Sắc màu Cuộc Sống

Chuyện tình đẹp của chàng thầy giáo ở làng gốm Bát Tràng với nữ giai nhân phố cổ Hà Nội

Định Nguyễn
Chia sẻ

Trải qua hơn nửa thế kỷ chung sống cùng nhau dưới mái nhà, vợ chồng ông Lê Hồng Đức ở làng cổ Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) khiến nhiều người ngưỡng mộ. Ông bà luôn dành thời gian quan tâm nhau, vui vầy bên con cháu.

Chuyện tình thầy giáo với con chủ tiệm gara ô tô

Căn biệt thự cổ thời Pháp của vợ chồng ông Lê Hồng Đức (SN 1940) và bà Nguyễn Thị Lâm (SN 1946) ở làng gốm Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội đang sinh sống đến nay đã trải qua hơn 120 năm tuổi. Nơi đây chứng kiến bao thăng trầm lịch sử, sự phát triển của làng gốm cổ nức tiếng Hà thành.

Ngôi nhà cũng là nơi gắn bó với ông Đức từ khi sinh ra cho tới tận khi ông lập gia đình rồi giờ đây già cả vui vầy bên con cháu. Nó cũng minh chứng cho một tình yêu đẹp giữa chàng thầy giáo xưa với nữ giai nhân xinh đẹp phố cổ Hà Nội một thời bấy giờ. Hơn nửa thế kỷ bên nhau, tình cảm của vợ chồng ông Đức vẫn khiến nhiều người ngưỡng mộ.

Bao năm qua vợ chồng ông Đức vẫn luôn yêu thương, chăm sóc lẫn nhau.

Dù tuổi cao nhưng ông Đức trông vẫn khoẻ khoắn, giọng nói sang sảng, rành mạch. Ngồi bên vợ, ông Đức kể, vốn sinh ra ở làng nghề gốm Bát Tràng. Gia đình thuộc diện giàu có nức tiếng ở địa phương những năm đầu thế kỷ 20.

Trưởng thành, ông Đức đi học và gắn bó với nghề giáo viên dạy thể dục cấp 1, cấp 2. Khi đó ông Đức trông thư sinh, khôi ngô tuấn tú. Ông khá thân thiết với một nam đồng nghiệp. Nhà người này ở phố cổ Hà Nội. Đây cũng chính là mối nhân duyên đưa ông đến với vợ sau này.

Bà Lâm có tiếng là người xinh đẹp ở phố cổ Hàng Than thời bấy giờ.

Bố người đồng nghiệp là chủ của gara ô tô Mỹ Hào, sở hữu 14 chiếc ô tô và 5 căn nhà mặt phố. Ông bà chủ gara ô tô sinh được 9 người con, 7 con gái và 2 con trai. Trong số các em của bạn, ông Đức đặc biệt chú ý đến cô em gái tên Lâm - người con gái thứ 3 trong gia đình.

Bà Lâm khi đó rất xinh đẹp, hiền thục khiến ông Đức mỗi lần ghé tới đều không rời mắt. Cứ thế tần suất lấy cớ sang nhà đồng nghiệp chơi ngày một nhiều hơn. 

Ngồi cạnh chồng, bà Lâm đáp, gia đình vốn giàu có ở phố cổ Hàng Than. Nhà có 7 người con gái, ai cũng được cha mẹ dạy dỗ nghiêm khắc nhưng rất cưng chiều.

“Ngoài giờ đi học, đi làm thì phải ở nhà. Khách đến chơi, ra chào hỏi rồi lui xuống nhà sau. Suốt một thời gian dài, tôi không hay biết ông ấy tìm hiểu mình. Tôi nghĩ rằng ông ấy đến chơi với anh trai. Sau tôi nhận được lá thư tay mới biết ông ấy có tình cảm với mình”, bà nhớ lại. 

Những bức ảnh gia đình được vợ chồng bà Lâm gìn giữ.

Cứ như thế thời gian thấm thoát thoi đưa rồi ông bà yêu nhau qua những bức thư tay. Bà cũng nhận ra chàng thầy giáo ấy thật lòng yêu mình và là người đức độ, khiêm nhường.

Thời điểm năm 1966, ông Đức dạy học bên Đông Anh, gia đình bà Lâm chuyển từ phố cổ Hàng Than về Gia Lâm sống. Bà Lâm lúc đó đang làm công nhân ở Xí nghiệp ô tô số 6 Lò Đúc. Giặc Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc, xí nghiệp bà Lâm sơ tán về Hòa Bình.

Mỗi lần về thăm nhà, lúc quay lại nơi sơ tán, bố bà Lâm phải chở con gái sang Lò Đúc. Ở đó có xe ô tô của xí nghiệp đưa lên Hòa Bình. Trong một lần bà về chơi, ông Đức cũng từ Đông Anh ghé qua nhà thăm gia đình bà rồi nghỉ lại nhà.

Ở tuổi 80 nhưng ông Đức trông rất khoẻ mạnh, tinh anh.

“Tối hôm đó, ông Đức nhờ người nhắn sẽ đưa tôi sang xí nghiệp. Sáng hôm sau, trời còn tờ mờ sáng, tôi bật dậy vì tưởng đã đến giờ đi sang xí nghiệp. Tôi vội vã chuẩn bị, khẽ ra với hiệu ông Đức đang ngủ ở buồng phía trong với anh. Ra đến đường, trời tối om, hỏi thăm người đi chợ sớm, cả hai mới biết lúc đó là 2 giờ sáng. 

Đến cầu Chương Dương, xe hỏng, cả hai xuống dắt xe qua cầu. Ông ấy đi phía trước, tôi lẽo đẽo theo sau, cách nhau một chiếc xe đạp. Ngay cả những lúc có cơ hội như vậy, ông Đức chưa một lần dám cầm tay bạn gái. Qua lần đó, tôi càng tin tưởng con người ông ấy hơn", bà Lâm mỉm cười kể.

Bà Lâm thừa nhận, điều quyết định để bà gửi gắm cuộc đời cho ông Đức là lần bà bị cảm. Ông Đức không quản đường xá xa xôi, đạp xe vượt mấy chục cây số từ Hà Nội lên Hòa Bình mang cho bà chục trứng gà tẩm bổ rồi tất tả quay về trường dạy.

Đám cưới đáng nhớ không một bông hoa, không cỗ bàn...

Yêu nhau vài năm, đến năm 1968 hai ông bà nên duyên vợ chồng. Thời điểm đó, Mỹ bắn phá dữ dội miền Bắc. Giống các cặp đôi đương thời, vợ chồng bà chọn đúng ngày lễ Giáng sinh tổ chức. Vì ngày này người Mỹ ngừng bắn… Đám cưới diễn ra trong bối cảnh không có một bông hoa, không ca hát, không cỗ bàn. Hội trường đám cưới mượn của xí nghiệp vợ đang công tác. Cả đám cưới chỉ có 1kg bánh gia công, 1kg kẹo trứng chim, 5 bao thuốc lá.

Bức ảnh vợ chồng ông Đức bên con cháu.

Hôn lễ đang diễn ra thì gặp sự cố, cả khu vực mất điện, chìm trong bóng tối. Ai nấy đều bất ngờ. Không còn cách nào khác, mọi người hò nhau lấy lốp ô tô cũ hỏng, cắt ra từng mảnh nhỏ rồi đốt. Lốp cháy khét lẹt, khói bốc mù mịt nhưng cuối cùng cũng xong đám cưới. Đó cũng là kỷ niệm cưới đáng nhớ trong cuộc đời vợ chồng ông Đức.

Sau đám cưới, vợ chồng ông Đức ai về cơ quan người đó. Khu vực nhà ông Đức ở Bát Tràng lúc này đang được phong tỏa vì giặc Mỹ ném bom. Nhà bà Lâm lại chật chội.

Rời bỏ cuộc sống của cô gái thị thành, bà Lâm về làm dâu gia đình mang đậm dấu ấn phong kiến. Ông Đức vẫn dạy học ở Đông Anh, bà thuê phòng trên phố, cần mẫn với công việc ở xí nghiệp. Cả tuần hai vợ chồng chỉ kịp đoàn tụ vào chủ nhật.

Bà Lâm chưa một ngày hối hận vì đã chọn được người chồng tốt.

Năm 1969, bà Lâm sinh con trai đầu lòng, năm 1971 sinh con thứ hai, vợ chồng bà quay về biệt thự ở Bát Tràng sống. Hồi đó căn biệt thự bị mất mát nhiều tài sản. Thứ còn lại duy nhất đó là chiếc phản gỗ cùng bộ bàn ghế. Còn lại giấy tờ sổ sách của gia đình mất hết. 

“Năm đó nước lụt dâng cao hết tầng một của căn nhà. Tôi vẫn nhớ chiếc phản gỗ bằng gỗ gụ dù rất nặng nhưng nước dâng tới đâu là nổi tới đó. Ông xã đón tôi từ viện về, phải chèo xuồng vào. Hàng ngày ông ấy bơi ra chợ, mua đồ ăn về nấu nướng cho vợ ở cữ", bà Lâm nhớ lại.

Năm 1975, bà Lâm sinh người con thứ 3. Sau bà xin nghỉ làm ở Xí nghiệp ô tô số 6 Lò Đúc rồi về làm tại xí nghiệp gốm Bát Tràng và gắn bó với nghề nấu các món ăn cổ.  

Bà cũng tự tay làm nhiều món ăn ngon cổ xưa thết đãi khách.

Lần lượt ba người con ra đời như nhân lên niềm hạnh phúc cho cuộc sống lứa đôi của hai vợ chồng. Sau này, cả ba người con của ông bà đều tốt nghiệp đại học nhưng quyết định quay về quê lập nghiệp, phát triển nghề gốm gia truyền.

Bao năm qua bà Lâm vẫn luôn dành thời gian chăm chút gia đình, con cháu. Bà cũng thường xuyên nấu những món ăn cổ xưa mang đậm tinh tuý ở Hà Nội. Bà cẩn thận nấu từng món ăn để giữ hồn từng món ăn Việt cổ. Mỗi khi có khách đặt ăn, bà lại dậy sớm, đi chợ quê, tự tay lựa chọn nguyên liệu tươi ngon nhấtđể chế biến khiến người thưởng thức nhớ mãi.

Bà cười bảo, sống đến tuổi này chưa phải nuối tiếc điều gì. Bao năm qua vợ chồng bà vẫn mãi son sắt bên nhau cùng lo cho con cái nên người. Đó là điều mà vợ chồng bà luôn trân trọng đó là sự quan tâm lẫn nhau, dù trong hoàn cảnh, khó khăn nào cũng sẽ vượt qua. 

Chia sẻ

Bài viết

Định Nguyễn

Tin mới nhất