Sắc màu Cuộc Sống

Chuyện kể về 6 năm đất nước không có kỳ thi đại học

Theo Zing
Chia sẻ

Tốt nghiệp năm 1968, thầy Nguyễn Xuân Khang không phải trải qua kỳ thi đại học. Chiến tranh, bom đạn ác liệt, nhiều bạn của thầy mất trước khi ra trường.

Thầy Nguyễn Xuân Khang - người sáng lập trường Marie Curie, Hà Nội - kể từ năm 1965 đến 1970, vì chiến tranh khốc liệt, chỉ còn kỳ thi tốt nghiệp phổ thông. Thí sinh được chọn vào đại học, cao đẳng bằng hình thức xét tuyển hồ sơ.

Chứng kiến thế hệ 10X vừa thi xong THPT quốc gia 2018, thầy hiệu trưởng được học sinh gọi là “ông nội” lại nhớ về những kỷ niệm thời cấp ba nghèo khó, chỉ có một hào trong người, đi bộ gần 200 km.

Cả nước không thi đại học vì chiến tranh ác liệt

- Thưa thầy Nguyễn Xuân Khang, kỳ thi THPT quốc gia năm nay vừa kết thúc. 50 năm trước, thầy bước vào kỳ thi đại học như thế nào?

- Tôi tốt nghiệp cấp ba tại Nghệ An khóa 1965-1968, sau khi hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông 10 năm.

Chúng tôi không phải trải qua bất cứ kỳ thi gắt gao nào để vào đại học. Chỉ có một kỳ thi nhẹ nhàng, đơn giản để tốt nghiệp. Kỳ thi tốt nghiệp diễn ra giữa lúc đế quốc Mỹ ném bom miền Bắc, cuộc chiến tranh phá hoại ngày càng khốc liệt.

Lớp học nửa chìm, nửa nổi trên mặt đất. Dựa vào hoàn cảnh từng vùng, kỳ thi tốt nghiệp có thể diễn ra dưới hầm hoặc trong lớp học.

Thầy Nguyễn Xuân Khang kể về những năm tháng học và thi trong chiến tranh. Ảnh: Quỳnh Trang.

Thầy Nguyễn Xuân Khang kể về những năm tháng học và thi trong chiến tranh. Ảnh: Quỳnh Trang.

Thời đó, học sinh phải đội mũ rơm, ban đêm học bài nhờ ánh sáng le lói của chiếc “đèn phòng không”. Đó là chiếc đèn dầu nhỏ đặt trong hộp gỗ khoét một lỗ vừa đủ cho ánh sáng hắt vào trang sách.

Đến tháng 7/1964, có hai kỳ thi là tốt nghiệp phổ thông vào tháng 6 và thi tuyển vào cao đẳng, đại học tháng 7. Ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc. Từ năm 1965-1970, vì chiến tranh khốc liệt, chỉ còn kỳ thi tốt nghiệp phổ thông. Học sinh được tuyển vào đại học, cao đẳng bằng hình thức xét tuyển hồ sơ.

Từ năm 1971, hai kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng lại được tổ chức.

Trước năm hoãn thi đại học, việc thi cử, đi lại rất khó khăn. Thí sinh từ các tỉnh ra thành phố lớn thi, chủ yếu đi bộ, thậm chí hàng trăm km, ở nhờ người dân, tự nấu ăn trong những ngày thi cử.

- Học sinh bây giờ đi thi được cha mẹ đưa đón và chăm sóc tận tình, cạnh tranh gắt gao để vào đại học. Lứa thanh niên thời ấy thì sao, thưa thầy?

- Thời của tôi cũng là thời của các cô gái Ngã ba Đồng Lộc. Tôi cũng là người tiễn đưa thế hệ chị Đặng Thùy Trâm, anh Nguyễn Văn Thạc ra chiến trường.

Tôi học phổ thông lớp Năng khiếu Toán đầu tiên của tỉnh Nghệ An. Lớp có 37 người, hội tụ học sinh giỏi khắp nơi trong tỉnh.

Phần lớn bạn bè đi học ở nước ngoài, tôi thuộc số ít ở lại vì sức khỏe không đảm bảo, một mắt hỏng, một mắt cận nặng.
Trước khi chúng tốt nghiệp phổ thông, máy bay Mỹ ném bom vào nơi sơ tán của trường làm hơn 10 bạn mất. Thầy trò bới xác người xấu số bị bom vùi lấp, lo hậu sự. Đau thương vô cùng.

Đêm khuya chấm điểm, thầy Vương Nải Hoa, dạy Vật lý, gặp bài của cô học trò Hà Thị Thanh vừa mất buổi chiều, nghẹn ngào không thể tiếp tục. Sáng hôm sau đến lớp, thầy nói: “Xin lỗi các em, hôm nay thầy không dạy được, thầy muốn các em học hát cùng thầy”.

Thầy và trò cùng nức nở: “Hà Thị Thanh ơi, em mất rồi, em còn đâu nữa. Năm tháng qua đời em như đoá hoa tươi, trong nắng ban mai ríu rít cùng ngàn muôn hoa lá…”.

Để nói về những năm tháng khó khăn ngày ấy, tôi kể lại câu chuyện “một hào”. Mỗi tháng, tôi được bố mẹ trợ cấp số tiền ít ỏi. Có lần hết tiền, chờ mãi không thấy mẹ gửi, tôi đi bộ 80 km đường đồi núi để tránh máy bay ném bom, từ thành phố Vinh về miền Tây Nghệ An, nơi sơ tán của gia đình để xin tiền.

Lúc đi, tôi chỉ có một hào, tương đương vài nghìn đồng bây giờ, mua được gói xôi nhỏ hoặc vài ba củ khoai. Về đến nơi sơ tán của mẹ, tôi mới biết bà đã đạp xe đến trường để gửi tiền cho con. Tôi liền quay trở lại. Cả đi và về 160 km, tôi không tiêu hết một hào. Bạn bè đùa vui đặt cho biệt danh “tướng một hào”.

Lớp học của thầy Khang ngày ấy và thế hệ Merie Curie bây giờ trước ngày chia tay mái trường. Ảnh: Quỳnh Trang, Việt Hùng.

- Tốt nghiệp phổ thông, vào đại học năm 1968 khi đất nước chưa giải phóng, chiến tranh còn ác liệt, thời sinh viên của thầy diễn ra như thế nào?

- Tôi trở thành sinh viên năm thứ nhất khoa Vật lý, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Trường sơ tán ở huyện Đại Từ, tỉnh Bắc Thái (bây giờ là Thái Nguyên).

Năm ấy, khoa của tôi có 275 sinh viên, chia thành 3 lớp, mỗi lớp có khoảng 7 tổ, mỗi tổ 12 người. Sinh viên trở thành thợ mộc vì phải vào rừng chặt cây về dựng lớp học, nhà ở, bếp. Từng cá nhân tự làm giường và bàn học cho mình.

Nhà trường cung cấp lương thực, thực phẩm và tiền cho lớp tự tổ chức nấu ăn. Lớp chọn người đảm đang làm quản lý bếp ăn, chọn người cẩn thận làm thủ kho, luân phiên nhau đi chợ và nấu nướng.

Các món ăn thường là cơm, ngô, bánh mỳ, canh rau cải, rau dền, rau muống. Thịt lợn, thịt bò, thịt gà, cá… là thứ xa xỉ chỉ xuất hiện trong giấc mơ đêm.

Năm 1970, Đại học Tổng hợp trở về Hà Nội. Sinh viên được hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước mỗi tháng 10 đồng và 13,5 kg gạo với giá mậu dịch. Một bát phở lúc đó giá 3 hào, 10 đồng có thể mua 33 bát phở. Sinh viên lúc nào cũng đói bụng, thèm ăn, thi ai ăn khỏe nhất. Người chiến thắng đã ăn hết 5 bát ngô bung.

Ăn nhiều nhưng ít chất, sinh viên bấy giờ gầy, da mặt vàng vọt. Nhưng cuộc sống tinh thần rất thú vị, biết chăm sóc và nhường nhịn nhau.

Đêm khuya, học bài xong, chúng tôi thường trèo lên nóc hầm, hát Trường Sơn đông, Trường Sơn tây, Tiếng đàn Ta Lư, Bác đang cùng chúng cháu hành quân…

- Hình ảnh nào khiến thầy nhớ nhất về sinh viên ngày ấy?

- Năm thứ nhất khoa Vật lý của tôi có 275 sinh viên. Trong ba năm 1970-1972, các bạn lần lượt ra chiến trường, người cầm súng, người làm phóng viên hay giáo viên vùng giải phóng. Những dãy nhà trong trường trước có hàng trăm sinh viên giờ vắng lặng, lòng tôi chùng xuống.

Khóa 1968-1972, lúc vào trường là 275 người, đến khi tốt nghiệp còn 72. Khi đất nước thống nhất, hòa bình lập lại, các bạn từ chiến trường trở về tiếp tục học thêm vài năm rồi tốt nghiệp.

Người thầy chỉ có một bộ quần áo lành lặn đi dạy
- Hòa bình lập lại, suốt nhiều năm, thầy vẫn giữ nguyên bằng cử nhân sau khi tốt nghiệp đại học, không thăng tiến về học hàm, học vị?

- Tốt nghiệp đại học, tôi được giữ lại trường dạy Vật lý khối phổ thông chuyên Toán Đại học Tổng hợp - nơi có rất nhiều học sinh đoạt giải Olympic Toán quốc tế, những thế hệ đầu như Hoàng Lê Minh, Đàm Thanh Sơn, Ngô Bảo Châu… Đời sống bấy giờ còn nhiều khó khăn nhưng có nhiều lớp có 25 học sinh, 24 em đủ tiêu chuẩn nhận học bổng du học.

Phòng làm việc của thầy Khang không có huy chương, chỉ có những tấm thiệp học sinh viết tặng. Ảnh: Quỳnh Trang.

Là thầy giáo nghèo trong trường đại học, tôi chỉ có một bộ quần áo lành lặn để đi dạy. Học trò thắc mắc sao không thay, tôi nói vui: “Các em nhầm, thầy có cả 5 bộ giống nhau thế này”.

Đám học trò tinh khôn đã đánh dấu bằng bút bi sau lưng áo của thầy. Những ngày sau, thầy vẫn mặc bộ đó. Học trò khẳng định: “Thầy đừng nói dối chúng em nữa. Thầy chỉ có một bộ quần áo”. Học trò nghèo, thầy cũng nghèo, nhưng sự quan tâm của các em khiến tôi cảm động.

Tôi không có gì ngoài học vị cử nhân cách đây hàng chục năm, học hàm không, danh hiệu không, giải thưởng không. Tôi chỉ là nhà giáo.

- Một tay xây dựng thương hiệu Marie Curie, trường tư thục có uy tín của thủ đô, cảm xúc của thầy thế nào khi nhìn những học sinh của thế hệ hiện tại so với quá khứ?

- Mỗi khi đứng ở góc sân trường, ngắm học trò vui chơi thoả thích, lòng tôi rộn lên cảm giác sung sướng, hạnh phúc vô cùng. Thế hệ chúng tôi đã hy sinh cũng chỉ mong con cháu được như hôm nay.

Thầy Khang - người đứng đầu trường Merie Curie - thường được học sinh gọi là “ông nội”. Ảnh: Quỳnh Trang.

Học trò bây giờ có cuộc sống đầy đủ, sung sướng. Ngày chia tay, các con ôm nhau khóc. Tôi dặn các con hãy giữ cuốn lưu bút mà chúng ta đã dày công làm nên, để nhớ mãi những hình ảnh đẹp đẽ về bạn bè, mái trường.

Năm 12 tuổi, tôi là cậu bé bán kem, mỗi chiếc bán 5 xu thì được lãi nửa xu. Bây giờ, sau 50 năm, khi học sinh ra trường, tôi thường tặng các con hàng trăm que kem. Tôi khuyên các con sống tử tế, làm việc hết mình, rồi sẽ thành công.

Thế hệ 10X của các em bây giờ có nhiều thay đổi không phải so với thế hệ 4X, mà ngay với 8X và 9X.

Xã hội phát triển, học sinh có nhiều cơ hội học hành. Bạn trẻ được lựa chọn nhiều nghề nghiệp phù hợp bản thân. Đại học không còn là con đường duy nhất. Tôi mừng vì điều đó.

Chia sẻ

Bài viết

Theo Zing

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất