Sắc màu Cuộc Sống

'Hẹn kiếp sau hen' - câu nói của cụ ông dành cho cụ bà bên giường bệnh khiến cộng đồng mạng rưng rưng

Họa Mi
Chia sẻ

Ông cứ liên tục cúi xuống, hôn lên tóc, lên mặt bà, xoa bóp cánh tay cho bà rồi thì thầm  "Thương lắm... Thương lắm... Sáu mươi mấy năm rồi... Kiếp sau vẫn gặp nhau hen".

Mong ước của đời người thì ai cũng có nhiều, người ước một cuộc sống giàu sang, đủ đầy, người lại mong công danh tài lộc. Nhưng cũng có những người chỉ ước về cuối đời, ngã bệnh nằm xuống, ngay bên cạnh vẫn có một người luôn hết lòng yêu thương, chăm sóc mình mà thôi. Phải coi clip dưới đây bạn mới thấy được - đến lúc gần đất xa trời, tình yêu là thứ duy nhất còn lại, những thứ khác cũng chỉ là hư vô mà thôi.

(Clip: Như Hảo)

Đó là clip ghi lại cảnh chia ly vĩnh viễn của một cặp vợ chồng già. Người vợ vừa được bệnh viện trả về, đang nằm trên giường, xung quanh là con cháu và người đàn ông mà bà đã yêu cả đời. Ông cứ liên tục cúi xuống, hôn lên tóc, lên mặt bà, xoa bóp cánh tay cho bà rồi thì thầm  “Thương lắm… Thương lắm… Sáu mươi mấy năm rồi… Kiếp sau vẫn gặp nhau hen”. Với chút sức lực cuối, bà ra hiệu được tháo găng tay để có thể nắm tay ông lần cuối. Khi găng tay được tháo ra, ông vội vã nắm lấy, như sợ chút nữa thôi, ông sẽ không còn cơ hội nắm bàn tay nhăn nheo này nữa.

Đoạn clip đã nhận được hàng nghìn lượt xem của cư dân mạng, ai cũng bất giác rơi nước mắt khi chứng kiến mối tình già ấy.

Clip được đăng tải bởi Như Hảo - cháu gái của ông bà. Với sự xúc động mạnh, Như Hảo viết trên trang cá nhân: ”Kiếp này là vợ chồng - hẹn kiếp sau gặp lại vẫn là vợ chồng tiếp nhé. Những ngày sau này sẽ là chuỗi ngày rất khó khăn với ông ngoại, bà bỏ ông đi rồi. Vĩnh biệt bà ngoại của con”.

Được biết, ông ngoại của Như Hảo tên là Vũ Đình Bích (82 tuổi, sống tại Tây Ninh), còn bà ngoại vừa mất là bà Phạm Thị Thuận (80 tuổi). Chia sẻ với báo chí, cô cho biết ông bà ngoại mình kết hôn từ 1957. Đầu tháng 5 vừa qua, bà Thuận bị đau bụng dữ dội và được bệnh viện Tây Ninh chẩn đoán là ung thư đại tràng giai đoạn cuối, đã di căn lên gan và chuyển bà lên Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM.

Thời gian bà lên Sài Gòn, cả nhà không cho ông lên theo vì sợ ông lo lắng và đường sá cách trở. Suốt thời gian bà làm phẫu thuật, ông ăn không ngon ngủ không yên, đêm nằm hay lấy chiếc áo mà bà hay mặc ra đặt kế bên mình cho an tâm. Khi hay tin vợ đã phẫu thuật xong và được phép lên thăm, ông liền ủi áo sơ mi thẳng thớm, cạo râu, cắt tóc gọn gàng. Khi đi dọc đường thì nhớ ra quên đổi dép vì ”bà không cho đi dép Lào ra đường”. Về phía mình, bà Thuận không muốn gặp chồng vì… xấu, do bà phải tháo răng giả trong khi làm phẫu thuật.

Hình ảnh ông bà lúc bà còn khỏe mạnh.

Sau đó là quãng thời gian ông ở viện chăm bà, không chịu về. Ông chăm tận tình, chu đáo, luôn đáp ứng các nhu cầu của vợ. Đến sáng 18/5, bệnh viên trả về vì tiên lượng xấu. Từ lúc đó trở đi, ông đã ở bên cạnh chăm bà tới phút cuối cùng. Đến khi bà đi rồi, ông mới ngồi thẫn thờ.

“Những phút cuối đời ở bên ông, dù sức khoẻ yếu nhưng bà mình vẫn rất minh mẫn, nhận ra tất cả mọi người và nghe được những lời ông nói. Ông mình cũng mạnh mẽ lắm, vẫn gắng gượng chăm bà, ở bên bà cho đến khi bà rời xa mọi người”.

“Mấy hôm nay, ông cứ ngồi trước bàn thờ tâm sự với bà. Lúc trước, ông bà ở riêng với nhau, không thích sống chung với ai hết. Giờ bà mất đi, dì thứ hai rước ông lên để chăm sóc. Nhà của ông bà nhờ người khác trông nom nhưng ông nhất quyết không cho thay đổi bất kỳ đồ đạc nào trong nhà. Ông bảo vì đó là kỷ niệm của hai vợ chồng. Chỗ bà để thuốc, để mũ ở đâu phải giữ nguyên như thế để ông nhìn đâu cũng thấy bà”, Như Hảo nói.

Chia sẻ

Bài viết

Họa Mi

Tin mới nhất