Đằng sau cái cúi đầu của ông chủ người Nhật là cả một lối sống khiến thế giới ngưỡng mộ

Khánh Chi
Chia sẻ

Chỉ một cái cúi đầu không thể đem lại tất cả sự thành công, cũng như sự tôn sùng của thế giới giành cho đất nước Nhật Bản. Đó là sự thật. 

Những ngày này, khắp nơi - từ các diễn đàn mạng cho tới bà bán nước đầu ngõ - mọi người đều xôn xao trước hình ảnh ông Tổng giám đốc công ty xăng dầu 100% vốn đầu tư Nhật Bản cúi gập người chào khách hàng dưới cơn mưa Hà Nội tầm tã hàng tiếng đồng hồ.

Nhiều người cho rằng, đây là hành động không cần thiết. Nhưng bạn có biết, đây chỉ là một trong những nét văn hóa đã ăn sâu vào ý thức của người Nhật từ lâu? Và đằng sau cái cúi chào đó, là cả một nghệ thuật sống đáng được ngưỡng mộ?

Chỉ một cái cúi đầu không thể đem lại tất cả sự thành công, cũng như sự tôn sùng của thế giới giành cho đất nước Nhật Bản. Đó là sự thật.

Người Nhật yêu công việc, cần cù chăm chỉ như ong thợ cả đời

Không khó gì để bắt gặp hình ảnh những dòng người tấp nập ngược xuôi, chen chúc nhau trên những chuyến tàu ở “đất nước mặt trời”. Nhưng, trái ngược với khung cảnh đông đúc ấy, những con người lặng lẽ đi qua nhau, tiếng bước chân dồn dã trên nền đất cứng. Có chăng, âm thanh duy nhất sống động vang lên là tiếng thông báo của nhân viên nhà ga.

Dường như, ai cũng chìm đắm trong công việc, mục đích riêng của họ. Người đọc sách, lướt mail trả lời tin nhắn qua điện thoại, thậm chí hí hoáy với chiếc máy tính xách tay hoàn thành cho kịp bản báo cáo đầu giờ… Với người Nhật Bản, thời gian là phải nắm bắt, không để phí hoài.

Dù là cả khi đang chờ tàu, họ cũng trật tự và tranh thủ thời gian hết mức có thể để làm những công việc của mình.

Một đứa trẻ lớn lên tại đất nước Nhật Bản ngay từ nhỏ đã được giáo dục nghiêm khắc về những điều trên. Sinh ra là người Nhật, thì từ nhỏ đã phải nỗ lực hăng say và hết mình trong tất cả mọi mặt. Lý tưởng sống vì công việc luôn được đưa lên hàng đầu.

Một ví dụ để thấy sự khác biệt so với thế giới của con người Nhật Bản là khi làm việc tại công ty đa quốc gia. Trong khi những đồng nghiệp đến từ các nước như Mỹ, Đức bắt đầu và kết thúc công việc theo giờ quy định thì những nhân viên người Nhật lại kiên nhẫn kéo dài giờ làm, thậm chí đến tối khuya; luôn là những người đầu tiên đến và cuối cùng rời công ty. Chính điều đó đã đưa họ đến những thành công, nhưng đánh đổi lại khi thời gian dành cho gia đình ít đi, sức ép công việc đè nặng trên vai dẫn đến tỷ lệ stress, trầm cảm tăng cao.

Vào năm 2016 Nhật Bản tuyên bố tình trạng tử vong do làm việc quá sức đã đến mức báo động, nhưng thực tế, nhiều người tin rằng con số này còn cao hơn rất nhiều.

Đối với người Nhật, tình yêu công việc còn thể hiện qua sự nỗ lực hoàn thiện trong bất kì vị trí nào mà họ đảm nhận, từ những vị giáo sư đầu ngành đến những người đầu bếp, anh công nhân, chị phục vụ.

Nền văn hóa ẩm thực Nhật Bản nổi tiếng với sự tinh tế, chăm chút tỉ mẫn chính xác đến từng chi tiết. Để làm được một cuốn sushi, đầu bếp đã phải thực hiện nhiều giai đoạn với đôi tay tài hoa, sự lành nghề được đào tạo qua hàng chục năm kinh nghiệm và lòng yêu nghề vô bờ, để tạo ra chúng.

Bởi họ biết, sản phẩm mà họ làm ra còn biểu trưng cho giá trị con người, uy tín của chính họ chứ không chỉ mang ý nghĩa về mặt tiền bạc vật chất.

Dường như, không có một món ăn nào có được sự chăm chút cầu kì và tinh tế như những món ăn ở Nhật Bản.

Chính vì những đức tính này mà ở bất kì lĩnh vực nào Nhật Bản cũng để lại những thành tựu kiệt xuất cho đất nước và cả thế giới có thể kể đến các phát minh như máy tính bỏ túi, công nghệ đèn LED, nồi cơm điện, máy karaoke… hay khai sinh trường phái manga với các bộ truyện tranh nổi tiếng làm đắm say bao thế hệ như Doraemon, Pokemon…

Omotenashi - Nghệ thuật chiều lòng khách hàng

Khách hàng là thượng đế - đây là điều mà bất kì ai khi kinh doanh đều nằm lòng. Nhưng để nâng nó lên tầm nghệ thuật, vận dụng một cách tài hoa thì chỉ có người Nhật làm được, đó chính là Omotenashi - nghệ thuật hiếu khách.

“Irassaimase” - “Kính chào quý khách” trong tiếng Nhật chính là câu cửa miệng của nhân viên trong bất kì cửa hàng nào ở Nhật, dù người đó là tổng giám đốc hay chỉ là nhân viên chạy bàn, nhiệm vụ đó không chỉ riêng ai.

Irassaimase - Xin kính chào quý khách.

Không những trong nước, các công ty Nhật khi kinh doanh ở nước ngoài đều dùng Omotenashi làm kim chỉ nam, như các chuỗi cửa hàng bán lẻ đình đám ở Việt Nam FamilyMart, 7-Eleven, hay gần đây là cửa hàng xăng dầu IQ8.

Tại Aeon Mall, mỗi buổi sáng trước khi bắt đầu làm việc, mọi nhân viên đều đứng trước cửa hàng của mình để cuối đầu chào khách hàng như một lời cám ơn chân thành nhất. Mỗi khi chúng ta đi ăn sushi, nhân viên mở cửa luôn “Irassaimase” với tư thế cúi gập người.

Lời chào đối với người Nhật rất quý giá và cần thiết

Không chỉ trong lời chào hỏi, nghệ thuật kinh doanh dịch vụ của người Nhật còn thể hiện qua sự chăm chút trong từng chi tiết, cách bài trí phòng ốc thoáng đãng, lịch sự, trang trí sản phẩm, món ăn đơn giản nhưng trang trọng, hỏi thăm cảm nhận của khách hàng.

Nhà vệ sinh luôn là điểm cộng lớn nhất, sạch sẽ và tiện nghi với các hệ thống nước tự động. Tất cả điều đó đều dành cho mọi đối tượng khách hàng, không phân biệt sang hèn.

Tinh thần vì tập thể và lòng tự tôn dân tộc

Thành công của người Nhật Bản là do “nỗ lực của cả tập thể chứ không phải sự xuất thần của một cá nhân”. Tại các công ty lớn như Toyota, Honda với lượng nhân công lên đến trăm ngàn người, thì đó là một khối sức mạnh tập thể thống nhất, không hề có một cá nhân nào được coi là nổi trội, quan trọng hơn người khác. Quan hệ giữa người chủ và tớ không còn mang ý nghĩa tư bản, nơi bóc lột sức lao động để đem đến lợi nhuận, mà với họ toàn công ty là một đại gia đình, nơi mọi người được tôn trọng như nhau, đóng góp chung vào thành công lớn của tập thể.

Vai trò của mỗi cá nhân không dựa trên sự giàu có, tiền bạc, mà được đánh giá dựa trên những đóng góp của họ đối với cộng đồng.

Tinh thần vì tập thể của người Nhật còn được thể hiện rõ nét trong lúc hoạn nạn, thiên tai. Chỉ có ở Nhật Bản mới có cảnh sau thảm họa, tuyệt đối người dân không “đục nước béo cò”, trộm cướp, hôi của hay tranh giành nhau.

Dù đói khát, thân thể mệt mỏi rã rời nhưng họ vẫn xếp hàng để chờ được nhận hàng lương thực theo thứ tự. Mọi người chia nhau đồ cứu trợ, động viên nhau vượt qua khó khăn. Các siêu thị của Nhật cũng đồng loạt giảm giá mạnh mà không cần có lời kêu gọi nào.

Dù phải chịu nhiều thiên tai, nhưng những con người của đất nước “mặt trời mọc” luôn đứng lên mạnh mẽ sau đó.

Không chỉ trong lúc thiên tai, mà trong đời sống hằng ngày, tinh thần tập thể hay cụ thể hơn là lòng tự tôn dân tộc luôn thấy được ở Nhật Bản. Khi mà các hãng nước ngoài còn chật vật để sống sót tại thị trường thì các nhãn hàng, sản phẩm nội địa không ngừng phát triển, cải tiến chất lượng với sự ủng hộ hết mình từ người dân.

Ở Nhật, máy chơi game Xbox của Microsoft không có cửa cạnh tranh với PS4 của Sony. Để có những Sony, Sharp… hùng mạnh, được cả thế giới ưa chuộng ngày nay, không thể thiếu những đóng góp tin dùng “người Nhật dùng hàng Nhật” ở thuở khó khăn ban đầu. Các game đình đám do Nhật sản xuất như Final Fantasy luôn định dạng ngôn ngữ chính là Nhật Bản, tiếng Anh chỉ có trong phần phụ đề như một cách thể hiện sự tự tôn với ngôn ngữ đất nước.

Thật thà - Tôn trọng kỉ luật tạo nên thương hiệu uy tín của người Nhật

Bên cạnh đó, các ông bố bà mẹ Nhật Bản luôn giáo dục con cái của họ phải thật thà trong mọi hoàn cảnh, chịu trách nhiệm với những gì mình làm, không trốn tránh, nói dối khi làm sai và tuyệt đối tôn trọng kỷ cương tập thể. Chính nhờ vậy mà Nhật Bản trở thành một trong các quốc gia dẫn đầu về cuộc sống văn minh, uy tín của người Nhật được cả thế giới công nhận.

Theo thống kê của cục cảnh sát, tại Nhật từ năm 1985 đến nay chưa ghi nhận một trường hợp ăn trộm nào, ngoại trừ các vụ xảy ra do người nước ngoài sinh sống tại Nhật. Giao thông luôn được tuân thủ dù cho có cảnh sát giao thông hay không.

Vào năm 2014, khi siêu thị tiện lợi Aeon Mall xuất hiện tại Việt Nam, mọi người cảm thấy bất ngờ với các shop có thể ra vào tự do lựa chọn hàng hóa mà không cần người coi trông trộm cắp.

Trong khi đó, tại Nhật Bản, còn có các cửa hàng mini không người bán, khác hàng chỉ cần lựa chọn món hàng mình muốn rồi để lại tiền thanh toán vào một hộp để sẵn, thậm chí không hề có giá niêm yết, người mua trả tiền dựa vào đánh giá chất lượng sản phẩm của chính mình.

Ở Nhật Bản có những cửa hàng không người bán, khách hàng chỉ việc lựa chọn mua sản phẩm mình thích và tự động bỏ tiền vào thùng.

Tuy vậy tính nguyên tắc của người Nhật cũng đem đến những tình huống dở khóc dở cười. Tại World Cup 2014, huấn luyện viên của đội tuyển Nhật lúc này là Zico (tuyển thủ nổi tiếng một thời người Brazil) đặt câu hỏi cho một cầu thủ sau trận đấu: “Tại sao trong pha bóng đó, bóng cách cậu có 1, 2 bước chân, chỉ cần dấn lên giành bóng là có thể làm nên chuyện. Vậy mà cậu không làm gì?”. Câu trả lời của cậu cầu thủ khiến Zico ngã ngửa: “Vì theo sơ đồ chiến thuật, khu vực đó là của người khác, ngoài vị trí phân công của tôi!”.

Tính tiết kiệm khiến thế giới phải ngả mũ thán phục

Có tài nguyên thiên nhiên khó khăn, khi 80% các nguyên nhiên liệu cho hoạt động sản xuất trong nước phải nhập từ nước khác, cho nên để phát triển, người Nhật buộc phải học tính tiết kiệm khắt khe. Họ thường để dành khoảng 17-20% thu nhập của mình để gửi tiết kiệm và chính nguồn tiền này đã giúp nền kinh tế Nhật có điều kiện tái đầu tư.

Trong tiêu dùng hàng ngày của người Nhật, từ ăn mặc, công việc đến việc vui chơi giải trí đều mang màu sắc “tiết kiệm triệt để”. Không bao giờ có chuyện đô ăn thừa còn sót lại trong các bữa tiệc cũng như bữa ăn trong gia đình hằng ngày.

Các khoảng không gian trống trên nóc nhà cao tầng ở Nhật Bản được tận dụng để trồng các nông phẩm như lúa, ngô khoai mì bằng hình thức thủy canh tiên tiến vừa tốt, an toàn cho sức khỏe, vừa giảm bớt gánh nặng cho nền nông nghiệp chịu nhiều ảnh hưởng từ môi trường.

Không chỉ tiết kiệm trong tiêu dùng, trong sản xuất người Nhật còn tận dụng các rác thải tưởng chừng như vô dụng để tái sản xuất thành các sản phẩm giúp ích nhiều cho cuộc sống như túi plastic, vải vóc, nguyên vật liệu xây dựng, nhiên liệu… Hệ thống phân loại rác của họ cũng thuộc hàng hiện đại nhất thế giới để giảm chi phí tối đa cho việc xử lý rác.

Gìn giữ lối sống đúng chuẩn người Nhật, không lai tạp

Để có được Nhật Bản ngày hôm nay, đó là kết quả của sự đúc kết tinh hoa văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc.

Rõ ràng nhất là văn hóa trong giao tiếp thể hiện sự tôn trọng với người đối diện, tôn lên phẩm giá thanh cao, nhàn nhã của bản thân. Chào hỏi cũng có nhiều kiểu, tuỳ từng trường hợp mà có ý nghĩa khác nhau như kiểu Sakeirei (cúi thấp hết mức biểu hiện sự kính trọng sâu sắc), kiểu khẽ chào hay kiểu nghiêng người tôn trọng với khách hàng.

“Văn hóa cúi đầu” của người Nhật không phải thể hiện sự nhún nhường thấp hèn, mà thể hiện sự lịch thiệp văn minh đáng kính.

Văn hóa còn được lưu truyền qua các lễ hội truyền thống , khi Nhật Bản chính là quốc gia có số lượng lễ hội nhiều nhất thế giới. Hàng ngàn lễ hội được tổ chức trong năm, mỗi vùng lại có những lễ hội đặc trưng độc đáo để giới thiệu.

Các loại hình nghệ thuật như trà đạo, hoa đạo, thư hoạ, múa ngay cả truyện tranh manga, anime không bị phai mờ mà trở thành đức tin, lối sống tinh thần mỗi người con Nhật Bản, giúp nó được lưu truyền và phát triển qua nhiều thế hệ trong sự tự hào, tự tôn dân tộc.

Chia sẻ

Bài viết

Khánh Chi

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất