Điều kì diệu từ đôi tay Gen Z: Gieo yêu thương trong những ngày giông bão

Chúng ta thường nói về GenZ là những người dẫn đầu xu hướng, ăn mặc, thời trang, du lịch, khám phá... Bên cạnh đó, GenZ cũng được biết đến với những hoạt động, dự án hay cách sống thật 'chất', thật ý nghĩa. Tiếp nối tuyến bài Shinning Love, mời bạn lắng nghe câu chuyện của những GenZ để biết được rằng họ đã sống, đã yêu, đã đi qua năm 2021 đầy biến động như thế nào.

Bài viết Khải Anh
Chia sẻ

Trong suốt giai đoạn TP.HCM, Hà Nội... và nhiều tỉnh thành khác đang căng mình chống dịch, chúng tôi đã gặp gỡ rất nhiều GenZ. Khi những bác sĩ đang miệt mài trên mặt trận nóng hổi nhất - các bệnh viện dã chiến, thì nhiều GenZ đã không ngồi yên. 

Quỳnh Mai, một cô sinh viên tại TP.HCM đã bước ra đường, đi vào khu cách ly, phong tỏa với vai trò tình nguyện viên. Mai cắt đi mái tóc của mình cho các bệnh nhân ung thư, đăng ký hiến tạng... Đối với cô, đó là những ngày không quên.

Hay Thảo Linh, Minh Anh, Bảo Hân... những học sinh tại Hà Nội đã âm thầm thực hiện dự án hỗ trợ cho người ở trọ. Khó khăn, vất vả nhưng không bao giờ thiếu những nụ cười hạnh phúc, các bạn gọi đó là đoạn thanh xuân tươi đẹp nhất trong cuộc đời.

Điều kì diệu từ đôi tay Gen Z: Gieo yêu thương trong những ngày giông bão Ảnh 1

"Năm qua đối với em là một năm học và nhận được rất nhiều bài học dù đối mặt với rất nhiều khó khăn bởi dịch Covid-19. Năm qua, em có thêm được những người bạn, những người đồng đội tạo thành một gia đình nhỏ. 

Em có được những chuyến đi đặc biệt nhất, nhưng bù lại với tất cả những thứ đó em mất đi cũng nhiều thứ, người thân, một vài người quen bạn bè", Quỳnh Mai mở đầu câu chuyện. 

Vào mùa hè năm 2021, Quỳnh Mai đăng ký làm tình nguyện viên chống dịch. Quay ngược vào thời gian đó, điều đầu tiên cô bạn nhớ nhất chính là những giọt nước mắt của mẹ, và những lần chờ cửa của ba. 

Điều kì diệu từ đôi tay Gen Z: Gieo yêu thương trong những ngày giông bão Ảnh 2
Quỳnh Mai

"Những giọt nước mắt đó khiến em trưởng thành hơn rất nhiều trong suy nghĩ và cách sống. Em nhớ có hôm vừa về đến nhà em nhận tin có bạn lên dương tính nên phải cuộn đồ đi ngay trong đêm để không tiếp xúc với gia đình. Sang hôm sau, ba mẹ em rất lo lắng nên cách tầm 30 phút lại gọi em một lần để hỏi tình hình thế nào. 

Không chỉ ở đó, mà có nhiều lần đi test nhanh, có những bé nhỏ bị bậc làm cha mẹ ngồi thất thần vì các con phải đi cách ly một mình, có người còn xin tự nguyện xin đi theo để chăm sóc con, sẵn sàng nhiễm covid để con không một mình. Điều đó khiến không chỉ riêng em mà còn rất nhiều anh chị khác cảm động", cô nói. 

Trong lúc chống dịch, Mai cắt đi mái tóc của mình. "Một phần vì tóc dài em thấy hơi nóng khi mặc bảo hộ, một phần là vì muốn hiến tóc cho các bệnh nhân ung thư. Trước đây, em cứ nuôi dài rồi khi gặp chuyện không vui em lại cắt đi, cho đến khi tìm hiểu và biết đến “Mạng lưới ung thư vú Việt Nam” có một thư viện tóc nên từ đó trở đi em quyết tâm nuôi tóc để hiến nhiều lần hơn nữa", Mai lý giải. 

Điều kì diệu từ đôi tay Gen Z: Gieo yêu thương trong những ngày giông bão Ảnh 3

Những bao gạo, bao thuốc, lương thực cho đi là những lần biết thêm nhiều câu chuyện. Cứ mỗi hôm nào rảnh rảnh không đi test “dạo”, cô đều đi phát nhu yếu phẩm cho những người cần. 

Có những hôm nhóm Mai đi làm đồ ăn chay, dù đứng lâu và tay làm liên tục nhưng ai cũng rất vui. "Những suất cơm đó được tụi em gửi tới các khu phong tỏa, bệnh viện dã chiến...Có những hôm đi làm từ sáng sớm đến tận tối khuya nhưng cả đám vẫn chọc nhau cười hì hì vì sợ mọi người không cười thì sẽ cảm thấy mệt. 

Em còn nhớ có một lần em được đi theo đội cấp cứu, khi đến nơi mọi thứ trước mắt em rất hoảng loạn, người thân thì khóc nài xin cứu giúp gia đình họ, còn bệnh nhân thì phải cấp cứu. 

Tuy nhiên đến cùng các anh chị trong đội đã giúp được chú đó ra khỏi cửa tử nên con chú vui mừng lắm. Vừa cười vừa khóc, vừa cảm ơn cả đám. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng may mắn như vậy, có những trường hợp mà tụi em không thể giúp được, nhìn người thân khóc mà em cũng rưng rưng theo. 

Những lần chạy đua với tử thần, giúp một người khác sống khiến em yêu cuộc sống hơn rất nhiều. Trong lúc mình dừng lại tại chỗ và không làm gì, trong lúc mình ngồi lướt những điều vô ích thì ở ngoài kia biết bao người ngày đêm giành dựt sinh mạng cho nhiều người khác". 

Điều kì diệu từ đôi tay Gen Z: Gieo yêu thương trong những ngày giông bão Ảnh 4

Trong năm qua, Mai đã có nhiều cột mốc rất ý nghĩa. Cô bạn đã đăng ký hiến tạng sau khi mất. "Em nghĩ rằng mỗi sinh mệnh đều đáng quý nên vì thế em muốn sống cho mình một cuộc sống thật ý nghĩa và tốt đẹp nhất", Mai nói.

Những lần đầu hiến máu trước, do sức khỏe của Mai cũng không ổn định nên chưa nghĩ tới việc hiến máu. Khi dịch bệnh bùng nổ, kho máu của các bệnh viện cạn kiệt, Mai mới bắt đầu thử đi hiến máu xem như thế nào. Kết quả sức khỏe và lượng máu của cô đủ tốt và ổn định để hiến. Một lần, hai lần, ba lần...cứ cách ba tháng Mai sẽ đi một lần.

Điều kì diệu từ đôi tay Gen Z: Gieo yêu thương trong những ngày giông bão Ảnh 5

Mai chia sẻ: "Về hiến máu, là vì trước đây mẹ em từng phải nằm viện và truyền máu, nên em rất biết ơn những người cho đi những giọt máu của mình để giúp người khác lắm nên vì vậy em đã tham gia cống hiến để đáp ơn mọi người. Còn về hiến tạng, em nghĩ rằng khi mất đi những ngày cuối đời mà bản thân vẫn có thể giúp người khác được sống, hoặc cống hiến cho ngành y học nước nhà để phát triển thì em cũng rất vui để tham gia, để cống hiến. Em tin là khi em làm những việc như vậy, tình yêu thương sẽ lan tỏa đến nhiều người khác, cứ thế nhân lên nhiều lần. Và tình yêu thương đó vẫn sẽ lưu giữ lâu dài".

Đối với Mai, định nghĩa về tuổi trẻ  là sự cống hiến và yêu thương. Chỉ cần được mang những điều tốt đẹp đi lan tỏa khắp mọi nơi, thì sức trẻ luôn hiện diện. 

Điều kì diệu từ đôi tay Gen Z: Gieo yêu thương trong những ngày giông bão Ảnh 6

Hồng Anh, Khánh Chi, Minh Khánh, Mỹ Hạnh,  Thảo Minh... Tất cả đều là học sinh tại Hà Nội. Dịch bệnh đến như một cơn lốc, khiến tất cả mọi người đều rơi vào khó khăn. 

Doanh nghiệp đóng cửa, những người vô gia cư, người thuê trọ tại Hà Nội... oằn mình qua các đợt giãn cách, không ít người trong số họ đã rơi vào bế tắc.  Help For Residents là một dự án nho nhỏ của các học sinh Hà Nội giúp người lao động vượt qua giai đoạn đầy bão giông đó. Bằng cách chuyển lương thực, nguồn hỗ trợ cho người thuê trọ, các bạn đã đi gieo yêu thương trong những ngày bão giông nhất.

Khánh Chi (ngụ Hà Nội) cho biết: "Khi dịch Covid-19 hoành hành, mọi công việc kiếm miếng cơm manh áo của họ dường như bị đổ bể. Mỗi hoàn cảnh đều mang cho em cảm giác xót thương, đau lòng đến tột cùng. Ví dụ như anh Trần Hoàng Hiếu, một nhân vật mà bọn em đã giúp đỡ. Sau khi nghe anh chia sẻ câu chuyện cuộc đời mình, em mới hiểu, đôi khi hạnh phúc tưởng chừng giản đơn mà lại xa xỉ vô cùng. 

Sớm nắng chiều mưa chạy xe ôm cho nhà chùa, khách đưa bao nhiêu thì nhận bấy nhiêu, dù thiếu anh vẫn phải chạy, bởi cuộc sống mưu sinh, anh không có quyền lựa chọn. Anh chiến đấu với cuộc sống không chỉ riêng cho bản thân anh, anh nguyện hy sinh vì người mẹ già đang uống thuốc để cầm cự từng ngày. 

Hai mẹ con vất vả lam lũ vì nhau mà bước tiếp. Căn trọ của anh nhỏ dột nước mỗi khi mưa xuống, tuy lạnh thật đấy nhưng bầu không khí  luôn ấm áp tình yêu thương. Đồng lương ít ỏi anh Hiếu dành dụm từng cắc để mua thuốc men cho mẹ. Chủ trọ thương anh nên giảm tiền nhà đôi ba đồng, hàng xóm thương anh cho ít đồ qua bữa, khách thương anh gửi chút tiền đổ xăng làm quà, nhà chùa thương anh cho chút thực phẩm sống qua ngày. Ít gạo, ít rau với mẹ con anh cũng đáng giá cả gia tài. Dịch bệnh đã cướp đi của gia đình anh mọi thứ, chỉ còn tình thương luôn cháy nồng".

Những ngày bão giông khép lại, cho những chồi non vươn lên dưới nắng. Sau cơn đại dịch, nước mắt sẽ được hong khô cho những nụ cười lại hé mở. Đó là điều làm các bạn tin tưởng và cố gắng.

Điều kì diệu từ đôi tay Gen Z: Gieo yêu thương trong những ngày giông bão Ảnh 7

Trong suốt hành trình đó, các bạn đã có nhiều lần khóc cười. Đặc biệt, có trường hợp là chị Quách Kim Ngân. Căn nhà nhỏ đơn sơ là nơi sinh sống của vợ chồng chị cùng hai đứa con và ông bà ngoại. Cuộc sống của chị tưởng chừng như sẽ khấm khá hơn từng ngày khi hai vợ chồng đều có công ăn việc làm ổn định thì tia sáng hy vọng ấy chợt tắt lịm đi khi dịch bệnh ập tới. Bố của chị bị tai biến cách đây không lâu, không thể đi lại, toàn bộ tiền trong nhà đều bỏ ra để chạy chữa. 

Mỗi tháng, hai vợ chồng chỉ kiếm được vỏn vẹn 9 triệu đồng - đối với nhiều người đó có thể là con số nhỏ, nhưng với chị số tiền ấy hiện chỉ còn là ước mơ khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, không thể đi làm. 

Tiền trọ hàng tháng đã lấy đi gần một nửa số tiền hai anh chị kiếm được. Không chỉ vậy, chị còn có hai con nhỏ, đang tuổi ăn tuổi lớn, rất cần những bữa ăn đủ dinh dưỡng để phát triển nhưng những bữa cơm từ khi thành phố giãn cách không thể đầy đủ như trước. 

Chị chia sẻ với nhóm: “Mỗi lần nhìn con, tôi không cầm được nước mắt vì không thể cho chúng một bữa cơm ngon”. Tận mắt chứng kiến gia cảnh của chị Ngân, nhiều bạn không thể kìm nén nổi nước mắt của mình.

"Tuy những gì tổ chức chúng em trao tặng đi không quá lớn lao về mặt vật chất, em tin rằng với trái tim ấm áp tình yêu thương cùng tấm lòng đùm bọc cao cả của những người tham gia quyên góp, những mảnh đời khó khăn bất hạnh ấy sẽ biết được rằng mình vẫn luôn được quan tâm, hỗ trợ nhiệt tình từ đồng bào bốn phương", nhóm chia sẻ. 

Những phần quà, túi thực phẩm được chuyển đến đúng lúc đã giúp được một số gia đình có những bữa cơm đủ đầy, giúp họ đi qua được giai đoạn ngặt nghèo nhất. Nó không lớn lao, nhưng ấm áp, xuất phát từ những con tim chân thành.

Điều kì diệu từ đôi tay Gen Z: Gieo yêu thương trong những ngày giông bão Ảnh 8

Điều kì diệu nhỏ bé đó không phải từ phép màu, nó được tạo nên từ những trái tim biết rung cảm với cuộc đời.

"Tuy lượng thức ăn chúng em đưa không đáng là bao, nhưng họ luôn hết lòng cảm ơn và khiến chúng em cảm thấy công sức của mình được trân trọng, cũng như bao mệt mỏi đều biến mất hết. Hơn nữa, được cùng những người bạn cùng trang lứa vui đùa dạo quanh phố phường là một trải nghiệm thật khó mà quên được. Đó cũng là lần đầu tiên em cảm nhận được sức sống tuổi thanh xuân", bạn Thảo Minh (học sinh) nói.

Bài viết

Khải Anh

Thiết kế

Tuấn Lê

Chia sẻ