi vừa suýt đủ để con gái được phép lấy chồng ở thành phố mà không bị người ta dị nghị, nhòm ngó.

Ngày đó, bố mẹ chị coi việc chị đi lấy chồng làm một điều đáng để tự hào lắm. Chồng chị vừa khôi ngô tuấn tú, lại con nhà có điều kiện, cũng biết quan tâm lo lắng cho chị dù anh cũng mới chỉ… ngót nghét 17.

dam-cuoi-16-tuoi2

Bẵng đi 4 năm sau đó, nghe đâu chị đã dọn đồ đạc về nhà bố mẹ đẻ ở hẳn được 1 năm, chẳng có gì trong tay ngoài một cô con gái khi đó được 4 tuổi và hai cậu con trai sinh đôi giống bố như đúc, tròn 3 tuổi. Không công ăn việc làm, không một xu dính túi ngoại trừ mang thêm hai nỗi đau không bao giờ lành: một là chồng bỏ đi nước ngoài lấy vợ khác. Hai là bàn tay trái đã bị cụt mất ngón út, chỉ vì trong lúc điên loạn đôi co với chồng và nhà chồng, chị đã tự khóa trái cửa rồi cầm dao chặt tay mình.

Rồi cách đây khoảng 2 năm, trong một lần về Quảng Ninh làm phóng sự, tôi bất ngờ gặp lại chị đang làm công nhân tại một bãi than lộ thiên. Khuôn mặt chị đã không còn là cô thiếu nữ 16 tuổi xinh đẹp làm bao chàng trai mê mệt ngày nào, mà thay vào đó là khuôn mặt của một người phụ nữ ngoài 30 đã hằn đầy lao khổ, lấm lem than bụi.

Chị kể đã lang bạt khắp Hải Phòng, Hà Nội rồi cuối cùng chọn Quảng Ninh để lưu lại kiếm sống, cùng với một bàn tay trái cụt ngón út trong hàng nhiều năm dài như thế. Chị còn đang mang bầu đứa con thứ 4 với một người đàn ông sống cùng, nhưng sẽ chẳng bao giờ kết hôn. Con cái chị đứa sống với ông bà nội, đứa ở với ông bà ngoại, còn chàng trai trẻ 17 tuổi chị lấy làm chồng năm nào cũng chẳng còn trở về Việt Nam nữa.

Hoàn cảnh của chị có lẽ chỉ là một trong số rất rất nhiều những hoàn cảnh tương tự khác mà tôi được chứng kiến, cũng xuất phát từ những cuộc hôn nhân non trẻ được quyết định vội vã trong tình yêu bồng bột của tuổi mới lớn, và sự đồng tình ủng hộ đến ngớ ngẩn của các bậc phụ huynh. 

Sự khởi đầu đều là những đám cưới linh đình đầy hoan hỉ của những cô dâu chú rể mặt còn “búng ra sữa”, nhưng kết thúc hoặc tan vỡ không thể hàn gắn, hoặc cố duy trì cũng chỉ dặt dẹo như hoa hướng dương cả mùa không được một giọt nắng. 

Cặp đôi 10x - cô dâu chú rể cùng 16 tuổi tổ chức lễ cưới ở Nghệ An trong sự vui mừng, chúc phúc của họ hàng hai bên

Cặp đôi 10x - cô dâu chú rể cùng 16 tuổi tổ chức lễ cưới ở Nghệ An trong sự vui mừng, chúc phúc của họ hàng hai bên

Những ngày qua, dư luận cũng xôn xao về đám cưới của cô dâu chú rể cùng 16 tuổi ở Nghệ An được tổ chức trong niềm vui của cả quan viên hai họ. Người ta “xôn xao” thì cũng dễ hiểu thôi, bởi những đứa trẻ con cháu ngay trong nhà họ cũng thế hệ 10x, cũng còn đang học lớp 10, nhưng có đứa còn ngô nghê chưa biết yêu là gì, có đứa nghịch ngợm, vụng về đến nỗi mặc cả quần thủng đít đi học cũng còn chẳng biết. Vậy mà “con nhà người ta” đã lập gia đình như những người lớn, những người trưởng thành thực thụ.

Trước đây, từ lâu lắm rồi, việc kết hôn sớm chẳng phải là điều gì quá to tát hay bất thường đâu, nhất là ở những vùng nông thôn. Thậm chí chuyện tảo hôn còn xảy ra như cơm bữa, nhiều đến nỗi nó còn bị lên án, cần phải xóa bỏ.

Nhưng vào thời nay, những chàng trai, cô gái được sinh vào thế kỷ 21 tức là được sống trong thế giới văn minh và phát triển toàn cầu, sự nổi dậy của công nghệ và hàng ti tỉ thứ hiện đại khác. Chúng có hàng ngàn cơ hội để trưởng thành, phát triển trong thế giới đương đại rực rỡ và hưởng thụ thứ hạnh phúc mà chúng luôn xứng đáng được nhận, nếu chúng thực sự cố gắng.

Vậy lý gì chúng lại không học hỏi thêm nữa, không khám phá nhiều hơn nữa và không va chạm xã hội một cách tích cực hơn nữa, mà đã vội vàng tự trói đời mình lại bằng một chiếc nhẫn cưới, với muôn vàn những trách nhiệm gia đình chúng sẽ phải gánh vác với kinh nghiệm sống chỉ bằng con số 0 tròn trĩnh?

Mặt khác, tuổi 16 tuy là những đứa trẻ đã có thể tự quyết định được cuộc đời mình, nhưng thường chúng không thể đủ chín chắn để đưa ra được một quyết định đúng đắn, nhất là những điều có thể ảnh hưởng tới hạnh phúc cả cuộc đời lâu dài của chúng sau này.

Lúc đó mới cần những người làm bố, làm mẹ định hướng và chỉ đường cho chúng dựa trên những trải nghiệm của mình. Đôi khi còn cần tới cả sự cứng rắn, nghiêm khắc để chỉnh nắn lại từng suy nghĩ, tư tưởng của con, chứ không phải cứ ủng hộ hết mình, đồng ý với con theo kiểu vô điều kiện được.

Đám cưới cô dâu sinh năm 2003 (13 tuổi) và chú rể sinh năm 1990 ở TP HCM gây xôn xao thời gian qua

Đám cưới cô dâu sinh năm 2003 (13 tuổi) và chú rể sinh năm 1990 ở TP HCM gây xôn xao thời gian qua

Cuộc hôn nhân của hai đứa trẻ 16 tuổi, hay của rất nhiều những cô gái, chàng trai trẻ dại khác rồi sẽ như thế nào? Tôi sẽ không thể trả lời bởi tôi không phải người trong cuộc, càng không phải người có quyền phán xét hay định đoạt tương lai, số phận của bất kỳ một ai. Nhưng tôi thấy tiếc cho những cơ hội bay nhảy, phát triển các em nắm ngay trong tay mà không biết tận dụng, thấy buồn cho một thế hệ trẻ “xì teen” yêu vội yêu vàng đã muốn bó chặt cuộc đời của nhau bằng một chữ “cưới”. Và nhất là thấy nực cười cho những ông bố bà mẹ có thể mừng vui khi con mình lấy vợ lấy chồng khi học chưa xong, công ăn việc làm chưa có, thậm chí khả năng nhận thức và điều khiển hành vi vẫn còn chưa thực sự hoàn thiện!

Đến ngay cả bây giờ, tôi vẫn còn thấy tiếc cho quyết định của người chị họ mình ngày ấy, khi chị cũng đã tự công nhận rằng đó chính là khởi đầu cho một chuỗi những đau thương kéo dài trong suốt cuộc đời chị cho đến nay, và có thể là cả sau này nữa. Chị còn bảo nếu cho chị quay trở lại vào ngày chị mới 16 tuổi, chị nhất định sẽ không lấy chồng, bởi khi đó cả chị và người chồng đó thực chất chỉ là hai đứa trẻ không hơn không kém. 

Đó là cái tuổi mà trách nhiệm và tiền bạc vẫn còn là những điều quá sức mơ hồ, khiến cho cuộc sống hôn nhân vợ chồng không khác gì trò chơi đồ hàng của bọn trẻ con, lúc chơi không ai chịu nhường ai, muốn chơi thì tự bày ra nhưng khi không chơi nữa thì chẳng ai dọn vào. Nhất là lại còn “cả thèm chóng chán”.

Chị đã “chơi đồ hàng” theo kiểu như vậy trong suốt 4 năm, nhưng là chơi bằng đồ thật, tiền thật và bằng thời gian thật. Cuối cùng là chị phải trả giá cho trò chơi đó bằng cả tuổi thanh xuân, một mơ ước tổ ấm hạnh phúc không bao giờ với đến và một bàn tay vĩnh viễn không thể trọn vẹn được 5 ngón.

Mãi sau này khi chị bươn trải khắp nơi và đến với người đàn ông thứ hai, chị mới hiểu rằng, trách nhiệm mới là nền móng, là cột trụ cho một ngôi nhà. Còn tình yêu chỉ là tường gạch, là mái trần để che chắn, bảo vệ cho tổ ấm bên trong ngôi nhà đó không bao giờ bị nguội lạnh, dù cho phong ba, bão táp thế nào. Tuy khi nhận ra điều đó vẫn chưa phải là muộn, nhưng chị cũng đã không còn trẻ nữa.

Lúc chia tay chị, điều khiến tôi nhớ mãi là hình ảnh chị vén cọng tóc mai phất phơ trên gò má xương lem luốc của mình bằng bàn tay trái đen nhẻm thiếu mất ngón út. Lúc chào chị lên xe, ánh mắt chị rạng rỡ gọi với theo: “Tháng sáu này con gái chị lấy chồng, nhớ về em nhé”. Tôi chỉ kịp cười chào chị và một phép tính nhẩm ngay lập tức hiện lên trong đầu. Con gái chị năm nay cũng mới 17 tuổi.

Chia sẻ

Bài viết

Huyền Trân

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất