Logo Saostar - Special
SPECIAL

Chuyện đời vị Đại tá 4 năm băng rừng chữa bệnh cho người nghèo và ước mơ hiến toàn bộ cơ thể cho Y học

Chia sẻ
Chuyện đời vị Đại tá 4 năm băng rừng chữa bệnh cho người nghèo và ước mơ hiến toàn bộ cơ thể cho Y học

Chuyện đời vị Đại tá 4 năm băng rừng chữa bệnh cho người nghèo và ước mơ hiến toàn bộ cơ thể cho Y học

“Ngày 16/8, 3 thôn Ngam Lăm, Cốc Chứ, Na Pạc Đổng (Mường Khương, Lào Cai) chìm trong biển nước. 150 hộ dân tại đây bị cô lập hoàn toàn, đời sống sinh hoạt khó khăn vô cùng… Sáng 6/9, một cơn mưa lớn khác trút xuống huyện miền núi Mường Lát (Thanh Hóa), hàng nghìn người dân nhanh chóng bị cô lập. Lương thực tại chỗ đã sắp cạn kiệt, bà con ngóng chờ sự tiếp tế của đoàn cứu trợ tỉnh… nhưng đường đi thì còn lắm khó khăn.”

Đó là 2 trong số vô vàn tin tức được phát đi trên phương tiện truyền thông đại chúng. Mỗi năm ở khắp dải đất Việt Nam có hàng trăm nghìn tin tức như thế được đăng tải, nhất là mùa mưa lũ. Nhiều người nghe xong rồi để đó, không quan tâm. Nhưng đối với Đại tá Đỗ Kim Bàng (65 tuổi) thì lại là câu chuyện hoàn toàn khắc. Từng ấy thông tin cũng đủ thiêu đốt ruột gan, khiến ông lo lắng, ngủ không yên giấc.

Ngay khi nghe tin bão về, lũ lụt, sạt lở đất hoành hành,… việc đầu tiên mà vị Đại tá Quân đội 65 tuổi này làm là tìm hiểu xem nơi đó ở đâu, gặp khó khăn thế nào và cùng những người bạn chung chí hướng vạch một kế hoạch chi tiết để lên đường cứu giúp.

4 năm qua, từ khi biết đến Hội Bác sĩ tình nguyện miền Bắc, chú Bàng đã không ngại trèo đèo, lội suối, băng rừng vượt hàng trăm km để tới từng thôn bản khám bệnh, cứu người, cấp thức ăn, đồ dùng miễn phí… Chú trở thành tình nguyện viên lớn tuổi nhất nhì Hội.

Song, những câu chuyện đó chưa một lần được kể trên mặt báo. Phần vì chú không thích phô trương, phần vì hoạt động của Hội bấy lâu vẫn diễn ra khá âm thầm, lặng lẽ với phương châm “giúp người không cầu trả ơn”. Nhưng dường như những câu chuyện ngoài cuộc sống, càng chưa từng lên báo, càng âm thầm lặng lẽ lại càng ấm áp và khiến người ta dễ rơi lệ.

Và câu chuyện mà chúng tôi sắp kể ra dưới đây cũng là một ví dụ như thế.

Chuyện đời vị Đại tá 4 năm băng rừng chữa bệnh cho người nghèo và ước mơ hiến toàn bộ cơ thể cho Y học

Tháng 8 vừa qua, Sơn La là một trong những địa phương hứng chịu hậu quả nặng nề của mưa lũ và sạt lở đất. Lần đầu tiên sau hơn 20 năm kể từ trận lụt lịch sử 1991, người dân Sơn La mới lại thấy một đợt mưa lũ kinh hoàng, nước ngập qua nóc nhà… Giữa những ngày như thế, có hàng trăm y bác sĩ chỉ trực nước rút đi một chút là sẵn sàng vác ba lô, đồ nghề lên đường, vượt hàng trăm km từ Hà Nội tìm về rốn lũ Sơn La để chữa bệnh miễn phí.

Chuyện đời vị Đại tá 4 năm băng rừng chữa bệnh cho người nghèo và ước mơ hiến toàn bộ cơ thể cho Y học

Đường lên vùng lũ ngày mưa bão khó khăn vô cùng. Đoàn xe chỉ còn cách khu vực chữa bệnh 15km thì gặp ngay một chiếc xe gặp nạn, chắn ngang giữa đường. Sốt ruột khi nghĩ người dân phải ngóng đợi, hàng trăm bác sĩ đã sắn tay áo, vác đồ nghề cuốc bộ hơn 15km để vào tới thôn bản ở Yên Châu, Sơn La.

Chữa bệnh cho bà con, các bác sĩ phải làm việc từ 7-12h trưa và nghỉ khoảng 30 phút sau lại quay vào làm việc cho đến khi nào hết bệnh nhân. Đêm đến, tập thể y bác sĩ ngủ vạ vật, nam bên nam, nữ bên nữ la liệt trong phòng chung. Chỉ kịp chợp mắt một chút thì trời sáng bưng, tất cả lại quay cuồng vào công việc. Họ nói rằng, đi bao xa mới đến được Sơn La cho nên còn chút thời gian nào, đều tranh thủ khám chữa bệnh hết công suất.

Hội Bác sĩ tình nguyện miền Bắc hiện do Trưởng khoa Tim mạch viện 108 làm chủ tịch. Mỗi lần đi đến đâu, đều có thư xin phép UBND và Sở y tế cấp tỉnh. Ở đây, các bác sĩ có thể làm xét nghiệm máu, nội soi, siêu âm, cấp phát thuốc miễn phí, tầm soát ung thư, bệnh tim bẩm sinh, phụ khoa, nam khoa… Đối với những ca bệnh nặng, cần khám kỹ lưỡng hoặc điều trị phức tạp hơn, các bác sĩ sẽ tư vấn hoặc tài trợ cho bệnh nhân lên tuyến trung ương để tiếp cận dịch vụ y tế tốt nhất.

Chuyện đời vị Đại tá 4 năm băng rừng chữa bệnh cho người nghèo và ước mơ hiến toàn bộ cơ thể cho Y học

Đó là một phần trong rất rất nhiều công việc mà 4 năm qua, Đại tá Đỗ Kim Bàng (Long Biên, Hà Nội) vẫn thường làm. 4 năm với gần 1500 ngày đêm, Đại tá Bàng đã cùng những người bạn của mình băng hàng nghìn km đường rừng núi và Yên Châu, Sơn La chỉ là một trong vô vàn câu chuyện mà cả Hội đã trải qua.

“Mỗi tháng bọn chú đi 1 địa chỉ khác nhau, không lặp lại nơi đã đi qua trừ khi nơi ấy có thiên tai, bão lũ. Lúc có những chuyện như thế xảy ra thì không kể theo lịch trình, cứ xin được giấy phép là anh em lại hò nhau lên đường. Lắm lúc ngồi nghe tin bão lũ mà chú thấy sốt ruột vì biết, thiên tai thường đi kèm với dịch bệnh. Nghĩ đến cảnh người dân bị cô lập, bệnh tật, lũ lụt làm khổ lại thấy thương tới cháy ruột, cháy gan, mong làm sao chóng chóng lên đường để giúp họ”.

Có rất nhiều người mỗi lần nghe tin đồng bào gặp khó khăn, thiên tai địch họa cũng cảm thấy lo lắng, xót xa giống Đại tá Bàng. Nhưng chắc chắn, không nhiều người dám bỏ công sức, tiền bạc để biến lòng thương ấy trở thành hành động thiết thực.

Bọn chú cứ đi, tiền thì vận động nhà hảo tâm hoặc nếu không có thì các thành viên tự bỏ ra để góp vào. Hội chỉ đi ở miền Bắc, chủ yếu là vùng núi còn trong nam thì lại có Hội trong đó”.

Đại tá Bàng vừa nói, vừa cười, gương mặt xô lại những nếp nhăn chằng chịt. Nhìn dáng vóc mảnh khảnh, luống tuổi ấy, không ai nghĩ 4 năm đã qua, dấu chân của chú Bàng đã in hằn trên rất nhiều vùng đất xa xôi. Tham gia cùng đoàn, công việc chính của Đại tá là khám tai mũi họng cho bệnh nhân. Ở đoàn, dù là người lớn tuổi nhất nhì nhưng Đại tá không bao giờ ngại khó, vẫn thường xắn tay áo, phăng phăng làm việc như thanh niên.

“Lúc làm việc thì không phân biệt già trẻ, gái trai. Đã đi tình nguyện thì ai cũng như ai, thanh niên vác đồ cuốc bộ thì chú cũng thế thôi: Cũng quét dọn, khám bệnh, cũng bê vác, trèo đèo lội suối”, Đại tá Bàng kể.

Chuyện đời vị Đại tá 4 năm băng rừng chữa bệnh cho người nghèo và ước mơ hiến toàn bộ cơ thể cho Y học

Đường vào bản nghèo dù chông chênh, heo hút, đất đỏ lầy lội hoặc khô cằn sỏi đá… mấy năm qua, Đại tá Bàng vẫn miệt mài đi mãi. Đến thôn bản, cả Hội dựng địa điểm khám chữa bệnh rồi lại đi đến từng nhà, lên tận nương rẫy để vận động người dân tham gia.

Ngoài công việc ấy, chú Bàng còn về từng điểm trường dạy học sinh cách đánh răng, vệ sinh cá nhân, tới từng gia đình dạy cách mắc màn, phòng tránh dịch bệnh, sơ cứu khi có người đuối nước, vận động người dân không uống rượu, hút thuốc hoặc tuyên truyền bảo vệ môi trường, kế hoạch sinh sản…

Công việc của Hội khép lại, Đại tá Bàng theo đoàn trở về Hà Nội. Nhưng mọi việc vẫn chưa dừng lại ở đó. Hàng tuần, hàng tháng chú vẫn tham gia hoạt động của Hội ở Hà Nội, khám chữa, tư vấn bệnh miễn phí cho người dân ở quán cafe Mơ Phố.

Bận rộn với chuyện “vác tù và hàng tổng” nên căn nhà riêng của vợ chồng Đại tá Bàng ở Ngô Gia Tự (Long Biên, Hà Nội) lắm lúc còn phủ đầy bụi, nước uống cũng cạn sạch. Vợ chú bận việc riêng với con cháu nên ít khi ở nhà còn chú Bàng dường như mấy năm nay đều sống chủ yếu trong những chuyến đi dài về vùng núi phía Bắc.

“Hết đi cùng Đoàn, tôi lại đi cùng tổ dân phố, mang quần áo, chăn màn, thức ăn…. làm từ thiện cho đồng bào vùng bão lũ, hộ chính sách, khó khăn. Rồi chú còn đi cùng gia đình nữa. Nhiều khi đọc báo, thấy hoàn cảnh khó khăn là chú lại cập nhật địa chỉ rồi đại gia đình cùng nhau đi làm từ thiện. Sau Tết Dương lịch, tới đây, gia đình chú cũng sẽ mang 2.000 cuốn sách lên vùng cao tặng các em học sinh….”, Đại tá Bàng miệt mài kể.

Chuyện đời vị Đại tá 4 năm băng rừng chữa bệnh cho người nghèo và ước mơ hiến toàn bộ cơ thể cho Y học

Câu chuyện của chú có quá nhiều chi tiết và gần như nối dài không có điểm dừng. Hệt chú, mấy năm nay đôi chân cứ đi mãi, đi mãi nối dài hành trình chưa hẹn có điểm dừng.

Chuyện đời vị Đại tá 4 năm băng rừng chữa bệnh cho người nghèo và ước mơ hiến toàn bộ cơ thể cho Y học

Người ta thường nói, những cuộc gặp gỡ trên đời này đều bắt nguồn từ chữ duyên nhưng lại được nối dài bằng chữ tình. Duyên do trời mà tình là do người. Có duyên mà không có tình thì chẳng thể nào đi với nhau được dài lâu. Và cuộc gặp gỡ giữa Đại tá Bàng và Hội Bác sĩ Tình nguyện miền Bắc cũng như thế… mọi thứ như đã được số phận sắp đặt.

“Hồi còn công tác là lúc tham gia kháng chiến chống Mỹ, chú làm Chủ nhiệm Hậu cần trong đơn vị chuyên lo tất cả vấn đề sức khỏe, nhu yếu phẩm… cho bộ đội. Về hưu rồi thì tình cờ biết đến Hội Bác sĩ Tình nguyện và tham gia mấy đó đã 4 năm rồi”.

Chuyện đời vị Đại tá 4 năm băng rừng chữa bệnh cho người nghèo và ước mơ hiến toàn bộ cơ thể cho Y học

Chú Bàng vẫn thường kể chuyện của mình khiêm tốn và nhẹ nhõm như thế. 4 năm nói ra chỉ gói gọn trong 2 từ, phát âm chưa đến 1 giây nhưng để làm được điều ấy là cả một hành trình gian khó. Chỉ có điều, một người như chú Bàng thì không bao giờ nghĩ chuyện leo lên những tuyến xe đi cả ngày trời, lội suối, vượt đèo, đi chữa bệnh, ôm hàng tá đồ đạc khuân vác đi làm từ thiện theo kiểu dã chiến là mệt mỏi.

Nhìn bà con cười vui vẻ, thấy mình giúp được họ việc nhỏ thôi đã đủ vui lắm rồi. Ở vùng núi người dân khó khăn, cái gì cũng thiếu. Chú thương họ nghèo khó, thương vì dù có tiền cũng không biết chỗ chữa bệnh. Nhà cửa cách xa điểm y tế mấy chục cây số, đi lại khó khăn có khi mất cả ngày trời. Nhiều người vì ngại đường xa, cứ tin theo các hủ tục cúng lễ rồi dùng thuốc lang y nhưng không khỏi, tiền mất mà tật mang”.

Nói đến đây, chú Bàng nhớ lại một bệnh nhân 37 tuổi ở Tân Kỳ, Nghệ An, suốt 4 năm sống trong mặc cảm vì nghĩ mình bị bệnh u não. Cho rằng mình sẽ chẳng sống được bao lâu, người đàn ông ấy rơi vào trạng thái trầm cảm, u uất. 4 năm đã tàn phá cả sức khỏe lẫn tâm hồn bệnh nhân khiến anh từ một người trẻ trở thành 1 ông già với vẻ ngoài héo mòn không khác gì người gần 70 tuổi.

Gia đình hao tiền tốn của chạy chữa không đúng nơi. Đến khi Hội Bác sĩ Tình nguyện miền Bắc về thăm khám, đưa bệnh nhân ra Hà Nội làm xét nghiệm mới phát hiện không phải bị u não.

“Ở miền núi, đôi khi đói ăn đói mặc còn không sợ bằng thiếu thốn dịch vụ y tế, giáo dục, thiếu kiến thức, không biết nơi nào để chữa bệnh. Chú và những người trong Hội thường rất thương những người như bệnh nhân 37 tuổi ấy và cũng rất vui vì biết sau xét nghiệm, biết mình không bị u não, bệnh nhân đã vui vẻ trở lại, thoát khỏi mặc cảm và dần dần cải thiện sức khỏe tốt hơn”.

Chuyện đời vị Đại tá 4 năm băng rừng chữa bệnh cho người nghèo và ước mơ hiến toàn bộ cơ thể cho Y học

Chú Bàng bảo 4 năm qua gắn bó với Hội Bác sĩ Tình nguyện miền Bắc, đi khắp nơi chữa bệnh không lấy tiền cũng chỉ vì những nụ cười như thế. Khi đến bản làng có thể là vào ngày mưa gió, bão bùng nhưng đến lúc rời đi, chỉ cần nhìn thấy nụ cười lạc quan của người dân thì dường như mây đen cũng bị xóa tan và ánh nắng lại rọi lên ngập tràn niềm hy vọng mới.

Chuyện đời vị Đại tá 4 năm băng rừng chữa bệnh cho người nghèo và ước mơ hiến toàn bộ cơ thể cho Y học

Ngoài niềm vui của bệnh nhân, động lực để chú Bàng tham gia Hội Bác sĩ Tình nguyện miền Bắc là bấy lâu nay, công tác khám chữa bệnh thiện nguyện ấy đã giúp cuộc sống của chú trở nên vui vẻ, nhiều màu sắc hơn.

“Mình đi đến nhiều nơi, hiểu văn hóa nhiều vùng miền tự dưng thấy tích lũy được nhiều kiến thức, kinh nghiệm sống. Công việc bận rộn cũng làm con người năng động, bớt ù lì hơn rồi ở trong Hội, mọi người rất quý chú, thường hay gọi bố xưng con. Lắm lúc tụi nó còn hay trêu nhờ đi tình nguyện cùng thanh niên mà chú có thêm cả đàn con yêu dấu”.

Chú Bàng không thích nói nhiều đến khó khăn mà chỉ muốn kể những lợi ích mà công việc từ thiện đem lại. Chú thường bảo, xã hội có người nọ người kia, có mặt tốt mặt xấu. Nhiều người ủng hộ hoạt động của các chú nhưng cũng có người chê bai, rè bỉu ấy là chuyện bao đồng… “Nhưng trên hết, mình cứ sống với cái tâm của mình trước đã. Chú làm việc tốt không cần trả ơn hay cảm ơn nhưng chú luôn tin, việc từ tâm thì sẽ chạm đến trái tim người khác. Làm việc thiện mà tâm mình thanh thản hơn cũng đã là một món quà quý lắm rồi”.

Chuyện đời vị Đại tá 4 năm băng rừng chữa bệnh cho người nghèo và ước mơ hiến toàn bộ cơ thể cho Y học

Đại tá Bàng luôn tin việc từ tâm sẽ dễ dàng chạm đến trái tim mọi người.[/caption]

Là một người có trái tim thiện nguyện và khao khát cống hiến cho sự phát triển của ngành Y, chú Bàng đã đăng ký hiến tạng và toàn bộ cơ thể sau khi mất đi. Tấm giấy chứng nhận từ Trung tâm Hiến tạng Quốc gia, chú thường mang theo bên mình để phòng lỡ có tình huống không may, các y bác sĩ có thể kịp thời lấy tạng và xác phục vụ việc cứu người và nghiên cứu khoa học.

“Ban đầu chú cũng lăn tăn chuyện hiến xác nhưng rồi mình lại nghĩ đây là việc rất cần thiết. Vả lại, người mất đi thể xác không thể đem theo, bao nhiêu năm sau cát bụi lại về với cát bụi mà thôi. Thế nên chú muốn hiến hết cho Y học và luôn mang theo tấm giấy chứng nhận này. Nhiều người nhìn nó có thể sợ hãi vì nghĩ đến cái chết nhưng chú thì thấy bình thường và luôn trong tâm thế sẵn sàng đón nhận mọi thứ”.

Bài viết

Vương Phi

Chia sẻ