Sắc màu Cuộc Sống

Có thể áp thuế khi mua ô tô trên 1,5 tỷ hay nhà từ 700 triệu đồng: Tin hot những ai có ý định sắm nhà và xe cần biết

Vương Phi (TH)
Chia sẻ

Với phương án đánh thuế nhà 0,3% giá trị, Bộ Tài chính dự kiến số thu thuế tài sản là khoảng 22.700 tỷ đồng (nhà trên 1 tỷ) hoặc khoảng 23.300 tỷ đồng (nhà trên 700 triệu đồng). Đối với phương án 0,4%, thì số thu thuế tài sản là khoảng 30.300 - 31.000 tỷ đồng.

Theo tin từ báo Vietnamnet, hôm qua (ngày 13/4), Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo chuyên đề thông tin về việc Bộ Tài chính đang chuẩn bị đề nghị xây dựng Dự án Luật thuế tài sản, tiến tới trình Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội.

Nếu luật này được ban hành thì Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp sẽ được bãi bỏ.

Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, theo dự kiến của Bộ Tài chính, đối tượng chịu thuế này là nhà, đất, ô tô, máy bay, du thuyền…

Nhà giá từ 700 triệu trở lên sẽ bị đánh thuế tài sản.

Nhà trên 700 triệu đồng sẽ bị đánh thuế tài sản

Theo đó, Bộ này dự kiến đánh thuế đối với nhà, đất ở, tàu bay, du thuyền, ô tô có giá trị 1,5 tỷ đồng trở lên.

Cụ thể, với nhà ở, Bộ Tài chính xây dựng 2 phương án đánh thuế: một là đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên; hai là nhà ở có giá trị 1 tỷ đồng trở lên.

Ngưỡng không chịu thuế là nhà có giá trị 700 triệu đồng trở xuống hoặc 1 tỷ đồng trở xuống. Điều này có nghĩa, phần bị đánh thuế tài sản là phần có giá trị trên 700 triệu đồng hoặc trên 1 tỷ đồng.

Chẳng hạn, với ngưỡng không chịu thuế là 700 triệu đồng thì một căn nhà có giá trị 800 triệu đồng sẽ bị đánh thuế với phần giá trị 100 triệu đồng, tức 0,3-0,4% của 100 triệu đồng.

Mức chịu thuế dự kiến có thể sẽ là 0,4%.

Bộ Tài chính cho rằng, đa số các nước áp dụng mức thuế tài sản cao, trong đó có một số nước trong khu vực như Indonesia 0,5%, Philippines 1% và 2%. Do đó, Bộ Tài chính xây dựng 2 phương án: một là áp dụng mức thuế suất tài sản chung là 0,3%; hai là áp dụng mức thuế tài sản chung là 0,4%.

Ngân sách có thêm chục ngàn tỷ

Với phương án đánh thuế nhà 0,3% giá trị, Bộ Tài chính dự kiến số thu thuế tài sản là khoảng 22.700 tỷ đồng (nhà trên 1 tỷ) hoặc khoảng 23.300 tỷ đồng (nhà trên 700 triệu đồng).

Đối với phương án 0,4%, thì số thu thuế tài sản là khoảng 30.300 tỷ đồng (nhà 1 tỷ đồng trở lên) hoặc khoảng 31.000 tỷ đồng (nhà 700 triệu đồng trở lên). Chính vì thế, Bộ Tài chính đề nghị áp dụng phương án 2, tức đánh thuế 0,4% với nhà có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên.

Điều này, theo Bộ Tài chính, là “phù hợp với quy định mức thuế suất thuế tài sản của các nước”, khai thác tốt nguồn thu từ thuế tài sản, đảm bảo thuế tài sản là nguồn thu ổn định của ngân sách nhà nước, thực hiện mục tiêu cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước.

Vì sao không đánh thuế theo diện tích hoặc số lượng căn nhà?

Tại cuộc họp báo chiều 13/4, Bộ Tài chính lý giải về việc chọn đánh thuế theo giá trị nhà mà không đánh thuế theo diện tích, dù phương án đánh thuế theo diện tích có ưu điểm là đơn giản, dễ thực hiện, thuận lợi trong việc xác định số thuế phải nộp.

Theo ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, việc xác định ngưỡng không chịu thuế và chịu thuế theo diện tích có nhược điểm là điều tiết cả đối với người sử dụng nhà có giá trị không lớn, nhà đơn sơ, nhà thiếu kiên cố, nhà tại nông thôn có diện tích vượt ngưỡng không chịu thuế nhưng giá trị thấp. Trong khi đó lại không điều tiết đối với giá trị lớn nhưng diện tích nằm trong ngưỡng không chịu thuế.

Vì thế, Bộ Tài chính quyết định xác định ngưỡng không chịu thuế hay chịu thuế đối với nhà theo giá trị căn nhà.

Tuy nhiên, trên mạng, nhiều người cũng đặt ra thắc mắc vì sao Bộ chỉ đề xuất đánh thuế theo giá trị căn nhà mà không tính theo số căn sở hữu. Trong trường hợp nếu sở hữu 2 căn hộ dưới 700 triệu đồng thì tổng tài sản đã có giá trị vượt ngưỡng cần đóng thuế? Thắc mắc này hiện chưa được nêu ra và giải thích tại buổi họp báo.

Sắm ô tô trên 1,5 tỷ dễ bị đánh thuế tài sản

Theo đó, giá tính thuế đối với ô tô có giá trị từ 1,5 tỷ đồng trở lên là giá trị tài sản tại thời điểm tính thuế do UBND cấp tỉnh quy định.

Đối với ô tô có giá 1,5 tỷ đồng trở lên, giá tính thuế là giá làm căn cứ để tính lệ phí trước bạ. Mức thuế dự kiến áp dụng có 2 phương án, một là đánh thuế 0,3%, hai là đánh thuế 0,4%.

Chẳng hạn, một chiếc ô tô có trị giá 5,5 tỷ đồng thì phần giá trị bị đánh thuế là phần giá trị 4 tỷ đồng với thuế suất 0,3-0,4%. Như vậy người mua xe sẽ phải nộp thêm số thuế là 12 triệu đồng nếu áp dụng thuế tài sản 0,3%.

Sở hữu ô tô trên 1,5 tỷ có thể sẽ bị đánh thuế tài sản.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng có 2 phương án. Phương án 1: đánh thuế tài sản đối với tàu bay, du thuyền, ô tô có giá trị từ 1,5 tỷ đồng trở lên. Nhưng tàu bay, du thuyền, ô tô có giá trị dưới 1,5 tỷ đồng và tàu bay, du thuyền, ô tô sử dụng cho mục đích kinh doanh, vận chuyển hàng hóa, hành khách… sẽ không chịu thuế này.

Phương án 2 là không đánh thuế tài sản đối với tàu bay, du thuyền, ô tô. Thuyết minh về phương án này, ông Thi cho biết, kinh nghiệm quốc tế cho thấy hiện chỉ có 3 nước đánh thuế tài sản đối với động sản bao gồm máy móc thiết bị, phương tiện (trong đó có ô tô, tàu bay, tàu thuyền) là Hàn Quốc, kazakhstan và Bolivia (Hàn Quốc chỉ đánh thuế đối với tàu bay, du thuyền). Còn ở Việt Nam, theo số liệu do Bộ Giao thông vận tải cung cấp thì 100% số lượng tàu bay, du thuyền đăng ký trên toàn quốc thuộc sở hữu của tổ chức, không có tàu bay, du thuyền nào đăng ký thuộc sở hữu tư nhân.

Chia sẻ

Bài viết

Vương Phi (TH)

tag-icon
Tin mới nhất