Sắc màu Cuộc Sống

Chuyện 'gã' bán rau và cái tình hào sảng, sẵn sàng phát rau miễn phí cho bà con nghèo

Khải Anh
Chia sẻ

'Gã' có ngoại hình khá gai góc, xăm trổ, nói chuyện rổn rảng cùng những tấm biển hiệu 'chất chơi'… Nhưng ít ai biết được rằng sâu thẳm trong người đàn ông này là tấm lòng nhân hậu, cái tình hào sảng, sẵn sàng phát rau miễn phí cho bà con nghèo.

Nhiều năm nay, người dân khu vực  tại ngã tư Bồn Nước, khu công nghiệp Biên Hòa (Đồng Nai) đã quen thuộc với hình ảnh anh bán rau ngồi ở góc đường. Ngoại hình “gai góc” là thế, nhưng những ai lui tới quầy rau này đều cảm nhận được cái tính rổn rảng, hào sảng… của anh. Cứ vài buổi chiều trong tuần, những công nhân, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn lại đến quầy anh mang rau miễn phí về nhà. 

Từng là một “dân chơi” có tiếng, anh quay về mái ấm gia đình và thực hiện những mong ước từ thời sinh viên của mình: có một nơi miễn phí cho người nghèo. Vậy là những câu chuyện “cổ tích” giữa đời thường đã được dệt nên từ đó. 

Bao nhiêu điều cho và nhận tại quầy rau này đã khiến người ta tin tưởng vào điều tử tế trong cuộc sống. Đó là câu chuyện của anh bán rau Phạm Hồng Minh, 37 tuổi, ngụ tại Biên Hoà (Đồng Nai).

 Cái tình hào sảng

Một ngày của anh Minh bắt đầu vào lúc 3 giờ sáng, khi mặt trời còn chưa ló dạng. Đến chợ đầu mối, anh thoăn thoắt lựa những búp cải mơn mởn, bó rau muống xanh um, rau dền còn mướt sương sớm… Chở về nhà, anh bắt đầu lao vào những công việc thường nhật. 

2 giờ chiều, anh dọn quầy rau ra, nhiều công nhân khu công nghiệp ghé lựa. Có khách quen hồ hởi cười chào, anh tiếp chuyện họ, tay nhanh nhảu nhét thêm mớ hành, ngò cho mỗi lượt khách đi. 

Anh gắn bó với nghề rau này đã được 11 năm. Nó giúp anh lo lắng cho cuộc sống của vợ và ba đứa con nhỏ, tuy thu nhập không cao nhưng lại khá ổn định.

Ít ai có thể tưởng tượng được rằng anh bán rau “xăm trổ”, nói chuyện rổn rảng này đã từng là sinh viên của trường cao đẳng tại Đồng Nai. Sinh ra trong một gia đình khó khăn, bố mẹ làm nông, mỗi tháng anh chỉ được cho 150.000 – 200.000 để lo chi phí sinh hoạt. Anh làm đủ nghề, xoay sở đủ cách để có thể tiếp tục đến trường. Sau khi tốt nghiệp, anh xin vào làm việc ở một công ty bảo trì máy móc. Tự nhận mình hơi cục tính, anh cũng chẳng thể gắn bó ở đây lâu dài. 

Anh nhớ lại: “Tôi làm đủ nghề, buôn giày dép, thực phẩm… khi thì theo đứa bạn lên chợ đầu mối Thủ Đức khuân hàng về bán, nếm trải đủ thành công và thất bại. Dần dần, tôi biết được nghề rau và gắn bó nó với bây giờ”.

Cách đây 7 năm, anh bắt đầu mở một quầy rau miễn phí dành cho người có hoàn cảnh khó khăn. Anh nhớ lại: “Trước đây, khi kinh tế khấm khá tôi lại bắt đầu vướng vào cờ bạc, nhậu nhẹt, tiêu tiền một cách không suy nghĩ… Nhờ vợ con, tôi tìm được động lực để từ bỏ những thứ tiêu cực. Có những đêm, tôi nhớ về thời sinh viên của mình, sống xa nhà và thiếu thốn đủ thứ. Khi ấy, tôi đã từng nghĩ rằng sau này có một công việc ổn định, tôi sẽ mở một chỗ miễn phí giúp đỡ sinh viên, người khó khăn. Nghĩ là làm, quầy rau của tôi từ ấy đã được hình thành”. 

Quầy rau tuy nhỏ, nhưng cũng đủ để nhiều người có hoàn cảnh khó khăn lui tới mỗi khi cần. Có chị công nhân nhờ quầy rau của anh mà đã dành dụm được tiền mua cho con chiếc xe đạp cũ. Những niềm vui be bé cứ thế được nhân lên từng ngày. 

Những tấm biển “chất chơi”

“Không đeo khẩu trang, bán đắt gấp đôi”, “Đeo khẩu trang hở mũi, không thêm hành ngò”… Đó là nội dung của những tấm bảng thú vị khiến khách hàng không khỏi tò mò, thích thú. Anh kể: “Đợt con gái thứ 3 nằm viện, tôi vào chăm bé thấy người ta kiểm soát phòng dịch rất chặt chẽ. Mình buôn bán hằng ngày thì tiếp xúc với bao nhiêu người, thế mà có những người không mang khẩu trang, hoặc kéo xuống cằm để nói chuyện. Thế là tôi viết tấm bảng ấy lên. Không nghĩ rằng có quá chừng người để ý, chụp ảnh rồi đăng tải trên mạng xã hội” (cười).

Hay những lúc mệt mỏi quá, anh sẵn sàng nằm nghỉ và để biển: “Mấy em tự cân tự tính tiền, bảng giá để ở bên dưới. Cảm ơn”. Khi tôi bày tỏ sự ngạc nhiên, anh không sợ người ta đến lấy hàng rồi bỏ đi sao. Anh chỉ cười bảo: “Có sao đâu, người đến mua hàng của tôi đa số là khách quen. Họ thừa biết tính tôi như nào, người ta đến lấy hàng, cho vào túi, để tiền ở đó và đi; hoặc có người hôm sau mới quay lại đưa tiền. Mà nếu như ai đó ăn cắp rau của tôi cũng chả sao, vì hẳn là họ phải nghèo khó lắm mới cần làm như thế”.

Cái tính phóng khoáng, hào sảng là “đặc trưng” của ông chủ quầy rau này. “Rất nhiều người hỏi tôi buôn bán có khấm khá không mà cứ cho rau mãi thế. Tôi chỉ biết cười, có mấy hôm ế lắm chứ, nhưng cả tháng vẫn dành dụm, gói ghém để mang rau miễn phí đến cho bà con. Nhiều khách quen đến thấy những phần rau to được bó sẵn, họ tự động lấy vì biết đó là miễn phí. Vợ tôi cũng vui lòng bởi cô ấy thấy tôi bớt hẳn những khoản tiền vào nhậu nhẹt, tụ tập để làm việc tốt, giúp đỡ được nhiều người”, anh bộc bạch.

Dịch bệnh bùng phát kéo theo số lượng lớn người mất việc, trong đó có các công nhân ở công xưởng, nhà máy, khu công nghiệp. Quầy rau của anh Minh trở thành điểm đến thường xuyên của họ. Một bó rau có khi chẳng đáng bao tiền, nhưng nó lại trở thành một nơi để san sẻ lo toan cơm áo gạo tiền, để người ta vẫn còn có thể mỉm cười vì những điều tử tế trên đời này.

Chia sẻ

Bài viết

Khải Anh

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất