Cuộc sống người làm nghề porter ở Lào Cai: Cõng trên lưng cả núi đồi

Từ độ tháng 4 đến tháng 9 hằng năm, các cung đường leo núi phía Bắc bước vào thời điểm đẹp nhất. Đây cũng là lúc mà các porter, người khuân vác đồ cho khách du lịch trở nên bận rộn. Trên vai khối lượng hành lí lên đến hàng chục kí, len lỏi qua các cung đường hiểm trở, cuộc sống của các porter trĩu nặng nỗi vất vả nhưng cũng không thiếu những trải nghiệm.

Bài viết Khải Anh
Chia sẻ

Chẳng ai biết được nghề porter có từ bao giờ, chỉ biết là khi những đoàn khách đầu tiên bắt đầu đặt chân đến Lào Cai để chinh phục đỉnh Fansipan, nhiều đồng bào người H’Mông sinh sống quanh đó cũng bắt đầu trở thành người khuân vác chuyên nghiệp.

Anh Sùng A Trừ và chị Giàng Thị Liên là đôi vợ chồng đã theo nghề porter được 7 năm. Sinh ra tại một bản làng người H’Mông, từ nhỏ anh Sùng A Trừ đã cùng nhóm bạn lên nương rẫy, bẻ ngô, phát rừng… Anh thuộc từng ngọn cây, bãi cỏ, từng vách đá chắn ngang những cung đường mù mây ở vùng đất này. 

Khách du lịch đến Lào Cai ngày càng nhiều, ngoài Fansipan, người ta bắt đầu chinh phục những cung đường mới, “săn mây” trên những chóp núi cao vời vợi: Bạch Mộc Lương Tử, Ngũ Chỉ Sơn, Lảo Thần, Nhìu Cồ San… Chuyến trekking dài ngày bao giờ khách du lịch cũng mang theo khối lượng hành lí khá nhiều, vì thế, nhu cầu thuê các porter ngày càng tăng. Porter sẽ nhận nhiệm vụ vác đồ giúp khách du lịch trong suốt hành trình, đồng hành trên các cung đường hiểm trở, nấu ăn và kiêm luôn nhiệm vụ dẫn đường.

Anh Sùng A Trừ chia sẻ: “Đồng bào người H’Mông ở đây quanh năm làm bạn với nương rẫy. Vào mùa leo núi, đặc biệt là lúc cuối tuần mọi người mới bắt đầu làm porter. Thời gian cao điểm thì các thanh niên, phụ nữ hay thậm chí là người già cũng trở thành porter để có thêm thu nhập. Lúc ấy, vợ chồng tôi cũng phải gửi con cho ông bà để theo chân khách. Mỗi ngày chúng tôi kiếm được khoảng 300.000 đến 400.000 đồng, tuỳ theo độ khó dễ của đường đi”.

 

Trung bình mỗi porter mang trên vai 10 đến 20kg hành lí của khách. Nữ thường được mang vác nhẹ hơn nam một ít. Tuy nhiên trên quãng đường nếu khách mệt nhờ porter xách hộ thêm đồ, số hành lí trên vai sẽ tăng lên. Những phụ nữ người H’Mông có dáng hình nhỏ nhắn, thoăn thoắt vác chiếc balo cao hơn nửa người, theo chân khách trèo đèo, lội suối, nép mình qua những vách đá. 

Cuối ngày, khi khách bắt đầu nghỉ ngơi sẽ là lúc các porter nữ nhận nhiệm vụ nấu ăn cho khách tại điểm dừng. Những chỗ có lán trại dựng sẵn thì đỡ phải vất vả, còn nếu không có, các cô gái người H’Mông sẽ phải xoay sở, mang vác nhiều đồ đạc để chuẩn bị một bữa ăn tươm tắt gồm 5 món trở lên cho khách du lịch. Khẩu vị có khác chút so với miền xuôi, nhưng bữa cơm bao giờ cũng đầy đủ bò, gà, lợn, ngựa…

Anh Sùng A Trứ tâm sự: “Từ khi có khách, chúng tôi có thêm được phần thu nhập từ dịch vụ tắm lá thuốc, ngâm chân bằng nước nóng... Những cung đường quen thuộc chúng tôi sẽ dựng sẵn lán, các tuyến còn mới, chưa có nhiều khách các porter sẽ phải mang theo lều cho khách. Đoàn 5 người trở lên buộc phải có 2 porter, người dẫn khách, người chăm lo chuyện hậu cần trong đoàn”. Porter là người đồng hành, dìu dắt khách qua những eo hẹp đồi núi, khe sâu khó khăn nhất. Hành lí của họ bao giờ cũng có các loại thuốc, phòng trường hợp khách ốm đau, hoặc mệt lả sau một ngày dài đi bộ.

Bạch Mộc Lương Tử là dãy núi ranh giới tự nhiên giữa 2 xã Sin Suối Hồ (Phong Thổ, Lai Châu) và Sàng Ma Sáo (Bát Xát, Lào Cai). Quãng đường từ chân núi lên tới đỉnh đi qua nhiều địa hình khác nhau, đường bằng, đồi trọc, rừng tre nứa, rừng gỗ lớn cho đến những vách đá cheo leo rêu phủ. Đây là con đường mà chị Giàng Thị Liên dẫn khách đi qua mỗi mùa leo núi. 

Dù có vóc người nhỏ nhắn nhưng chị Liên lại là “điểm tựa” của nhiều du khách muốn chinh phục vùng cao này. Hàng trăm lần lên xuống những ngọn đồi, đỉnh núi chót vót khiến cho Liên trở nên thạo đường. “Đường trekking có chỗ cao, khó đi, mình phải đỡ họ. Hay khi có ai đó bị chuột rút, porter phải là người dìu họ hoàn thành đoạn đường còn lại. Việc mang vác hay khiêng thêm đồ đạc cũng trở nên quen thuộc với chúng tôi. Phụ nữ vùng mình khoẻ lắm, họ vừa làm việc, vừa xem đó là niềm vui, có thêm thu nhập cho gia đình”. Chị không quá rành tiếng Kinh, chỉ cười hiền mỗi lần có ai đó trêu đùa. Người phụ nữ H’Mông vẫn giữ được sự chân chất, thật thà, cần cù làm việc và lao động. Bởi chị biết sau những ngày dài trên núi, vẫn có đàn con nhỏ đang đợi chị trở về.

Chồng chị, anh Sừng A Trừ kể thêm: “Có những khách không quá khó tính, nhưng họ rất tự trọng. Tôi biết họ đã yếu, đã mệt lả sau một chặng đường dài gần chục km nhưng vẫn không để chúng tôi dìu hoặc mang vác giúp hành lí. Đối với họ, leo núi là một sự chinh phục. Khách sợ độ cao thì chúng tôi phải có dây để họ nắm lấy và bước qua, hay những đoạn chỉ có các chỏm đá chỏng trơ giữa trời, porter phải ngồi xuống và nhích từng bước cùng họ”.

Porter đóng vai trò vừa là người đồng hành, vừa là người bầu bạn. Trong những hành trình đó, khách du lịch được lắng nghe những câu chuyện văn hoá của đồng bào vùng Tây Bắc, và các porter cũng hiểu được những tâm tình của người miền xuôi.

Bài viết

Khải Anh

Thiết kế

Tuấn Lê

Chia sẻ