Chuyện về nữ nhà văn khuyết tật 30 năm chưa 1 lần đến trường: 'Tin vào điều tử tế là chìa khóa giúp bạn sống an nhiên'

Cuộc đời của Trà My có lẽ chính là một minh chứng hùng hồn nhất cho triết lý rằng tất cả chúng ta, xin hãy tin vào điều tử tế ở quanh minh! Chỉ cần có lòng tin và gieo hạt mầm tử tế, ngày nào đó cuộc sống của bạn chắc chắn sẽ đổi khác!

Bài viết Vương Phi
Chia sẻ

Khi con người xích lại gần nhau hơn bằng sự tiện lợi của mạng xã hội và Internet… thì cũng lúc đó những tin tức xấu có cơ hội lan tỏa rộng hơn. Và còn tồi tệ hơn cả tin xấu, những tin giả có thể khiến cho sinh mệnh của một con người, của một gia đình… bước đến gần hơn những vực thẳm. Thực tế đã có rất nhiều trường hợp đau lòng đã diễn ra theo cách như thế trong xã hội Việt Nam.

Sự tử tế, trong cuộc sống hiện đại lúc này, vì thế trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Để ít nhất nó sẽ đầy lùi được phần nào bóng tối. Ít nhất nó khiến cho những ai đó còn thấy hoang mang, ích kỷ hay thậm chí ghét bỏ thế giới xung quanh mình có thể nhìn thấy được một mầm xanh nẩy lên từ một vùng đất khô cằn.

Chúng ta có thể đứng im nhìn một việc xấu diễn ra và không làm gì, thì cũng sẽ không ai có quyền trách chúng ta cả. Nhưng nếu chúng ta làm một điều gì đó, để cái xấu bớt xấu đi, cái đẹp được nhiều lên… để niềm tin vào điều thiện vẫn tồn tại như một chỉ dấu vĩnh hằng của đời sống con người… Chúng ta mới chính xác có trọn vẹn phần “Người” sau phần “Con”…

…Không làm điều tốt cũng chính là một loại nỗi buồn trong đời sống hôm nay”… Đó chính là những dòng nhà thơ Nguyễn Phong Việt viết riêng cho cuốn sách “Tin vào điều tử tế” của tác giả Trần Trà My.

Chuyện về nữ nhà văn khuyết tật 30 năm chưa 1 lần đến trường: 'Tin vào điều tử tế là chìa khóa giúp bạn sống an nhiên'

Đọc lời tựa của Nguyễn Phong Việt, có người sẽ thấy cảm động nhưng cũng có người chỉ lướt qua và xem đó như một lời quảng cao: ồ, tác giả nào ra sách mà chẳng cần những lời khen! Nhưng rồi có lẽ bạn sẽ phải vỡ òa, bất ngờ khi biết rằng Trần Trà My - tác giả của cuốn “Tin vào điều tử tế” là một người khuyết tật, 30 năm qua chưa 1 lần được đến trường học, nhưng đã là tác giả của rất nhiều cuốn sách tên tuổi như: Yêu trên từng ngón tay; Chúng ta chính là mùa xuân; Giấc mơ đôi chân thiên thần…

Tôi sẽ kể cho các bạn nghe về Trà My - một câu chuyện nhiều khúc trầm buồn nhưng luôn ánh lên niềm lạc quan và hy vọng. Cuộc đời của Trà My có lẽ chính là một minh chứng hùng hồn nhất cho triết lý rằng tất cả chúng ta, xin hãy tin vào điều tử tế ở quanh mình! Chỉ cần có lòng tin và gieo hạt mầm tử tế, ngày nào đó cuộc sống của bạn chắc chắn sẽ đổi khác.

Thông điệp “tin vào điều tử tế” và hành trình 30 năm ứng dụng của nữ nhà văn khuyết tật

Trà My sinh ra ở vùng đất Quảng Trị nhiều nắng gió. 3 tháng tuổi, bàn chân bên phải của cô bỗng xuất hiện một vết bớt nhỏ màu đỏ, giống như một cục thịt thừa. Thấy vậy, gia đình lo sợ đã đem My vào bệnh viện Huế để phẫu thuật cắt bỏ.

Thật đáng tiếc, trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ gây mê đã làm hở bình oxy… Và rồi một biến cố lớn đã xảy ra trong cuộc đời Trà My. Sai lầm phút chốc của bác sĩ khiến My chết lâm sàng gần 8 tiếng đồng hồ nằm trong nhà xác cho đến khi tiếng khóc xé lòng vang lên. Kỳ tích đã xảy ra, My được Thượng đế giúp hồi sinh nhưng đó lại là sự hồi sinh không trọn vẹn.

Trà My từ đó đã không thể nói rõ, tay chân co rút và người mềm như cọng bún.

Thời gian trôi qua, thân hình My lớn lên từng ngày nhưng đôi chân, bàn tay vẫn bé nhỏ và cô bé đã không thể tự bước đi trên đôi chân của chính mình!

Trước năm 21 tuổi, mọi giao tiếp của My đều thông qua việc viết ra giấy hoặc bấm bằng điện thoại. Nhưng sau hơn 10 năm tự nỗ lực, giờ đây khả năng nói của cô đã tốt hơn rất nhiều. Dù vậy so với người khác, giao tiếp bằng ngôn ngữ nói có lẽ vẫn không phải là thế mạnh của nữ nhà văn.

Chuyện về nữ nhà văn khuyết tật 30 năm chưa 1 lần đến trường: 'Tin vào điều tử tế là chìa khóa giúp bạn sống an nhiên'

Những năm tháng tuổi thơ của My là quãng thời gian thật sự dữ dội. Đớn đau, nước mắt, sự tuyệt vọng… tất cả My đều đã đi qua. Biến cố bệnh tật làm cô không thể đến trường. Cuộc sống của My gói gọn trong căn nhà nhỏ, bị bủa vây, kìm nén bởi 4 bức tường lạnh lẽo.

Chỉ là những vách ngăn ai cũng có thể bước qua, nhưng riêng My - một người chưa thể đi lại được lại thấy vách ngăn ấy như đã chia đôi cả thế giới. Cô ở trong nhà, đứng bên này bờ vực và ngước nhìn thế giới xung quanh, thấy các bạn nữ đến tuổi dậy thì bắt đầu biết làm dáng, diện váy áo tung tăng khắp nơi… còn mình thì ngồi đây, chỉ nhìn nhưng chưa bao giờ được trải nghiệm.

Giống như nhà văn Nam Cao từng nói, “một người đau chân có khi nào quên cái chân đau của mình để nghĩ đến điều gì khác”. Trà My cũng vậy, đã có lúc suy nghĩ về khiếm khuyết cơ thể của cô che lấp hết mọi thứ. Nhưng không phải chỉ vì nghĩ đến nỗi đau của bản thân như nhân vật của Nam Cao, My buồn vì đôi lúc thoáng lo sợ thay cho ba mẹ. Cô sợ lỡ một mai ba mẹ già mà vẫn phải chăm con gái từng bữa ăn, giấc ngủ, từng lần đi vệ sinh… chắc sẽ cực khổ biết bao nhiêu! Cô sợ một mai 3 đứa em của mình đến tuổi dựng vợ gả chồng, người yêu của họ có sợ hãi không nếu biết My là người khuyết tật? Có đôi lúc, chính My còn sợ hãi bản thân mình thì liệu, người khác có suy nghĩ thế không?

Cuộc sống gia đình Trà My phụ thuộc vào đồng lương ba đi làm vì mẹ phải ở nhà chăm sóc cô… nhưng trong khi chính My còn lo sợ, tuyệt vọng thì ba mẹ cô lại là những người kiên trì, nhẫn nại và nhiều lòng tin hơn bất cứ ai.

“Năm bảy tuổi My mới di chuyển được bằng chiếc xe gỗ do chính ba tự chế. Ba làm cho My rất nhiều dụng cụ tập đi và mỗi lần ngã ba đều bắt My phải tự đứng dậy, trừ khi nào ngã đau quá hoặc bị trầy xước gì thì ba mới chạy đến”.

Nhà văn
Trần Trà My

Sự kiên trì, quyết liệt ấy đã giúp Trà My vững vàng hơn để rồi sau rất nhiều nỗ lực, cô gái yếu đuối ấy cũng có thể tập đi nhờ sự trợ giúp của các loại công cụ.

My học nói, học viết và làm quen với máy tính. Lúc đầu, tay cô rất yếu nên chỉ có thể gõ bằng ngón cái hoặc ngón chỉ. Dù khó khăn nhưng My chưa bao giờ từ bỏ. Cô cố gắng từng chút, từng chút một để rồi chính việc biết viết đã mở ra cho My một chân trời mới.

Chuyện về nữ nhà văn khuyết tật 30 năm chưa 1 lần đến trường: 'Tin vào điều tử tế là chìa khóa giúp bạn sống an nhiên'

Trong suốt hành trình dài tính bằng cả chục năm, động lực lớn nhất của My chính là ba mẹ và những người thân bên cạnh. Sự quyết tâm không mệt mỏi, lòng tin của ba mẹ rằng một ngày con gái họ sẽ đứng vững trên đôi chân của chính mình chính là liều thuốc tuyệt vời trị khỏi những vết thương lòng của My.

My thường nói, nguồn năng lượng tỏa ra từ suy tích cực luôn đem đến những phép màu kỳ diệu. Niềm tin của ba mẹ đã hóa thành niềm tin của Trà My và rồi đến năm 16 tuổi, My đã có thể sống tự lập bằng nghề viết.

Khi tôi viết, tôi đã viết bằng cả tâm hồn, trái tim. Lúc ấy, My gần thoát ra khỏi thân thể của mình. Nhưng lúc mới bắt đầu sự nghiệp và khó khăn của My là thiếu kiến thức, thiếu vốn sống, thiếu sự trải nghiệm… Tuy nhiên My cứ xem khó khăn là động lực thì mọi thứ không là gì cả”, cô nói.

Chuyện về nữ nhà văn khuyết tật 30 năm chưa 1 lần đến trường: 'Tin vào điều tử tế là chìa khóa giúp bạn sống an nhiên'

“Trách nhiệm của mình là sống tử tế
và thành công”

Những năm gần đây, cái tên Trần Trà My dần được nhiều người biết tới hơn. Ngoài khả năng viết sách, cô còn tham gia viết bài PR, làm truyền thông, viết kịch bản… Công việc bận rộn lại phải một mình bươn trải ở Sài Gòn nhưng My vẫn đủ sức cân bằng, gánh vác mọi thứ để có một cuộc sống hạnh phúc.

Sau khi đã trải qua nhiều khó khăn, giờ đây khi nhớ lại những chuyện không vui đã qua, My thường rất kiệm lời. Nữ nhà văn thường chọn cách chia sẻ những động lực tích cực mà mình đã nhận được hoặc chiêm nghiệm thành công. Đối với cô, cách để Trà My vươn tới thành công như bây giờ là luôn nghĩ đến hình ảnh một ngày nào đó sẽ ở trên bục vinh quang và không ngừng truyền động lực cho người khác.

“Thật ra mình sinh ra trên đời này chưa hẳn là để cho chính mình, mà ở đó còn có cả gia đình và xã hội. Thành ra không thể sống vô trách nhiệm được. Trách nhiệm của mình là sống tử tế và thành công”.

Nhiều năm qua, My luôn sống với phương châm tôn trọng mọi cảm xúc của chính mình dù cảm xúc đó tiêu cực hay tích cực. Cô hạn chế nạp vào đầu những thông tin tiêu cực. Phim ảnh/báo chí/sách… Trà My đều chọn lọc, ngay cả những mối quan hệ cũng như vậy. Cô nói rằng lý do mình làm thế là để nuôi trái tim khỏe mạnh và một đầu óc tỉnh táo, cộng một tâm hồn an nhiên. Chỉ khi mình suy nghĩ lạc quan thì những điều tốt đẹp mới có thể xảy đến.

Dù ở tuổi nào, đang gặp khó khăn ra sao, niềm tin và hy vọng vẫn là thứ ai cũng cần nuôi dưỡng. Điều ấy không tự nhiên mà có, nó cần được vun đắp và chọn lọc từ trong chính cuộc sống rất trần trụi, thực tế này“.

Cuối cùng, tác giả của “Tin vào điều tử tế” cho rằng, để xã hội này bớt đi những điều xấu, để mỗi người sống tốt đẹp hơn, thành công hơn, chúng ta hãy cứ “sống theo đúng bản chất của con người. không ai sinh ra là người xấu cả, đừng để môi trường bên ngoài tác động. Đừng cố gắng xây dựng hình ảnh bên ngoài mà quên đi nội lực bên trong chính mình”!

Chuyện về nữ nhà văn khuyết tật 30 năm chưa 1 lần đến trường: 'Tin vào điều tử tế là chìa khóa giúp bạn sống an nhiên'

Bài viết

Vương Phi

Thiết kế

Tuấn Lê

Chia sẻ
tag-icon