Sắc màu Cuộc Sống

Cuộc sống khốn khó qua ngày của cặp vợ 41 chồng 20 tuổi: 'Hôm nào không bán được thì ngồi khều ốc ăn trừ bữa'

Định Nguyễn
Chia sẻ

Cuộc sống sau hôn nhân trải qua 1 năm, cặp vợ 41 chồng 20 tuổi từng gây xôn xao dư luận ở huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên đã có những ngày hạnh phúc nhưng không kém phần khổ cực, lo toan cơm áo gạo tiền...

Chuyện tình cổ tích cặp vợ 41 chồng 20 tuổi

Cách đây tròn 1 năm, cặp vợ chồng "đũa lệch" cô dâu hơn chú rể 21 tuổi gây xôn xao dư luận ở xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Theo đó, chú rể là Nguyễn Hữu Hoàn (SN 1999, ở xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên), cô dâu tên Hoàng Thị Án (SN 1978, ở xã Phúc Khánh, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ). 

Hình ảnh cưới của cặp đôi vợ 41 chồng 20 tuổi.

Thời điểm đăng ký kết hôn, chú rể mới tròn 20 tuổi, còn cô dâu đã bước sang tuổi 41. Thế nhưng, vượt qua mọi thử thách, họ đã chứng minh tình yêu của mình dành cho nửa kia bằng một đám cưới giản dị, tràn đầy hạnh phúc.

Tâm sự sau hôn nhân với chồng kém 21 tuổi, chị Án cho biết, đó là duyên số do ông trời thương. Trước đây chị từng trải qua nhiều mối tình nhưng đều không đi được đến hôn nhân. Sau nhiều lần chị đã chán nản, buông xuôi phó mặc cho số phận và chẳng nghĩ đến chuyện yêu đương, cưới xin gì nữa.

Năm 30 tuổi cũng có vài người mối lái, nhưng dường như tình duyên không mỉm cười với chị. Chị không chọn được người đàn ông nào và đành ngậm ngùi nhìn người ta lên xe hoa, đi hết đám cưới này tới đám cưới khác. Còn chị tuy bên ngoài tỏ ra vẫn bình thản lắm, nhưng trong tâm vẫn luôn mong chờ ngày mình được khoác trên người chiếc váy cưới lộng lẫy.

Để có tiền trang trải cuộc sống, chị phiêu bạt khắp nơi, làm đủ nghề. Cách đây vài năm chị xin vào làm công nhân của một công ty giày da ở Hải Phòng. Cũng tại đây chị gặp rồi nên duyên với anh Nguyễn Hữu Hoàn.

Bà Hường kể về cuộc sống khốn khó sau 1 năm con trai lập gia đình.

“Hồi mới vào làm, tôi cũng không có ấn tượng nhiều lắm về Hoàn, nhưng sau vài lần đi uống trà sữa cùng nhau, thấy Hoàn tếu táo, nói chuyện vui vui nên cũng có cảm tình một chút, rồi từ đó hai chị em thân thiết hơn hay chia sẻ với nhau về gia đình, công việc. Tình cảm cũng nảy sinh thành tình yêu lúc nào không hay”, chị Án kể.

Mặc dù chênh lệch tuổi tác nhưng khi bàn chuyện tiến tới hôn nhân, cặp đôi đều được sự ủng hộ của cả hai bên gia đình. Khi biết chuyện tình của anh chị, gia đình chị Án tuyệt nhiên không phản đối mà chỉ khuyên nên suy nghĩ cho kỹ. Về phần gia đình Hoàn, do trước khi công khai tình cảm, chị Án đã nhiều lần về chơi nên gia đình rất quý mến, nhưng mọi người chỉ nghĩ là tình bạn bè.

Thời điểm lấy nhau đầy khó khăn cặp đôi vẫn nắm chặt tay cố gắng vượt qua.

“Trước khi Hoàn đặt vấn đề muốn cưới Án làm vợ, tôi chỉ nói với con một câu ‘Con còn trẻ, lấy đâu cũng được vợ. Con lấy Án, qua một lần sinh nở, Án già. Con sẽ nhanh chán rồi vợ chồng lục đục…”, bà Nguyễn Thị Hường (SN 1966, mẹ của Hoàn) chia sẻ.

Nghe xong câu nói đó của mẹ, Hoàn đáp, “Mẹ ơi! Con còn gì để mất nữa đâu. Con tàn tật, lại chậm chạp, giờ gặp người yêu thương con thật lòng nên con muốn gắn bó cả đời…”. Thấy được sự chân thành của Hoàn nên bà Hường đã đồng ý làm đám cưới cho con.

Cuộc sống của gia đình bà Hường khó khăn nhất vùng, bà bị tàn tật nên không lấy chồng. Dù không được lành lặn nhưng mong muốn làm mẹ vẫn luôn cháy bỏng nên năm 33 tuổi bà Hường quyết định "kiếm" một đứa con với hy vọng sau này về già có người đỡ đần. 

Anh Hoàn cho hay, bản thân đã từng trải qua nhiều mối tình, nhưng chưa bao giờ lại có cảm giác xốn xang, không muốn rời xa như khi ở bên vợ mình. Có những lúc còn cảm thấy yêu vợ mình hơn chính bản thân mình.

Trước khi kết hôn, cặp đôi “đũa lệch” này đã chịu bao lời cay đắng từ người đời. Họ bỉ bôi, chế giễu và lăng mạ tình yêu của hai vợ chồng. Thậm chí, người ta còn suy đoán Hoàn chấp nhận cưới “vợ già” chỉ vì… tham miếng đất.

Ngày vợ chồng anh Hoàn dẫn nhau đi đăng ký kết hôn. Lúc ấy, dọc đường từ nhà ra ủy ban xã, dân làng đứng hai bên đường, ai cũng chỉ trỏ trêu chọc rồi cười ồ lên. Dù cũng có nhiều người hiểu được hoàn cảnh của anh Hoàn nên cảm thông, chia sẻ nhưng chuyện tình “cô - cháu” chênh nhau 21 tuổi này vẫn khiến người dân làng bàn ra tán vào mỗi khi ngồi lại.

Ngày lên Phú Thọ đón dâu, bà Hường chỉ mời gia đình thông gia ra nhà hàng ăn bữa cơm đạm bạc rồi xin rước dâu về dưới xuôi vì điều kiện hai bên gia đình không cho phép nên không thể tổ chức lễ đón dâu như người ta, đành gộp lại để tiết kiệm chi phí.

Vì hoàn cảnh khốn khó, về Hưng Yên gia đình tổ chức đám cưới cho vợ chồng anh Hoàn phải bán đàn chó 15 con được 16 triệu đồng để làm cỗ cưới, mời họ hàng đến chung vui. Gia đình cũng chỉ làm 5 mâm cơm mời anh em ruột thịt, không làm rình rang. Đám cưới không loa đài, ca hát ầm ĩ mà diễn ra lặng lẽ. 

Cuộc sống không như mơ, ngày ngày mò cua bắt ốc 

Trải qua 1 năm sau hôn nhân, cuộc sống vợ chồng anh Hoàn vẫn tiêu điều, nhếch nhác như bao ngày khác. Đồ đạc, vật dụng sinh hoạt vứt vương vãi, lộn xộn. Trong nhà không có tài sản đáng giá nào ngoài chiếc ti vi cũ và chiếc xe đạp cà tàng như thời điểm trước.

Nhà bà Hường tềnh toàng không vật dụng gì đáng giá.

Nhắc đến công việc, anh Hoàn buồn bã, từ đầu năm tới nay, cả 2 vợ chồng tôi đều mất việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19. 

"Hàng ngày vợ chồng tôi cùng mẹ đi mò cua bắt ốc. Hôm nào bán được thì mua thịt, cá. Còn hôm nào không bán được thì 3 mẹ con ngồi khều ốc ăn trừ bữa”, anh Hoàn nói.

Tiếp lời con trai, bà Hường cho biết, sau khi nghỉ việc ở công ty, chị Án thuê địa điểm ở huyện mở cửa hàng tẩm quất được ít ngày phải đóng cửa vì dịch COVID-19. Tiền thuê nhà 6 tháng với tiền mua sắm đồ vài chục triệu coi như mất trắng. Còn anh Hoàn đi làm ở đâu cũng bị đuổi việc vì không có sức khỏe.

Tuy mới ngoài 20 tuổi nhưng anh Hoàn không được khỏe mạnh như người bình thường, tay phải của anh gần như bị liệt và không có sức lực. Nguyên nhân là do hồi bé anh Hoàn xảy ra va chạm với bạn cùng trường.

Bà Hường ngậm ngùi trần tình, có lần gạo chỉ còn một nắm, cả gia đình chỉ nấu được nồi cháo loãng ăn cầm hơi. Nửa đêm thấy con dâu lục đục không ngủ được, bà Hường lại ứa nước mắt. 

Cuộc sống tạm bợ của gia đình họ cứ lặng lẽ trôi qua từng ngày. Trong thâm tâm, bà Hường cũng mong muốn các con có một cuộc sống đầm ấm như những gia đình khác nhưng bất lực. Sống trong cảnh túng quẫn, chồng ốm yếu không làm gì ra tiền khiến chị Án có phần chán nản. “Tôi không muốn nói gì về chuyện cưới xin nữa, vì giờ có ước thời gian cũng không quay trở lại”, chị Án nói rồi mong sức khỏe chồng tốt hơn để đi làm kiếm thêm thu nhập.

Chia sẻ

Bài viết

Định Nguyễn

Tin mới nhất