Cựu Giám đốc nhân sự nêu quan điểm ghét Tết: 'Phụ nữ thông minh đừng tự bó buộc mình trong những khuôn khổ'

Vương Phi
Chia sẻ

Những ngày gần đây, dân mạng xôn xao vì bì viết có tựa đề Ghét Tết" của cựu Giám đốc Nhân sự, người sáng lập Hội Quán Tuyệt Diệu... chị Thu Giao.

Trong bài viết này, chị Thu Giao đã đưa ra nhiều ngôn từ sắc cạnh và cách diễn đạt gai góc để thể hiện thái độ ghét Tết gần như khá gay gắt: “Công việc đình trệ, bao nhiêu việc bị tắc vì Tết. Nhạc xuân và trang trí xấu xí khắp nơi. Cúng bái mê tín dọa dẫm nhau khắp nơi… Sợ nhất là sau Tết vài tuần mọi người còn vật vờ vì ăn uống, cả tháng 2 - 3 coi như toi, vì Tết”...

Vì rất nhiều lý do như thế, chị Thu Giao thậm chí còn mong rằng: “Giá mà nhắm mắt một cái hết luôn Tết, thì may quá. Mình Tết này sẽ thật thư thái bình an giản dị, không bị Tết làm phiền. Nhất định mình chả cần “ăn Tết”…

Chị Thu giao - người gây bão mạng vì quan điểm ghét Tết.

Những ý kiến này của chị sau khi chia sẻ đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều người. Không ít phụ nữ gặp áp lực vì chuyện Tết nhất như được cởi tấm lòng nhờ phát biểu của chị Giao. Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng, đây là một quan điểm khá phiến diện và thể hiện cái nhìn tiêu cực về dịp Tết cổ truyền - vốn từ ngàn đời nay đã trở thành một nét đặc biệt trong văn hóa dân tộc.

Nhắc đến bài viết “Ghét Tết”, chị Giao bật cười vì không ngờ, quan điểm của mình lại nhận được sự quan tâm lớn đến vậy. Những ngày qua, chị nhận được rất nhiều sự đồng tình cũng như phản đối và “đối với tôi thì đó đều là chuyện rất bình thường bởi vì trước giờ mình luôn sống với phương châm tôn trọng sự khác biệt”.

Theo chị Giao, khi đọc bài viết này, có thể đã có không ít người quá chú ý vào câu chữ, cách diễn đạt hoặc một số tình tiết nhỏ để tìm cách phản bác mà không chịu hiểu rõ điều chị muốn nói. Vì vậy dưới đây, chúng tôi xin trích lại nguyên văn chia sẻ mà chị Thu Giao muốn chia sẻ tới độc giả Saostar!

Ám ảnh chuyện kiệt sức vì đón những cái Tết hoàn hảo, siêu tốn kém và vô cùng lãng phí

Tôi sinh ra và lớn lên ở miền Bắc - nơi mà mọi người khá nặng nề về tập tục, lề thói và thường đón Tết một cách rất hoành tráng. Ở Hải Phòng quê tôi, mỗi dịp Tết đến chơi nhà ai mà được mời cơm thì bạn sẽ thấy, đồ ăn soạn lên sẽ có tới 20- 30 món.

Việc ăn uống làm cho nhiều phụ nữ mệt mỏi vì vào các ngày 23 tháng Chạp, 30 Tất niên và 3 ngày Tết, họ phải vất vả làm hàng chục mâm cỗ cúng, cơm canh để khoản đãi khách khứa, họ hàng…

Mâm cơm hoành tráng dịp Tết Nguyên đán khiến nhiều người phụ nữ cảm thấy mệt mỏi. Ảnh minh họa.

Ăn cơm Tết ở Hải Phòng, khách có lẽ sẽ chết vì no và ngon. Người dân nơi này và nhất là phụ nữ nấu ăn rất khéo. Hơn nữa vì sự hiếu khách, người ta sẵn sàng bỏ rất nhiều tiền ra mua các món đặc sản như cua biển, tu hài, hải sâm… Những thứ này ngày thường đã đắt đỏ nhưng vào dịp Tết thậm chí còn tăng giá gấp 2-3 lần. Mâm cơm Tết vì thế cũng trở nên rất tốn kém. Đơn cử như việc có những gia đình tốn cả triệu bạc cho một món nem cua bể bởi có khi phải mua 1-2kg cua mới làm ra những chiếc nem ngon để thiết khách dịp Tết.

Sự cầu kỳ, chỉn chu ấy khiến cho thực khách cảm thấy rất hài lòng, thích thú. Đã có một khoảng thời gian tôi cho đó là điều bình thường và ít khi để ý… Nhưng rồi khi nhìn lại những người phụ nữ, tôi bất ngờ nhận thấy một bức tranh trái ngược. Để nấu ăn ngon và phục vụ hết mọi nhẽ khiến mình hài lòng, những người thân, bạn bè của mình đã phải vất vả và tốn kém biết nhường nào!

Để có một cái Tết đầm ấm, sum vầy trong mắt bạn bè, khách khứa, nhiều người phụ nữ đã phải lao tâm, khổ tứ, làm đủ mọi việc. Ảnh minh họa.

Tôi nhớ đến mẹ tôi ngày xưa, chỉ vì một cái Tết hoành tráng mà trước đó cả tháng, bà phải cặm cụi làm 10 loại mứt, mỗi thứ 10kg, tổng cộng là khoảng 100kg mứt, mua hàng chục con gà, quả dưa hấu, cành đào, giò chả, bánh chưng… chạy đến từng nhà biếu tặng. Thậm chí, có nhiều gia đình còn nhờ mẹ làm hộ gà trước khi đem tặng… Bạn thử tưởng tượng xem đó quả là khối lượng công việc khổng lồ mà mẹ tôi từng gánh vác.

Vì có quá nhiều việc phải làm nên cái Tết bỗng biến thành một áp vô lý đối với tất cả các thành viên trong gia đình. Tôi không muốn mình và nhiều người phụ nữ khác cũng phải vất vả như thế. Nhất là khi thế hệ bây giờ đã sống cách xa thế hệ mẹ tôi cả vài chục năm.

Nhiều người sẽ nói với tôi, Tết bây giờ không còn cầu kỳ và phức tạp như xưa… nhưng tôi lại thấy, dù bây giờ đã là năm 2019 nhưng rất nhiều người ở thành thị lẫn nông thôn vẫn lao vào Tết. Họ mua sắm, biếu quà, đi chùa, làm cỗ cúng, thăm viếng đầy đu mọi mối quan hệ như 1 trách nhiệm, thủ tục… Rất nhiều việc phải làm chưa kể đến những khoản chi khổng lồ dịp Tết.

Không kể đến các khoản chi khác, chỉ riêng cây Đào Thất Thốn này đã có giá 160 triệu đồng. Ảnh: Dân Việt.

Nhiều gia đình thành phố chi tới vài chục triệu thậm chí cả trăm triệu tiêu Tết. Các khoản tiêu xài bao gồm việc biếu bố mẹ 2 bên gia đình, mua sắm quần áo cho cả gia đình, lo quà biếu, thuê giúp việc, trang hoàng nhà cửa, sắm bánh kẹo, đồ ăn… Có những gia đình chỉ mua 1 cây đào, quất hoặc mai vàng thôi cũng đá đến tón từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng chưa nói gì đến các khoản chi khác.

Ngày Tết đến, nhiều người chi rất nhiều tiền vào việc mua sắm đồ ăn, thức uống khiến cho chiếc tủ lạnh đầy ắp. Họ thường xuyên phải ăn lại đồ thừa, nhất là món gà luộc, bánh chưng… Nhưng dù đã cố gắng, sau Tết, không ít gia đình vẫn phải vứt bánh chưng, giò, chả, nem, xôi… vào xọt rác. Có những thứ như chậu quất, cành đào… giá vài ba triệu thậm chí cả chục triệu chỉ trưng diện được đúng 3-4 ngày Tết rồi sau đó phải vứt đi. Người người, nhà nhà đua nhau mua sắm đồ cũng lễ sao cho thật hoành tráng rồi đốt bỏ hàng triệu đồng tiền vàng mã, ô tô, đô la giấy….

Theo chị Giao, có quá nhiều người đang lãng phí tiền cho việc tiêu Tết.

Năm nào cũng thừa, cũng tốn kém nhưng rồi vòng xoáy ấy vẫn liên tục lặp lại. Tôi thấy nhiều người thường sống với quan niệm không tính toán khi tiêu tiền dịp Tết. Họ thường nghĩ rằng, quanh năm mới có 1 ngày Tết và lấy đó làm lý do cho những chi tiêu đắt đỏ. Cá nhân tôi lại nghĩ, chúng ta vất vả cả năm để kiếm tiền thì không có lý do gì dịp Tết lại không cân nhắc chi tiêu.

Có một vấn đề khác mà tôi muốn đề cập đó là không ít người thường tiêu tốn nhiều tiền cho các món quà tặng đắt đỏ không có lợi cho sức khỏe, đặc biệt như rượu chè. Những món quà tặng đôi khi không làm cho người khác khỏe mạnh, hạnh phúc hơn mà còn khiến họ thấy mệt.

Thêm nữa là dịp Tết quá nhiều người chú ý vào vấn đề ăn uống, vui chơi. Họ thức đêm, đánh bài bạc, rượu chè… Tất cả đều là những việc xấu, gây ảnh hưởng tiêu cực. Kết quả là ra Tết, nhiều người sẽ lại than vãn vì tăng cân, cảm thấy mệt mỏi hoặc mất hứng làm việc…

Hãy làm cho Tết trở nên hạnh phúc hơn

Nhiều phụ nữ nấu ăn rất ngon và chịu khó bày biện dịp Tết. Thậm chí, tôi thấy có rất nhiều việc bị họ xếp sau chuyện ăn uống, bếp núc. Họ tin rằng, phụ nữ đảm đang, tài giỏi phải nấu ăn ngon, phải trọng truyền thống,Tết đến xuân về phải lo lắng chu toàn 2 bên gia đình nội - ngoại…

Sau này khi đi nhiều nước, tôi nhận thấy phụ nữ nước ngoài rất khác. Họ có thể không giỏi nấu ăn, không chịu khó bày biện dịp Tết nhưng lại rất biết cách đối nhân xử thế. Họ khéo léo và hiểu cuộc sống, làm cho người khác hạnh phúc mà chẳng cần phải nhọc sức, tốn kém. Từ những điều ấy, họ trở nên vui vẻ, thú vị, hấp dẫn hơn những người phụ nữ chỉ giỏi chăm lo việc bếp núc và lúc nào cũng mệt nhoài vì đống trách nhiệm choàng lên vai.

Theo chị Giao, một trong những lý do khiến phụ nữ khổ là họ ngại thay đổi, thích nghi với cái mới.

Có thể nhiều người sẽ giống như mẹ tôi, quá vất vả, bận bịu dịp Tết và thường lấy lời khen của mọi người làm nguồn động viên. Tuy nhiên, tôi nghĩ cuộc sống không nên chỉ vì những lời tán tụng chốc lát ấy.

Điều ấy có nghĩa là với tôi, chúng ta không nên sống nặng nề vì quan điểm và sự đánh giá của người khác. Đừng chỉ vì lo người ta cười bạn Tết không có nổi cành đào trưng diện hay ăn uống quá xoàng xĩnh mà phải cố gắng gồng mình lên. Đừng chỉ vì sợ người ta chê bạn không biết nấu ăn mà thay vì được đi chơi, được ăn mặc đẹp, thơm tho thì phải vất vả dưới bếp nóng bức. Đừng vì sợ người ta chê mình nghèo mà phải bỏ phong bao vài trăm nghìn hoặc cả triệu đồng đem đi lì xì… Hãy sống là chính mình, đón một cái Tết phù hợp với nhu cầu và điều kiện bạn đang có.

Với chị Giao, cái Tết hạnh phúc là khi nó phù hợp với nhu cầu và điều kiện mỗi người, mỗi gia đình.

Có một vấn đề khác tôi thấy nhiều người đang gặp phải, đó là dịp Tết họ trở nên bận bịu hơn cả ngày thường. Vì mải lo cho vẻ bề ngoài và những hào nhoáng trước mắt, lo phụng đãi họ hàng, bạn bè, không ít người đã bỏ quên thời gian dành cho người thân và cả chính mình nữa.

Ví dụ như Tết đến thì ba mẹ giục con gái đi lấy chồng, bố mẹ lôi con ra dạy bảo… ai cũng muốn Tết thật hoàn hảo mà hình như quên mất dành cho nhau khoảng thời gian chia sẻ, hiểu những tâm tư, nguyện vọng của nhau và để cho tất cả 1 khoảng lặng được sống theo ý mình.

Tôi rất hâm mộ các chị em vào bếp tự làm mứt, nấu bánh chưng… nếu như nó dừng ở mức độ vừa đủ và hạnh phúc. Sẽ tuyệt vời hơn nếu như trong gia đình có người phụ nữ nấu ăn ngon và chồng, con, ông bà cùng chung sở thích, cùng chia sẻ, cùng học tập và mỗi người tạo ra 1 thứ để đóng góp vào mâm cơm gia đình chứ không ỷ lại hết trách nhiệm cho một người. Nếu như thế thì đó chắn sẽ là cái Tết đầm ấm, an vui.

Tôi cũng thích đến một gia đình mà chuyện ăn uống chỉ ở mức độ vừa phải rồi bạn bè, người thân cùng nhau ngồi nói chuyện về những vấn đề như làm sao cho mình khỏe mạnh hơn, hạnh phúc hơn… Cảm giác đó với tôi tuyệt vời hơn là đến một gia đình ăn uống ê hề, nhà cửa trang hoàng quá lộng lẫy, lấp lánh.

Việc làm mứt, nấu bánh, bày biện dịp Tết sẽ chỉ vui khi nó dừng ở mức độ vừa đủ. Ảnh minh họa.

Để làm được điều này không khó nhưng bản chất chúng ta cần dẹp bớt tâm lý nặng nề, coi trọng dịp Tết. Nghĩa là chúng ta không coi việc đi thăm họ hàng, nấu mứt, làm bánh là yêu cầu tiên quyết nữa thì mọi chuyện sẽ trôi qua rất thanh thản.

Không ít người dồn hết mọi việc vào Tết. Ví nhu Tết mới dọn nhà, trang trí nhà cửa, mới đi thăm họ hàng, biếu quà cáp, nấu ăn ngon… Ngược lại nếu 365 ngày chúng ta đều giữ nhà cửa ngăn nắp, thường xuyên điểm xuyết hoa tươi, cây cảnh, đối xử tốt với bạn bè, người thân, tranh thủ tặng nhau quà thể hiện tình cảm mỗi khi có cơ hội phù hợp thì bỗng nhiên, chuyện Tết đến có làm đủ hay không ngần ấy việc không còn trở nên quá quan trọng và biến thành trách nhiệm to lớn nữa.

Trốn Tết đâu phải là phủi bỏ mọi thứ hay chạy đi du lịch dài ngày!

Trong bài quan điểm “Ghét Tết” tôi có nói đến việc đi du lịch. Đúng là có một vài năm tôi đã đi du lịch từ 25 tháng Chạp đến mùng 10 tháng Giêng mới về, có năm cũng đi hết 3 ngày Tết. Thường tôi chọn những thành phố yên bình, không bị Tết làm phiền để tận hưởng cảm giác an yên nhưng không phải năm nào cũng như thế và đó cũng không phải là cách trốn Tết tôi muốn đề cập.

Trốn Tết không phải là chúng ta chạy chốn, phủi hết mọi thứ và tím nơi lánh nạn. Thay vào đó, trốn Tết đơn giản là chúng ta không còn đón Tết theo cách mà số đông vẫn đang làm.

Chị Giao thích đến những nơi yên bình, không bị Tết làm phiền. Ảnh minh họa.

Vì ghét nhạc xuân ồn ào, sự chen chúc tắc đường… tôi thường ít mua sắm dịp Tết. Tôi thích ở nhà, quây quần bên người thân, bạn bè. Tôi đón Tết bình an, giản dị, không rượu chè, cờ bạc, không tiêu xài hoang phí, không trang hoàng nhà cửa quá lộng lẫy.

Lâu lắm rồi gia đình tôi không còn cảnh ăn đi ăn lại đồ thừa, tủ lạnh chất đầy thịt cá dịp Tết. Tôi thậm chí còn không lập bàn thờ để mà tốn kém khoản vàng mã. Nhiều người bảo thế là không may mắn nhưng tôi nghĩ, người đã mất rồi, nếu có thương và để họ trong tim thì phải sống tốt trong hiện tại và chú trọng hoàn thành tâm nguyện của họ cũng như đối xử tử tế với người thân xung quanh.

“Còn chuyện đi du lịch nó thường là kế hoạch của tôi và gia đình từ trước. Nếu không nặng nề những thủ tục của Tết, coi Tết là một dịp làm mới bản thân thì du lịch Tết cũng là một gợi ý”, chị Giao chia sẻ.

Tôi đã gặp nhiều người, họ quản lý thời gian nghỉ Tết rất hay. Họ đã biến những ngày nghỉ hiếm hoi trở thành những ngày tái tạo năng lượng, detox thải độc, làm mới mình, tranh thủ thời gian học hỏi, hoàn thiện bản thân.

Đối với tôi, một cái Tết hạnh phúc, tuyệt vời là khi xuất hiện đầy đủ các yếu tố sau:

_ Những người phụ nữ lớn tuổi sẽ không còn giục các cô gái trẻ đi lấy chồng. Thay vào đó, họ sẽ dành thời gian chia sẻ kỹ năng sống, cách làm vợ, làm mẹ để các cô gái chuẩn bị sẵn tâm lý. Những chia sẻ này có thể sẽ giúp những cô gái trở nên khéo léo hơn, biết yêu, biết trở nên duyên dáng hơn tỏng mắt mọi người…

_ Dịp Tết đến thay vì chi nhiều tiền, thời gian vào việc mua sắm… chúng ta hãy lập 1 quỹ để phân bổ đều trong cả năm. Quỹ ấy bao gồm tiền bạc, tình thương yêu và thời gian. Chúng ta dành thời gian chăm lo, giúp đỡ mọi người. Có thể không cần làm từ thiện nhưng bạn sẽ bắt đầu giúp đỡ mọi người bằng cách giúp ngay chính những người thân bên cạnh trở nên khỏe mạnh, hạnh phúc hơn.

_ Dịp Tết là thời gian lý tưởng để chúng ta đầu tư cho bố mẹ. Sau cả năm bận rộn với công việc, đây là lúc chúng ta có thời gian rảnh để có thể dẫn họ đi ăn món ngon nhất, ngắm phong cảnh ở chỗ đẹp nhất hoặc cùng nhau xem một bộ phim thú vị nhất mà bạn từng biết.

_ Tôi cũng mong các cô gái trẻ sẽ biết cách biến mình lúc nào cũng giống như Tết: Vui tươi, đẹp đẽ, thanh lịch, khéo léo. Không cần đợi đến Tết các bạn mới tô son điểm phấn thật xinh hay sắm váy áo lộng lẫy… vì điều này, các bạn có thể làm quanh năm.

_ Cuối cùng, tôi mong Tết đến, thay vì dành thời gian chúc nhau đủ mọi điều hay ý đẹp thì chúng ta hãy dành thời gian để biến những ước mơ ấy thành sự thất, tức nghĩa là thực hiện hóa mọi điều ước dịp Tết. Ví dụ như những người lãnh đạo doanh nghiệp, thay vì chúc nhân viên tiền vào như nước thì hãy tính xem làm thế nào để năm sau, thu nhập nhân viên cao hơn, lên kế hoạch thưởng Tết từ trước để xem ai làm tốt hơn thì xứng đáng được thưởng như thế nào…

Chia sẻ

Bài viết

Vương Phi

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất