Sắc màu Cuộc Sống

Có những thầy cô giáo, 30 năm học trò cãi lời, đánh lại nhưng họ không trách mà càng thấy thương hơn

Quang Niên
Chia sẻ

Thầy cô ở Trung tâm này, suốt đời làm người gieo nhân tốt mà không cầu trả ơn. Mấy mươi năm gắn bó với trẻ chậm phát triển, sức chịu đựng của họ đã nới rộng đến vô cùng với mong muốn tha thiết học sinh của mình, từ chỗ vô thức, ngày nào đó sẽ trở nên hữu ích hơn cho gia đình, xã hội.

Được mở ra với tinh thần từ thiện bác ái, Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật Quận 4 (TP. HCM) đã và đang hoàn thành sứ mệnh của mình khi đón nhận nhiều học sinh là trẻ chậm phát triển trí tuệ, cố gắng bồi đắp cho họ trở thành những con người có ích cho xã hội.

Với sự dạy dỗ tận tình của các thầy cô nơi đây, các em học sinh dần thay đổi được chính mình. Đứng lớp ở ngôi trường này, thầy cô không chỉ truyền dạy kiến thức mà còn ân cần chỉ bảo các em cách sống, cách làm người. Dạy trẻ chậm trí cần rất nhiều tình yêu và có lẽ, 1 ngày ở ngôi trường này vất vả hơn gấp 5, gấp 10 nơi khác. Những người ở cương vị giáo viên, họ đang từng ngày, từng giờ, chia sẻ đi rất nhiều tình yêu trong trái tim mình!

Một trong sáu lớp học tại Trung tâm Giáo dục trẻ em khuyết tật Quận 4. Các em theo học ở trung tâm đều là trẻ em chậm trí hoặc có khiếm khuyết cơ thể.

Một trong 6 lớp học tại Trung tâm Giáo dục trẻ em khuyết tật Quận 4. Các em theo học ở trung tâm đều là trẻ em chậm trí hoặc có khiếm khuyết cơ thể.

Những người có sức chịu đựng không giới hạn, quên mình để nghĩ đến nhiều người khác

Trung tâm có 6 lớp học, mỗi lớp có khoảng 10 đến 20 học sinh. Mỗi người lại mang một khiếm khuyết về cơ thể hoặc hội chứng thần kinh khác nhau. Bởi thế, thầy cô phải có cách giáo dục riêng biệt, phù hợp với từng em.

Làm giáo viên đã cực nhọc nhưng người dạy trẻ chậm trí còn mệt mỏi hơn khi trên lớp, có những em thường xuyên gây gổ với thầy cô và các bạn. Nếu đó là học sinh bình thường, thầy cô có thể la mắng và chắc chắn các em dù ít hay nhiều, cũng hiểu được thái độ gay gắt ấy. Nhưng một đứa trẻ bị khuyết tật về mặt trí tuệ thì không như vậy. Cho dù lúc ấy có đánh đập các em, chúng cũng không thể biết mình đã làm sai điều gì.

Dường như sức chịu đựng của thầy cô đã nới rộng đến vô cùng, cho nên dù học sinh có cãi lời hay làm gì đi nữa, thầy cô cũng rất ít khi nổi nóng. Phải đến Trung tâm này người ta mới thấy, dạy trẻ chậm trí là một công việc nguy hiểm tới cỡ nào. Có lúc đang ngồi yên trong lớp, một vài em bất ngờ nhảy bổ lên, lao vào đánh thầy cô.

Nhưng thay vì hờn trách, thầy cô chỉ nhẫn nại chịu đựng. Họ hiểu, các em làm như vậy, không phải vì cố tình mà chỉ là hành vi vô thức mà thôi!

Dạy dỗ các em tại trung tâm là một công việc rất khó khăn, đòi hỏi sự nhẫn nại nơi các thầy cô.

Trường tổ chức học 2 ca và nhận giữ bán trú. Buổi sáng học văn hóa, buổi chiều học nghề và thể chất.

Từ những đứa trẻ chỉ biết ú ớ, thầy cô đã dạy chúng biết cầm cây bút, viết nét chữ đầu tiên. Rồi vẫn là đôi tay co quắp ấy, thầy cô lại khiến chúng trở nên mềm mại hơn, biết cầm cây kim nhỏ xíu, xe chỉ và khâu vá chiếc áo đã sờn bạc.

Cô Trương Thị Lợi, phó giám đốc của trung tâm, chia sẻ: “Chương trình học văn hóa được các thầy cô biên soạn riêng để phù hợp với các em. Dạy chữ khó là thế, dạy nghề còn khó hơn rất nhiều. Thế mà bằng cách này hay cách khác, thầy cô đã giúp được rất nhiều bạn tìm được việc làm tại những hãng xưởng thủ công… hay ít nhất có thể tự chăm sóc bản thân và hòa nhập với xã hội”.

Cô Đỗ Thị Nga, một người đã gắn bó với trung tâm từ ngày đầu thành lập, kiên nhẫn dạy dỗ các em từ những điều nhỏ nhặt nhất.

Cô Đỗ Thị Nga, một người đã gắn bó với trung tâm từ ngày đầu thành lập, kiên nhẫn dạy dỗ các em từ những điều nhỏ nhặt nhất.

Để giúp các em phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần, giáo viên của trung tâm phải sẵn sàng bỏ qua nhu cầu cá nhân hay thậm chí, đã đánh đổi và hy sinh rất nhiều thứ. Ở Trung tâm này, người ta vẫn còn kể mãi câu chuyện cô giáo Trương Thị Liễu, vì quá bận rộn với công việc mà để sẩy mất cái thai đầu lòng.

Lúc đó vì thương tụi trẻ quá, mải mê với công việc ở trung tâm nên không quan tâm đến sức khỏe. Cũng may là gia đình thông cảm. Còn bản thân mình cũng không hối tiếc. Bây giờ chuyện gia đình ổn hơn, 24/7 mình lại chỉ nghĩ đến tụi trẻ ở Trung tâm”, cô giáo Liễu tâm sự.

Để chu toàn được công việc ở trung tâm, nhiều giáo viên với tuổi đời còn trẻ phải chấp nhận gạt bỏ những việc riêng tư của mình.

Nhiều giáo viên với tuổi đời còn trẻ chấp nhận gạt bỏ những việc riêng tư của mình để lo cho các em học sinh.

Thầy Sơn đến với trung tâm từ năm 25 tuổi. Hàng ngày được đứng lớp dạy dỗ các em, tuy vất vả nhưng thầy vẫn xem đó là niềm vui trong cuộc sống.

Thầy Sơn đến với trung tâm từ năm 25 tuổi. Hàng ngày được đứng lớp dạy dỗ các em, tuy vất vả nhưng thầy vẫn xem đó là niềm vui trong cuộc sống.

30 năm nuôi mãi một giấc mơ

Trải qua gần 30 năm hoạt động với bao thế hệ học sinh mới, Trung tâm này vẫn nuôi mãi một giấc mơ. Đó là giúp bù đắp phần nào những thiệt thòi mà các em học sinh khuyết tật đang phải chịu đựng.

Nhiều người nghĩ, làm công việc mà phải đánh đổi nhiều thứ như thế, ắt hẳn lương phải cao lắm. Nhưng họ có biết đâu, mỗi tháng thầy cô chỉ nhận khoản lương vỏn vẹn 1 triệu đồng. Công việc cực nhọc, hiểm nguy và lương thấp như thế, nhưng chưa một lần, giáo viên ở đây nghĩ đến chuyện “nhảy” việc.

Có lần mấy đứa nó phá, chọi đồ làm mình chảy máu. Đau lắm, nhưng thương. Cơ mà càng thấy học sinh quậy phá trong vô thức vậy, mình càng thấy đau lòng. Cứ nghĩ đến hình ảnh đó thì dù vất vả bao nhiêu, cũng chẳng thể từ bỏ cái nghề này“, cô Đỗ Thị Nga, người gắn bó với trung tâm suốt 30 năm qua chia sẻ.

Sau những nỗ lực không mệt mỏi của thầy cô, các em đã biết cư xử đúng mực, chào hỏi mỗi khi có khách vào lớp học.

Sau những nỗ lực không mệt mỏi của thầy cô, các em đã biết cư xử đúng mực, khoanh tay chào hỏi mỗi khi có khách vào lớp học.

Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ do chính tay các em tạo ra sau quá trình dài học hỏi từ các thầy cô.

Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ do chính tay các em tạo ra sau quá trình dài học hỏi từ các thầy cô.

Gắn bó với Trung tâm được 15 năm, thầy Sơn cũng như cô Nga, đều hết lòng vì học trò và chưa lúc nào, muốn từ bỏ công việc mình đang làm. “Mấy ngày đầu vào thấy chưa quen, tụi nhỏ phá dữ lắm. Nhưng từ từ hiểu được tụi nó, biết tụi nó muốn gì, nên mình cũng lấy làm thương, không phải nói bỏ là bỏ được”.

Có lúc, tôi cũng định làm công việc khác với mức lương cao hơn. Nhưng tụi nhỏ cứ nhắc tôi, không có tôi cứ khóc, bỏ ăn và thậm chí đòi bỏ học. Tụi nó coi vậy mà tình cảm nên tôi không đành lòng” cô Đạt kể.

Giáo viên coi việc dạy trẻ chậm trí là một cái nghiệp. Họ hay nói vui rằng kiếp trước chắc mang nợ nên kiếp này phải trả. Suy nghĩ ấy làm cho họ thấy việc dạy trẻ là một trách nhiệm nhất thiết phải gánh trên vai. Cứ ngày này qua ngày khác, tình yêu thương học trò đã níu kéo họ ở lại, đứng vững trên bục giảng và vượt qua biết bao nhiêu gian khó, vất vả.

Khi giờ ăn đến, các giáo viên sẽ đóng vai trò là một người bảo mẫu, chăm lo từng bữa ăn cho các em.

Khi giờ ăn đến, các giáo viên sẽ đóng vai trò là một người bảo mẫu, chăm lo từng bữa ăn cho các em.

Giống như một ai đó đã từng nói: “Ánh nắng mặt trời cuối ngày rồi sẽ tắt, dòng sông đến nơi con đập sẽ tự mình rẽ sang một hướng khác. Suy cho cùng, sự hy sinh của thầy cô giáo là quy luật muôn đời. Làm nhà giáo phải quên mình đi để suy nghĩ đến nhiều người khác. Là làm bãi cát dài nâng mình cho những con sóng, con sóng sau ùa đi con sóng trước xóa sạch dấu vết cưu mang…”.

Nhiều thầy cô ở đây, có lẽ cũng đang lấy những điều đó làm chân lý để hiến dâng cho sự nghiệp trồng người, gieo nhân tốt mà không cầu trả ơn. Suốt một đời, họ đã quên mình đi để sống vì người khác, với mong muốn những học sinh từ chỗ vô thức, ngày nào đó sẽ trở nên hữu ích hơn cho gia đình, xã hội.

Chia sẻ

Bài viết

Quang Niên

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất