Sắc màu Cuộc Sống

6 địa điểm du lịch tâm linh ở Sài Gòn đón hàng ngàn du khách mỗi ngày trong mùa Vu Lan

Lâm Thắm
Chia sẻ

Mỗi năm, vào dịp Lễ Vu Lan, các ngôi chùa tại TP HCM đều đông nghẹt người tới hành hương để tỏ lòng thành kính, báo hiếu cha mẹ, ông bà tổ tiên.

Chùa Bửu Long

Chùa Bửu Long tọa lạc tại số 81 đường Nguyễn Xiển, phường Long Bình, quận 9, TP HCM. Chùa có khuôn viên rộng 11 ha, với nhiều cây xanh tỏa bóng mát nằm trên ngọn đồi phía Tây ngạn sông Đồng Nai.

Chùa Bửu Long được xây dựng với kiến trúc độc đáo của xứ sở chùa vàng. (Ảnh: IG/andrew_tran_blur)

Chùa Bửu Long nổi tiếng là một ngôi chùa đặc biệt khác hẳn với những ngôi chùa khác ở Việt Nam. Được xây dựng với lối kiến trúc độc đáo của xứ sở chùa vàng - Thái Lan, khiến ngôi chùa này trở thành địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng tại TP HCM.

Chùa được thiết kế theo kiến trúc của văn hóa Phật giáo cổ đại, có nguồn gốc trực tiếp từ nền văn minh vùng Suvannabhumi (văn hóa Phù Nam) kết hợp với kiến trúc hiện đại, gần gũi với văn hóa Việt Nam.

Chùa Bửu Long là địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng tại TP HCM. (Ảnh: IG/kin_autt)

Mới đây, tạp chí National Geographic (Mỹ) đã bình chọn chùa Bửu Long là 1 trong 20 công trình kiến trúc Phật giáo đẹp nhất thế giới. Trước đó, chùa Trấn Quốc ở Hà Nội cũng vinh dự nằm trong danh sách này.

(Ảnh: IG/lahuga25)

(Ảnh: IG/su101198)

(Ảnh: IG/nhanthanh.99)

Chùa Hoằng Pháp

Là một ngôi chùa lớn và nổi tiếng bậc nhất Sài Gòn, chùa Hoằng Pháp không chỉ đẹp về cảnh quan mà còn đẹp về đạo hạnh của vị Tổ khai sơn. Chùa tọa lạc tại Thành Ông Năm, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TP HCM.

Chùa Hoằng Phát có khuôn viên rộng lớn và nhiều cây xanh. (Ảnh: abg2016)

Vào các dịp lễ Tết và đặc biệt là trong ngày Vu Lan báo hiếu, hàng nghìn Phật tử từ khắp nơi đổ về đây để tỏ lòng thành kính - hiếu thảo với cha mẹ và tham gia làm lễ cúng những linh hồn ma quỷ đói khát.

Sở hữu khuôn viên rộng lớn và mang nét đẹp thanh tịnh. Vào dịp lễ Vu Lan, Phật tử và du khách nước ngoài có thể dùng cơm chay ngay tại khuôn viên chùa, hứng hoa sala như lộc từ Phật ban tặng cho mỗi người.

Vào các dịp lễ Tết và đặc biệt là trong ngày Vu Lan báo hiếu, hàng nghìn Phật tử từ khắp nơi đổ về đây. (Ảnh: daophatngaynay)

(Ảnh: Vietnammoi)

Chùa Bà Thiên Hậu

Chùa Bà Thiên Hậu hay còn gọi là chùa Bà Chợ Lớn, tên chữ Hán là Thiên Hậu miếuvà được người Hoa gọi là Phò Miếu. Vì bên cạnh chùa có Tuệ Thành Hội quán là nơi quy tụ của nhóm người Hoa Quảng Đông, nên chùa còn được gọi là Tuệ Thành Hội quán. Chùa tọa lạc tại số 710 đường Nguyễn Trãi, quận 5, TP HCM.

Chùa Bà Thiên Hậu. (Ảnh: zing.vn)

Chùa bà Thiên Hậu là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Sài Gòn, từ đường nét, kiến trúc đến vật liệu xây dựng đều mang đậm phong cách chùa cổ của người Hoa. Theo nhà văn hóa - học giả Vương Hồng Sển, từng viên gạch, mái ngói đến đồ gốm trong chùa đều được vận chuyển từ Trung Quốc sang.

Chùa có rất nhiều đồ cổ tuổi thọ hàng trăm năm như: các tượng gỗ, tượng đá, bia đá, lư đồng, câu đối, phù điêu… được điêu khắc rất tỉ mỉ và tinh tế. Đặc biệt, tại chùa có 2 đại đồng chung bằng gang, có niên hiệu Càn Long năm thứ 60 (1796) và Đạo Quang năm thứ 10 (1830) cùng với bộ lư lớn có niên hiệu Quang Tự năm thứ 12 (1886).

(Ảnh: IG/ivy_luu.dl)

(Ảnh: IG/toantoan211)

Chùa Vĩnh Nghiêm

Chùa Vĩnh Nghiêm được xây dựng vào năm 1964 và là một trong những ngôi chùa có cơ sở vật chất khang trang bậc nhất ở Sài Gòn. Chùa tọa lạc tại 339 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường 7, Quận 3, TP HCM.

Chùa Vĩnh Nghiêm. (Ảnh: vntrip)

Tòa tháp 7 tầng tại chùa Vĩnh Nghiêm. (Ảnh: IG/aquarius­_206)

Chùa có khuôn viên khá rộng và thoáng mát. Về kiến trúc, chùa Vĩnh Nghiêm mang những nét tiêu biểu của những ngôi chùa miền Bắc, các góc mái chùa đều uốn cong theo kiểu mái trước chồng diêm.

Tên chùa và kiến trúc đều được lấy nguyên mẫu từ ngôi chùa gốc của Bắc Giang, là nơi trung tâm của phái Trúc Lâm Yên Tử. Nét độc đáo thu hút của ngôi chùa là tháp 7 tầng cao 14 m, được điêu khắc những hoa văn theo phong cách thời Lý - Trần.

(Ảnh: trieupham)

(Ảnh: thegioidisan)

Chùa Giác Lâm

Chùa Giác Lâm còn được gọi với những cái tên khác: Cẩm Sơn, Sơn Can hay Cẩm Đệm. Chùa Tọa lạc tại số 565 đường Lạc Long Quân, phường 10, quận Tân Bình, TP HCM. Chùa Giác Lâm được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia năm 1988.

Chùa Giác Lâm. (Ảnh: vietnam-tourism)

Không gian chùa rộng lớn, yên tĩnh, thích hợp cho Phật tử và du khách đến hành hương vào các dịp lễ lớn.

Được xây dựng với kiến trúc uy nghiêm cổ kính, đây được xem là ngôi chùa tiêu biểu đại diện cho chùa ở miền nam nước ta. Bên trong chùa là kiểu chữ Tam gồm có 3 dãy nhà ngang liền kề nhau, chính diện là kiểu nhà truyền thống có một gian hai mái và bốn cột đình.

Đến đây, du khách còn có cơ hội tìm hiểu về những giá trị văn hóa, kiến trúc, điêu khắc và lịch sử của chùa còn được lưu giữ nguyên vẹn cho đến ngày nay.

(Ảnh: giapha)

Việt Nam Quốc Tự

Chùa tọa lạc tại 244 đường Ba tháng Hai, quận 10, TP HCM. Việt Nam Quốc Tự hiện là trụ sở mới của Ban trị sự Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Việt Nam Quốc Tự. (Ảnh: Zing.vn)

Với không gian thanh tịnh và có nhiều cây cổ thụ đổ bóng mát quanh năm, Việt Nam Quốc Tự là một công trình kiến trúc đẹp và mang ý nghĩa lịch sử. Bên trong chùa có ngôi tháp 7 tầng và nhiều hình ảnh lịch sử thể hiện cuộc đời của Đức Phật.

Hiện nay, Việt Nam Quốc Tự là ngôi chùa nổi tiếng ở TP HCM và được đông đảo Phật tử cũng như du khách tới tham quan và chiêm bái vào các ngày lễ lớn trong năm.

(Ảnh: IG/kusaenuyen)

(Ảnh: vnexpress)

Chia sẻ

Bài viết

Lâm Thắm

Tin mới nhất