Sắc màu Cuộc Sống

Dịch tả lợn châu Phi đã lan đến Thừa Thiên - Huế

Nguyễn Thúy (Tổng hợp)
Chia sẻ

Chi cục thú y tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, vừa phát hiện 1 ổ bệnh dịch tả lợn Châu Phi đầu tiên trên địa bàn và đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp chuyên môn để ngăn chặn sự lây lan, bùng phát trên diện rộng.

Tối 18/3, trả lời trên Báo SGGP, ông Trịnh Đức Hùng - Chủ tịch UBND huyện Phong Điền (TT. Huế) xác nhận, trên địa bàn vừa phát hiện 1 ổ dịch tả heo châu Phi.

Trước đó, ông Tạ Hồng Uẩn, ở thôn Hiền An (xã Phong Sơn, Phong Điền) trình báo về việc 3 con heo nái của gia đình bị chết.

Nhận tin báo, lực lượng chức năng đã lập tức đến hiện trường để lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả, cả 3 con lợn nái Móng Cái của gia đình này bị chết do virus dịch tả lợn châu Phi. Tiếp tục xét nghiệm, xác định 2 con lợn còn lại trong đàn cũng đã bị nhiệm bệnh.

Phó chủ tịch UBND tỉnh TT. Huế (thứ 2 từ phải sang) kiểm tra, chỉ đạo chống dịch tả lợn châu Phi tại hiện trường ổ dịch đầu tiên trên địa bàn. Ảnh: Báo Thanh Niên

Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã tiến hành tiêu hủy đàn lợn bệnh. Ngoài ra, 80 lít hóa chất và 2 tấn vôi đã được sử dụng để tiêu độc khử trùng tại thôn Hiền An và các khu vực lân cận để ngăn chặn dịch lây lan.

Trao đổi trên VOV, ông Nguyễn Văn Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh TT.Huế cho biết: “Ban Chỉ đạo đã chôn hủy, tiêu độc khử trùng rồi lập các chốt để ngặn chặn các ngã đường. Ngành thú y thông tin cho các xã khác đang rãi vôi với tiêu độc đề phòng lây lan. Hiện đã cấp phát hóa chất cho toàn tỉnh là 17 tấn đang khẩn trương tiêu độc khử trùng. Ngành thú y cũng đã lập 7 chốt kiểm soát trên địa bàn toàn tỉnh để ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi”.

Ông Nguyễn Văn Phương (đứng giữa) chỉ đạo công tác dập dịch tại ổ dịch tả lợn Châu Phi đầu tiên ở TT. Huế. Ảnh: Báo Dân Sinh.

Theo Báo Thanh Niên, cũng trong chiều 18/3, ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh TT. Huế cũng đã đến kiểm tra nơi phát hiện ổ dịch. Tại đây, ông Phương nhấn mạnh, ngoài việc tiêu độc khử trùng, tiêu hủy lợn nhiễm bệnh thì việc phát hiện sớm ổ dịch để khoanh vùng, dập dịch là công tác quan trọng bậc nhất.

Bên cạnh đó, lãnh đạo TT. Huế cũng yêu cầu các hộ nuôi, doanh nghiệp, hợp tác xã nuôi lợn phải có ý thức, trách nhiệm với cộng đồng để thông báo tình hình đàn lợn của mình. Thực hiện đúng cam kết “5 không” trong công tác phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi: không giấu dịch; không mua bán vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.

Chia sẻ

Bài viết

Nguyễn Thúy (Tổng hợp)

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất