Sắc màu Cuộc Sống

Cụ ông 64 tuổi đi bộ xuyên Việt khiến người trẻ cũng phải 'ngả nón' khâm phục

Tuệ Lâm
Chia sẻ

"Người đàn ông mang đôi hài vạn dặm" là biệt danh mà nhiều người trong cộng đồng phượt thủ đã dùng để nói về ông Trần Ngọc Công trong chuyến đi bộ xuyên Việt mà ông đang thực hiện.

Ông Trần Ngọc Công (sinh năm 1953) ở Hà Nội gây bất ngờ cho không ít bạn trẻ, nhất là những người có sở thích “xê dịch” khi một mình độc hành đi bộ xuyên Việt. Với hành trang chỉ một chiếc balo trên vai, ông Công đã đi qua rất nhiều tỉnh thành và có những câu chuyện rất thú vị trên hành trình chinh phục cung đường hình chữ S.

Từng là bộ đội tên lửa và tốt nghiệp Đại học Sư phạm Văn, thế nhưng cuối cùng ông Trần Ngọc Công lại quyết định mở doanh nghiệp và gắn bó với công việc kinh doanh suốt mấy chục năm trời. Lúc về già, gác hết mọi công việc, ông thường chơi cờ và thực hiện những chuyến đi du lịch cùng vợ.

Thấy các anh em, bạn bè cùng tuổi đổ bệnh và ra đi tuổi này cũng khá nhiều. Tôi nghĩ rằng mình chỉ vật vờ chờ chết hay sao?

Ông Trần Ngọc Công trên đường đi bộ xuyên Việt để trả lời cho câu hỏi “Liệu tuổi già có làm nên những điều không tưởng?”.

Thế rồi một lần tình cờ, qua truyền hình ông biết đến một nhân vật đi khắp đất nước Tây Ban Nha, mỗi ngày đi 30km. Ông Công tự nhủ: “Sao ta không đi được, nếu họ khoẻ họ đi 30 km thì mình già đi 20 km cũng được và quý, chỉ bỏ thời gian 100 ngày là đi hết Việt Nam!”.

Nghĩ là làm, ngay hôm sau ông tập đi thử thì đi một mạch được 15 km, tiếp tục cố gắng thì lên được 20 km và ngày cuối ông đi được tới 35 km. Tập đi bộ trong 1 tuần thì ông nói với vợ rằng mình sẽ đi xuyên Việt. Lúc này, vợ ông cho rằng ông chỉ thích thì đi thế thôi chứ không đi được xa nhưng vì yêu chồng và muốn ông vui nên bà cũng ủng hộ. Để ông thực hiện ước muốn của mình, bà còn đi mua sắm balo, giày, áo mưa,…cho ông.

Ông Công động viên vợ: “Tôi đi tập thể thao chứ có đi bộ đội đâu mà khóc”.

Thế là sau một tuần “tập dượt”, ông Công theo xe khách lên cửa khẩu Lạng Sơn rồi quay ngược để bắt đầu hành trình. Ông đi vào những ngày cuối năm, khi quay về đến Hà Nội thì gặp Tết, vợ con ông nhất quyết giữ nên ông đành nghỉ ăn Tết xong mới tiếp tục hành trình. Ông kể: “Mùng 6 tết khởi hành vợ không muốn cho đi nữa, mình nói: Tôi đi tập thể thao chứ có đi bộ đội đâu mà khóc. Thế rồi tôi đi”.

Đáng ra, ông Công chỉ dự tính quãng đường từ Lạng sơn vào Cà Mau, đi liên tục mỗi ngày 30km thì chỉ khoảng 70 - 80 ngày là hoàn thành chuyến hành trình. Thế nhưng “đời không như mơ”, khi đến Tĩnh Gia (Thanh Hóa) thì bệnh gout của ông tái phát, phải dưỡng thương 5 ngày. Rồi sau đó là 3 ngày nghỉ lấy sức tại Nha Trang. Cứ hết bệnh, hết mệt là ông lại đi tiếp.

Hình ảnh lạc quan, yêu đời của ông Trần Ngọc Công trước khi chinh phục các cung đường.

Mỗi ngày, ông Công thường bắt đầu hành trình từ lúc 5 rưỡi sáng, gặp chỗ nghỉ sớm thì 3 giờ chiều ông dừng chân, hôm nào muộn nhất cũng chỉ 6 giờ. Mỗi ngày ông Công đi bộ được 30 km là tối thiểu , từ km số 31 là ông tìm nhà nghỉ, có những nơi vắng vẻ không tìm được thì ông phải đi tiếp, có khi lên tới gần 50 km. Ông tâm sự: “Tôi thà phải đi thêm 5 -10 km, cố gắng không ngủ nhờ” .

Đi xuyên Việt trong lúc trời chưa sang hè, nhiệt độ chưa quá cao nên thời tiết không phải là trở ngại lớn của công Công. Duy có lần đi qua một số tỉnh miền Trung, cũng có vài ngày ông Công phải đối mặt với cái nóng 34 độ hay mưa lai dai kéo dài tới 4, 5 ngày từ Quảng bình đến Hải Vân. Mưa khiến ông cảm thấy thoải mái vì đi bộ không ra mồ hôi, còn nóng thì ông lấy áo phủ kín xung quanh đầu để che nắng, uống nhiều nước và cố gắng giữ nước cho mình đỡ mệt.

Thời tiết nắng, mưa không làm khó được cụ ông 64 tuổi.

Trải qua gần 1400 km từ Bắc vào Nam, cách đây không lâu, lần đầu tiên ông Trần Ngọc Công gặp một tình huống nguy hiểm.

“Số là hôm ấy gần trưa, mình vượt qua đèo Cổ Ngựa (Khánh Hoà), xuống chân đèo đi được khoảng 5 km, đường vắng tanh vắng ngắt, nhà cửa lưa thưa. Bất chợt có một người đi xe máy ngược chiều. Trông thấy mình lẽ ra hắn phải tránh, nhường đường cho mình bởi hắn đi trái đường. Nhưng không, không những hắn không nhường mà còn cố ý phi thẳng xe vào mình. Theo phản xạ tự nhiên, mình bước xéo chân rồi nghiêng người để tránh đòn bánh xe rồi đưa 2 tay chắn trước ngực. Mình vẫn giữ được bình tĩnh nhìn thẳng vào mắt hắn và ra một đòn “nụ cười xoè ” cầu thân. Mặt hắn vẫn lạnh như tiền, hai mắt vằn tia máu. Mình thoáng nhận ra hắn là loại du côn xin đểu mà mình thường bắt gặp ở Hà Nội. Tránh kích động, mình lắc lắc cổ tay vờ vĩnh kiểu như: “Không, không, tôi không đi xe ôm đâu!” và vẫn mỉm cười thân thiện.

Vừa tới Khánh Hòa, ông Công đã có ngay một “kỉ niệm thót tim”.

Hằn gườm gườm nhìn mình từ đầu đến chân kiểu như muốn đánh giá mình là loại người nào. Một là một lữ khách sộp hay là hai là một lão già tâm thần bỏ nhà đi lang thang. Cặp mắt hắn dừng hơi lâu vào cái túi quàng trước ngực. Một cái túi mốc meo bẩn thỉu vì mưa nắng bụi bặm, miệng túi mở toang hoác lòi ra chai nước suối và vài mẩu giấy ăn. Hắn lại đưa mắt nhìn chiếc ba lô quai cắm chi chít kim băng vì ba lô bị đứt quai. Miệng ba lô cũng mở toang hoác vì hôm trước quần áo giặt chưa khô nên mình mở túi ra để nắng vào cho khô.

Thế rồi hắn cho mình là loại người thứ hai, hắn rồ ga bỏ đi”.

Ông Công hóm hỉnh kết luận: “Tênh hênh, toang hoác chẳng ai thèm, kín kín đáo đáo lắm kẻ ham!”. Chia sẻ lên trang cá nhân, câu chuyện khiến nhiều người vừa thở phào, vừa phải bật cười vì tình thần lạc quan và cách ứng phó rất nhanh nhạy của ông.

Trước đây, ông Trần Ngọc Công và vợ cũng từng đi du lịch ở rất nhiều nơi trên thế giới như Nhật Bản, Nga, Đức, Thụy Sĩ… Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên ông trải nghiệm cảm giác chu du độc hành bằng cách…đi bộ.

Mỗi chặng đường đi qua, ngoài những sự cố về sức khỏe hay nguy hiểm thì cũng không ít những chuyện cảm động, đầy tình người được ông Công cẩn thận gom góp và ghi nhớ. Đó là bà chủ trọ vượt đường xa đem cho ông giấy chứng minh thư để quên hay những gia đình không quen biết từ trước nhưng rất quý mến và như đối xử với ông không khác gì người nhà…Nhưng nhớ nhất có lẽ vẫn là những người tuy xa lạ nhưng đã không dửng dưng mà ngỏ ý giúp đỡ ông cụ “lang thang” trên đường.

Đơn cử như lần đi qua Phú Yên, có một cô gái gặp ông từ cách đó khoảng 15km, thấy ông lão đi bộ suốt cả quãng đường dài cô liền quay xe lại và dúi vào tay ông 30 ngàn rồi nói: “Chú cầm tạm đi xe đò, cháu thấy chú đi bộ từ dười thị xã, chú đi bộ nắng thế khổ quá!”.

Một lần khác, ông Công đã không kìm nén được cảm xúc và rơm rớm nước mắt khi chàng thanh niên nọ tưởng ông không có tiền, đã “vét” sạch túi được những đồng tiền cuối cùng để biếu ông đi xe bus, còn sẵn sàng chở ông lên bến bắt xe. Ông Công tâm sự: “Đời mình cũng đã nhận được nhiều sự giúp đỡ nhưng chưa bao giờ phải bật khóc như vậy”.

Mỗi chặng đường đi qua, ông Công gặp nhiều người tốt và cả những người có chung niềm đam mê “xê dịch” như mình.

Còn rất nhiều người không biết tới hành trình của ông, có ý muốn cho ông đi cùng cho đỡ vất vả nhưng ông Công không nhận lời mà vẫn kiên trì theo đuổi đến cùng mục tiêu mình đặt ra, kể cả trong lúc mệt mỏi nhất. Ông cũng rất vui khi không những được người thân và bạn bè ủng hộ mà cả những người biết đến ông qua mạng xã hội cũng dõi theo và cổ vũ ông trên suốt quãng đường dài. Đó là món quà tinh thần vô giá mà mọi người dành tặng cho một người ở cái tuổi đáng ra được hưởng an nhàn ở nhà những đã không ngại vất vả để thử thách và vượt qua giới hạn của bản thân.

Từ kế hoạch lúc đầu tưởng như viển vông và xa vời, vậy mà giờ ông tính chỉ còn 14 ngày nữa là đến đất mũi Cà Mau. Khi được hỏi về hành trình trở về, ông Trần Ngọc Công trả lời nhẹ nhõm: “Chỉ đi là đủ rồi, về nhà thì đi xe cho lẹ”.

Một vài hình ảnh trong chuyến đi bộ xuyên Việt của ông Trần Ngọc Công:

Lạng Sơn.

Điểm Bắc Ninh giáp địa phận Hà Nội.

Hà Nam.

Ninh Bình.

Thanh Hóa.

Nghệ An.

Quảng Trị.

Huế.

Đà Nẵng.

Hội An.

Quảng Ngãi.

Phú Yên.

Khánh Hòa.

Ninh Thuận.

Bình Thuận.

Đồng Nai.

Chia sẻ

Bài viết

Tuệ Lâm

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất