Sắc màu Cuộc Sống

Chuyện tình chồng đẹp trai lấy vợ khiếm thị: 'Anh muốn là đôi mắt để đưa dẫn bước đường em đi'

Định Nguyễn
Chia sẻ

"Anh muốn là đôi mắt để đưa dẫn bước đường em đi, có cơ hội chăm sóc em, là đôi tay, đôi chân cho em suốt cuộc đời này. Hãy tin tưởng anh...", đó là những lời chân thành của anh Tuyến dành cho người vợ khiếm thị của mình.

Chuyện tình 19 năm chồng đẹp trai, vợ khiếm thị 

Sáng sớm chị Lê Kim Dung (36 tuổi) ở ngõ 396 Trương Định, quận Hoàng Mai, Hà Nội dậy mò mẫm chuẩn bị bữa sáng cho hai con nhỏ trước khi đến trường. 

Chị bước nhanh thoăn thoát tiến đến vị trí bếp lau dọn, làm đồ ăn. Nếu nhìn lần đầu ít ai nghĩ rằng chị bị khiếm thị gần như không thể nhìn thấy gì. Thế nhưng, chị có một giác quan vô cùng đặc biệt đó là sự cảm nhận mọi việc qua phản xạ của bản thân.

Hình ảnh gia đình hạnh phúc của chị Dung, anh Tuyến.

Nhiều người ở ngõ 396 Trương Định dành sự ngưỡng mộ đối với tình yêu của anh Phạm Văn Tuyến (SN 1980) dành cho người vợ khiếm thị. 

Hiện vợ chồng chị Dung đang là chủ một trung tâm tẩm quất người mù. Hàng ngày chị Dung đảm nhận việc chuyên môn, anh Tuyến đón khách, chăm sóc vợ, các nhân viên cũng là người khiếm thị và đưa đón hai con đến trường.

Trong câu chuyện với chúng tôi, chị Dung kể, từ khi yêu rồi lấy nhau chồng luôn là người ân cần, chia sẻ khiến chị luôn vui vẻ, cảm thấy được yêu. "Tôi gặp chồng mình cách đây 19 năm, khi mắt vẫn còn có thể thấy được chút ít. Hồi đó, tôi vẫn còn nhìn thấy được anh. Đôi mắt anh lúc nào cũng trìu mến cùng nụ cười mỉm hiền lành", chị Dung kể.

Cả hai vợ chồng chị Dung đã trải qua những năm tháng khó khăn nhưng luôn yêu thương, chăm sóc nhau.

Theo chị Dung, khi anh họ đóng quân tại Sơn Tây, mỗi dịp cuối tuần chị hay vào doanh trại quân đội thăm anh. Qua đó quen anh Phạm Văn Tuyến, người huyện Thanh Oai ở cùng đơn vị. Những câu chuyện giữa hai người đã giúp anh Tuyến biết hoàn cảnh của Dung. 

Biến chứng của trận sởi năm 2 tuổi làm hỏng đôi mắt cô bé. Sau này, dù được thay giác mạc tại Bệnh viện mắt Trung ương song thị lực chỉ còn 4/10. Đến năm 17 tuổi, mắt cô mờ dần.

Chị Dung vui vẻ kể lại chuyện tình của mình.

"Vô tư, dễ thương" là nhận xét của anh Tuyến dành cho chị Dung sau lần gặp đầu tiên. Nhưng tất cả chỉ có vậy khi họ nghĩ rằng, mối quan hệ ấy chỉ dừng lại ở mức bạn bè.

Nhưng rồi, anh Tuyến nói rằng, những lần tiếp xúc, nói chuyện, hình ảnh chị Dung xuất hiện trong tâm trí anh nhiều hơn. Về phía chị Dung, mang nhiều mặc cảm là người khuyết tật, chị không dám mơ ước quá nhiều về tương lai.

Hết thời gian nghĩa vụ, anh Tuyến đi xuất khẩu lao động. Còn chị Dung vào trường Nguyễn Đình Chiểu học chữ nổi. Chị hoàn thành chương trình THPT, song song học nghề xoa bóp bấm huyệt. 

Theo chị, quãng thời gian hai người xa cách, việc liên lạc thường xuyên thực hiện qua những cánh thư tay, nhắn tin trên điện thoại. Chị cảm mến với anh từ lúc nào không hay. 

Thời điểm ban đầu khi mới yêu anh chị đã gặp không ít cản trở từ gia đình.

Xác định bản thân có tình cảm thật lòng với chị Dung, anh Tuyến đã tỏ tình từ phương xa. Dù vậy, chị không nhận lời vì cho rằng tình yêu của anh chàng đẹp trai, mắt sáng với một cô gái mù sẽ không bền. Chị mặc cảm với bản thân khi đôi mắt không lành lặn sẽ làm khổ người khác...

Đến lần tỏ tình thứ ba chị vẫn không dám đồng ý. Ở nơi xa anh Tuyến quyết không bỏ cuộc. Hằng ngày sau những giờ đi làm anh dành thời gian quan tâm nhắn tin, gọi điện cho bạn gái nhiều hơn. Anh thổ lộ những lời yêu "Anh muốn là đôi mắt để đưa dẫn bước đường em đi, có cơ hội chăm sóc em, là đôi tay, đôi chân cho em suốt cuộc đời này. Hãy tin tưởng anh...".

Những lời nói chân thành ấy đã chiếm được trái tim chị Dung. Thế rồi chuyện tình của đôi trẻ gặp phải phản ứng không ít từ gia đình. Phía nhà chị Dung cũng lo sợ khi chị mù yêu người lành lặn liệu có "bền lâu". Gia đình bên anh cũng phản đối kịch liệt khi một người đàn ông khỏe mạnh đem lòng yêu thương và kiên quyết chăm sóc cho một cô gái khiếm thị.

“Có thời điểm quá mệt mỏi, chúng tôi đã dừng lại 1 năm. Dung mặc cảm về bản thân. Tôi thì thấy hoàn cảnh mình cũng vất vả. Sợ mình không đủ dũng cảm để mang lại hạnh phúc cho cô ấy. Nhưng rồi 1 năm sau đó, chúng tôi cảm thấy vẫn không thể thiếu nhau. Chúng tôi đã quay lại và hứa sẽ không bao giờ chia xa”, anh Tuyến kể.

Gia đình không đồng ý, anh Tuyến vẫn kiên quyết bảo vệ tình yêu của mình. “Có những lúc vô cùng căng thẳng, gia đình buộc tôi phải lựa chọn. Nhưng cuối cùng, mưa dầm thấm lâu, tôi kiên trì giải thích và thuyết phục bố mẹ. Năm 2008, vợ chồng tôi kết hôn”, anh xúc động kể.

Thích đánh phấn và tô son cho vợ

Cũng cuối năm đó, họ hạnh phúc đón con trai đầu lòng. Anh đảm đương công việc nhà, chăm sóc con. Anh dường như là đôi tay, đôi chân và cả là đôi mắt của vợ.

Anh Tuyến học nghề lái xe taxi và chuyển vào trung tâm Hà Nội để làm nghề này. Công việc của anh có hôm kết thúc lúc 2-3h sáng vì không muốn vợ con phải khổ. 

Mỗi khi ra đường anh Tuyến luôn trang điểm, tô son cho vợ thật xinh đẹp.

Thời điểm chị Dung sinh con, anh tạm nghỉ ở nhà chăm sóc vợ con. Từ tắm rửa, giặt giũ, thay tả cho con... anh đều tự tay làm hết. Chị Dung bị mù nên việc chăm sóc gặp nhiều khó khăn.

"Anh chẳng bao giờ lớn tiếng với vợ con. Anh giúp vợ chăm con được vài tháng cứng cáp thì tôi tự chăm sóc con được để anh đi làm. Hằng ngày nấu bột, giặt giũ lo cơm nước cho chồng con dù mắt không thấy rõ nhưng tôi vẫn làm được", chị Dung nói.

Cuộc sống gia đình không khá giả gì nhưng chưa lúc nào thiếu niềm vui. Chẳng có ngày lễ nào anh Tuyến quên mua hoa, mua quà, chúc mừng vợ. Thương vợ không được đi đây đó nên cứ lúc nào rảnh anh lại đèo vợ con đi ăn sáng, uống cà phê. 

Mỗi lúc ra ngoài, anh sẽ lựa quần áo, đánh phấn và tô son thật đẹp cho vợ. "Hồi đầu tôi hay ra quán cắt tóc gội đầu nhờ họ trang điểm. Sau vài lần nhìn quen, tự anh ấy bảo để anh ấy làm cho. Quần áo tôi mặc đều là anh dẫn đi rồi lựa chọn", chị Dung chia sẻ.

Năm 2011, chị Dung sinh thêm một người con gái. Người thân hai bên đều bận rộn không thể phụ giúp, anh Tuyến đành nghỉ việc ở nhà chăm vợ con. Lúc này, muốn cả gia đình được gần nhau, anh Tuyến động viên vợ mở một trung tâm xoa bóp bấm huyệt tại nhà.

Mặc dù không nhìn thấy được nhưng chị luôn thích vào mạng xã hội nghe bạn bè bình luận, chia sẻ.

Năm 2012, chị Dung mua lại một cửa hàng do người khác sang nhượng tại phố Trương Định, Hà Nội. Hai anh chị thành lập Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ Kim Dung để thực hiện vật lý trị liệu hay còn gọi là tẩm quất cổ truyền cho những người bị đau đầu, đau lưng, đau vai cổ gáy, thoát vị đĩa đệm, các bệnh về cơ, xương, khớp…

Giai đoạn đầu mỗi ngày trung tâm chỉ có vài khách, đến nay đã có trung bình 30 -40 khách. Nhờ đó, chị Dung tạo thêm được công ăn việc làm cho 4 người khiếm thị khác. 

Mấy năm nay, chị ấp ủ ý tưởng mở rộng cơ sở để đào tạo miễn phí và tạo thêm việc làm cho những người cùng cảnh ngộ, nhưng vốn hai vợ chồng có hạn nên chưa thể làm.

Hàng ngày, anh Tuyến sẽ nấu ăn cho cả nhà. Song những hôm anh đi vắng, chị vẫn tự nấu được mâm tươm tất gồm hai món mặn, một món rau. Chị Dung khoe, mọi món chị đều nấu được, trừ những món rán sẽ không căn chuẩn được độ vàng. 

"Mặc dù không nhìn thấy gì nhưng vợ tôi có một giác quan khác, vẫn nấu nướng, giặt giũ, chăm con như người bình thường. Nhiều lúc cô ấy đi cầu thang nhanh đến nỗi tôi đuổi không kịp. Thậm chí vợ còn tự đi chợ mua đồ ăn được", anh Tuyến cười nói.

Hiện tại, hai con Tuấn Kiệt (12 tuổi) và Trà My (9 tuổi) được anh chị dạy cách đối xử dịu dàng, tình cảm với mọi người xung quanh. 

Mỗi lần bố có việc về quê, hai đứa phân công nhau lau dọn nhà, rửa bát đũa chứ không cho mẹ làm. Chúng cũng quan tâm chăm sóc các cô chú như cách bố vẫn làm.

Chị bảo cuộc sống có lúc gặp không ít khó khăn nhưng chồng vẫn luôn bên cạnh động viên. Anh bảo "Cuộc sống không có gì là hoàn hảo cả, chúng mình cùng cố gắng em nhé". Nghe những câu nói đó chị Dung như được tiếp thêm sức mạnh để vượt qua những thử thách gian truân phía trước.

Ngoài ra, những lúc rảnh rỗi chị Dung còn vào được cả mạng xã hội, facebook... bằng phần mềm nghe được. Ở đây chị kết bạn, lắng nghe bình luận, chia sẻ của người thân, bạn bè.

Chị cho hay, tương lai nếu có điều kiện sẽ mở rộng trung tâm xoa bóp, bấm huyệt của mình để tạo công ăn, việc làm cho những hoàn cảnh kém may mắn khác có công ăn việc làm ổn định.

Chia sẻ

Bài viết

Định Nguyễn

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất