Đài thiên văn ở ngoại thành Hà Nội và chàng 'thợ săn' thầm lặng 'gặt hái' sao trời

Những vì sao đêm tưởng chừng như rất xa xôi và không chạm đến được, nhưng vẫn có một người hằng đêm âm thầm “gặt hái” và biến chúng thành những bức ảnh thiên văn đẹp đến ngây người.

Bài viết Vương Quốc Anh
Chia sẻ

Mỗi tối muộn khi màn đêm vây trùm lấy thành phố, khi cư dân của thủ đô chuẩn bị đánh một giấc thật say thì cũng là khi có một chàng trai rục rịch ngồi dậy để bắt đầu một buổi đi “săn” mới. Hướng đôi mắt trần và đôi mắt máy lên bầu trời, anh “săn” lấy những vật thể vũ trụ cách xa chúng ta hàng tỷ tỷ cây số.

Tổ hợp Tinh vân Đầu Ngựa (chính giữa) và Tinh vân Ngọn Lửa (bên trái) nằm trong chòm sao Lạp Hộ, cách chúng ta khoảng 1.500 năm ánh sáng. Ngôi sao màu xanh dương sáng nhất trong ảnh là sao Alnitak, một trong ba ngôi sao nằm ở đai Orion có thể quan sát được dễ dàng bằng mắt thường trên bầu trời đêm.

Ở ngoại ô thành phố Hà Nội nhộn nhịp người và xe, có một căn nhà đặc biệt không giống ai và có lẽ là độc đáo nhất trên khắp Việt Nam. Ngôi nhà đó… không có nóc, chỉ có một khoảng trống giúp vươn ống kính thiên văn ra ngoài và tóm gọn những vì sao vào bên trong. Đó là “đại bản doanh” của Đài Thiên văn Nam Hà Nội, một đài quan sát thiên văn tư nhân.

Anh Trần Hạ là diễn giả tại buổi tọa đàm Nhiếp ảnh thiên văn ở trường Đại học và Khoa học công nghệ Hà Nội (USTH) vào ngày 08/11 vừa qua. Ảnh: Hien Phan.

Cũng như bao đứa trẻ khác, cậu bé Trần Hạ luôn bật sẵn chế độ tò mò để khám phá những thứ mới mẻ xung quanh. Thuở đó, bầu trời đêm là một rương chứa bí mật vô cùng to lớn mà cậu muốn khám phá và tìm tòi cho bằng được, thế là cậu cứ hằng đêm mở to đôi mắt để chinh phục màn đêm bất tận.

Những câu chuyện thần thoại về các chòm sao trên bầu trời: chàng thợ săn Orion và mối thù với chú bò cạp Scorpius, chòm sao vua Cepheus, hoàng hậu Cassiopeia cùng công chúa Andromeda,… là những vì sao dẫn lối giúp cậu bé bám mãi với giấc mơ để rồi giờ đây hiện thực hóa những khát khao lúc nhỏ.

Bầu trời đêm phía trên Đài quan sát Nam Hà Nội. Kính thiên văn đang hướng về một tinh vân để thực hiện ghi hình. Đài quan sát có hai dàn thiết bị: một hệ thống lắp đặt cố định trong đài, một hệ thống nhỏ hơn phục vụ việc mang đi xa để chụp các thiên thể tối.

Bắt đầu từ năm 2016, chàng kỹ sư Trần Hạ bắt đầu ráp nối những thành phần đầu tiên để tạo nên đài thiên văn tư nhân của riêng mình. Ngoài thỏa mãn đam mê “ngắm nghía” bầu trời đêm vô cùng vô tận, anh còn nâng cấp thú vui của mình lên thành nhiếp ảnh thiên văn - lưu giữ lại mọi ngóc ngách của màn đêm qua ảnh chụp.

“Lúc nhỏ sống ở quê, không có nhiều đèn điện như ở thành phố, mình đã sớm bị bầu trời sao gây mê hoặc. Thế giới quan của một đứa trẻ rất nhỏ, đi hết khu phố mình sống đã là điều gì đó to lớn lắm rồi, nên những vì sao lấp lánh trên cao kia là một thứ cực kỳ xa xôi. Thuở đó, mình chỉ biết ngắm sao rồi mơ mộng xa vời.

Tổng hợp những tác phẩm nhiếp ảnh thiên văn đã được Trần Hạ thực hiện trong gần 4 năm qua.

Bẵng đi một thời gian, giấc mơ ngày bé không còn lôi kéo mình lén ra ngoài lúc nửa đêm để ngắm sao nữa, nó chỉ cháy âm ỉ bên trong đợi ngày bùng phát. Và ngày đó cuối cùng đã đến khi mình có nhà riêng ở ngoại thành Hà Nội vào năm 2016.

Sau bao năm chạm lấy những vì sao trong sự ngây ngô của một đứa trẻ, cuối cùng mình cũng được chủ động chạm đến chúng qua kiến thức khoa học và qua thiết bị hỗ trợ quan học tân tiến. Giờ đây, bầu trời tuy vẫn xa nhưng đã gần hơn rất nhiều, các chòm sao không còn là kẻ lạ nữa mà trở thành bạn bè thân quen”, anh Trần Hạ chia sẻ.

Sau 3 năm vận hành đài thiên văn tại gia, “tổng thiệt hại” ước tính từ 600 đến 700 triệu đồng và vẫn còn tăng thêm do chi phí phát sinh trong quá trình xây dựng và vận hành luôn có thường xuyên. Nói thêm về những khoản đầu tư, anh Trần Hạ cho biết:

Pháo hoa trong ốc đảo vũ trụ. Sở hữu góc nhìn rất “khủng” trên bầu trời, Thiên hà Tiên Nữ hay Thiên hà Andromeda luôn là đích ngắm hàng đầu cho giới chơi ảnh thiên văn nghiệp dư ở bán cầu Bắc.

Nằm sâu về phương Bắc, Tinh vân Trái Tim có lẽ là một trong những tinh vân đem lại nhiều cảm xúc nhất cho các “thợ săn bầu trời” vào những đêm mùa thu se se lạnh.

“Chỉ những thành phần cơ bản nhất của một hệ thống chụp ảnh thiên văn thôi cũng đã gây tốn kém nhiều nhất, chẳng hạn như kính thiên văn, camera chụp ảnh, trụ bám nhật động (để bám theo sự dịch chuyển của các ngôi sao trên bầu trời) cũng như linh kiện đi kèm.

Chi phí cao một phần do các thiết bị tốt đều được sản xuất ở nước ngoài như Mỹ, Nhật hay Anh; cũng như loại thiết bị này chỉ sản xuất giới hạn mà không bán đại trà ra thị trường. Tuy tốn kém là vậy nhưng chắc chắn một điều là mình sẽ không ngừng lại”.

Mặt Trăng là đối tượng vũ trụ gần Trái Đất nhất nhưng cũng cách chúng ta đến 384.000 km - khoảng cách này lớn đến nỗi có thể đặt vừa 30 hành tinh Trái Đất vào giữa. Nhưng những đối tượng để “săn lùng” của đài quan sát tư nhân này không gần đến vậy.

Bức ảnh siêu Mặt Trăng được kết hợp lại từ 20 tấm ảnh đơn lẻ. Ngôi sao màu vàng cam là Aldebaran, có thể dễ dàng nhìn thấy được bằng mắt thường khi trời trong trẻo.

Ro ro, ro ro, tiếng máy và tiếng dịch chuyển của ống kính quan sát phát ra rất khẽ nhưng vẫn nghe được rất rõ giữa màn đêm yên tĩnh. Cứ vào mỗi đêm khi trời dần về khuya, một góc nhà của anh lại trơ trọi mái để chiếc kính thiên văn được tự do nhất mà hướng mắt lên bầu trời.

Những thành quả mà Trần Hạ thu gặt được sau mỗi đợt săn ảnh là những tinh vân hay những thiên hà - những cấu trúc đặc biệt tạo nên từ các vì sao nằm lang thang trong vũ trụ với khoảng cách chỉ tính được bằng năm ánh sáng, xa hơn hàng vạn hàng triệu lần so với khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trăng.

Vì khoảng cách quá xa, các đối tượng này sẽ vô cùng mờ nhạt hoặc thậm chí là không thể nhìn thấy nếu chỉ giơ máy ảnh lên và chụp một nháy. Để thu được những bức ảnh đầy lôi cuốn, anh chàng phải để máy chạy liên tục trong nhiều đêm và đánh cược rất nhiều vào thời tiết.

“Mỗi bức ảnh như vậy mình mất trung bình khoảng từ 20 tiếng đến 30 tiếng phơi sáng, đôi khi lâu hơn nếu như gặp tinh vân hay thiên hà quá tối. Thời gian này tương ứng với khoảng 4 hay 5 đêm.

Nói cho dễ hiểu, tức là mình sẽ chụp trong nhiều đêm. Mỗi đêm cần mở nóc đài trong vài tiếng để camera thu nhận hình ảnh cho đến khi có đủ dữ liệu về đối tượng. Nhưng nói 4, 5 đêm thì nghe suôn sẻ quá, thực tế “khó ăn” hơn nhiều.

Thiên hà Chong Chóng (hay thiên hà M101) là một thiên hà xoắn ốc đối diện mặt cách Trái Đất khoảng 27 triệu năm ánh sáng trong chòm sao Đại Hùng. Đây là một thiên hà tương đối lớn và sáng đặc biệt trong siêu đám Xử Nữ.

Có nhiều khi may mắn hoặc tiến hành chụp ảnh vào mùa không mưa, thời tiết tốt thì có thể hoàn thành trong vài đêm. Nhưng nếu đêm quan sát mà có mây hay thậm chí là mưa thì phải tạm ngừng rồi thực hiện lại vào hôm sau. Có bức ảnh mình tốn vài tháng hay thậm chí là cả năm để hoàn thành.

Tính trung bình một năm chỉ chụp được khoảng 10 bức ảnh. Từ lúc bắt đầu đến nay cũng chỉ cho ra mắt cộng đồng trên dưới 40 thiên thể nhưng thật lòng mà nói mình chỉ ưng ý được khoảng một nửa trong số chúng”, anh chia sẻ.

Mặc dù công nghệ hiện đại đã tự động hóa gần như mọi việc, nhưng rõ ràng đây vẫn là một thú vui tốn kém và ảnh hưởng nhiều đến giờ giấc sinh hoạt của người chơi. Một bức ảnh “trông như Photoshop” thật ra là cả một quá trình từ chụp ảnh ảnh đến xử lý hậu kỳ phía sau.

“Đa phần các đối tượng đều cần phải được nghiên cứu sơ lược và thực hiện một vài khảo sát trước khi chụp vì khi đã xác định chụp là sẽ mất rất nhiều thời gian với nó. Hậu kỳ sau khi chụp cũng đóng vai trò rất quan trọng, hay có thể nói là gần như quyết định vai trò thành bại của bức ảnh thành phẩm.

Tinh vân Xoắn Ốc hay Tinh vân Helix là một trong những tinh vân hành tinh lớn nhất và nằm gần chúng ta nhất với khoảng cách khoảng 700 năm ánh sáng. Tinh vân này cũng được mệnh danh là “Con mắt của Chúa” bởi hình dạng đặc biệt của nó.

Tất nhiên là các khâu hậu kỳ đều phải được thực hiện trên phần mềm xử lý ảnh chuyên dụng với các thuật toán được cộng đồng và giới khoa học chấp nhận rộng rãi, chứ không thể tùy tiện chỉnh sửa và bóp méo đi bản chất khoa học của đối tượng đó”, anh cho biết thêm.

Khó mà giải thích được với bất kỳ một ai đó về những điều xa xôi này, và tại sao chúng lại gây mê hoặc khiến chàng kỹ sư có thể bỏ ra nhiều tiền để “chơi ảnh” đến thế. Đối với dân ngoài ngành, thứ hấp dẫn nhất của bộ môn này chính là vẻ đẹp lung linh của những vì sao và những bức ảnh lung linh ảo diệu, ngoài ra có lẽ là không còn gì cả.

Nhưng chính vì vẫn còn rất nhiều người chưa bị say đắm bởi màn đêm, nên Trần Hạ vẫn còn muốn phát triển hơn nữa đài thiên văn tư nhân của mình. Ngoài mục đích quan sát và chụp ảnh các thiên thể, chàng nhiếp ảnh gia cũng muốn thông qua các bức ảnh để truyền cảm hứng cho các bạn trẻ.

Nói về về bức ảnh yêu thích nhất, anh Trần Hạ cho biết chính là Tinh vân Lạp Hộ: “Đây là một trong những tinh vân sáng và đẹp nhất trên bầu trời bán cầu bắc, nó cũng được ví như Nữ hoàng của màn đêm. Vì những điều này, nó được nhiều người biết đến vì dễ quan sát cũng như dễ chụp ảnh.

Nằm cách Trái Đất 1.600 năm ánh sáng với bề rộng 35 năm ánh sáng, Tinh vân Lạp Hộ hay Tinh vân Orion dường như đang trôi nổi và sục sôi trên nền lấp lánh tạo bởi hàng vạn vì sao.

Mình từng chụp tinh vân này từ lúc còn học cấp 3 khi chưa có thiết bị hiện đại như ngày nay và thử lại rất nhiều lần sau đó. Bức ảnh hoàn chỉnh chụp Messier 42 cũng được vinh danh trên diễn đàn ảnh thiên văn Astrobin. Giờ đây ngắm lại, cảm giác hồi hộp chờ đợi và sung sướng lúc nhận thành quả vẫn được giữ nguyên vẹn”.

Từ sự đón nhận của cộng đồng cũng như những thành quả đạt được, Trần Hạ cho biết đó là nguồn động lực to lớn để anh tiếp tục. Anh cho biết trong tương lai sẽ mở rộng quy mô của đài cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, nâng cấp trang thiết bị tối tân hơn và hỗ trợ các dự án xây dựng đài thiên văn nghiệp dư tại Việt Nam.

Là đối tượng rất lớn và sáng trên bầu trời mùa đông, Tinh vân Hoa Hồng luôn tạo niềm cảm hứng bất tận cho người yêu thiên văn trên khắp thế giới. Hàng ngàn vì sao với đủ màu sắc lấp lánh xen kẽ cùng những dải mây đỏ hồng khiến tinh vân trông như một đóa hoa phủ đầy đèn Giáng Sinh xanh đỏ.

“Trong tương lai khi có đủ điều kiện, mình có kế hoạch mở thêm đài thiên văn ở vùng ngoại ô - nơi ít ô nhiễm ánh sáng hơn, cũng như là tạo thêm sân chơi cho những người yêu thiên văn tại Việt Nam mà đặc biệt là giới trẻ. Thiên văn học là một bộ môn còn rất xa xôi nên mình mong muốn được kéo gần nó hơn đến mọi người”, anh chia sẻ.

Hằng đêm cặm cùi bên dây nhợ, máy móc và ống kính trong khi xung quanh là sự tĩnh lặng của đêm khuya. Mặc dù vẫn còn kén người theo đuổi nhưng bộ môn thiên văn học tại Việt Nam đang phát triển lớn hơn từng ngày. Trần Hạ và những người đeo đuổi môn khoa học này cũng như những vì sao trên cao, tuy thầm lặng nhưng không cô đơn.

Trần Hạ là một gương mặt quen thuộc trong cộng đồng nhiếp ảnh thiên văn nói riêng và thiên văn học ở Việt Nam nói chung. Các tác phẩm của anh thực hiện tại Đài thiên văn Nam Hà Nội đã nhận được nhiều giải thưởng lớn ở các cuộc thi của những diễn đàn, tổ chức thiên văn uy tín trong và ngoài nước. Ảnh của anh cũng được chọn để trưng bày tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC).

Bài viết

Vương Quốc Anh

Thiết kế

Tuấn Lê

Chia sẻ