Sắc màu Cuộc Sống

Chuyện về chiến sĩ PCCC: Những người anh hùng đi ngược vào lửa dữ để giành giật sự sống

Lâm Hoàng
Chia sẻ

Khi lửa gần như nuốt chửng, vô vàn tiếng gào khóc, hoảng loạn và cái chết cận kề… Những chiến sĩ PCCC vẫn sẵng sàng đi ngược vào đám cháy. Chỉ vì ở đó, còn một sinh mệnh nào đó sẽ được trở về.

Thế rồi cũng lắm lúc trọng thương, bỏng rát, tuột da, gục ngã,… đôi khi là cả cái chết khi một chiến sĩ tử nạn trong cuộc chiến. Nhưng lửa chưa bao giờ thiêu rụi được tình yêu nghề cùng sứ mệnh cao cả của họ.

ITC - 16 năm ám ảnh khôn nguôi

Đã 16 năm trôi qua, thế mà mỗi lần nhắc lại chữ ITC, người Sài Gòn vẫn không khỏi rùng mình, bàng hoàng nhớ về cái buổi trưa định mệnh ấy. 60 người chết, 70 người bị thương, thiệt hại hơn 32 tỷ đồng,… ITC thành vụ hỏa hoạn lớn nhất cả nước.

60 người chết, 70 người bị thương, thiệt hại hơn 32 tỷ đồng,… ITC thành vụ hoả hoạn lớn nhất cả nước.

13h30, 29/10/2002, lửa bắt từ vũ trường Blue tầng 3, sau đó lan rộng xuống tầng 2 và nhanh chóng nuốt chửng toàn bộ trung tâm thương mại Quốc tế ITC. Bên trong, hàng trăm người đang làm việc, khách tại nhà hàng,… rơi vào hoảng loạn, gào thét tuyệt vọng. Người ta vẫn không tài nào quên hình ảnh người đàn ông đứng trên lầu 5 ra sức cầu cứu rồi bị lửa nuốt trọn, nạn nhân chấp nhận nhảy từ tầng cao xuống và chết. Mọi thứ trở thành một thảm hoạ vô-cùng-tận.

“Lửa bùng dưới chân, tất cả xô đẩy nhau nhảy xuống tầng 5 của tòa nhà bên cạnh. Tôi cũng nhảy theo, gãy chân, đang cố gắng bò ra ngoài thì có nhân viên cứu hộ bế thốc đưa xuống…”, nhân viên Công ty AIA nhớ lại.

13h30, 29/10/2002, lửa bắt từ vũ trường Blue tầng 3, sau đó lan rộng xuống tầng 2 và nhanh chóng nuốt chửng toàn bộ trung tâm thương mại Quốc tế ITC.

Bên trong, hàng trăm người đang làm việc, khách tại nhà hàng,… rơi vào hoảng loạn, gào thét tuyệt vọng.

Trong cảnh nháo nhào cầu cứu ấy, đã có hàng trăm chiến sĩ PCCC quên mình lao nhanh vào miệng lửa. Thời gian sinh-tử khiến họ không có quyền lựa chọn, tất cả đều hy vọng trong đám cháy sẽ còn sự sống nào đó sót lại, dù mong manh nhất.

14h12, hơn 50 xe chữa cháy với hàng trăm chiến sĩ PCCC đổ về ITC. Cuộc chiến kéo dài đến 2 giờ sáng, lửa vừa dập tắt, các chiến sĩ lại lao vào trong cứu người sống. Cuộc tìm kiếm và di chuyển nạn nhân diễn ra thâu đêm. Nạn nhân xấu số tập trung chủ yếu ở tầng 4 và 5 lên đến hàng chục người, thi thể cháy đen và nằm chồng lên nhau.

14h12, hơn 50 xe chữa cháy với hàng trăm chiến sĩ PCCC đổ về ITC. Cuộc chiến kéo dài đến 2 giờ sáng, lửa vừa dập tắt, các chiến sĩ lại lao vào trong cứu người sống.

Thiếu tá Huỳnh Văn Tuấn, người trực tiếp điều khiển thang bộ vào bên trong vẫn không quên được cái ngày định mệnh ấy. Trưa, đang chuẩn bị đi tập nghiệp vụ, Tuấn nghe hồi chuông báo dài, “hơn 200 người có thể còn kẹt lại trong đám cháy, chúng ta phải hướng dẫn, giải cứu họ”. Tuấn lên đường.

Không áo chống cháy, chỉ khoác trên mình chiếc áo jean, áo vải bố dày, Tuấn cùng đồng đội xịt vòi rồng tìm hướng vào trong. Mỗi đường nước dội, bắn ngược trở lại nóng như nước sôi. Đeo bình dưỡng khí, Tuấn theo lối thang bộ hướng lên tầng trên, cứ thế mò mẫm trong bóng tối theo tiếng kêu cứu. Ánh đèn của lính cứu hỏa đã dẫn đường cho dòng người chạy ra ngoài theo cửa thoát hiểm.

“Lần đầu trong đời, tôi mới biết lửa có thể cháy lan nhanh như vậy. Bức tường bên hông khi tôi lên vẫn bình thường, nhưng chỉ trong chớp mắt nó bất ngờ đổi màu, ám khói và bùng cháy”, người lính PCCC nhớ lại.

Những chiến sĩ PCCC ra sức dập tắt đám cháy và giải cứu nạn nhân trong suốt ngày dài.

Họ đã đi ngược vào miệng lửa chỉ để giành giật lại sự sống nào đó của người dân.

Còn thiếu tá Huỳnh Văn Phón, người cứu nạn nhân cuối cùng từ nóc tòa nhà ITC hồi tưởng về giây phút tử thần: “Khi nghe người dân từ dưới hét toáng “Trên nóc nhà có người!”, tôi điều khiển thang kê sát vị trí nạn nhân, trèo lên và thấy một thanh niên còn khá trẻ ngồi đó, phần mông và hai chân bị bỏng nặng, da gần như tuột ra, vừa bò vừa kêu cứu.

Tôi tới ngọn thang, nạn nhân đã mừng quá muốn lao ngay vào tôi để thoát thân. Nhưng nếu làm vậy thì cả hai sẽ cùng chết nên tôi vội trấn an, hỏi: “Anh còn bình tĩnh không?”. “Em đau quá!” - nạn nhân trả lời. Lúc đó, không quần áo bảo hộ, không dây an toàn, chỉ hai bàn tay trần trèo thanh, tôi vừa kè vừa cõng anh ấy xuống, cảm giác da thịt, máu anh ấy nhễu vào mình.

Chuyển nạn nhân cho lực lượng cấp cứu tại chỗ xong, tôi quay lại chảo lửa để tiếp tục cứu thêm người, vì tin rằng vết bỏng và phần chân của nạn nhân ấy thì anh vẫn sống sót”.

DJ Khải Định là người cuối cùng sống sót trong vụ hoả hoạn ITC. 16 năm sau, anh gặp lại người chiến sĩ cứu mình, vẫn không quên cảm giác lửa buốt trên từng lớp da thịt.

ITC giờ đây đã được đập bỏ. Trên nền đất ấy nhiều công trình mới mọc lên, người ta cũng thôi nhắc nhớ về nó. Nhưng nỗi đau thì vẫn nhoi nhói vì vô vàn cái chết, nước mắt và lời cầu cứu tắt đi trong lửa.

“Lần đầu trong đời, tôi mới biết lửa có thể cháy lan nhanh như vậy. Bức tường bên hông khi tôi lên vẫn bình thường, nhưng chỉ trong chớp mắt nó bất ngờ đổi màu, ám khói và bùng cháy”, người lính PCCC nhớ lại.

Carina - Sự sống hồi sinh từ miệng lửa

0h ngày 23/3/2018, lửa bắt từ tầng hầm chung cư Carina (Q.8, TP. HCM) đã thiêu rụi mọi thứ. Không báo cháy, còi hú, hệ thống nước dập,… nhiều gia đình chết trong tuyệt vọng. Người ta tìm thấy họ trên đường tháo chạy, bên bậu cửa sổ cầu cứu, hoặc chấp nhận chết cùng nhau trong chính căn hộ từng sống.

13 người tử vong, 28 người bị thương, đêm Carina trở thành nỗi ám ảnh. Vì chỉ hôm trước, nhiều gia đình vẫn còn hạnh phúc thì nay đã có người con mất cha, người vợ mất chồng, người mẹ mất con,… Tất cả đều bị lửa nuốt chửng.

0h 23/3/2018, lửa bắt từ tầng hầm chung cư Carina (Q.8, TP.HCM) đã thiêu rụi mọi thứ.

13 người tử vong, 28 người bị thương, đêm Carina trở thành nỗi ám ảnh.

34 xe cứu hỏa, hơn 200 chiến sĩ PCCC có mặt ngay đêm nhanh chóng ra tay cứu hộ. Các chiến sĩ dùng thang leo lên các tầng cao nhất, tiếp cận hỗ trợ người dân thoát lên sân thượng rồi dùng xe thang cứu người. Hành lang mịt mù khói, nhiều người vẫn mò mẫm, gõ từng cánh cửa để chắc chắn không còn nạn nhân mắc kẹt. Có cư dân ngất xỉu, họ lại phải cõng trên lưng, leo thang bộ đưa xuống đất.

Hơn 5h chiến đấu, rạng sáng hôm sau lửa mới hoàn toàn dập tắt. Những chiến sĩ lại tiếp tục đưa xác nạn nhân ra ngoài. Từng lượt, từng lượt kéo theo tiếng khóc của vô vàn gia đình xấu số.

34 xe cứu hoả, hơn 200 chiến sĩ PCCC có mặt ngay đêm nhanh chóng ra tay cứu hộ. Hơn 5h chiến đấu, rạng sáng hôm sau lửa mới hoàn toàn dập tắt.

Nguyễn Hoàng Tuấn, một chiến sĩ trẻ đã xông vào chung cư Carina rực cháy đêm đó, kể lại: “Nhà mình cũng chỉ có 2 đứa con trai, mình và đứa em nữa. Mình vừa lo cho cậu nằm viện xong về đến đội thì thấy anh em đã đi hết. Hỏi ra thì biết là cháy lớn ở Carina, mình liền lấy xe máy chạy tới đó vào khoảng 1h30 sáng. Anh em vào trong hết rồi, ở ngoài không còn mặt nạ với cái bình nào nữa, mình chỉ còn áo quần chống cháy với mũ và ủng thôi. 

Lúc đó lửa dưới hầm vẫn cháy sáng lòa, tiếng nổ liên tiếp, khủng khiếp đến không thể hình dung được. Mình nghĩ lửa cháy lớn vậy sẽ đốt chảy thép, nung nóng bê tông, tòa nhà có nguy cơ sập xuống, anh em mình có thể hy sinh trong đó. Mình liền gọi điện cho mẹ, nói mẹ ơi con đang cứu cháy bên Q.8, cháy lớn lắm. Mẹ nói: “Con đi làm cẩn thận nghe con”. Mình nói “Dạ, con biết rồi” rồi tắt máy. Mình chỉ biết ôm cõng được ai ra thì ôm, hết sức mình, không còn nghĩ gì nữa hết.”

Những chiến sĩ PCCC đã cứu người trong một đêm dài và đầy ám ảnh.

Cùng tham gia cứu người, chiến sĩ Quang nhớ: “Trong số hơn 20 người cứu được, có người đã ngất xỉu, có một chị mang thai và cả một gia đình trẻ. Khi đưa họ lên tầng 14, tôi mệt nhoài, muốn ngất xỉu, rồi nằm dài dưới đất. Vài giây sau, tôi lại bật dậy, lao xuống cầu thang vì biết dưới kia còn nhiều người đang vùng vẫy đợi mình đến cứu.”

Còn thượng sĩ Lê Trường Sơn (Tiểu đội cứu nạn cứu hộ Đội PCCC Quận 8) đã có 3 năm hành nghề, tham gia rất nhiều lần cứu hộ hỏa hoạn, nhưng vẫn khó lòng quên thảm họa Carina. Đêm đó, sau khi đưa nạn nhân ở lầu 2 ra, anh lại đi thang bộ lên lầu 3 nhưng lúc mở cửa thoát hiểm thì cảm thấy có gì đó chèn ở cửa, anh cố đẩy ra thì chứng kiến cảnh 4-5 nạn nhân bị ngạt khói và đã chết. Hình ảnh đó khiến anh đau đến sững người.

Dù cứu hơn trăm người, nhưng chỉ cần 1 người chết thì cũng để lại tiếc nuối cho anh em. Anh nói: “Thiệt hại về tài sản không bao giờ bằng thiệt hại về người, khi vụ cháy xảy ra, chỉ cần 1 nạn nhân không thể cứu được, thì tâm trạng anh em sẽ rất tệ”.

Tất cả đều mệt nhoài sau nhiều giờ liền giải cứu người bị nạn.

Qua một đêm thức trắng chống chọi với lửa, chưa kịp lau vệt khói đen kịt trên mặt, họ lại đi ngược vào trong để tìm kiếm một cơ hội sống xót lại.

Những cái chết giờ đây trở thành ám ảnh đau thương. Nhưng, ngay cả trong giây phút ấy, câu chuyện đẹp về người anh hùng đi ngược vào miệng lửa dữ để giành giật sự sống vẫn được viết lên. Qua một đêm thức trắng chống chọi với lửa, chưa kịp lau vệt khói đen kịt trên mặt, họ lại đi ngược vào trong để tìm kiếm một cơ hội sống xót lại.

Họ - những chiến sĩ PCCC đã dành cả phần đời mình vì cuộc chiến đấu v giành sự sống cho người dân như vậy đấy.

Câu chuyện về những người hùng đi ngược vào biển lửa dữ để giành giật sự sống sẽ mãi mãi ghi tạc trong lòng mọi người dân. Giây phút sinh tử, tình người vẫn tiếp tục nở hoa trên đất chết.

Mỗi chúng ta, ai cũng cần trang bị kiến thức về phòng cháy chữa cháy để ít nhất có thể tự cứu mình nếu chẳng may gặp hỏa hoạn. Tập 6 chương trình Khi đàn ông mang bầu phát sóng ngày 21/6 vừa qua đã giới thiệu đến mọi người vả cả các nghệ sĩ tham gia chương trình nhiều kiến thức về phòng cháy chữa cháy bổ ích.

Để tìm hiểu thêm những câu chuyện ý nghĩa khác, hãy đón xem chương trình Khi đàn ông mang bầu phát sóng vào thứ 5 hàng tuần trên VTV3.

Chia sẻ

Bài viết

Lâm Hoàng

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất