Sắc màu Cuộc Sống

Cuộc sống tạm bợ trong giá lạnh 10 độ của những công nhân ở biệt thự chục tỉ

Khải Phong
Chia sẻ

Những ngày miền Bắc rét xuống 10 độ, cái lạnh tái tê len lỏi vào tận mọi ngóc ngách. Những người công nhân xa gia đình ra Hà Nội mưu sinh phải quây lán trại sống tạm bợ dưới những căn biệt thự đang hoàn thiện. Mọi thứ đều thiếu thốn, có những đêm anh em không thể ngủ nổi vì quá lạnh.

Công nhân mất ngủ vì trời rét

Mấy ngày nay, cứ chiều tối, từng cơn gió rít mạnh thổi thốc thẳng vào khu lán trại tạm bợ của Nguyễn Văn Nam (27 tuổi, ở Thanh Hóa) dựng ngay dưới chân tòa nhà chung cư cao tầng đường Duy Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Khu lán trại này hiện đang là địa điểm sinh sống của Nam và hàng trăm công nhân ở khắp các nơi về làm xây dựng công trình. Cứ sau mỗi ngày nặng nhọc, Nam cùng mọi người lại tất tả quay lại lán trại sinh hoạt, nghỉ ngơi. Thế nhưng, mấy ngày nay, càng về đêm nhiệt độ giảm xuống khiến ai cũng thấm sâu cái lạnh ở Thủ đô.

Hình ảnh những lán trại san sát dưới chân tòa nhà cao tầng đang xây dựng ở đường Duy Tân.

Nhiều nhà tắm, nhà vệ sinh được quây tạm.

“Mấy hôm nay, nhiệt độ giảm khiến ai cũng kêu rét. Làm công nhân không có tiền thuê nhà với cuộc sống nay đây mai đó đi theo công trình nên mình làm ở đâu thì dựng lều, lán sống ngay ở đó để tiết kiệm”, Nam kể.

Cuộc sống thiếu thốn, rét mướt của các công nhân.

Để tránh rét mọi người dùng bạt quây kín.

Nhiều đêm quá lạnh, họ không thể nào chợp mắt.

Những ngày này thời tiết khắc nghiệt, có đêm nhiệt độ chỉ hơn 10 độ C, chăn mỏng không đủ chống lại cái rét, những trận gió lùa vào các khe hở khiến các anh em công nhân không thể nào chợp mắt. “Quanh lều được dựng tạm bằng mấy cái cột rồi buộc bao nilon xung quanh, giường kê tạm bằng những tấm cốp pha xây dựng ghép dồn lại và một tấm chăn mỏng nên rét lắm. Nếu bao nilon bị rách hay hở, gió thốc vào thì lạnh buốt da thịt”, Nam bộc bạch.

Làm công nhân thiếu đủ thứ, ở đông người thì điện nước sử dụng phải tiết kiệm, lạnh nhưng có khi tắm nước lạnh cho nhanh. Nam bảo, ở đây nhiều người đi làm về, tắm vội qua loa nước lạnh rồi thay quần áo. Nếu nấu nước ấm thì không biết chừng nào mới đến lượt tắm. Công nhân tuy vất vả thiếu thốn đủ bề nhưng vì cuộc sống, vì gia đình nên cố gắng rồi mọi chuyện cũng qua. Đêm đến mấy anh em công nhân lại tập trung ngủ cùng nhau cho ấm.

Tìm đủ mọi cách để “sống sót qua mùa đông”

Cũng như Nam, anh Lê Văn Tuấn (31 tuổi, ở Hoà Bình) cho biết, mấy nay, anh cũng tìm đủ mọi cách để “sống sót qua mùa đông năm nay”. Anh Tuấn phải đi mua thêm chăn lót xuống dưới chiếu rồi đắp thêm chăn quấn trên cho bớt lạnh.

Khu biệt thự liền kề giá chục tỷ là nơi anh Tuấn cùng nhiều công nhân đang ở.

Bên trong những căn biệt thự tiền tỷ là nơi ở của các công nhân xây dựng.

Chỗ ngủ của các công nhân ngày giá rét 10 độ cũng chỉ đơn giản như thế này.

Cái lạnh lùa vào khiến anh em nhiều khi không thể chợp mắt.

“Cũng may tại đây các toà nhà xây xong và đang hoàn thiện nên công nhân được dựng lều lán bên trong ở tạm. Thế nhưng toàn bộ khu tầng dưới thông thoáng nên gió thổi mạnh vào trong, rét lắm. Tối ăn cơm xong, anh em chui hết vào trong lán tránh rét”, anh Tuấn bày tỏ.

Làm công nhân xây dựng nhưng anh Lê Văn Thịnh (47 tuổi, ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) “may mắn” hơn nhiều người khác khi ở trong căn biệt thự chục tỷ được xây dựng từ nhiều năm trước.

Anh Thịnh cùng 8 người khác đang sinh sống trong căn nhà biệt thự.

Vợ chồng anhThịnh cũng đã ra Hà Nội mưu sinh 7, 8 năm nay.

Anh Thịnh và nhiều người được chủ thuê cho căn nhà biệt thự khu biệt thự liền kề trong phố Yên Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội ở và cách công trình xây dựng chỉ một đoạn ngắn.

“Toà nhà này sau khi xây dựng xong bỏ hoang phí, chủ công trình thuê lại với giá rẻ cho công nhân có chỗ tá túc. Mấy nay, gió rét quá nên mọi người đi mua tấm bạt lớn về che kín lại và để tránh bụi từ công trình bên ngoài phả vào”, anh Thịnh nói.

Khu bếp ăn.

Để tránh gió rét anh Thịnh quây bạt kín mít.

“Ngoài này có 9 người sống chung, có duy nhất một ấm điện nên phải thay phiên nhau cắm nước tắm”, anh Thịnh cho hay.

Hiện tại, anh Thịnh đang ở cùng vợ con và một số người khác rời Nghệ An ra đây mưu sinh. Cuộc sống ở quê khó khăn nên anh cùng vợ là bà Xinh ra thủ đô làm công nhân được 7, 8 năm nay. Cận Tết sau khi kết thúc công việc, vợ chồng lại tất tả về quê ăn Tết, sau đó lại quay ra Hà Nội tiếp tục mưu sinh.

Chia sẻ

Bài viết

Khải Phong

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất