Sắc màu Cuộc Sống

Điểm chuẩn đại học 2016 giảm, các trường vẫn lo… 'ế' sinh viên

Theo Zing
Chia sẻ

Điểm chuẩn đại học ở trường top trên giảm nhưng thí sinh không hẳn nhiều cơ hội trúng tuyển, vì đề thi năm nay khó. Trong khi đó, các trường lo không tuyển đủ sinh viên vì sợ "ảo".

Ngày 15/8, hầu hết các trường đại học đã công bố điểm chuẩn 2016. Theo ghi nhận, điểm trúng tuyển của các trường năm nay có nhiều biến động. Kể cả khi điểm chuẩn đã công bố, các trường vẫn không nắm “đằng chuôi” số lượng thí sinh đến với mình.

Điểm chuẩn: Top trên giảm, dưới tăng

Điểm chuẩn năm nay có khá nhiều bất ngờ. Đặc biệt là những trường top trên, điểm chuẩn đều giảm so với năm 2015.

ĐH Ngoại thương được đánh giá là một trong những trường đào tạo kinh tế hàng đầu ở Việt Nam. Hàng năm, số lượng thí sinh đăng ký tuyển sinh vào trường không đông nhưng đều rất “chất”.

Năm nay, so với chỉ tiêu, số lượng hồ sơ đăng ký đổ về trường cũng không cao hơn nhiều như những trường khác. Tuy nhiên, so với năm ngoái, điểm chuẩn vào trường giảm.

Năm 2015, điểm trúng tuyển cao nhất khối A0 vào trường là 27,25 điểm, thấp nhất 24,5 điểm. Trong khi đó, điểm chuẩn năm nay cao nhất là 26,45 điểm và thấp nhất 24,3 điểm (thấp hơn năm 2015 từ 0,8 đến 1,2 điểm).

Khối các ngành Y, Dược, điểm chuẩn cũng không cao như dự đoán ban đầu. Ngành Bác sĩ Đa khoa của ĐH Y Hà Nội năm nay lấy 27 điểm, Bác sĩ Răng - Hàm - Mặt có điểm trúng tuyển 26,75. Hai ngành này giảm từ 0,25 đến 0,75 điểm so với năm trước và cũng phải dùng đến tiêu chí phụ trong xét tuyển (thí sinh trúng tuyển cần đạt điểm Toán từ 8,75 trở lên).

Năm 2015, điểm chuẩn ngành Y đa khoa của ĐH Y Dược TP HCM lên đến 28 điểm. Năm nay, ngành này có điểm chuẩn cao nhất 26,75. Răng - Hàm - Mặt 26 điểm (giảm 1,25 điểm). Ngành Dược học 25,25 điểm (giảm 0,75 điểm). Y tế Công cộng có điểm chuẩn thấp nhất là 20,5 (giảm 2,25 điểm).

Thí sinh thi đại học 2016.

Thí sinh thi đại học 2016.

Tại ĐH Dược Hà Nội, điểm trúng tuyển hệ chính quy ngành Dược là 26,75, bằng với mức điểm chuẩn vào trường năm 2015.

Trong khi các Y có điểm chuẩn giảm, các trường top giữa điểm chuẩn lại “dâng” lên. ĐH Thương mại, ngoài việc bội thu hồ sơ (trên 11.000 hồ sơ cho 3.800 chỉ tiêu), điểm trúng tuyển nhiều ngành cao hơn năm ngoái từ 0,25 đến trên 1 điểm.

Ngành Kinh tế, khối A0 (Toán, Lý, Hóa) năm 2015 là 22,25 điểm, thì năm nay là 23 điểm. Tuy nhiên, cũng ngành này nhưng khối A1 (Toán - Lý - Anh) lại giảm 0,25 điểm. Nguyên nhân là môn tiếng Anh điểm thi thấp.

Ngành Marketting chuyên ngành Marketting thương mại có điểm trúng tuyển cao hơn năm ngoái 1 điểm; Thương mại Điện tử cao hơn tới 1,25 điểm.

Một số ngành của Viện đại học Mở có điểm chuẩn tăng so với năm 2015 như Quản trị Du lịch Khách sạn (từ 19,25 lên 20,5 điểm đối với khối D1).

Công bố điểm trúng tuyển vẫn lo “thí sinh ảo”

Năm nay, mỗi thí sinh được đăng ký ít nhất 2 trường, nhiều nhất 4 trường (nếu đăng ký trong nhóm GX). Chính vì vậy, các trường hoàn toàn bị động về số lượng thí sinh nhập học.

Theo ông Cao Quốc An, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Lâm Nghiệp, tỷ lệ thí sinh ảo nộp hồ sơ vào các trường có thể lên tới 50%, thậm chí hơn. Vì thế, phương án điểm chuẩn của trường năm nay đưa ra bằng mức điểm sàn của Bộ GD&ĐT- 15 điểm.

Theo nhận định của các chuyên gia, các trường top dưới lo ảo hơn. Lãnh đạo của một trường ĐH tại Hà Nội cho biết, giả sử ngành A trường lấy điểm chuẩn là 21 thì đủ chỉ tiêu, nhưng lo ảo, trường hạ xuống 0,5, thí sinh đủ điểm vào ngành này lập tức tăng thêm cả trăm người. Như thế, nếu lấy 21 điểm, trường có thể phải tuyển đợt 2, nhưng nếu chốt 20,5 điểm, trường có thể bị phạt.

Nói về tình hình xét tuyển năm nay, ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, các trường cũng bị động trước đăng ký của thí sinh.

“Năm 2015, ĐH Bách khoa xác định ảo 8%, thí sinh đến nhập học vừa đúng chỉ tiêu của trường. Năm nay khó xác định hơn, chúng tôi dự kiến tỷ lệ ảo trên 10%” - ông Điền khẳng định

Không chỉ riêng ĐH Bách khoa Hà Nội, năm nay, các trường đều rất khó đoán định tỷ lệ ảo của trường mình. ĐH Thủy lợi xác định tỷ lệ ảo trên 15%.

Nguồn tuyển còn nhưng không nhiều

Đánh giá về nguồn tuyển năm nay, ông Nguyễn Phong Điền cho rằng, với mức điểm chuẩn các trường đã công bố, nguồn tuyển sẽ vẫn còn nhưng không nhiều.

Vì hiện nay, nhiều trường từ đợt 1 đã lấy điểm chuẩn đến mức sàn của Bộ GD&ĐT. Có thể thấy, phần lớn các trường từ top giữa trở xuống đều lấy điểm chuẩn từ điểm sàn. Thậm chí, một số đại học công lập cũng đã sử dụng song song hai hình thức xét tuyển là kết quả thi THPT quốc gia và xét học bạ như ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp, ĐH Lâm nghiệp…

Tuy nhiên, với việc cho phép điểm chuẩn lần xét tuyển sau không nhất thiết phải cao hơn lần trước đã cho thấy một nghịch lý của năm nay.

Theo phân tích của chuyên gia, các trường có quyền lấy điểm chuẩn lần sau thấp hơn lần trước nên cùng một ngành có thể chất lượng thí sinh trúng tuyển đợt sau thấp hơn.

Và dù có sợ bị phạt, kỷ luật, các trường, nhất là các trường công lập, đều mong muốn lấy đủ chỉ tiêu trong đợt 1, không xét bổ sung. Chính vì thế mà năm nay, rất nhiều trường lấy điểm chuẩn từ điểm sàn.

Chia sẻ

Bài viết

Theo Zing

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất