Sắc màu Cuộc Sống

Cuộc sống hiện tại của cô giáo xinh đẹp từng bị chồng cũ tạt axit trước mặt con: ‘Tôi mong sớm tìm lại chính mình và đứng trên bục giảng’

Định Nguyễn
Chia sẻ

Trải qua tổng cộng 21 lần phẫu thuật với những chuỗi ngày dài đầy đau đớn sau hơn 1 năm bị chồng tạt axit, chị Đặng Thị Than Huyền (34 tuổi, ở Hà Nội) vẫn tỏ ra vô cùng lạc quan. Chị mong muốn khuôn mặt của mình sớm được phục hồi để được về nhà tiếp tục đứng trên bục giảng, hoà nhập với mọi người.

Cuộc chiến giành giật sự sống, 5 ngày chết lâm sàng của cô giáo xinh đẹp bị chồng tạt axit

Cách đây hơn 1 năm, câu chuyện chị Đặng Thị Thanh Huyền (SN 1985, trú tại thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm, Hà Nội) - giáo viên dạy tiếng Anh bị chồng cũ là Phạm Văn Thông (SN 1983) dùng axit tạt lên người nguy kịch khiến dư luận xôn xao. Sau những gì gây ra cho vợ cũ, Phạm Văn Thông bị toà kết án 7 năm tù giam.

Sau khi bị chồng cũ tạt axit chị Huyền đã trải qua chuỗi ngày dài đầy đau đớn trên giường bệnh, có lúc sự sống, cái chết với chị rất đỗi mong manh. Thậm chí người phụ nữ này chết lâm sàng 5 ngày nhưng may mắn ông trời vẫn cho chị con đường sống.

Hình ảnh xinh đẹp của chị Huyền trước khi bị chồng cũ tạt axit.

Nằm trên giường bệnh, gặp chúng tôi chị Huyền tỏ ra vô cùng lạc quan với khuôn mặt đầy những vết sẹo, trên đầu toàn bộ cơ da bị co lại, mất một vành tai trái… Đó là những di chứng mà Phạm Văn Thông đã gây ra cho chị. Thế nhưng người phụ nữ này bảo bản thân không muốn mang lòng hận thù.

“Tôi không muốn điều đó vì dù sao chúng tôi vẫn có một đứa con chung, con gái tôi vẫn cần có bố. Tôi cũng không muốn con gái mình vì chuyện này mà tâm lý bị ảnh hưởng. Bản thân cũng nghĩ đơn giản chuyện đã xảy ra coi như mình không may mắn. Mình chỉ suy nghĩ sao sống tích cực, nghĩ đến biện pháp, hướng khắc phục hậu quả, còn sống còn cố gắng”, chị Huyền tâm sự.

Toàn bộ khuôn mặt chị Huyền bị biến dạng sau khi bị tạt axit.

Nhớ lạ những gì đã xảy ra chị Huyền kể, cách đây hơn 1 năm, dù ly hôn nhưng vì thương con hai người quyết định quay lại hàn gắn tình cảm với nhau. Thế nhưng chẳng được bao lâu sau vợ chồng “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt” nên tiếp tục xảy ra mâu thuẫn. Khi chị đang tính dọn đồ về nhà bố mẹ đẻ thì Thông mang một ca axit mua từ trước hất thẳng vào người. Lúc này con gái chị đang ngồi ngay sát gần mẹ.

Hứng trọn ca axit vì không đề phòng, chị Huyền đau đớn nhưng không giám dãy giụa, vùng vẫy tay chân. Chị biết cạnh đó là con gái mình nếu cố vùng vẫy axit sẽ bắn vào người gây bỏng cho con. Chị nhắm nghiền mắt vội đi ra ngoài cầu cứu mọi người, lúc này con gái chạy theo mẹ gào khóc.

Chị Huyền đã trải qua chuỗi ngày đau đớn, chết lâm sàng 5 ngày giành giật sự sống.

“Lúc đó tôi không nghĩ được tại sao anh ấy lại làm với mình như thế, tại sao anh ấy lại cạn tình cạn nghĩa với mình như vậy. Tôi muốn tha thứ cũng không thể tha thứ được. Anh ấy không tôn trọng mình, không tôn trọng cả bố mẹ mình nên sau khi tỉnh tôi cũng cứ để pháp luật xử lý sau những gì anh ấy gây ra cho mình”, chị Huyền giãi bày.

Khi vào Viện Bỏng Quốc gia cấp cứu, chị Huyền phải mất hơn 1 tháng nằm hôn mê sâu ở khoa Hồi sức tích cực. Cũng tại đây chị bị chết lâm sàng 5 ngày. Các bác sĩ cũng thông báo với người thân trường hợp xấu nhất có thể xảy ra, gia đình chuẩn bị tâm lý. May ông trời thương không tuyệt đường sống của chị Huyền. Người phụ nữ này đã kiên cường giành lại sự sống.

Chị Huyền đã trải qua 21 lần phẫu thuật phục hồi khuôn mặt, những nơi bỏng sâu.

“Lúc hồi tỉnh dậy tôi chưa hình dung mình bị biến dạng như thế này vì vẫn nằm liệt trên giường. Lúc đó các vết sẹo chưa ảnh hưởng, toàn thân đau đớn, từng vết thương cứ thể rỉ nước và máu khiến tôi đau đớn, ngứa không thể nào chợp mắt… đó là chuỗi ngày đầy đau đớn đến với tôi. 3 tháng sau khi bị tạt axit các vết thương mới bị ảnh hưởng nặng, cơ da bắt đầu co lại gây đau đớn vô cùng.

Tôi cũng bập bẹ tập nói từng câu chữ như đứa trẻ. Bên cạnh đó các bác sĩ cũng hướng dẫn tôi tập phục hồi chức năng, tập tay chân… Tôi bảo là tập thế này chứa đầy máu và nước mắt bởi mỗi lần nắm hay duỗi cơ các vết thương lại toé máu gây đau đớn. Tuy nhiên có vỡ vết thương chảy máu như thế thì cơ da mới mềm và cử động lại được”, chị Huyền bày tỏ.

Mong một ngày được đứng trên bục giảng

Trong hơn 1 năm qua chị Huyền cũng trải qua tổng cộng 21 lần phẫu thuật cấy ghép da trên cơ thể. Mỗi lần như thế chị lại cảm thấy nóng rực người, da ngứa đến “phát điên” đặc biệt là những ngày thay đổi thời tiết. Trên đầu chị Huyền cũng bị mất một mảng xương sọ. Do cũng chưa phải suy nghĩ nhiều đến đầu óc nên trí nhớ của chị không bị ảnh hưởng nhiều.

Nằm ở viện điều trị, chị Huyền rất nhớ con gái và mong muốn về thăm con. Khi vết thương lành chị “trốn viện” về nhà. Khi thấy khuôn mặt của mẹ con gái vị giật mình không dám lại gần.

Hình ảnh chị Huyền bên con gái của mình trước khi sự việc đau lòng xảy ra.

“Ban đầu con nhìn thấy khuôn mặt mẹ như thế còn khóc vì sợ hãi. Sau con quen rồi bảo với tôi là mới đầu con nhìn mẹ con hết hồn nhưng nghĩ mẹ có bị biến dạng như thế nào mẹ vẫn là mẹ của con. Nghe câu nói của con tôi thấy ấm lòng, tinh thần lạc quan. Hồi mới xảy ra chuyện con bị sang chấn tâm lý, các thầy cô và bạn bè rất quan tâm nên sau con cũng đã ổn định tinh thần. Tại thời điểm này tôi và mọi người tư tưởng ổn định hơn nhiều, ban đầu bố mẹ thấy tôi bị vậy khóc nức nở, giờ biết con chắc chắn sống rồi nên đã đỡ lo lắng hơn”, chị Huyền cười khẽ nói.

Hằng ngày chị tập luyện duỗi chân tay, co từng ngón tay…

Suốt những tháng ngày qua chị Huyền luôn nhớ tới các học trò của mình. Khi biết tin nhiều phụ huynh học sinh cũng thường xuyên hỏi thăm sức khoẻ của chị, gọi điện động viên tinh thần. Nhiều học trò vẫn hỏi chị “bao giờ mẹ Huyền về, mẹ Huyền đến lớp dạy các con, các con nhớ mẹ nhiều lắm”. Còn đám học trò lớn tuổi thì bảo “cô uống trà sữa không con mua vào viện cho cô”… những câu nói đó như tiếp thêm động lực để bản thân chị cố gắng.

Chị mong muốn sớm hồi phục để được đứng bục giảng dạy cho học trò.

“Mong muốn lớn nhất của tôi thời điểm này là tìm lại chính mình để được về đứng trên bục giảng, về hội nhập với mọi người, sống trong hình ảnh ngày xưa. Tôi cho rằng sống chết có số. Mình không chết nên phải nghĩ sống có ý nghĩa, để người thân không phải thất vọng. Tôi cũng mới tham gia đăng ký dự thi hành trình lột xác với mong muốn tìm lại chính mình ngày xưa. Chứ hiện tại tôi mà đi dạy cũng chưa đủ tự tin. Bên cạnh đó tôi cũng không muốn ảnh hưởng đến cái nhìn của các con”, chị Huyền chia sẻ thêm.

Ông Xuân chia sẻ về hoàn cảnh của con gái.

Những ngày con gái trải qua ca phẫu thuật vợ chồng ông Đặng Văn Xuân (bố chị Huyền) ở lại viện cả tháng trời để chăm sóc. Thời gian đầu ông Xuân vô cùng lo lắng và suy sụp bởi sức khoẻ của con rất yếu, cái chết vô cùng mong manh. Thêm nữa chi phí điều trị mỗi ngày cho chị Huyền lên đến hàng chục triệu đồng. Rất may dù cơ thể không được lành lặn nhưng với gia đình ông Xuân, chị Huyền sống như tiếp thêm niềm tin cho gia đình ông.

“May con tôi vượt qua được cửa ải tử thần chi phí điều trị cho con đến nay đã hơn 1 tỷ đồng, cũng may trong số đó nhiều bạn bè, cộng đồng giúp đỡ phần nào nếu không gia đình cũng không biết xoay sở gia sao. Có lúc gia đình Xuân kiệt quệ tính đến chuyện bán đất để lo chạy chữa cho con gái tôi”, ông Xuân chia sẻ.

Hiện tại những lúc bố mẹ bận, chị Huyền lại nhờ người nhà của các bệnh nhân trong phòng mua cơm giúp. Có người chung hoàn cảnh như chị nhưng bị nhẹ hơn còn giúp chị tắm rửa, giặt quần áo khiến chị ấm lòng. Bên cạnh đó “nhớ nghề” chị cũng kèm cặp thêm một hai học sinh học tốt tiếng Anh lúc rãnh rỗi cho vơi đi nỗi buồn.

Chia sẻ

Bài viết

Định Nguyễn

Tin mới nhất